Kỷ luật tích cực với con cái
   "Đừng nói với mẹ bằng cái giọng đó!”: Sự tức giận thì sao? Cách xử lý những cảm xúc khó
 

Giống như người lớn, trẻ sẽ cảm thấy tức giận và chán nản hết lần này đến lần khác. Rốt cục, có quá nhiều thứ mà một đứa trẻ không thể hiểu được, hay không thể làm được.

Thật không may. những đứa trẻ vẫn chưa có đủ kỹ năng hay sự chín chắn, để thể hiện sự tức giận và chán nản của mình, theo các cách mà người lớn có thể chấp nhận - điều này lý giải tại sao mà những đứa trẻ đang tức giận, thì thường bị coi là những đứa trẻ có hành vi cư xử sai. Cả người lớn và trẻ con đều cần phải tìm ra những cách tích cực, có thể chấp nhận được, để xử lý những cảm xúc của bản thân, cho dù đó là những cảm xúc khó.

Khi bạn trở nên tức giận hay xúc động quá mức, một điều thú vị sẽ diễn ra trong não bạn. Phần não trước trán - phần đảm nhận việc kiểm soát cảm xúc, điều tiết cơn bốc đồng, và phán đoán tốt - ngắt kết nối, để mặc bạn với những cơn xúc động mạnh và cảm xúc tự nhiên. (Điều này thường được biết đến như là việc "mất bình tĩnh", điều mà thỉnh thoảng các bậc cha mẹ vẫn trải qua.) Hãy nhớ rằng tế bào thần kinh phản chiếu dễ dàng bắt được những cơn xúc động mạnh. Vì vậy khi bạn mất bình tĩnh, thì con của bạn cũng có thể giống như bạn - và ngược lại. Không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả mà không có phần não trước trán, điều này giải thích nguyên nhân và tầm quan trọng của việc cần phải có một khoảng thời gian tạm nghỉ tích cực, để làm dịu lại cảm xúc, trước khi đi đến nỗ lực để giải quyết vấn đề.

 

Khi một đứa trẻ tức giận, người lớn thường hay gọi nó là một "cơn nổi giận". Tặng cho trẻ một cái ôm hay một khoảng thời gian tạm lắng (và phải hiểu rằng một đứa trẻ thì chưa thể xử lý được những cơn xúc động mạnh theo cách chín chắn) là bước đầu tiên giúp đỡ trẻ. Đôi khi cho phép trẻ cảm thấy tức giận, cho đến khi cơn tức giận tan biến đi, là cách hữu hiệu nhất. Sau đó bạn có thể áp dụng những câu hỏi thể hiện tính ham học hỏi để giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình, và tìm ra các giải pháp.

Ngày càng có nhiều cha mẹ và những người trông trẻ có thể tìm cách xử lý cơn tức giận của một đứa trẻ, hơn là chỉ đơn giản đáp trả lại cơn nóng giận của trẻ. Sau khi trẻ lấy lại được sự bình tĩnh, bạn có thể dạy trẻ tự tìm hiểu việc tại sao trẻ tức giận. Bạn cũng có thể giúp trẻ nhận thức được rằng tức giận là cảm xúc tự nhiên sâu xa, và giúp trẻ học được những cách để xử lý cảm xúc.

Tầm quan trọng của việc hiểu cảm xúc

Michael Thompson, Dan Kindlon,William Pollock, và những nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng: Không một đứa trẻ nào sinh ra đã có "vốn từ về cảm xúc", và việc sử dụng những từ ngữ diễn đạt cảm xúc của cha mẹ với con cái mình có tính quan trọng đặc biệt. Các bé trai thường phát triển các kỹ năng xử lý cảm xúc chậm hơn các bé gái. Thêm vào đó, nền văn hóa phương Tây thường cho rằng những cảm xúc như là sợ hãi, đau buồn, cảm giác cô đơn là ‘yếu đuối", và họ khuyến khích các bé trai phải kìm nén lại những cảm xúc đó. Sử dụng ngôn ngữ chính xác, đơn giản để phản ánh, hay diễn tả cảm xúc sẽ dạy cho trẻ xác định được trẻ đang cảm thấy thế nào, và mỗi lần như vậy làm cho trẻ có thêm khả năng, và học được cách sử dụng những lời nói, thay vì dùng những hành vi không tốt để thể hiển cảm xúc.

Làm thế nào để bé nhận ra và xử lý cảm xúc?

Sau đây là một số cách bạn có thể sử dụng, để giúp trẻ nhận ra và thể hiện những xúc động mạnh.

• Cùng trẻ vẽ một bức tranh diễn đạt cảm xúc bên trong của trẻ đang như thế nào. Nó có màu sắc không? Hay có âm thanh không?

• Đề nghị trẻ nói về điều mà trẻ đang cảm nhận, thay vì thể hiện nó ra bằng hành động. Bởi vì hầu hết trẻ con đều vô thức nhận ra những cảm xúc của mình, và thường thiếu những từ ngữ để diễn tả cảm xúc một cách chính xác: "Giống như là con đang cảm thấy bị tổn thương và muốn trả đũa ai đó." "Con đang có một khoảng thời gian khó khăn vì đang giữ con tức giận trong người phải không?" "Khi con không có được điều con muốn, thì điều đó làm con cảm thấy tức giận đến nỗi, hầu như là con không thể chịu được phải không?" Khi bạn phán đoán đúng cảm giác của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy được quan tâm, và được tin tưởng vì đã hiểu trẻ.

• Hãy hỏi trẻ điều mà trẻ nhận thấy đang diễn ra trong cơ thể, khi trẻ thật sự tức giận. Bởi vì sự tức giận gây ra những phản ứng về thể chất (chất adrenalin được giải phóng ra, nhịp tim và nhịp thở tăng lên, những mạch máu giãn ra...), và hầu hết mọi người đều thật sự cảm thấy tức giận theo quy luật tự nhiên. Nếu như trẻ nói rằng khi tức giận trẻ cảm thấy bàn tay siết chặt, hay trẻ cảm thấy có một điểm thắt lại trong bụng, mặt cảm thấy nóng (tất cả những phản ứng thông thường), thì bạn có thể giúp trẻ nhận ra khi nào trẻ thật sự cảm thấy tức giận, và đưa ra các cách để làm dịu lại cảm xúc trước khi cơn tức giận vượt khỏi tầm kiểm soát. (Người lớn cũng vậy, chúng ta có thể thấy được lợi ích từ việc chú ý đến những biểu hiện tương ứng với cảm xúc của cơ thể.)

• Giữ một tập hình vẽ những khuôn mặt có những biểu hiện cảm xúc khác nhau, chỉ cho trẻ thấy các hình vẽ, và hỏi trẻ rằng: "Một trong những khuôn mặt này đang thể hiện cảm xúc giống như con đang cảm thấy có đúng không?"

• Đưa ra một vài cách xử trí có thể chấp nhận để xử lý cơn tức giận. Bạn có thể giúp trẻ thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên, bằng việc chạy vòng quanh sân, đấm một "bao cát", hay thậm chí giả vờ làm một con khủng long dữ tợn. (Hãy ở gần trẻ để nói chuyện về những cảm xúc mạnh đó khi trẻ thể hiện chúng.) Một số trẻ mẫu giáo có một "hộp tức giận", một hộp bìa cứng cao bằng đầu gối, nơi mà khi tức giận, trẻ có thể đứng vào đó, nhảy tưng tưng, hay la hét khi trẻ buồn. Thỉnh thoảng, các giáo viên cũng sử dụng nó! La hét trong một cái gối, hay chơi trò Play - Doh cũng có thể giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và bình tĩnh lại.

• Dạy cho trẻ phương pháp thở chậm. Một trong những công cụ hay nhất trong tất cả, là sử dụng phương pháp thở chậm và tập trung. Đây là điều mà một đứa trẻ (cả người lớn) có thể làm vào bất kỳ lúc nào, và ở bất kỳ đâu. Tập hít vào và thở ra, trong khi đếm chậm tới 4 mỗi lần bạn hít vào hoặc thở ra. Làm điều này cho một vài lần hít thở. Một đứa trẻ lớn hơn có thể học sử dụng nhịp thở, và phát hiện ra rằng thở chậm thật sự làm chậm lại nhịp tim. Thật là một phát hiện tuyệt vời và hiệu quả.

 

• Hãy hỏi trẻ: "Nếu có một khoảng thời gian tĩnh lặng tích cực để làm dịu đi cảm xúc, trước khi những cơn xúc động mạnh biến thành hành động sẽ có ích chứ?" (Điều này chỉ hiệu quả khi trẻ hiểu được khái niệm về khoảng thời gian tĩnh lặng tích cực, như đã được giải thích ở chương 1.) Bạn có thể sử dụng đến khoảng thời gian tĩnh lặng với trẻ, cũng như với chính bản thân bạn, vì nó chính là một sự trợ giúp tích cực mà bạn cần đến.

• Hãy sử dụng những cuốn sách có hình minh họa, hoặc những bức tranh, để bắt đầu cuộc nói chuyện về sự tức giận và những cảm xúc. Hai cuốn sách tuyệt vời về sự tức giận và những cảm xúc là Bombaloo của tác giả Rachel Vail, nhà xuất bản Scholastic, 2002, và cuốn The way I feel của tác giả Janan Cain, nhà xuất bản Parenting, 2000. Những bức tranh về những người khác nhau, thể hiện những cảm xúc khác nhau thì rất có ích. Bởi vì nó dạy trẻ nhận ra những biểu hiện của khuôn mặt, và những ngôn ngữ cơ thể - điều này giúp phát triển sự đồng cảm - đồng thời cũng đặt tên cho những cảm xúc đó. Hoạt động này cũng giúp trẻ xác định được chính xác những cảm xúc của mình, và những biểu hiện của cơ thể kèm theo đó. (Phương pháp này tỏ ra hữu hiệu nhất khi bạn và con đang bình tĩnh, và có thể cùng nhau nói chuyện về những điều trẻ học được.)

• Giúp trẻ tạo ra một "vòng lựa chọn tức giận'. Sau đó trẻ có thể lựa chọn một phần từ cái vòng đó để thể hiện điều mà trẻ cảm nhận. Điều này sẽ giúp trẻ thể hiện sự tức giận theo một phương thức không gây tổn thương. Hãy sử dụng bất kỳ một trong những ý tưởng đã liệt kê, và biến nó trở thành phương thức của chính bạn.

• Hãy để trẻ nói ra những lời tức giận cuối cùng. Chẳng có lợi gì khi phải cố gắng ngồi nghe một đứa trẻ đang tức giận, hay cố gắng sửa chữa những lỗi lầm cho trẻ. Hãy có niềm tin ở trẻ, hãy để cho cảm xúc của trẻ thể hiện ra hết, và khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, hãy tập trung vào dạy cho trẻ các kỹ năng, để trẻ có thể tự tìm ra các giải pháp cho những vấn đề của mình.
Tức giận không phải là cảm xúc khó khăn duy nhất mà những đứa trẻ phải học cách để xử lý. Bằng việc thực hiện kỹ năng nghe tích cực, dành thời gian để tìm hiểu, và sử dụng một vài ý tưởng trong số những ý tưởng nêu trên, người lớn cũng có thể giúp trẻ xử lý một cách chân thực những cảm xúc lo lắng, sợ hãi, buồn khổ... và tất cả những cảm xúc mà vẫn luôn luôn tồn tại cùng với con người.
Những xung đột gia tăng rất nhanh khi nhiều đứa trẻ cùng tham gia. Giáo viên sẽ thấy rõ lợi ích khi thực hiện nhiều cách làm xoa dịu sự tức giận, hay cho phép nhiều nhóm học sinh chơi trò "Cùng nhau giả vờ" để nói về điều gì diễn ra trong cơ thể, khi chúng cảm thấy tức giận. Việc nói chuyện chỉ tập trung vào những cảm xúc, và những kỹ năng dạy dỗ tích cực để xử lý cảm xúc có thể dành cho tất cả mọi người, cả trẻ em lẫn người lớn. Hãy tạo ra một kế hoạch để làm theo, khi mà những cơn xúc động mạnh mẽ đang xâm lấn. Một vòng tròn lựa chọn tức giận trong lớp học sẽ là một công cụ hữu ích để làm theo, đưa ra những hành vi cư xử phù hợp, và tạo ra ý tưởng cho việc giải quyết những cảm xúc mạnh mẽ.

Thể hiện chân thật cảm xúc của mình

Cha mẹ và các giáo viên thường hay tự hỏi: "Họ nên chia sẻ với trẻ bao nhiêu phần cảm xúc thật sự của mình?" Vì có quá nhiều điều trong cuộc sống, nên trẻ học hỏi tốt nhất bằng việc coi người lớn như là hình mẫu để noi theo. Cách mà bạn xử lý (hay không thể xử lý) những cảm xúc của chính mình, sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ với trẻ. Nếu như bạn xử lý cơn tức giận của mình bằng việc la mắng, thì bạn không nên ngạc nhiên, khi một đứa trẻ cũng thể hiện đúng như vậy. Mặt khác, nếu bạn có thể tìm ra những cách có lợi để xử lý chính những cảm xúc của bạn, bạn sẽ giảm được nguy cơ dẫn đến cãi vã, và đưa ra cho trẻ một hình mẫu điển hình, về việc làm thế nào để xử lý một cách đúng đắn những cảm xúc của bản thân.
Khi bạn có thể nhận ra cảm xúc của mình, và chia sẻ thế giới cảm xúc của chính bạn với trẻ, thì cũng là lúc bạn có thể kích thích mọi nguồn cảm xúc thú vị trong bạn. Trong một ngày bình thường, một người cha, người mẹ, hay giáo viên có thể cảm nhận được hết tình yêu, sự nồng ấm, sự nản lòng, sự tức giận, sự kích động, sự kiệt sức, hi vọng, và cả nỗi tuyệt vọng. Thật thú vị rằng trẻ rất nhạy cảm với những tình trạng cảm xúc đó của mọi người xung quanh chúng; những tế bào thần kinh phản chiếu, và khả năng đọc được những biểu hiện không lời của trẻ, thường để cho trẻ biết rằng bạn đang cảm thấy thế nào, thậm chí ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn đang hành động hết sức "bình thường". Như vậy, người lớn nên giải thích, và thể hiện như thế nào những cảm xúc của mình với trẻ?

Chân thật với cảm xúc của mình thường là phương pháp tốt nhất. Không chỉ là tạm ổn, mà còn thật sự khôn ngoan, khi nói chuyện với một đứa trẻ một cách bình tĩnh và tôn trọng. "Bây giờ mẹ đang cảm thấy thực sự tức giận". Hãy chú ý rằng từ "con" không có trong câu này. Điều này rất khác với việc nói rằng - "Con làm mẹ rất tức giận." Những câu nói đổ lỗi hay làm xấu hổ thì không cần thiết; đơn giản là hãy thể hiện cho trẻ biết bạn đang cảm thấy thế nào, lý do của những cảm xúc này, và dạy cho trẻ biết về những hậu quả có thể xảy ra, nếu trẻ thể hiện chính những cảm xúc này của bản thân ra ngoài bằng hành động không đúng. Cũng nên nhớ rằng ở độ tuổi này, trẻ tự coi mình là trung tâm, và thường cho rằng bất cứ điều gì bạn đang cảm nhận đều là về trẻ. Việc giải thích những cảm xúc của mình, và lý do tại sao lại có những cảm xúc đó, có thể giúp bạn và con bạn tránh được nhiều hiểu lầm và sự lẫn lộn.

Một cách hữu ích để thể hiện cảm xúc là sử dụng phương pháp "Tôi bày tỏ". Một công thức đơn giản của phương pháp này là "Tôi cảm thấy ... về ... bởi vì ..., và do vậy ...". (Công thức này hữu hiệu khi bạn đang quá xúc động để có thể nghĩ được thẳng thắn.) Phương pháp này cho phép bạn giải thích bạn đang cảm thấy thế nào, và nguyên nhân tại sao.

Phương pháp "Tôi bày tỏ" có một số cách nói sau:

- "Cô cảm thấy lo lắng khi những hình khối bị ném đi trong phòng chơi, bởi vì một trong số các bạn khác có thể bị đau. Dành một chút thời gian tĩnh lặng để con bình tĩnh lại sẽ giúp được con chứ, hay là con muốn có một cách giải quyết vấn đề khác?"

- "Mẹ cảm thấy tức giận khi ngũ cốc bị đổ ra sàn, bởi vì mẹ đang mệt mỏi, và không muốn dọn dẹp đống bừa bộn đó. Nếu như ngũ cốc lại bị đổ ra sàn lần nữa, mẹ sẽ nghĩ rằng con đã quyết định không ăn nó, và có thể con sẽ phải để dành bát của con, hoặc là mẹ sẽ làm điều đó cho con."

- "Bố cảm thấy buồn và chán nản, bởi vì xe hơi bị sịt lốp, và bố sẽ phải đi làm muộn."

- "‘Mẹ bây giờ đang cảm thấy cực kỳ tức giận. Mẹ cần một khoảng thời gian tĩnh lặng, cho đến khi mẹ có thể bình tĩnh trở lại, vì vậy con đừng làm hay nói bất cứ điều gì mà sau này con cảm thấy hối tiếc."
Cha mẹ và cô giáo có thể tách trẻ ra khỏi những hành vi không thích hợp của bé. Bạn có thể cam đoan lại một lần nữa với trẻ, về vị trí của trẻ có ảnh hưởng lớn thế nào đối với bạn, và động viên cho những nỗ lực của trẻ tìm hiểu về thế giới của chính bé. Trong khi đó, bạn vẫn phải dạy trẻ một điều rằng, những hành vi cư xử hay hành động tự nhiên thì không thể chấp nhận. Ví dụ:

- "Mẹ yêu con, nhưng mẹ không thể cho phép con đá mẹ khi con cảm thấy tức giận."

- "Mẹ rất vui vì con muốn học làm bếp, nhưng mẹ cũng không thể chấp nhận được việc có bút chì màu ở trong lò nướng."

- "Mẹ đánh giá cao sự giúp đỡ của con, nhưng con vẫn chưa đủ khả năng để sửa cái máy hút bụi đâu."
Hãy nhớ rằng hành động là công cụ dạy dỗ có hiệu quả hơn là lời nói. Nếu như trẻ đang trong tình trạng dễ bị tổn thương hay bị đau, đầu tiên hãy hành động với sự tốt bụng và bền bỉ - sau đó mới là lời nói.

Mamnon.com

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Đừng nói với mẹ bằng cái giọng đó!”: Tôi có nên bảo vệ con khỏi sự đau buồn và lo lắng? (13/12)
 PHẦN VIII: “Tại sao bé lại làm như thế? ": Thông điệp của những hành vi cư xử không phù hợp. (12/12)
 “Tại sao bé lại làm như thế? Con của tôi lại làm như vậy?”: Hành vi cư xử sai hay thông điệp bị mã hóa? (12/12)
 “Tại sao bé lại làm như thế? Con của tôi lại làm như vậy?”: Phá vỡ mật mã (12/12)
 “Tại sao bé lại làm như thế? Con của tôi lại làm như vậy?”: Thời gian đặc biệt (11/12)
 PHẦN IX: Những mục tiêu sai lầm trong gia đình: (11/12)
 Những mục tiêu sai lầm trong gia đình: Xác định mục tiêu được quan tâm quá mức (11/12)
 Những mục tiêu sai lầm trong gia đình: Quyền lực bị mất hay là “mẹ không phải là bà chủ của con” (10/12)
 Sự trả đũa, hay “con sẽ làm cho bố cảm thấy tồi tệ giống như con vậy”! (10/12)
 Mục tiêu tỏ ra không có đủ năng lực:’ con từ bỏ” (10/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i