Xã hội
   Những nam giới theo nghề bảo mẫu
 

Là một nam bảo mẫu, Naoya Miyatake từng bị từ chối vô số lần bởi các bố mẹ không muốn anh thay đồ, tắm và thay bỉm cho con họ.

Giống như nhiều quốc gia khác, đàn ông làm bảo mẫu hoặc giáo viên mầm non là điều hiếm thấy ở Nhật bởi định kiến giới và quan niệm đàn ông đi làm, đàn bà ở nhà và phụ nữ chăm trẻ tốt hơn nam giới.

Ở tuổi 30, Miyatake đã có nhiều năm gắn bó với nghề chăm sóc trẻ. Có thời điểm, anh lọt vào danh sách bảo mẫu được tìm kiếm nhiều nhất trên một ứng dụng kết nối cha mẹ với người trông trẻ.

Miyatake quyết tâm chứng minh định kiến giới là sai lầm. "Phụ nữ đã có những bước tiến trong các lĩnh vực mà nam giới vốn thống trị. Tôi hy vọng mình sẽ là chất xúc tác đem tới sự thay đổi để đàn ông có thể tham gia nhiều hơn vào ngành chăm sóc trẻ em", anh nói.

Thế nhưng, sau thời gian dài nỗ lực, Miyatake cảm thấy như "mọi cố gắng của mình đã đổ sông đổ bể". Đầu năm nay, hai nam bảo mẫu làm việc cho Kidsline, ứng dụng mà Miyatake từng sử dụng và nhờ đó có sự nghiệp thành công, bị bắt vì quấy rối những đứa trẻ mà họ nhận chăm sóc.

"Tôi rất tức giận", Miyatake nhớ về cảm giác khi biết vụ việc và gọi đó là sự sỉ nhục.

Giáo viên và học sinh cùng chơi trong một nhà trẻ ở thành phố Chiba. Ảnh: Kyodo

Các vụ quấy rối trẻ em củng cố thêm sự kỳ thị đối với nam giới làm nghề chăm sóc trẻ em, đồng thời cho thấy hiểm họa từ các ứng dụng "mai mối" phụ huynh với bảo mẫu - hình thức tìm người trông trẻ trong thời gian ngắn đang được các bố mẹ Nhật ưa chuộng.

Ở Nhật có hai kiểu dịch vụ trông trẻ. Kiểu đầu tiên là các công ty trông trẻ truyền thống. Khi nhận được yêu cầu từ bố mẹ, họ sẽ cử nhân viên tới. Kiểu này thường đắt đỏ và thủ tục phức tạp, những công ty truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các ứng dụng kết nối. Các ứng dụng này, còn được gọi là "Uber bảo mẫu", giúp bố mẹ trực tiếp lựa chọn người trông trẻ ưng ý qua điện thoại thông minh, linh hoạt và giá cả phải chăng hơn.

Sự tiện lợi cũng đi cùng nguy hiểm khi những đối tượng xấu xâm nhập vào các ứng dụng này.

Trước sự việc Kidsline khá lâu, một nam bảo mẫu 26 tuổi hoạt động trên ứng dụng bị bắt vì quấy rối và sát hại một bé trai hai tuổi ở tỉnh Saitama. Vụ án khiến giới chức Nhật sửa đổi luật, bắt buộc tất cả những người làm nghề trông trẻ muốn làm việc qua ứng dụng phải đăng ký thông tin với thành phố. Bộ Y tế Nhật cũng đưa ra bản hướng dẫn quy tắc ứng xử và yêu cầu nhà điều hành các ứng dụng này làm theo. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa đủ để vá lỗ hổng của quá trình kiểm tra lỏng lẻo.

Theo bà Aki Fukoin, người đứng đầu một nhóm vận động phụ huynh về các vấn đề trong trường mầm non, trong khi các công ty truyền thống trực tiếp phỏng vấn và đào tạo ứng viên, các ứng dụng chỉ là môi giới, không chịu trách nhiệm về bất cứ rắc rối nào mà phụ huynh có thể gặp phải và cũng không thường xuyên giám sát người trông trẻ. Các ứng dụng này cũng không yêu cầu bằng cấp, "khiến ai cũng có thể trở thành người trông trẻ và tạo cơ hội cho những kẻ xấu".

Để ngăn chặn sự việc tái diễn, hồi tháng 6, Kidsline đã đưa ra quyết định gây tranh cãi là đình chỉ hoạt động của toàn bộ nam bảo mẫu. Trong báo cáo vào tháng 9, đại diện ứng dụng này còn dẫn nhận định của một bác sĩ tâm thần rằng "nam giới dễ thực hiện các hành vi ấu dâm hơn".

Kidsline cũng tuyên bố sẽ tăng cường khả năng sàng lọc kẻ xấu bằng cách phỏng vấn và đào tạo, tiến hành các bài tập đóng vai, kiểm tra nhân cách và yêu cầu ứng viên viết lời thề.

Naoya Miyatake. Ảnh: Tomohiro Osaki

Kazuki Shibata 30 tuổi, nam bảo mẫu ở Nagoya, lo lắng việc bắt giữ hai bảo mẫu Kidsline sẽ khiến những đàn ông làm nghề chăm sóc trẻ em như anh bị kỳ thị hơn. Thực tế, một bà mẹ đang thuê Shibata đã nói rằng chị nghi ngờ anh "là một trong số chúng". Dù người này khẳng định đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua và chị vẫn đặt niềm tin ở Shibata, nam bảo mẫu cũng cảm thấy bị tổn thương nặng nề.

Việc Kidsline cấm toàn bộ bảo mẫu nam cũng khiến Shibata bị khủng hoảng. "Tôi cảm thấy như bị ai đó nói vào mặt rằng ngành này chỉ cần phụ nữ", anh thổ lộ.

Từ vụ việc này, nhiều người kêu gọi Nhật Bản áp dụng phương pháp quản lý của Anh, thành lập Cơ quan Dịch vụ rà soát và công bố (DBS). Được Bộ Nội vụ bảo trợ, DBS làm việc với lực lượng cảnh sát địa phương và quốc gia để kiểm tra hồ sơ của người nộp đơn, sau đó cấp giấy chứng nhận. Ở Anh, người làm việc với trẻ em hoặc các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương thường xuyên phải trình giấy này.

Điều đặc biệt của DBS là vẫn chừa cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng lầm lỡ. Để có giấy chứng nhận, một cá nhân phải tự nguyện nộp đơn. Quy trình kiểm tra nghiêm ngặt cũng cũng chỉ áp dụng đối với các nghề nghiệp nhạy cảm như bảo mẫu, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc. Theo bà Fukoin, DBS vừa bảo vệ được trẻ em vừa mở lối đi cho người từng phạm tội.

Một nam giáo viên mầm non chơi với học sinh tại nhà trẻ ở thành phố Chiba. Ảnh: Kyodo

Tương tự Anh, Australia có hệ thống Kiểm tra làm việc với trẻ em (WWCC), giúp kiểm tra tiền án và các hành vi sai trái tại nơi làm việc. Đây là điều bắt buộc đối với những người làm việc cùng hoặc tự nguyện với trẻ em. "WWCC đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em", Matthew Taylor, ông bố ba con ở Sydney, người sáng lập trang web Kidsit chuyên cung cấp mẹo chăm trẻ, cho biết.

Tuy nhiên, Taylor nhấn mạnh WWCC không hoàn hảo. "Kể cả khi một bảo mẫu đã qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của WWCC, bạn vẫn cần liên tục theo dõi hoạt động của họ và chú ý các dấu hiệu cảnh báo", anh nói.

Ở Nhật, Bộ Y tế đang xem xét tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu về cả bảo mẫu nam lẫn bảo mẫu nữ. Nếu thành công, đây sẽ là bước tiến, giúp chia sẻ thông tin trong cộng đồng, tránh trường hợp người phạm tội ở thành phố này có thể sang thành phố khác để tiếp tục làm việc với trẻ em.

Vấn đề là ai có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu. Theo một quan chức giấu tên của Cục Chính sách Gia đình và Trẻ em, Dù Bộ Y tế cho rằng các quan chức sẽ có quyền truy cập, khả năng truy cập của các nhà điều hành ứng dụng và người dân nói chung sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

Một khả năng khác là đưa dữ liệu lên trang web của Bộ Y tế để chia sẻ thông tin lý lịch của người trông trẻ. Tuy nhiên, việc công khai tên tuổi của các bảo mẫu từng chịu án phạt do phạm tội quấy rối trẻ em sẽ làm dấy lên các vấn đề nhân quyền và cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hệ thống này dự kiến được triển khai vào tháng 4 năm sau.

Về phần mình, Miyatake muốn Nhật theo bước Anh thành lập cơ quan tương tự DBS. "Hệ thống như vậy sẽ cho phép tôi chứng minh bản thân an toàn", anh nói.

Shibata đồng tình với Miyatake. Theo anh, đàn ông trong ngành chăm sóc trẻ em không chỉ bị kỳ thị mà còn đối mặt với nhiều bất tiện, ví dụ như trường mẫu giáo không có tủ đồ và phòng tắm cho nam giáo viên.

Tuy nhiên, vượt lên những trở ngại, Shibata vẫn tự hào về công việc của mình và cảm thấy mãn nguyện khi nhìn những đứa trẻ cười đùa và lớn lên.

"Tôi đau lòng vì những vụ việc như Kidsline", Shibata nói. "Nhưng tôi vẫn hy vọng mọi người đừng quên rằng rất nhiều đàn ông nghiêm túc với công việc của mình và thực lòng quan tâm, mong muốn trẻ em lớn lên khỏe mạnh, trong sáng".

Nguồn https://vnexpress.net

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo viên cắm bản: Câu chuyện đằng sau trang giáo án (20/11)
 Chuyện về những giáo viên mầm non bám bản ở vùng cao Tà Xi Láng (19/11)
 Tạo môi trường giao tiếp tích cực cho trẻ (17/11)
 Sôi nổi hoạt động ngoại khoá trường học (17/11)
 Cần linh hoạt khi triển khai phổ cập bơi cho trẻ em (16/11)
 Chi 3,1 tỷ hỗ trợ 51 nhóm trẻ tại TP HCM (14/11)
 Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (13/11)
 Công nhân chưa an tâm về chỗ gửi con (13/11)
 Cô giáo bạo hành trẻ 15 tháng tuổi nói gì trong bản tường trình? (13/11)
 Nhận danh sách đóng 15 khoản, phụ huynh mầm non Họa Mi bức xúc (10/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i