Xã hội
   Cả nước đang thiếu hơn 70.000 giáo viên mầm non, phổ thông
 

Các trường học khó khăn, xa trung tâm thì thường thiếu giáo viên, nhất là những giáo viên có thâm niên và kinh nghiệm giảng dạy.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay ở các địa phương đang là bài toán đau đầu cho các cơ quan chức năng, nhất là cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vì 2 cấp học này mỗi giáo viên chỉ đảm nhận một môn học.

Vì vậy, hàng năm thì các Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh phải thực hiện công tác điều động, biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác.

Chính vì thế, ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp mỗi khi thực hiện việc luân chuyển giáo viên. Đây thực sự là bài toán khó cho nhiều địa phương, nhiều trường học hiện nay.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều nơi (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: baogialai.com.vn)

Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ

Trong các cấp học hiện nay có lẽ cấp Trung học cơ sở là đang dư thừa giáo viên nhiều nhất và cũng khó thực hiện luân chuyển giáo viên nhất - dù cấp học này do Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng, điều động...

Để dẫn đến tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố lịch sử để lại vì đã có một thời gian các cơ quan chủ quản không làm tốt việc phân bổ, tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên do nhiều người được gửi gắm hoặc ấn về…

Hơn nữa, nhiều giáo viên muốn thuyên chuyển công tác về thành phố, thị xã cho gần nhà nhưng về các địa bàn này khó khăn nên họ dịch chuyển dần và các trường ven đô là nơi họ lựa chọn.

Vì thế, trường học ven thị xã, thành phố là nơi đang thừa giáo viên nhiều nhất.

Bởi, nhiều người xin về, nhiều năm dồn ứ lại thành ra các trường này trở thành nơi “tập kết” giáo viên. Một số hiệu trưởng nhà trường trước đây biết là thừa nhưng cấp trên đưa về đành phải chấp thuận và vì thế việc dư thừa giáo viên ngày một nhiều.

Ở chiều ngược lại, các trường học khó khăn, xa trung tâm thì thường thiếu giáo viên, nhất là những giáo viên có thâm niên và kinh nghiệm giảng dạy.

Vì chỉ có một số giáo viên là người địa phương là họ muốn gắn bó với trường còn những người địa phương khác đến thì cứ qua tập sự một vài năm là họ lại tìm cách để chuyển về gần nhà.

Vậy nên, trường thiếu vẫn thiếu, trường thừa vẫn thừa và cũng từ đây dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ dù chỉ trong một huyện với nhau.

Luân chuyển giáo viên khiến nhiều người lo sợ

Những năm gần đây, khi các cơ quan chức năng thực hiện chính sách tinh giản biên chế và khoán kinh phí cho nhà trường thì xảy ra tình trạng có những trường thừa rất nhiều giáo viên nhưng rất khó “trả” biên chế.

Vì thế, cuối năm học là hiệu trưởng các nhà trường phải báo cáo số lượng thừa thiếu giáo viên về Phòng, Sở cho bộ phận tổ chức.

Khi bộ phận tổ chức rà soát nhân lực của các trường thì sẽ lập danh sách sang Phòng Nội vụ để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện luân chuyển giáo viên.

Nhưng, việc điều động giáo viên ở các trường thừa sang trường thiếu chỉ có những thầy cô mà họ được về gần nhà thì họ mới vui vẻ. Ngược lại, những giáo viên phải điều động đi xa hơn thì họ không chịu đi, nhiều người lên Phòng, Sở để khiếu nại.

Cũng vì thế mà những người có thể điều động được thì các cơ quan chức năng điều động, những trường hợp khó khăn quá thì đành phải luân chuyển theo kiểu “biệt phái” có thời hạn để giáo viên yên tâm sang trường khác công tác.

Tuy nhiên, việc biệt phái giáo viên dẫn đến tình trạng họ đến trường mới công tác nhưng với tâm thế hết thời hạn rồi trở về trường nên khó dành trọn tâm huyết cho trường sở tại.

Ngược lại, các trường tiếp nhận họ cũng không giao những việc quan trọng cho giáo viên biệt phái và họ cũng hờ hững với những giáo viên này…

Cần một giải pháp căn cơ cho nhân sự ngành giáo dục

Thực tế cho thấy, có những trường giáo viên đang dạy đủ hoặc thừa định mức quy định nhưng có những trường thì giáo viên thừa nên các thầy cô ở đó lại rất nhàn.

Trong khi, mức lương, phụ cấp của giáo viên cùng bậc đang cơ bản giống nhau nhưng tiết dạy lại đang rất khác nhau.

Sự khác biệt này không chỉ là trường này với trường khác mà ngay trong một trường thì giáo viên các tổ chuyên môn cũng có sự khác nhau. Có tổ, giáo viên dạy đủ tiết, nhưng cũng có tổ giáo viên chỉ dạy có một nửa hoặc 2/3 định mức.

Vì thế, chúng tôi cho rằng việc tuyển dụng mới giáo viên ở một số môn học, một số địa phương phải thực sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Nếu cứ tuyển dụng cho các trường thiếu thì bài toán thừa thiếu giáo viên vẫn còn dai dẳng nhiều năm nữa.

Vậy nên, các địa phương phải làm tốt công tác tư tưởng giáo viên trên địa bàn của mình để dịch chuyển dần từ các trường thừa sang trường thiếu.

Tuy nhiên, cách điều chuyển giáo viên không nên điều chuyển trực tiếp từ trường thừa sang trường thiếu và nên điều chuyển dích dắc giữa các trường với nhau để tránh tình trạng có những giáo viên phải đi quá xa.

Chẳng hạn, trường A cách trường B 10 km, trường B cách trường C 10 km nhưng trường A thừa giáo viên còn trường C lại thiếu giáo viên.

Thay vì điều động giáo viên từ trường A sang trường C thì các cơ quan chức năng điều chuyển giáo viên trường A sang trường B, còn giáo viên trường B sang trường C. Làm như vậy thì khoảng cách không quá lớn và giáo viên họ sẽ thấy hợp lý hơn…

Song hành với việc dịch chuyển giáo viên thì các trường sư phạm giảm bớt chỉ tiêu đào tạo, các địa phương tính toán cẩn thận nhân lực ngành giáo dục khi tuyển dụng.

Bài toán nhân lực ngành giáo dục có lẽ sẽ còn gian nan thêm một số năm học nữa cho đến khi thực hiện cuốn chiếu xong việc việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì thế, các cơ quan chức năng phải thực sự cẩn thận, công tâm trong việc tuyển dụng, điều động, biệt phái giáo viên để tránh những tiêu cực, không làm tăng thêm quá nhiều biên chế và giảm dần tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên hiện nay.

Nguồn https://giaoduc.net.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trường học ở Đà Nẵng mở tiệm spa cho trẻ mầm non (25/11)
 Ưu tiên xây dựng trường mầm non trong khu công nghiệp (24/11)
 Trường mầm non Trung An 1 liên tục nhận học sinh ngoài danh sách (24/11)
 Những nam giới theo nghề bảo mẫu (21/11)
 Giáo viên cắm bản: Câu chuyện đằng sau trang giáo án (20/11)
 Chuyện về những giáo viên mầm non bám bản ở vùng cao Tà Xi Láng (19/11)
 Tạo môi trường giao tiếp tích cực cho trẻ (17/11)
 Sôi nổi hoạt động ngoại khoá trường học (17/11)
 Cần linh hoạt khi triển khai phổ cập bơi cho trẻ em (16/11)
 Chi 3,1 tỷ hỗ trợ 51 nhóm trẻ tại TP HCM (14/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i