Xã hội
   Chuyện về những giáo viên mầm non bám bản ở vùng cao Tà Xi Láng
 

 

Với đặc thù là vùng cao khó khăn, sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học, tỉnh Yên Bái vẫn duy trì các điểm trường lẻ đối với bậc học mầm non.

 

Điểm trường Mầm non Bãi Chè Cao, thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

Đường xá xa xôi, giao thông cách trở trong khi đội ngũ giáo viên mầm non hầu hết là nữ nên để hoàn thành nhiệm vụ duy trì các điểm trường mầm non, các cô giáo phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí là phải tạm gác cả hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao. 

Để chuẩn bị cho một tuần học mới, ngày thứ Hai đầu tuần nào cũng vậy, hai cô giáo Hoàng Thị Mong và Phạm Hồng Phương của Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu phải dậy từ sáng sớm để vượt qua cung đường quen thuộc nhưng cũng khá vất vả để đến với điểm trường Mầm non Bãi Chè Cao, thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng. Hành trang mang theo là quần áo, thực phẩm và những nhu yếu phẩm cần thiết cho cả tuần. Cung đường độc đạo dẫn vào điểm trường lẻ này dài hơn 5 km, chủ yếu là đường mòn đi men theo các triền núi dốc, trời nắng thì có thể đi lại dễ dàng hơn nhưng phải là người cứng tay lái và quen đường nhưng nếu trời mưa thì quá vất vả, xe phải buộc xích để tránh trơn trượt, có khi phải bỏ xe đi bộ. 

Cô giáo Hoàng Thị Mong có 12 năm công tác ở vùng cao thì ngần ấy năm cô dạy tại các điểm trường lẻ. Chia sẻ về công việc của mình, cô Mong chia sẻ: “Bên cạnh những đòi hỏi về chuyên môn, ngôn ngữ thì một cô giáo khi đi dạy ở điểm lẻ cần tự trang bị kỹ năng đi xe. Mỗi khi trời mưa, các cô giáo gắn một bộ xích vào bánh xe để đi đỡ bị trơn. Để chủ động thời gian trong những ngày mưa, chúng tôi còn phải dậy thật sớm để đảm bảo giờ giấc lên lớp cho các cháu”.

Dù thời tiết thuận lợi nhưng đường vẫn còn trơn do những cơn mưa từ hôm trước nên sau gần một tiếng đi xe máy, hai cô giáo mới đến được điểm trường lẻ Bãi Chè Cao đúng giờ. Ngay khi đến điểm trường, công việc đầu tiên của các cô là bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh lớp học và đón trẻ. Khác với những nơi khác, trẻ em ở đây sau khi đến trường sẽ được các cô vệ sinh tay chân, vệ sinh cá nhân do đi đường lầy bùn đất, có khi cha mẹ quên không vệ sinh cho các cháu. Giờ đón trẻ ũng kéo dài từ 7-9 giờ, thậm chí muộn hơn do hoàn cảnh, công việc của các phụ huynh. 

Cô giáo trẻ Phạm Hồng Phương có 3 năm công tác tại Tà Xi Láng thì cả 3 năm đều là giáo viên cắm bản. Cô tâm sự: “Công việc không giống như trong tưởng tượng của em thời sinh viên, điều kiện ở đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại. Việc bất đồng về ngôn ngữ cũng gây nhiều khó khăn, nhiều khi cô nói trẻ không hiểu mà trẻ nói cô cũng không hiểu. Mặc dù rất yêu trẻ nhưng đôi lúc em cũng nản lòng. Nghĩ đến hình ảnh các em đang đứng ở cổng trường chờ đợi cô giáo đến, em có thêm động lực cố gắng vượt khó khăn để đến lớp”.

Khi đến nhận công tác tại vùng cao, các cô giáo mầm non luôn xác định tâm thế sẵn sàng cống hiến, chấp nhận những thiệt thòi, vất vả. Ở những điểm trường gần trung tâm còn đỡ vất vả nhưng đối với những điểm ở xa, khó khăn như nhân lên gấp bội. Những ngày mưa gió phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho cả tuần, bữa ăn tươi thì ít mà đồ khô luôn phải đầy đủ. 

 

Giờ học của cô trò điểm trường Mầm non Bãi Chè Cao của trường Mầm non Hồng Ngọc tại thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

Cô giáo Đinh Thị Thúy, quê Sơn La, trong 7 năm công tác tại Tà Xi Láng đã dạy tại nhiều điểm trường lẻ. Với vai trò là một người vợ, người mẹ và người con cô tâm sự cần lắm sự chia sẻ, động viên của gia đình để vượt qua khó khăn khi xa nhà. Ban ngày lên lớp, niềm vui với những đứa trẻ đã khích lệ cô nỗ lực cố gắng nhưng khi đêm xuống thì nỗi nhớ con, nhớ nhà lại ùa về. Thúy xúc động cho biết: “Bản thân em phải xa gia đình, xa con cái, vì công việc phải gửi con cho bố mẹ chồng chăm sóc. Có lúc trời mưa em không về được, cả tuần không được gặp con…”.

Sẵn sàng chấp nhận những vất vả, hy sinh thậm chí thiệt thòi trong tình cảm với gia đình, chồng con để làm tốt công việc gieo chữ nơi rẻo cao, nỗ lực của các cô giáo cắm bản trong nhiều năm qua đã góp phần từng bước gây dựng, phát triển sự nghiệp trồng người. Theo đó, sỹ số học sinh ra lớp cao hơn, các cháu được chăm sóc tốt hơn ở nhà và điều quan trọng nhất là tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Anh Hờ A Thênh ở thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng cho biết, các cô giáo mầm non đến dạy tại bản đã giúp gia đình tôi và người dân ở đây yên tâm gửi các con để đi làm. Đến lớp, các con được học nhiều điều hay, lẽ phải, được các cô chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân nên đồng bào rất yên tâm gửi con cho các cô.

 

Đường vào điểm trường Mầm non Bãi Chè Cao của trường Mầm non Hồng Ngọc đi lại vô cùng khó khăn khi trời mưa

Với địa hình vùng cao chia cắt, không chỉ những giáo viên cắm tại các bản lẻ vất vả về điều kiện đi lại cũng như cuộc sống mà tại điểm trường chính cũng không khá hơn. Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng có 16 cán bộ, giáo viên với 6 điểm trường trong đó có 5 điểm lẻ, điểm xa trung tâm xã là 35 km. Toàn trường có 8 nhóm lớp với 189 học sinh. Điểm chính có 3 lớp với 78 học sinh, có 4 giáo viên đứng lớp, còn tại 5 điểm lẻ có 8 giáo viên đứng lớp trong đó có 2 điểm chỉ có 1 giáo viên. Cơ sở vật chất tại các điểm trường rất thiếu thốn, các phòng học và phòng chức năng chủ yếu là nhà lắp ghép. Khó khăn, vất vả nhưng đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Hồng Ngọc vẫn nỗ lực bám trường, bám lớp, đạt được những thành tích đáng khích lệ. Năm học 2019 – 2020, 3 giáo viên của trường đạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp huyện; năm học 2020 – 2021 có 4 giáo viên dạy giỏi cấp trường và 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. 

Cô giáo Lường Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Ngọc cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã quan tâm, phân công công việc phù hợp đối với từng hoàn cảnh, từng giáo viên. Đồng thời, động viên thăm hỏi kịp thời từng cô giáo tại các điểm trường để khích lệ các cô làm việc được tốt hơn. Các giáo viên rất tâm huyết với nghề, dạy dỗ trẻ em ở vùng cao một cách tốt nhất và yêu thương học sinh như con em của mình.

Bù đắp lại những thiệt thòi, khó khăn là tình cảm ấm áp của đồng bào nơi đây dành cho những cô giáo, luôn coi các cô như người thân trong gia đình. Những tình cảm này là động lực để các cô giáo mầm non cắm bản ở xã vùng cao Tà Xi Láng tiếp tục cống hiến, dạy dỗ những đứa trẻ vùng cao vốn đã thiệt thòi được đến trường, vì một ngày mai tươi sáng.

Nguồn https://baotintuc.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tạo môi trường giao tiếp tích cực cho trẻ (17/11)
 Sôi nổi hoạt động ngoại khoá trường học (17/11)
 Cần linh hoạt khi triển khai phổ cập bơi cho trẻ em (16/11)
 Chi 3,1 tỷ hỗ trợ 51 nhóm trẻ tại TP HCM (14/11)
 Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (13/11)
 Công nhân chưa an tâm về chỗ gửi con (13/11)
 Cô giáo bạo hành trẻ 15 tháng tuổi nói gì trong bản tường trình? (13/11)
 Nhận danh sách đóng 15 khoản, phụ huynh mầm non Họa Mi bức xúc (10/11)
 Giám đốc Sở GD&ĐT bật khóc khi chứng kiến ngôi trường vùng cao tan hoang sau lũ (9/11)
 Thanh Hóa: Bé gái 3 tuổi bị bỏ quên trong nhà vệ sinh của trường học (5/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i