Kỷ luật tích cực với con cái
   Chương XIII: "Con không thích!” - Trẻ mầm non và việc ăn uống
 

Hãy thử tưởng tượng một chút, rằng bạn đang ngồi ăn tối với một vài người bạn, thay vì ngồi ăn với gia đình mình. Giả sử bạn mời Joyce, chồng cô ý - anh James, và người hàng xóm tên Sam đến ăn tối. Khi bạn chuyển món ăn ưa thích của bạn - món bột chiên với cà chua, nước sốt, và pho mát hấp chung, một bát rau bắp cải cho họ, cuộc nói chuyện diễn ra như thế này:

Bạn: Tôi rất vui vì tất cả các bạn đã đến đây ăn tối. Tôi mời các bạn món bột chiên với cà chua, nước sốt, và pho mát hấp chung."

James: Xin cho tôi chỉ một phần thật nhỏ thôi nhé! Tối nay tôi thật sự không đói lắm.

Bạn: Ồ, không được! Bạn cần ăn nhiều chứ. Đây! Tôi sẽ đưa bạn một phần xứng đáng. Sam ơi, ăn một chút rau bắp cải nhé!"

Sam: Không, cảm ơn! Tôi không phải là người ăn nhiều rau bắp cải đâu."

Bạn: Sam, rau bắp cải tốt cho bạn mà! Bạn phải thử một chút hoặc là sẽ không có món tráng miệng cho bạn đâu. Bây giờ, Joyce ơi, tôi hi vọng được thấy đĩa của bạn sạch trơn rồi; nhưng vẫn còn một ít rau ở trên đĩa đấy nhé!"

Bạn nghĩ James, Joyce, và Sam sẽ cảm thấy thế nào?" Đây sẽ là một bữa tối thành công chứ? Điều này nghe có vẻ hơi giống cuộc nói chuyện quanh bàn ăn tối của chính gia đình bạn có phải không?

Tất cả những việc tương tự như trên đều diễn ra thường xuyên, bàn ăn tối đã trở thành một chiến trường cho những bậc cha mẹ cùng những em bé của họ. Những bậc cha mẹ lo lắng về thứ gì con của họ ăn - hoặc là không ăn. Chúng đã ăn đủ chưa? Chúng đã hấp thụ được đủ lượng vitamin C chưa? Hay là ăn quá nhiều đường rồi? Đủ can-xi và prô-tê-in chưa?

Ăn uống dưới sự giám sát thì thật chẳng thoải mái gì, và trẻ em cũng chẳng thể thích điều đó giống hệt như người lớn. Hãy lắng nghe những lời phán xét về bữa ăn tối của chính bạn và tự hỏi mình: "Tôi sẽ nói điều này với một vị khách người lớn sao?" Trẻ em được đối xử bằng sự tôn trọng sẽ học đối xử với người khác theo cách tương tự. Chỉ bởi vì chúng là những con người nhỏ bé, không có nghĩa là chúng không được quyền có những ý kiến về thức ăn của mình. Mặc dù vậy, điều này có thể giúp ích cho bạn, cần nhớ rằng những ý kiến, sở thích đó thường thay đổi khi trẻ trưởng thành và chín chắn hơn.

Trong suốt những thập niên 50, 60 và 70, rất nhiều chương trình đã được các trường đại học tiến hành nghiên cứu về thời thơ ấu, để chỉ ra rằng những thức ăn nào trẻ sẽ lựa chọn ăn, khi tất cả các loại thức ăn được đặt trên bàn ăn trưa. Những đứa trẻ trong nghiên cứu được phép ăn bất cứ thứ gì chúng muốn. Thỉnh thoảng trẻ sẽ ăn món tráng miệng đầu tiên. Thỉnh thoảng chúng ăn rau bắp cải đầu tiên. Phát hiện quan trọng nhất trong chương trình này là tất cả những đứa trẻ đó đã không hề làm nhặng xị lên. Và những kết quả của các cuộc nghiên cứu đều tương tự nhau - rằng khi trẻ được để cho làm theo đúng bản năng, chúng đã lựa chọn một chế độ ăn uống cân bằng theo thời gian. Chúng tôi tự hỏi rằng ngày nay những cuộc nghiên cứu này sẽ diễn ra như thế nào, nếu như những thức ăn lựa chọn toàn là đồ ăn nhanh: thịt chiên, thịt băm viên, khoai tây chiên, nước uống sô-đa. Muốn để cho trẻ đưa ra được những lựa chọn đầy đủ chất dinh dưỡng, thì người lớn cần phải đưa cho trẻ lựa chọn những loại thức ăn tốt cho sức khỏe. Hương vị tinh tế của một quả cam thật sự thường kém hấp dẫn hơn, nếu như một đứa trẻ đã quen với những hương vị hoa quả được làm tăng thêm mùi vị nhờ các chất hóa học, ở trong các loại nước hoa quả đóng chai, với quá nhiều đường và những chất kích thích tiêu hóa. Đường và các hương liệu tổng hợp thực sự có thể phá vỡ sự thèm muốn tự nhiên của cơ thể đối với những đồ ăn tốt.

Ở phần cuối của chương này, chúng tôi sẽ trình bầy về việc thỉnh thoảng những bậc cha mẹ gây ra những cuộc chiến quyền lực như thế nào, thay vì họ có thể tạo ra không khí hợp tác về đồ ăn. Đầu tiên, điều quan trọng là chỉ ra một vài vấn đề nghiêm trọng mà trẻ em thường hay gặp phải ngày nay.

Những vấn đề về sức khỏe trẻ em

Hiện nay, các nghiên cứu đang cho thấy rằng một tỷ lệ lớn trẻ em có xương giòn hơn so với nhiều năm trước, làm cho dễ bị gãy xương hơn. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng uống quá nhiều đồ uống có đường, và không uống đủ sữa góp phần làm gia tăng thêm nguy cơ trong vấn đề này. Tỷ lệ béo phì trong trẻ em cũng đang tăng lên, phần lớn là do có quá nhiều đường và muối trong chế độ ăn uống của trẻ (như là trong đồ ăn nhanh và đồ ăn nhẹ), và thiếu luyện tập thể dục. Rất nhiều trẻ dành phần lớn thời gian ngồi trước ti-vi, màn hình máy tính, hoặc chơi trò chơi điện tử. Sau đây là một số thống kê từ báo cáo của Viện y dược quốc gia Hoa Kỳ - "Ngăn chặn sự béo phì ở tuổi thơ: Sức khỏe trong sự cân bằng", được đưa ra ngày 30/09/2004 (http://www.iom.edu/?id=22632).

- Từ những năm 70, sự phổ biến của tình trạng béo phì đã tăng lên gấp đôi đối với trẻ em mẫu giáo ở độ tuổi từ 2 đến 5, và trẻ ở độ tuổi thiếu niên từ 12 đến 19 tuổi, và tăng lên gấp 3 đối với trẻ từ 6 đến 11.

Hiện tại, có xấp xỉ 9 triệu trẻ em trên 6 tuổi đang bị béo phì.

- Sự béo phì ở trẻ nhỏ gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe về thể chất và tinh thần. Trong năm 2000, người ta ước tính có 30% bé trai và 40% bé gái sinh ra ở Mỹ đang có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 vì một vài nguyên nhân trong cách sống.

- Trẻ em cũng đang có nguy cơ phát triển những gánh nặng về tâm lý nghiêm trọng, xuất phát từ sự bêu xấu của xã hội liên quan đến tình trạng béo phì.
- Chi phí bệnh viện hàng năm liên quan đến béo phì cho trẻ em và vị thành niên tăng gấp 3 so với 2 thập kỷ trước, tăng từ 35 triệu đô-la trong giai đoạn 1979 - 1981 lên đến 127 triệu đô-la trong giai đoạn 1997 - 1999.
- Ngăn chặn sự béo phì cần tập trung vào cân bằng năng lượng - lượng ca-lo tiêu thụ so với lượng ca-lo hấp thụ - vì vậy muốn đưa ra hành động chống lại béo phì ở trẻ cần phải chỉ ra được những nhân tố có ảnh hưởng đến hoạt động về thể chất và tinh thần.

- Nghiên cứu cũng xác nhận áp lực xã hội có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn về thức ăn của mỗi người. Vì vậy, điều mà bạn - với tư cách là những bậc cha mẹ, đang nêu gương thông qua những hành vi ăn uống cũng quan trọng như những thức ăn bạn cung cấp cho con.

Lòng biết ơn và thái độ

Có một sự thật quan trọng về mối liên hệ giữa thức ăn, sự ăn uống, và trẻ con: bạn cung cấp thức ăn cho trẻ, và trẻ ăn - hoặc không ăn. Điều quan trọng cần phải lưu ý là trẻ em được nuôi nấng ở nhiều quốc gia không gặp phải những vấn đề trong việc ăn uống, đặc biệt ở các nước mà thức ăn khan hiếm. Nhưng một điều thậm chí còn quan trọng hơn, là ở những nước này thì thức ăn luôn luôn được coi là có giá trị, dỗ ngọt ai đó ăn là điều không cần thiết - thức ăn mà một người không ăn, thì người khác sẽ ăn. Đơn giản là thức ăn không bao giờ được lãng phí. Ví dụ, những sinh viên ở Singapore, và ở các nước khác của Châu Á đến Mỹ trong vai trò những bác sĩ thực tập nội trú trong những chương trình chăm sóc trẻ thơ liên tiếp bị sốc, khi nhìn thấy thức ăn bị vứt đi. Ở những nước khác, dinh dưỡng và vị giác bị ảnh hưởng bởi áp lực không để lãng phí thức ăn thừa. Thỉnh thoảng, chúng ta quên mất sự thừa thãi làm chúng ta thích thú, nhưng sẽ luôn là khôn ngoan khi thể hiện lòng biết ơn và quý trọng đối với thức ăn - nhất là để khuyến khích những đứa con của chúng ta cũng có lòng biết ơn và quý trọng thức ăn như chúng ta.

Kiểu ăn uống kén chọn

Điều quan trọng là phải cung cấp cho trẻ một sự lựa chọn phong phú về thức ăn giàu dinh dưỡng, những hãy nhớ rằng những thực đơn đặc biệt thì chỉ làm cho trẻ ăn uống kén chọn hơn. Và bạn sẽ chỉ làm tăng thêm những xung đột với trẻ nếu cứ ép trẻ ăn thức ăn mà bạn đưa ra: hãy chắc chắn rằng có ít nhất một loại thức ăn trên bàn là quen thuộc với trẻ hoặc là trẻ thích, sau đó mới cho trẻ ăn bất cứ thứ gì bạn muốn trẻ ăn. Hãy nhớ rằng một đứa trẻ càng được cho ăn một loại thức ăn thường xuyên hơn, thì sẽ càng quen nhanh hơn với loại thức ăn đó. Cũng phải nhớ rằng bạn không thể ép trẻ ăn loại thức ăn mà trẻ không muốn ăn; và điều này sẽ chỉ gây ra một cuộc chiến sức mạnh, và lúc đó thì cả bạn và trẻ đều bị thiệt.

Martha đã thuyết phục cậu con trai Lex uống một bát cháo yến mạch ấm để khởi đầu theo cách tích cực một ngày nghỉ của cậu bé. Khi cậu bé Lex 3 tuổi không ăn bát cháo yến mạch vào buổi sáng, người mẹ Martha quyết định rằng cô nên dạy cho con biết tầm quan trọng thế nào của việc ăn thức ăn tốt cho sức khỏe. Martha đã phải lấy một cái hộp nhựa và đậy lên bát cháo yến mạch. Khi Lex đến giờ ăn trưa, cô Martha đã hâm lại món cháo yến mạch. Sau nửa giờ, món cháo đã lạnh (và cứng) đóng bánh. Lex nhìn món cháo nhưng vẫn không chịu nếm thử. Cô Martha cương quyết đậy nó lại lần nữa. Bạn có thể tưởng tượng cơn thèm ăn như thế nào khi nhìn thấy món cháo yến mạch vào bữa tối sau khi đã lại hâm lại lần nữa? Lex chắc chắn đã sẵn lòng chịu nhịn đói trước khi để cho một thìa cháo vào miệng. Bạn cho rằng Lex đã học được gì về món cháo yến mạch? Và người mẹ đã học được gì về Lex?

Có một loạt những điều mà những bậc cha mẹ cần quan tâm, để khuyến khích con có những thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe, và phải tạo ra những bữa ăn cùng nhau thoải mái cho cả gia đình.

Lựa chọn đúng lúc

Những đứa trẻ chẳng có lý do gì để cảm thấy đói theo lịch trình ăn uống của ai đó, ngoại trừ lịch ăn uống của chính trẻ. Những em bé còn ẵm ngửa được cho bú theo yêu cầu, những em bé chập chững biết đi muốn ăn khi chúng cảm thấy đói, và những bé mẫu giáo thường chỉ không thể ăn từ bữa này sang bữa khác mà ở giữa hai bữa không có hoạt động khác. Đây là những sự thay đổi thông thường; hãy cố gắng thực hiện linh hoạt. Điều quan trọng là phải chắc chắn rằng những lựa chọn có sẵn cho trẻ phải là những lựa chọn tốt cho sức khỏe. Nếu như trẻ không ăn những bữa ăn chính đầy đủ, thì nên cung cấp cho trẻ những đồ ăn nhẹ với lượng chất dinh dưỡng trẻ cần. Ví dụ, một túi những thanh cà rốt hay thậm chí một túi khoai tây nướng thì tốt hơn nhiều khoai tây chiên hay đồ uống có ga.

Một đứa trẻ không ăn hết phần ăn trưa tại trung tâm chăm sóc trẻ em có thể ăn nốt phần ăn trưa trên đường về nhà. Khi nào trẻ ăn thì không quan trọng bằng trẻ ăn gì. Thức ăn bữa trưa giàu dinh dưỡng cũng tốt như khi chúng được ăn lúc 5h chiều hay ăn vào lúc sáng.

Sự thẳng thắn

Nhóm người cùng đi nhà thờ với bạn có thể đã nói say sưa về món tôm chấm nước sốt Cajun của bạn, nhưng đứa con mẫu giáo của bạn lại không thể hiện ấn tượng tốt với món ăn này một cách tương tự. Những đứa trẻ thường hay nghi ngờ những món ăn không quen hay những món trộn không bình thường. Một cái bánh kẹp pho mát với rau diếp và cà chua có thể bị bỏ lại, trong khi một miếng pho mát bình thường, một vài lát cà chua, hay một vài cái bánh quy giòn có thể được ăn khá vui vẻ. Nếu như con bạn nhìn đĩa mì ống với rau trộn một cách ngờ vực, hãy thử cho trẻ ăn riêng mỗi loại thức ăn trong đó. Tất nhiên bạn không cần phải đưa ra một thực đơn riêng, bạn cũng không nên làm vậy, nhưng nhận thức được đặc tính thích ăn các món ăn tự nhiên hơn của con sẽ giúp bạn tìm ra những cách thích hợp để khuyến khích sự hợp tác và thử nghiệm.

Những lựa chọn

Để cho con phát triển những thói quen ăn uống của chính mình cần phải có sự thành thật giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Trẻ sẽ ăn những thức ăn mà cơ thể của trẻ cần, và nếu như bạn cung cấp cho trẻ một loạt những loại thức ăn hấp dẫn, tạo cảm giác thèm ăn và có lợi cho sức khỏe, trẻ sẽ có thể có được nhiều sự lựa chọn hơn về những thức ăn bổ dưỡng. Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng cả bây giờ lẫn sau này người lớn vẫn ăn những loại thực phẩm không tốt; hàng nghìn những đứa trẻ đã được nuôi nấng bằng hàng chục loại đồ ăn nhanh, piza, xúc xích mà không phải chịu ảnh hưởng xấu lâu dài. Điều quan trọng nhất là sự cân bằng. Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống gồm những đồ ăn có dinh dưỡng thường xuyên, sẽ giúp bạn cảm thấy thích hơn những viên kẹo hình hạt đậu ở Lễ phục sinh, sô-cô-la ông già Noel, và những cơn đau dạ dày ở lễ hội hóa trang dường như là một phần không thể tránh khỏi của thời thơ ấu. Tuy nhiên, nếu như ở nhà lúc nào cũng có các viên kẹo hình hạt đậu, khoai tây rán, bánh quy, bánh nướng nhỏ, và nước ngọt, thì tức là bạn đang tạo ra cho trẻ những thói quen ăn uống nghèo dinh dưỡng, và cả những cuộc chiến về ăn uống.

Nhưng hãy tránh trở thành một cảnh sát về ăn uống. Nhiều gia đình đã cố lập ra những chế độ ăn uống đặc biệt, và thường tự đánh bại chính mình vì tạo ra một không khí dò xét thức ăn. Nếu như bạn muốn con bạn tránh xa những thức ăn có đường, đừng có nổi điên lên khi một cái khay bánh quy chuyển qua miệng con. Những phản ứng thái quá của bạn chỉ càng gây ra những vấn đề rắc rối liên quan đến thức ăn, cả bây giờ lẫn sau này.

Lượng khẩu phần ăn và cơn đói

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những trẻ được cho ăn những khẩu phần ăn cực lớn, thì chúng ăn những miếng thức ăn to hơn và nhiều thức ăn được tích lũy hơn. Nếu như trẻ lựa chọn ăn những khẩu phần ăn vừa đủ, hay được cho khẩu phần ăn ít hơn, thì trẻ có xu hướng ăn với những số lượng thích hợp hơn. Trẻ mẫu giáo có khả năng tự mình dọn thức ăn ra ăn (thông qua huấn luyện). Một phần quan trọng của sự huấn luyện là phải dạy trẻ lấy những phần thức ăn nhỏ. (Trẻ luôn luôn có thể lấy nhiều thức ăn hơn nếu trẻ muốn). Chẳng có ích gì nếu bắt trẻ ăn hết mọi thứ trong đĩa khi trẻ mắc một lỗi là lấy quá nhiều thức ăn. Sẽ thật có ích khi giúp trẻ khám phá thông qua những câu hỏi tò mò, về điều gì xảy ra khi trẻ lấy quá nhiều thức ăn, và trẻ có thể giải quyết vấn đề đó như thế nào.

Khi bạn bắt một đứa trẻ phải ăn hết tất cả thức ăn trong đĩa, hoặc là chỉ được ăn vào những khoảng thời gian cụ thể, bạn đang dạy trẻ phải lờ đi những biểu hiện của cơ thể. Điều này giải thích tại sao các bữa ăn nhẹ đóng vai trò quan trọng như vậy trong những năm mẫu giáo. Những dạ dày nhỏ bé cần phải được nạp nhiên liệu thường xuyên, vì vậy, những lựa chọn về đồ ăn nhẹ hết sức quan trọng.

Tình trạng đói là một dấu hiệu tốt hơn cho việc ăn uống so với đồng hồ - nắm được điều này thì tất cả chúng ta đều có lợi. Chỉ tập trung vào khi nào ăn hay ăn bao nhiêu, sẽ làm trẻ lờ đi những thông điệp mà cơ thể của trẻ gửi đến. Tốt hơn hết, bạn hãy chắc chắn rằng thức ăn giàu dinh dưỡng và trẻ được ăn bất cứ lúc nào.

Lựa chọn những cuộc chiến của bạn

Chắc chắn là bắt buộc đối với bạn khi đứa con 4 tuổi của bạn đang ăn những hạt đậu lima. Hoặc là bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nhìn con ăn một chế độ ăn uống ổn định với những miếng xúc xích Ý, nho khô, và bánh quy giòn. Nhưng hãy nhớ rằng nếu bạn bắt con ăn, con bạn có thể cảm thấy buộc phải kháng cự - bé liếc nhìn thèm muốn vào một đĩa đậu lima nguội, sau khi mọi người bỏ lại trên bàn.

Một số bậc cha mẹ rất muốn con họ phải ngồi trên bàn ăn cho đến khi họ ăn xong bữa ăn - và khi họ tuyên bố bữa ăn bắt đầu. Một số bậc cha mẹ lại muốn con cái họ phải ăn bằng hết những thức ăn mà họ đã đưa ra. Nếu như bạn trò chuyện với những đứa trẻ đó, bạn sẽ được nghe một câu chuyện khác. Chúng sẽ tìm hiểu việc hoặc là làm thế nào để mang hết phần thức ăn còn thừa cho chó, hoặc là làm thế nào để giấu thức ăn trong khăn ăn. Những bậc cha mẹ đó không nghi ngờ gì sao khi con cái họ đề nghị được dọn bàn ăn, hoặc là chúng gặp phải những vấn đề rắc rối về ăn uống. Một ai đó sẽ luôn luôn thua trong những cuộc chiến về thức ăn, cả ở thực tại lẫn lâu dài.

Giúp những trẻ ăn uống kén chọn

- Tránh trở thành người nấu những món ăn được làm vội vàng. Hãy dạy những trẻ lớn hơn 4 tuổi cách tự làm món bơ dừa hay bánh kẹp.

- Đưa ra những sự lựa chọn. Khi trẻ kêu ca về một món ăn, hãy nói: "Con có thể ăn món ăn trên bàn, hoặc là tự bỏ ra những thứ con không thích trong món bánh kẹp của con. Lựa chọn của con là gì nào?"

- Đưa ra những giải pháp. Nếu như một đứa trẻ kêu ca về thức ăn mà người lớn đưa cho, hãy hỏi, "Con cần phải làm gì với món đó nhỉ? Điều này làm trẻ sử dụng đến những kỹ năng tư duy và những kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này cũng mời trẻ sử dụng sức mạnh của mình trong những cách tích cực (thay vì những cuộc chiến sức mạnh) và giúp trẻ cảm thấy mình có năng lực.

- Mời trẻ giúp lên kế hoạch cho thực đơn trong những buổi họp gia đình. Những đứa trẻ có tính hợp tác nhiều hơn khi chúng được có liên quan. Hãy để trẻ cùng tạo ra danh sách đi chợ.

- Chia sẻ những công việc. Hãy để trẻ giúp đỡ bạn trong việc đi chợ. Hiện tại, rất nhiều cửa hàng thực phẩm có những xe đẩy chở hàng loại nhỏ có thể được trẻ mẫu giáo đẩy đi. Hãy để trẻ tự tìm những mặt hàng có ghi trong danh sách đi chợ để cho vào trong xe đẩy. Khi chúng muốn một mặt hàng nào đó mà không có trong danh sách, hãy nói với con một cách tốt bụng và chắc chắn, "cái đó không có trong danh sách của chúng ta."

- Hãy để trẻ giúp bạn nấu ăn. Trong suốt cuộc họp gia đình, hãy để trẻ quyết định rằng những buổi tối nào trẻ sẽ giúp nấu ăn. Xin nhắc lại một lần nữa, trẻ muốn ăn những thứ trẻ giúp đỡ nấu hơn, và có tinh thần hợp tác hơn, dù hôm đó trẻ không giúp đỡ nấu ăn, nhưng trẻ đã có liên quan đến quá trình lên kế hoạch.

- Hãy đáp lại mà không cứu giúp. Đơn giản, hãy tránh những tia lửa có thể cháy bùng lên khi bạn cho trẻ ăn. Hãy sử dụng kỹ năng nghe tích cực ("Mẹ đoán là con không thích vậy đâu!") và tránh tham gia vào những cuộc tranh chấp. Hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề đó. ("Con không phải ăn món đó bây giờ. Mẹ chắc chắn là con có thể ăn món đó vào bữa tới.")

- Hãy làm dịu đi những lo lắng của chính bạn về dinh dưỡng. Hãy cung cấp cho trẻ một loại thức ăn chứa nhiều vitamin. Sau đó hãy thư giãn đi. Trẻ sẽ ăn khi trẻ.

Mamnon.com

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Con không thích!” - Trẻ mầm non và việc ăn uống: Thời gian biểu dành cho bữa ăn (10/12)
 Chương XIV: Trẻ Mầm Non và kỹ năng vệ sinh – Câu chuyện dài kỳ về kỹ năng vệ sinh (18/8)
 Trẻ Mầm Non và kỹ năng vệ sinh – Tầm quan trọng của việc kiên nhẫn (18/8)
 Chương XV: Lựa chọn (và chung sống cùng) những cơ sở chăm sóc – giáo dục trẻ Mầm Non (18/8)
 Sống với quyết định bạn đã chọn về trung tâm chăm sóc trẻ (18/8)
 Chương XVI: Những buổi họp với trẻ Mầm Non (18/8)
 Những lời khuyên đặc biệt giúp cho việc họp lớp hiệu quả (18/8)
 Chương 17: Thế giới bên ngoài: Đối phó với ảnh hưởng của công nghệ và văn hóa (18/8)
 Thế giới bên ngoài: Tivi – Bạn hay kẻ thù? (18/8)
 Thế giới bên ngoài: Nuôi dưỡng con cái tốt trong thế giới công nghệ (10/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i