Thỉnh thoảng một vài báo sẽ đăng câu chuyện về một em bé thông minh hoàn thành xong cấp 3 sớm và đang sẵn sàng để học tiếp lên cao hơn. Tuy nhiên cũng có những em bé giống như Robbie, bố mẹ của những bé này thật sự lo lắng về rất nhiều lý do khiến cho con của họ vẫn chưa sẵn sàng đi học, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa khác thì đã sẵn sàng.
Bố mẹ có nên bắt đầu dạy học cho con ngay khi vẫn còn chưa đi học không? Bởi vì bộ não của trẻ đang phát triển nên chúng ta không nên đặt vào đó quá nhiều thông tin mà chúng ta có thể nhồi nhét có phải không? Sự thật là trẻ học hỏi theo nhiều cách khác nhau, và phần lớn trong số đó chúng ta vẫn chưa hiểu được đầy đủ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thậm chí là có hại khi bắt trẻ phải học quá nhiều, hay phải tiếp thu những khái niệm mà bộ não của trẻ vẫn chưa đủ chín chắn để giải quyết. Nếu như bộ não vẫn chưa sẵn sàng học những khái niệm trừu tượng (ví dụ như toán học), thì có thể nó sẽ chắp vá những khái niệm này lại với nhau để tạo thành lối mòn - những sự liên kết kém hiệu quả hơn cái mà đáng nhẽ ra sẽ được bộ não tạo ra và sử dụng sau này - con đường mòn kém hiệu quả này thường rất khó bị phá vỡ.
Ép con phải học tập trước khi trẻ thực sự sẵn sàng có thể gây ra những hậu quả tâm lý khó lường. Bộ não của trẻ liên tục đưa ra những quyết định về chính bản thân mình và những người xung quanh. Khi trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp thu một khái niệm mới, và bị ép buộc phải học bởi những người yêu thương trẻ - bố mẹ của bé (dĩ nhiên là với ý tốt), trẻ có thể đưa ra quyết định rằng "Con không có đủ khả năng", trong khi sự thật chỉ là bộ não của bé chưa sẵn sàng để tiếp thu những khái niệm đó. Điều đó sẽ gây trở ngại cho trẻ, và bé có thể cảm thấy hết sức sợ hãi khi phải học khái niệm đó.
Hầu như không có điều gì là tuyệt đối: mỗi bộ não con người đều đặc biệt và duy nhất; không thể khái quát hoá về điều gì là đúng hay điều gì là sai rồi áp dụng đối với cá nhân một đứa trẻ. Nhưng một vài học giả, giống như Jane Healy tin rằng nền văn hoá hiện đại đang phát triển nhanh của chúng ta (và nhất là một số chương trình giáo dục trên truyền hình của chúng ta) có lẽ đang ảnh hưởng đến các khả năng của trẻ em: khả năng chú ý, khả năng lắng nghe, và khả năng học hỏi ở những cấp độ tiếp sau đó trong cuộc đời. Một vài nhà giáo dục trẻ em gần đây cho biết trẻ mẫu giáo ngày nay dường như gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc ngồi học, và chú ý đến những bài học hay những câu chuyện trên lớp. Cùng lúc đó, rất nhiều trẻ trong độ tuổi này lại khôn trước tuổi, bởi vì chúng thu được một lượng từ vựng lớn (và thỉnh thoảng người lớn lại gây xáo trộn) từ ti-vi. Có lẽ, tất cả việc học đều không tồn tại một khuôn "tốt"; cha mẹ cần phải quan tâm hơn nữa đến những biểu hiện của con, và đảm bảo chắc chắn rằng kiến thức và các giá trị cần tiếp thu phải được học cùng với sự phát triển các từ vựng và các kỹ năng.
Trẻ học hỏi tốt nhất thông qua giao tiếp trong các mối quan hệ, và điều mà trẻ cần nhất để học trong những năm mẫu giáo thì không có trong những cuốn tranh bắt mắt, hay trên tivi. Trẻ học hỏi tốt nhất qua sự nhận biết những liên quan sinh động phối hợp nhiều giác quan: ngửi, nghe, nhìn, nếm, và chạm. Trẻ cũng cần có cơ hội để kết nối những điều mình đã biết với những thông tin mới, để xây dựng lên một thế giới nhận biết của riêng bé. Thật không còn gì thú vị nếu sự vui chơi đáp ứng được tất cả các yêu cầu của trẻ. Sự vui chơi rất quan trọng đối với bé trong những năm mẫu giáo. Hãy nhớ rằng, một đứa trẻ đang vui chơi là đang thực sự làm việc chăm chỉ để phát triển một bộ não khoẻ mạnh.
Trẻ thực sự cần gì?
Chắc chắn trẻ mẫu giáo là những người nhỏ bé bận rộn, bởi vì chúng có quá nhiều thứ để học. Như chúng tôi đã đề cập đến, trẻ học tốt nhất thông qua những tình huống giao tiếp trong các mối quan hệ. Tất cả sự phát triển của bộ não là tạo ra những kết nối, và bộ não của trẻ được cấu tạo sẵn để tìm ra các kết nối từ lúc được sinh ra. Bạn và những người trông trẻ có liên kết thế nào với trẻ - bạn nói chuyện, chơi với con và nuôi dưỡng con thế nào - thì cho đến lúc này, nó là nhân tố quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ. (Bạn sẽ hiểu nhiều hơn về sự phát triển tâm lý của trẻ trong chương 7.).
Theo như Ross A. Thompson, giáo sư tâm lý, trường Đại học California ở Davis, và là một trong những thành viên sáng lập ra Hội đồng khoa học Quốc gia về phát triển trẻ em Mỹ (www.developingchild.net), trẻ học hỏi tốt nhất khi chúng không bị căng thẳng và khi chúng được sống trong một môi trường khuyến khích phù hợp. Giáo sư Thomson cho rằng sự khuyến khích đặc biệt, ví dụ như truyền hình và các công cụ học tập khác, thì không cần thiết. Thực tế, những điều mà trẻ thực sự cần để trưởng thành và phát triển thì thường không gấp gáp, vội vàng. Người lớn chỉ nên quan sát trẻ và đưa ra những gợi ý phù hợp cho bé, không làm bé sao lãng hay đưa ra các kỳ vọng. (Cả cha mẹ và người cung cấp dịch vụ trông trẻ sử dụng phương pháp tương tác lấy trẻ làm trung tâm.) Quan trọng hơn, phải lưu ý rằng điều này không có nghĩa là cho phép trẻ chế ngự gia đình. (Nhiều kiến thức khác nữa về vấn đề này sẽ được đề cập đến trong những chương tiếp theo).
Một lời về sự gắn kết
Khi bạn có mối liên kết tốt với trẻ - khi bạn nhận ra và đáp lại những tín hiệu của trẻ, cho trẻ tình yêu và nơi mà trẻ thuộc về, và để cho trẻ phát triển kỹ năng thành thật và an toàn - bạn đang giúp trẻ phát triển điều mà chúng ta gọi là sự gắn kết an toàn. Trẻ được gắn kết an toàn có thể kết nối tốt với chính bản thân mình cũng như với những người khác, và sẽ có cơ hội tốt nhất để phát triển khoẻ mạnh, các mối quan hệ được cân bằng. Thật thú vị khi những nhà nghiên cứu như Mary Main đã khám phá ra rằng độ gắn kết của cha mẹ chính là điều hữu hiệu nhất giúp phát triển khả năng gắn kết của con cái đối với chính gia đình mà trẻ đang lớn lên. (Erik Erikson cũng phát hiện ra rằng sự phát triển khả năng thành thật của một em bé trong năm đầu đời thì trực tiếp liên quan đến sự thành thật của người mẹ.) Việc bạn hiểu như thế nào về quá khứ và những trải nghiệm của chính mình, và chúng có ý nghĩa như thế nào có ảnh hưởng trực tiếp đến đứa con đang lớn của bạn. Hiểu và giải quyết những khó khăn, thử thách hay những vấn đề về tâm lý có lẽ là một trong những món quà lớn nhất mà bạn dành tặng cho con. (Để học nhiều hơn về sự gắn kết, sự phát triển của bộ não và việc nuôi dạy con, hãy đọc quyển Parenting from the inside out: How a Deeper Self-Understanding Can Help You Raise Children who Thrive của các tác giả Daniel J. Siegel, M.D., và Mary Hartzell, M.Ed., Tarcher/Putnam, 2003.)
Những nơ ron tế bào thần kinh phản chiếu diệu kỳ
Bạn đã từng bao giờ tự hỏi rằng con của bạn học vỗ tay, đẩy máy hút bụi hay học nói từ "con gà con" thế nào? Gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự hiện diện của những nơ ron thần kinh phản chiếu trong não người, những nơ ron thần kinh này nhận thức được hành động về thể chất, biểu hiện của khuôn mặt, tâm trạng và chuẩn bị cho não để sao lại những gì nó "nhìn thấy". Các nơ ron thần kinh phản chiếu giúp trẻ biết cách làm thế nào để bắt chước bạn. Theo cách tương tự, khi bạn giận dữ, xúc động, hay lo lắng, nơ ron thần kinh phản chiếu của trẻ sẽ bắt lấy tâm trạng của bạn và tạo nên cảm giác tương tự ở trẻ. Những nơ ron thần kinh phản chiếu giúp giải thích tại sao chúng ta khóc, cười hay giận dữ với người khác một cách dễ dàng. Nó cũng giải thích tại sao điều mà bạn làm (hành vi bạn thể hiện) lại có sức mạnh lớn hơn bất kỳ lời nói nào bạn dạy trẻ.
Mamnon.com