Sức khỏe và Phát triển
   Sốt và những điều nên tránh
 

Đừng ủ kín bé khi sốt
  Trong hai bài viết trước với chủ đề sốt, chúng tôi đã nêu cách xác định trẻ bị sốt và một số tình huống xảy đến do sốt thường gặp. Tiếp theo loạt bài này, chúng tôi sẽ lưu ý các bà mẹ một số điều không nên làm khi trẻ bị sốt


   Cạo gió, giật gió: đây là một biện pháp điều trị sốt thường được ông bà các bệnh nhi thực hiện. Không nên cạo gió cho trẻ vì điều này gây làm trẻ đau, da bị trầy xước có thể bị nhiễm trùng nếu không được chăm sóc vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, nếu cạo gió cho một trẻ đang bị sốt xuất huyết, trẻ có thể bị xuất huyết dưới da nặng nề và làm nặng thêm tình trạng bệnh chung của trẻ.


   Cắt lễ: cùng với cạo gió, đây cũng là một biện pháp thường được áp dụng để điều trị trẻ bị sốt. Gần đây, các trường hợp này tuy có giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Các tác hại của biện pháp này cũng tương tự như cạo gió nhưng ở mức độ trầm trọng hơn.


   Vắt chanh vào miệng khi trẻ bị co giật: đây là một hành động rất nguy hiểm nhất là khi được thực hiện khi trẻ co giật vì lúc đó trẻ sẽ dễ bị hít vào phổi gây nên bệnh viêm phổi hít rất nặng.


   Chườm nước đá: Với ý nghĩ: nhiệt độ của nước đá thấp khi chườm cho trẻ sốt cao, trẻ sẽ hạ sốt nhanh! Điều này chỉ đúng một phần là sau khi chườm nước đá, sờ vào da trẻ, trẻ sẽ không còn sốt nữa. Cảm giác lạnh khi sờ vào da của trẻ lúc này một phần là do độ lạnh của nước đá gây nên, một phần là do các mạch máu ở da bị co lại, máu không lưu thông tốt đến các vùng da. Trên thực tế, khi trẻ bị sốt, cơ thể sẽ tìm cách thải bớt nhiệt độ vào môi trường bên ngoài bằng cách làm dãn nở cách mạch máu đến các vùng da. Do đó, nếu bạn muốn lau mát cho trẻ, nên lau bằng nước ấm.


   Chà chanh hoặc lau bằng rượu để hạ sốt: cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về tính hiệu quả vượt trội của chanh hoặc rượu khi dùng để lau mát hạ sốt. Xét một cách khách quan thì rượu có vẻ có hiệu quả hơn vì bay hơi nhanh hơn nước, tuy vậy, nếu xét thêm về mức độ an toàn và kinh tế thì nước ấm có nhiều lợi điểm hơn. Rượu hoặc cồn có thể làm co các lỗ chân lông, làm tắc các tuyến mồ hôi và cũng có thể được hấp thu qua da, làm trẻ bị ngộ độc rượu và bị lơ mơ.


   Ủ kín trẻ trong mền hoặc mặc nhiều lớp quần áo: nhiều người nghĩ rằng, nếu làm cho trẻ toát nhiều mồ hôi, trẻ sẽ hết sốt nên thường hay áp dụng cách này để hạ sốt cho trẻ. Bên cạnh đó, một số trẻ bị lạnh run khi sốt cũng được ủ rất kín. Điều này rất nguy hiểm vì chỉ làm nhiệt độ của trẻ bị tăng lên chứ không hạ.


   Không cho trẻ ăn uống đầy đủ khi trẻ bị sốt: vì sợ trẻ ăn uống không tiêu nên một số phụ huynh đã hạn chế cho trẻ ăn uống. Thực tế khi trẻ bị sốt, trẻ phải huy động nhiều sức lực để chống đỡ lại bệnh, do vậy sẽ bị mất nhiều năng lượng. Nếu không cho trẻ ăn, trẻ sẽ ngày càng yếu hơn, sức đề kháng giảm và sẽ bệnh nặng hơn. Phần lớn trẻ khi sốt thường có cảm giác biếng ăn, vì vậy, nên cho trẻ uống nhiều nước và cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ với đầy đủ các chất dinh dưỡng.


   Hạ sốt bằng cách cho uống thuốc hạ sốt liên tục: một vài phụ huynh có lẽ vì nóng lòng hạ sốt cho con mình nên đã cho trẻ uống thuốc hạ sốt liên tục với các lần uống cách nhau chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Biện pháp này tương tự như việc bạn cho trẻ uống thuốc quá liều. Nếu là loại thuốc hạ sốt thường gặp ở Việt nam như Tylenol, Panadol, Acemol …, việc dùng quá liều có thể làm cho trẻ bị đổ mồ hôi nhiều, bứt rứt, ói và nặng nhất là trẻ có thể bị tổn thương gan do thuốc.


   Hạ sốt bằng cách vừa cho uống thuốc vừa cho thuốc nhét hậu môn: ngược lại với những cách trị sốt cổ điển như cạo gió, cắt lễ thì một số bậc phụ huynh áp dụng rất thông thạo các cách hạ sốt tiên tiến như dùng miếng dán hạ sốt, lau mát và cho trẻ uống thuốc. Tuy vậy, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ cũng thường gặp những bệnh nhi vừa được cho uống thuốc hạ sốt vừa được nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn cùng lúc. Cấn phải biết rằng dù có nhiều thuốc hạ sốt khác nhau nhưng nhìn chung vẫn chỉ là một chất giống nhau, do vậy nếu dùng cả 2 đường uống và nhét hậu môn cùng lúc sẽ giống như bạn cho bé uống gấp đôi liều thuốc bình thường. Hậu quả tương tự như cách hạ sốt bằng cách cho uống thuốc hạ sốt liên tục ở trên.


Bác sĩ Minh Triết                                 
Phòng khám và tư vấn sức khỏe trẻ em – BV Nhi Đồng 1

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Xử trí khi trẻ nuốt pin (2/1)
 Những cái bẫy trong nhà với bé (25/12)
 7 lí do bé khóc (25/12)
 Xử trí tiêu chảy cấp ở trẻ em (24/12)
 Sổ mũi có nên dùng thuốc kháng dị ứng??? (24/12)
 Chứng đau nửa đầu ở trẻ em (24/12)
 Những điều bạn cần biết về thuốc bôi chống nắng? (24/12)
 Tắm cho con yêu (19/12)
 Có nên tắm cho bé để giảm sốt? (19/12)
 Bạn đã chuẩn bị làm gì để chống lại Bệnh Nhiễm cầu khuẩn (PD)? (18/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i