Xã hội
   Cần linh hoạt khi triển khai phổ cập bơi cho trẻ em
 

Những năm qua, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước ở nước ta đã giảm nhưng chưa thực sự bền vững. Việc triển khai công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên toàn quốc còn gặp khó khăn do nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do vậy, rất cần sự linh hoạt trong chính sách khi triển khai phổ cập bơi cho trẻ em.

Một lớp dạy bơi cho trẻ em tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh minh họa: MINH HÀ)

Cả nước chỉ có hơn 5.000 bể bơi

Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục - Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục - Thể thao) cho hay, tính đến thời điểm 30-12-2019, cả nước có hơn 5.000 bể bơi. Số bể này quá ít so với nhu cầu thực tiễn để triển khai phổ cập bơi, nhất là cho trẻ em.

Trong con số được thống kê ở trên, chỉ có 1.796 bể bơi đạt chuẩn. Số còn lại là bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo từ các điểm ao hồ, sông ngòi và lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em. Với điều kiện hiện tại, rất cần sự linh hoạt trong triển khai việc dạy bơi cho trẻ em.

Đây là thông tin được bà Chiên chia sẻ từ tọa đàm trực tuyến “Làm sao để trẻ em biết bơi?” do Báo Đại biểu nhân dân phối hợp Tổng cục Thể dục - Thể thao tổ chức.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định 234); Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 17). 

Từ năm 2016 đến nay, các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành phố trong cả nước tùy theo điều kiện thực tiễn của đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn. 

Kết quả triển khai cho thấy, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019. Con số tử vong do đuối nước năm 2015 là hơn 3.000 thanh thiếu nhi, và đã giảm dần xuống dưới 2.000 em trong năm 2018 - 2019. Như vậy, việc dạy trẻ em biết bơi đã góp phần làm giảm rõ rệt tình trạng đuối nước trẻ em.

Tuy nhiên, thực trạng đuối nước hiện nay vẫn còn bất cập. Đặc biệt, nhiều trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước. Nhiều vụ đuối nước tập thể rất thương tâm liên tiếp xảy ra trong các dịp nghỉ lễ, Tết và nghỉ hè.

Cũng theo bà Chiên, trong những năm qua, Tổng cục Thể dục, Thể thao đã có những quy định, quan tâm đầu tư cở sở vật chất, nguồn lực để ưu tiên phát triển môn bơi trong trường học. Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã rất quan tâm xây dựng kế hoạch đề án để triển khai; tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước và cấp Trung ương cũng như địa phương dành cho triển khai Chương trình rất khó khăn. Nguồn lực nói chung về cơ sở vật chất cũng như bể bơi nói riêng hiện nay đang thiếu. 

Thời gian qua, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã huy động sự chung tay, đóng góp của một số đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất phối hợp triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em. Đến nay, đơn vị này đã có một số nguồn hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, in ấn phát hành tranh ảnh, tài liệu và tổ chức các giải bơi cứu đuối và hỗ trợ một số địa phương triển khai chương trình.

Với các địa phương, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh có những đề án về chương trình tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống đuối nước nói riêng. Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào, các đề án cũng có hiệu quả trong thực tế.

Để khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, giai đoạn từ năm 2017-2019, Tổng cục Thể dục, Thể thao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19-1-2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi lặn. Đồng thời, giao cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tùy theo tình hình thực tiễn hướng dẫn các đơn vị, trường học lắp đặt các loại hình bể bơi, hồ bơi đơn giản là giải pháp trước mắt phục vụ nhu cầu cấp bách phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Nếu như thực hiện theo đúng quy chuẩn, thì không thể bảo đảm việc dạy bơi cho các em. Ngay cả việc triển khai các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, cần phải tận dụng điều kiện thực tế trên địa hình để có biện pháp hướng dẫn cụ thể.

Dạy bơi cho trẻ tại trường học: Các trường gặp khó

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, thực trạng cơ sở vật chất tại các trường học, đặc biệt là bể bơi, rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường. Theo thống kê, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Tại các trường THCS chỉ có 227 bể bơi/10.000 trường, ở cấp THPT chỉ 108 bể/2.649 trường. 

Kể cả đã có bể bơi tại trường học rồi, việc duy trì, bảo vệ, vận hành cũng rất khó khăn. Các trường tư thục có thể duy trì khá tốt công tác này, nhưng với các trường công lập, kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành bể bơi khá eo hẹp. 

Trước thực trạng trên, trong giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trên tất cả các trường tiểu học, THCS. Bộ cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị, trường học đã có bể bơi chủ động tổ chức dạy bơi, hướng dẫn các trường học liên kết với các trung tâm thể dục thể thao, các bể bơi trên địa bàn tổ chức dạy cho trẻ em, học sinh về kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và thực hành cứu đuối an toàn.

Cũng theo TS Nguyễn Nho Huy, thực hiện Quyết định 234, Chỉ thị số 17, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai nhằm giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn khi tham gia bơi, lội.

Cơ quan này cũng chỉ đạo, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho đội ngũ giáo viên các nhà trường, khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy bơi cho học sinh (đối với các trường có bể bơi), phối hợp với gia đình hướng dẫn cho các em tham gia các lớp học bơi ngoài cộng đồng… 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước để tự biết cách phòng, tránh nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi các em tham gia mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Vì thực tế, nhiều trường hợp học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi, nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước. Do vậy, nếu mới chỉ biết bơi thì chưa bảo đảm an toàn phòng, tránh đuối nước. Các em cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng an toàn khác khi bơi.

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu, xây dựng bộ học liệu về An toàn trường học và dự kiến ban hành trong năm 2021. Nội dung nhằm trang bị cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 các kỹ năng an toàn về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, giáo dục để hình thành cho các em nhận thức đúng đắn về nguy cơ, tác hại của tai nạn đuối nước. Từ đó, trang bị cho các em các kỹ năng ứng xử để biết tự bảo vệ bản thân khi tham gia trong đời sống xã hội hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định, có nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, giữa quy định pháp luật và nguồn lực cơ sở vật chất. Hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện, với việc ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Luật Thể dục, thể thao sửa đổi năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019. Tuy nhiên, khi các luật này đi vào thực tiễn, đã bắt đầu phát sinh những vướng mắc. 

Do đó, phải tiếp tục rà soát và điều chỉnh để những quy định về mặt pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích, cũng như phòng, chống đuối nước cho trẻ em phải cụ thể hơn. Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các chế tài, quy định để gắn trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, làm rõ trách nhiệm ở cơ sở, cộng đồng, làng xã và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Nguồn https://nhandan.com.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chi 3,1 tỷ hỗ trợ 51 nhóm trẻ tại TP HCM (14/11)
 Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (13/11)
 Công nhân chưa an tâm về chỗ gửi con (13/11)
 Cô giáo bạo hành trẻ 15 tháng tuổi nói gì trong bản tường trình? (13/11)
 Nhận danh sách đóng 15 khoản, phụ huynh mầm non Họa Mi bức xúc (10/11)
 Giám đốc Sở GD&ĐT bật khóc khi chứng kiến ngôi trường vùng cao tan hoang sau lũ (9/11)
 Thanh Hóa: Bé gái 3 tuổi bị bỏ quên trong nhà vệ sinh của trường học (5/11)
 Đề xuất mức phụ cấp của giáo viên mầm non - giải bài toán thiếu giáo viên (4/11)
 Bữa ăn học đường cải thiện tầm vóc sức khỏe, trí lực trẻ em Việt (4/11)
 Thị xã Hồng Lĩnh tuyển dụng 16 giáo viên Mầm non và Tiểu học (3/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i