Cứ 10 em bé Việt Nam thì đến 7 cháu cơ thể bị thiếu kẽm, ảnh hưởng lớn đến khả năng tăng trưởng và phát triển.
Theo bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, thực trạng trẻ em Việt Nam thiếu kẽm đang ở mức báo động. Cứ 10 bà mẹ có thai thì đến 8 người thiếu kẽm, ở trẻ nhỏ tỷ lệ này là 10:7. Tình trạng cơ thể thiếu kẽm không có biểu hiện đặc thù, chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm huyết thanh nhưng không phải người dân nào cũng đi xét nghiệm.
Hằng ngày cơ thể trẻ 1-10 tuổi cần khoảng 10 mg. Bên cạnh đó, cơ thể cũng cần dự trữ kẽm để khi thiếu sẽ huy động nguồn dự trữ ở gan và lá lách. Tuy nhiên khẩu phần ăn thường xuyên của trẻ không cung cấp đủ nhu cầu khuyến nghị, vì vậy dự trữ cạn kiệt, biểu hiện thành thiếu máu. Kẽm chỉ tồn tại trong cơ thể 12 ngày, khiến tỷ lệ thiếu kẽm cao.
Cá hồi, tôm, thịt bò... là những thực phẩm giàu kẽm. Ảnh: WP.
Thiếu kẽm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng và phát triển của trẻ. "Kẽm tham gia vào hơn 200 loại enzym chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng toàn bộ quá trình phát triển chiều cao, trí tuệ của trẻ", bác sĩ Vân nhấn mạnh. Thiếu kẽm không có biểu hiện rõ rệt giống như thiếu iốt gây bướu cổ, thiểu năng trí tuệ, để cảnh báo kịp thời.
Theo phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, thiếu kẽm dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, trẻ biếng ăn, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình. Kẽm có nhiều trong đồ biển như hàu, ngao, tôm, cua; các loại thịt gồm thịt bò, gà, heo. Các loại hạt ngũ cốc thường ít kẽm và cơ thể khó hấp thu.
Theo SK&ĐS