Mỗi năm, cô Loan về nhà vào 2 đợt, nghỉ hè và Tết. Cũng bởi thế tình cảm gia đình đã dần rạn nứt, rồi chia ly. Ba người trong gia đình đang ở 3 mái nhà khác nhau, song không vì thế mà cô Loan dừng bước.
Giáo viên chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Ảnh: Minh Phương
Trái lại, cô càng hăng say bám bản, bám trường, thêm yêu thương lũ trò nhỏ nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc…
Xa mặt, cách lòng
Xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé (Điện Biên), mảnh đất xa xôi nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc từng tốn biết bao giấy mực của các nhà báo. Thế nhưng, cũng chẳng thể kể hết được khó khăn, vất vả của thầy trò vùng cao nghèo nơi đây. Chỉ tính riêng Trường Mầm non Pá Mỳ với vỏn vẹn hơn chục giáo viên thôi đã có không biết bao nhiêu hoàn cảnh đặc biệt. Họ đã bỏ lại sau lưng những lợi ích cá nhân, để cho tương lai con trẻ được tươi sáng hơn.
Câu chuyện của cô Loan là một điển hình. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Mầm non, cô Loan hăm hở xin đi vùng cao công tác. Những tưởng cuộc sống nơi vùng cao này đã vất vả, thiếu thốn đủ bề, cô sẽ được bù đắp lại bằng sự đồng cảm, sẻ chia, yêu thương của người bên cạnh. Nhưng cô Loan đã phải nghẹn ngào nhận kết quả trái ngược.
“Nhà chồng em rất ủng hộ, chia sẻ với công việc của em. Tuy nhiên trong quá trình chung sống, vợ chồng em không tìm được tiếng nói chung nên chúng em quyết định “giải thoát” cho nhau. Vì không có điều kiện chăm sóc con mỗi ngày nên em đành phải gửi cháu nhờ bà ngoại nuôi dưỡng và dạy dỗ ngoài thành phố, cách đây 200 cây số”, cô Loan tâm sự.
Pá Mỳ là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Ngọc Diệp
Lấy bài giảng làm niềm vui
Cắm tại bản vùng cao nghèo đã lâu, hằng ngày, khi trời chiều buông xuống, hơn chục học sinh đã trở về nhà, chỉ còn lại một mình quanh bốn bức vách của cái lán nhỏ do bà con dựng tạm để trú nắng, trú mưa, cô Loan tranh thủ vào rừng đốn củi. Cũng có khi ra nhặt vài sợi cỏ ngoài vườn hoa hoặc chạy xuống bản thăm bà con. Đó là cách để thời gian trôi đi nhanh hơn, giúp cô bớt cô đơn và nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ con.
Gia đình cô Loan ở huyện Điện Biên, cách Trường Mầm non Pá Mỳ nơi cô công tác chừng 200km. Sinh con ra song gần gũi con không được bao lâu, cô lại phải lên trường. Hiện con gái đã gần 3 tuổi, cô cũng muốn được chuyển về ngôi trường nào đó gần nhà để có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con mỗi ngày.
“Xa nhà, cháu còn nhỏ nên mỗi tháng em cố gắng về với con được 1 lần. Sợ nhất là mỗi khi nghe tin con ốm, sốt, buộc phải về thì 2 lần/tháng. Em đi xe từ đây về cũng mất khoảng 6 - 7 tiếng, tự đi xe máy cho chủ động. Đi nhiều rồi cũng thành quen”, cô Loan tâm sự.
Chiều thứ Sáu, sau khi kết thúc buổi làm việc, cô Loan lên xe về thành phố thăm con. Cũng bởi “thân gái dặm trường”, một mình một “ngựa” (xe máy) hun hút đi giữa rừng nên chẳng thể đi nhanh. Những lúc hỏng xe, thủng lốp giữa đường, tìm được thợ sửa rồi về đến nhà cũng đã nửa đêm.
“Mỗi lần nghe con ốm, em chỉ muốn chạy ngay về ôm chầm lấy con rồi khóc. Gặp con thì vui, nhưng cũng chỉ ở với con được 2 đêm, sáng Chủ nhật lại phải trở về trường. Em buồn và đau lòng nhất là mỗi khi chia tay, con cứ khóc, nằng nặc bám lấy mẹ đòi đi cùng. Nghĩ đến cảnh đó, em chỉ biết khóc…”, cô Loan nghẹn ngào nói.
Thấm thoắt đã 6 năm kể từ khi cô Loan đặt chân vào mảnh đất Pá Mỳ. Trong ngần ấy năm, ngày lại ngày, cô cùng đám học trò vẫn quây quần bên nhau. Cô Loan vừa dạy chữ, dạy múa, tập hát, vừa chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho biết bao thế hệ học sinh nơi đây.
Điểm bản nơi cô Loan phụ trách cách xa trung tâm xã hơn chục cây số. Mỗi khi trời tạnh ráo, cuối tuần có thể đi xe về điểm trung tâm để gặp gỡ đồng nghiệp như thể tự tạo cho mình cơ hội giao lưu. Còn nếu trời mưa, cô đành phải ở lại điểm trường, một mình côi cút chờ cho ngày cuối tuần qua mau để lại được gặp học sinh.
Bởi lẽ đó, cô Loan sợ nhất là thời điểm màn đêm buông xuống, cả điểm trường chìm trong hoang sơ, tĩnh lặng. Nỗi sợ hãi không tên giữa mưa rừng, gió núi khiến nhiều đêm cô không thể chợp mắt. Nhớ đứa con gái bé bỏng, nhớ bố mẹ già đang ngóng đợi, cô Loan lại cầm trên tay chiếc điện thoại luôn trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng, chui vào chăn xem lại ảnh con.
Thương con vì không được gần mẹ mỗi ngày, nhiều lúc cô Loan cũng nghĩ đến việc bỏ lại tất cả để trở về với gia đình. Song cứ nghĩ đến bọn trẻ vùng cao nghèo, nhớ đến hình ảnh mười mấy học sinh hằng ngày vẫn lẽo đẽo mang cặp lồng đến lớp để có cơm ăn, để được học chữ, cô lại chẳng đành lòng bước đi. |
Nguồn https://giaoducthoidai.vn