Với 5 sai lầm dưới đây, hy vọng các mẹ sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho riêng mình trong quá trình cho con ăn dặm.
1. Hâm lại đồ ăn của trẻ
Vì thời gian eo hẹp hoặc tiện lợi cho việc nấu nhiều bữa, nhiều mẹ thường có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào thì lấy ra nấu lại bữa đó.
Cũng có nhiều mẹ tranh thủ ngày cuối tuần, nấu các món cháo khác nhau, đóng hộp và bảo quản trong ngăn đá, để khi nào ăn thì đem ra nấu lại.
Với những cách này, cháo bữa sau sẽ có mùi không thơm và chắc chắn trẻ sẽ không hề muốn ăn.
Hơn nữa, khi nấu đi nấu lại, lượng vitamin trong rau cũng sẽ mất đi gần hết và mặc dù trẻ ăn số lượng đầy đủ nhưng vẫn có rất ít chất dinh dưỡng để hấp thụ.
2. Không cho hoặc cho rất ít dầu
Rất nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng, hệ tiêu hóa của con còn yếu nên kiêng hoàn toàn dầu mỡ cho con.
Tuy nhiên, các phụ huynh không biết rằng, các nhóm axit béo trong dầu ăn có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hấp thụ vitamin của cơ thể.
Không cho hoặc cho rất ít dầu khiến cho trẻ giảm khả năng hấp thu vitamin, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D, khiến bé còi xương, chậm lớn, chậm tăng cân.
Trong bữa ăn, các mẹ có thể cho thêm 1 thìa dầu Oliu, dầu dừa hay dầu gấc vào đồ ăn của bé.
3. Hầm xương để chế biến thức ăn cho trẻ
Khi con trẻ vào tuổi ăn dặm, các mẹ thường ninh nước xương để nấu bột hoặc nấu cháo cho con. Tuy nhiên, cách làm này lại là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.
Trẻ dưới 3 tuổi có thể bị thấp còi nhẹ cân và tiêu hóa kém nếu như thường xuyên ăn nước hầm xương.
Ảnh minh họa.
Nước hầm xương có chất beo béo, ngọt thơm chỉ làm cho trẻ có cảm giác ngon miệng, chứ không có nhiều chất dinh dưỡng như các mẹ vẫn nghĩ.
Những chất dinh dưỡng quan trọng như chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất vẫn nằm trong xương, thịt và rau.
4. Nêm đồ ăn quá mặn
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không được ăn quá mặn vì sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận của bé. Vì thế, mỗi ngày, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn dưới 1gram muối.
Các mẹ không nên nêm gia vị theo ý mình khi nấu thức ăn cho trẻ, vì khi vừa miệng mình thì đồ ăn đó có thể sẽ là quá mặn hoặc quá ngọt đối với trẻ.
5. Nghiền nhuyễn mọi thức ăn
Nghiền nhuyễn thức ăn sẽ khiến trẻ lười nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị của thức ăn, dẫn đến chán ăn.
Ngoài ra, có rất nhiều mẹ có thói quen khi cho con ăn dặm là, chỉ cho ăn nước mà không cho ăn cái.
Trên thực tế, điều này chỉ phù hợp với trẻ trong những ngày đầu tập ăn, sau đó cần cho trẻ ăn luôn thịt, cá, rau... xay nhỏ để bảo đảm chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển.
Theo Đời sống Plus