Mẹ của Michael dẫn cậu bé tới công viên gần đó để đi dạo. Michael chỉ mới bước sang tuổi thứ 3, nhưng bé đã rất háo hức muốn chơi môn leo trèo khung kim loại. Bé bò lên qua những thanh ngang thấp một cách dễ dàng, nhưng sau đó bé nhìn xuống và cảm thấy bụng dạ lộn nhào.
Michael đã khóc thút thít, quay lại giơ tay gọi mẹ tới cứu bé, và nhấc bé xuống. Nhưng người mẹ chỉ cười, bước tới và đặt một bàn tay động viên lên lưng Michael. Cô nói để làm yên lòng cậu con trai đang sợ hãi, và giúp bé tìm cách trèo trở xuống. Khi cậu bé đã xuống được đất, người mẹ đã tặng bé một cái ôm thật chặt, và chúc mừng bé đã tự mình trèo xuống được. Michael nở một nụ cười hãnh diện. Người mẹ và Michael đã quay trở lại công viên thường xuyên, và đến hết tuần thứ 2, Michael đã leo lên leo xuống những thanh xà rất dễ dàng.
Mẹ của Margaret cũng gặp tình huống khó xử tương tự nhưng đã giải quyết theo cách khác. Margaret cũng 3 tuổi, bé đã khóc thét lên khi đang ở trên đỉnh của khung kim loại, người mẹ đã chạy đến và đỡ lấy những cánh tay của Margaret. Cô đã ôm lấy bé và nói chắc nịch rằng nó nguy hiểm cỡ nào mà lại trèo lên cao như vậy. Margaret đã khóc lóc thêm một chút, và sau đó chạy ra chơi hộp cát. Mặc dù họ có đi công viên đó thường xuyên, những hai tháng sau Margaret vẫn tránh trèo lên khung kim loại, bám lấy chân mẹ mỗi khi có ai đó rủ cô bé trèo lên đó.
Trẻ mẫu giáo nhìn thế giới như là một nơi tuyệt vời và náo nhiệt, đặc biệt là khi chúng phát triển được thêm những sáng kiến và khả năng về tri thức và thể chất. Khi người lớn giúp đỡ trẻ trong tình huống như vậy, thì trẻ sẽ có cảm giác bị thất bại, phải rút lui, và kèm theo là cảm giác mặc cảm về sự bất lực của mình. Trong khi một số trẻ khác từ bỏ và cho phép những ông bố bà mẹ đang lo lắng che chở quá mức, làm trẻ cứ phải trải qua cảm giác thất bại thay vì những vết thâm tím mà chúng cần để phát triển. Trong cả hai trường hợp này, khả năng sáng tạo đang phát triển và năng lực của trẻ có thể bị cản trở. Mẹ của Margaret đã muốn bảo vệ con gái khỏi bị thương nhưng rốt cục đã làm cho cô bé nhận thấy phải tránh xa hoàn toàn việc leo trèo. Khi lớn lên, Margaret vẫn có thể thấy rằng thật khó khăn để thực hiện những hành động mạo hiểm - mặc dù những điều này là có lợi cho cô hay làm giàu thêm trải nghiệm sống.
Những người lớn có thể chọn cách khuyến khích trẻ khi trẻ phải đối mặt với khó khăn, giống như mẹ của Michael đã làm. Mẹ Michael đã thể hiện niềm tin vào khả năng của con để con làm chủ một kỹ năng mới, và điều mà cậu bé trải qua đã nói cho cậu biết rằng "Tôi có khả năng thực hiện được". Michael và Margaret phải đối mặt với khó khăn, thử thách, và những nhiệm vụ mới khi chúng trưởng thành, chúng sẽ giải quyết ra sao? Chúng có tin tưởng vào khả năng của chính chúng không?
Nhu cầu phát triển sáng kiến giải quyết vấn đề có sẵn trong mỗi đứa trẻ. Liệu cha mẹ và người trông trẻ có nhận thấy đó là điều thuận lợi không. Thậm chí khi trẻ bị làm cho nản lòng, một vài trẻ vẫn kiên trì lập trường để phát triển sự khởi đầu này. Người lớn thường hay gọi hành vi này là "sự bất chấp", và cố gắng kiểm soát, chiều theo hoặc che chở thái quá. Vâng, lẽ tất nhiên là trẻ phải được giữ an toàn, và phải được dạy bảo để cư xử phù hợp trong những công việc, tình huống cụ thể này. Trẻ sẽ hoàn thành được dễ dàng hơn khi người lớn dành cho trẻ những cơ hội để trải nghiệm sự khởi đầu này.
SÁNG KIẾN - HAY LÀ DÙNG MÁNH KHOÉ
Một đứa trẻ khi bị ngăn cản phát triển sáng kiến thì đôi khi thay vào đó sẽ phát triển khả năng dùng mánh khoé. Những trẻ như vậy không tự lo liệu được và đòi bạn phải làm mọi thứ cho trẻ. Thay vì phát triển thái độ "con có thể làm được điều đó", thì trẻ tìm kiếm sự phụ thuộc và tầm quan trọng của mình qua thái độ "con không thể". Trẻ "không thể" đi bộ ra xe hơi, trẻ "không thể" đi tất, trẻ "không thể" cất đồ chơi đi. Bất cứ khi nào trẻ cư xử không đúng, bạn có thể sẽ tự hỏi mình rằng "Hành vi này có thể xuất phát từ sự ngăn cản và những cảm giác đã mắc lỗi khi phát triển những kỹ năng sao?" Hãy xem xét tình huống khó xử của hai bậc cha mẹ dưới đây:
Câu hỏi: Con gái 3 tuổi của tôi gào lên và khóc thét khi tôi nói không. Bé không bao giờ ăn những thứ mà chúng tôi đưa cho: Bé bảo muốn ăn bánh mỳ với bơ lạc, và bé chỉ ăn phần bơ lạc, không ăn phần bánh mỳ. Sau đó bé đòi phải có nhiều bơ lạc hơn trên bánh mỳ. Nếu như tôi không làm theo điều bé nói, bé sẽ bắt đầu hậm hực và khóc. Bé được chăm sóc suốt cả ngày và thường rất hay cư xử theo cách đó.
Câu hỏi: Tôi nghĩ rằng "không" nghĩa là không, nhưng con gái tôi vẫn chưa nhận ra điều đó. Tôi từng bắt bé đứng trong góc nơi mà bé không thể gặp chúng tôi cho đến khi dừng khóc, những điều đó chỉ thực hiện được một lúc. Chồng tôi bắt bé ở trong phòng tắm nhỏ và tắt đèn. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ làm cho bé sợ bị giam giữ. Bé ngủ trong phòng riêng của mình, nhưng thường hay khóc mỗi đêm. Thời gian ngủ thật sự là phiền phức khi bé không chịu nằm trên giường. Tôi phải vỗ vào lưng bé cho đến khi bé ngủ. Tôi ghét những cuộc vật lộn triền miên với bé, nhưng bé sẽ không làm theo những gì tôi nói.
Trả lời: Những tình huống như vậy thường gây ra nhiều khổ tâm. Quá nhiều những cuộc vật lộn như vậy đã có thể được xoá bỏ nếu như người lớn hiểu được sự thích hợp về độ tuổi và sự phát triển của trẻ, mục đích trẻ tạo ra hành vi sai trái và việc cha mẹ thực hiện biện pháp kỷ luật không trừng phạt sẽ tạo nên những giới hạn trong bầu không khí hợp tác.
Có một cách để tránh những mánh khoé kiểu giống như vậy. Người mẹ trong ví dụ đầu tiên có thể chọn những lúc thích hợp để nhượng bộ (ví dụ như để cho con gái tự phết bơ lạc lên bánh mỳ và sau đó dạy con cùng dọn dẹp). Để cho bé tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn sẽ giúp tăng khả năng tìm tòi, tạo ra sáng kiến, sẽ giúp bé cảm thấy bé có năng lực bằng việc dạy bé các kỹ năng sống, và sẽ làm tăng động cơ thúc đẩy bé ăn những gì mà bé đã giúp đỡ chuẩn bị cho bữa ăn.
Khi đọc chương 2, bạn đã biết thật vô ích khi dùng thời gian để trừng phạt; chẳng có ích lợi gì khi bắt một đứa trẻ vào đứng trong góc, hay ở trong phòng tối mà không bật điện. Việc trải qua những hình phạt như vậy sẽ tạo ra cho trẻ cảm giác nghi ngờ, xấu hổ và tội lỗi. Thay vì làm việc đó, người mẹ và người cha có thể nói không và sau đó cho con tự khóc hay thét lên như con muốn. Khi con khóc, cha mẹ có thể nói với con dứt khoát rằng "Mẹ biết điều này đang làm con thấy thất vọng, và con cũng đang buồn nữa. Nhưng làm như vậy là không đúng, vì vậy mà chúng ta không làm như thế." Nếu như cha mẹ không thể chịu được tiếng khóc của trẻ, họ có thể rời đi và nói, "Con có thể khóc khi con cảm thấy buồn, tùy theo ý muốn của con. Hãy đi tìm mẹ khi con cảm thấy ổn rồi."
Trẻ mẫu giáo cần phải biết ý nghĩa của điều bạn nói, và sẽ làm theo những hành động tốt và kiên trì của bạn (thay vì thuyết giảng). Trẻ sẽ "lắng nghe" những hành động tốt, kiên trì và liên tục hơn là những lời nói suông.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHUYẾN KHÍCH SÁNG KIẾN VÀ NGĂN CHẶN HÀNH VI MÁNH KHOÉ
Khuyến khích phát triển sáng tạo ở trẻ rõ ràng là một công việc đòi hỏi tính kiên trì, bởi vì cha mẹ và người trông trẻ sẽ thấy nó là một thử thách thực sự, và chẳng dễ dàng chút nào. Tương tự như vậy, những người lớn ở nhà và ở trường có thể giúp trẻ phát triển sự tự tin và sáng tạo bằng việc tạo ra nhiều cơ hội trải nghiệm cho trẻ, đưa ra thời gian để tập luyện và động viên trẻ khi trẻ cố gắng làm nhiều thứ. Khi được giúp đỡ theo cách này, trẻ sẽ học được khả năng thành thật với bản thân và cảm thấy mình có năng lực.
Điều này có mất nhiều thời gian? Thực tế thì việc tạo ra các cơ hội để cho trẻ phát triển khả năng sáng tạo mất ít thời gian hơn là giải quyết những hành vi cư xử sai trái của trẻ. Có ai cho rằng việc nuôi dạy con cái là dễ dàng và không tốn nhiều thời gian? Có quá nhiều cha mẹ muốn con mình tự tin, biết tôn trọng, tài năng, có tính trách nhiệm, nhưng lại không muốn đầu tư thời gian vào các phương pháp để dạy con đạt được những tính cách đó. Có rất nhiều cách để giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo hơn là việc dùng mánh khoé hay có hành vi cư xử sai. Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo là thông qua các buổi họp mặt gia đình hay những buổi học trên lớp, như được đề cập ở chương 16. Có nhiều cách hay khác bao gồm việc chơi trò chúng ta cùng đùa, nói ra những dự tính rõ ràng, đưa ra những lựa chọn có giới hạn, và cùng với những phương pháp kỷ luật tích cực được đưa ra trong cuốn sách này. Những phương pháp này có thể được sử dụng để giúp trẻ thực hành cách cư xử đúng đắn ở nhà, cũng như ở nơi công cộng, đồng thời khuyến khích trẻ phát triển được kỹ năng sáng tạo.
Chơi trò "Chúng ta cùng đùa"
Trẻ rất thích các chơi đùa, vì vậy trò chơi chúng ta cùng đùa có thể là một cách hay để dạy cho trẻ các kỹ năng, và giúp trẻ hiểu được sự khác nhau giữa cư xử có hiệu quả (tôn trọng người khác) và cư xử không có hiệu quả (không tôn trọng người khác). Trẻ mẫu giáo cũng đã đủ lớn để hiểu rõ trò chúng ta cùng đùa, khi bạn làm cho trò đó trở nên đơn giản.
Một cách để tạo nên trò "Chúng ta cùng đùa" là nói cho trẻ biết một điều gì đó giống như là: Con sẽ là bố, bố sẽ là một cậu bé nhỏ. Chúng ta đang ở trong một ngôi nhà bánh. Con nên cư xử thế nào? Con có khóc hay chạy vòng quanh, và ném bánh như thế này không?" Sau đó hãy thể hiện việc khóc và chạy vòng quanh như thế nào. "Hay con nên ngồi yên lặng trên ghế và ăn bánh, hay có thể ngồi trật tự tô màu trong khi chờ đợi?". Sau đó bạn hãy diễn tả việc giả vờ bạn đang ngồi trong nhà hàng, và có con của bạn giám sát hành vi của bạn. Vai trò đảo ngược lại và hãy để trẻ thể hiện cả hai mặt không tôn trọng và tôn trọng người khác. Hãy chắc chắn thực hiện một cuộc hội thoại như thật với trẻ, để trẻ có thể hiểu và học được những lợi ích từ cách cư xử tôn trọng người khác.
Nói ra những dự tính rõ ràng
Một trong số những lời khuyên về nuôi dạy con cái lâu đời nhất cũng vẫn là một trong những lời khuyên tốt nhất: Hãy nói ra điều mà bạn nghĩ, và hãy cho con biết ý nghĩa của điều bạn nói. Bạn cần phải tạo ra những kế hoạch dự định đúng đắn và rõ ràng như thế nào cho trẻ? Hãy lắng nghe xem bố của bé Cody đang thử làm điều đó:
Mặc dù Cody chỉ mới 4 tuổi, nhưng bé rất thích bóng chày. Cậu bé đã sưu tập các thẻ bóng chày từ khi còn nhỏ xíu, và bé rất thích chơi bóng wiffle với bố trong sân sau, bé còn biết toàn bộ đội hình khởi đầu của Những chú khổng lồ San Francisco. Tim, bố của Cody đang có dự định dẫn cậu con trai nhỏ bé của mình đi xem trận đấu bóng chày thật sự lần đầu tiên. Kinh nghiệm lần trước đã dậy cho Tim biết rằng để mà tận hưởng niềm vui của ngày đi chơi hôm đó với cậu con trai tò mò và hiếu động thì cần thiết phải có một vài chuẩn bị.
Đầu tiên, Tim quyết định dẫn Cody tới công viên gần nhà để chơi một trò chơi là League Little (Liên đoàn tý hon). Khi họ cùng ngồi xuống ghế khán giả, Tim đã hỏi con trai rằng bé nghĩ thế nào khi hai bố con cùng làm tại sân vận động lớn. Cody nghĩ kỹ câu hỏi, nhíu lông mày lại tập trung suy nghĩ.
"Chúng ta sẽ vẫn ngồi chứ ạ?" Cậu bé hỏi thử, và biết rằng đây là một luật lệ không hay để cho bố làm theo.
Người bố nói với một nụ cười "Ồ, chúng ta có thể thỉnh thoảng đứng lên. Và chúng ta có thể cùng nhau đi bộ để mua một thứ đồ uống mát lạnh hay là xúc xích chẳng hạn."
"Chúng ta có thể kéo dài lượt chơi của cầu thủ thứ 7!" Cody hét lên đầy háo hức, và bắt đầu reo lên "Hãy dẫn con ra ngoài để đi chơi trò bóng đó đi."
Người bố và cậu con trai cùng nhau khám phá ngày vui lớn đó, việc đã được người bố vạch ra từ trước. Tim nói rõ với con rằng có rất nhiều người cùng tham gia trò chơi đó, vì vậy Cody sẽ phải cầm tay bố khi họ cùng nhau đi bộ ở bất kỳ đâu. Tim và Cody đã nhất trí rằng Cody sẽ có một cái xúc xích, một loại đồ uống mát lạnh, một gói bim bim, và một món đồ lưu niệm do con chọn - miễn là nó giá 10 đô la trở xuống. Và họ cũng nhất trí với nhau rằng nếu Cody chạy đi hay trèo lên ghế, thì họ sẽ phải quay trở lại xe ngay.
Tim hiểu rõ con trai mình; khi sự tò mò của Cody tăng lên, thì chỉ cần một bàn tay rắn chắc đặt lên vai bé (không quát mắng hay thuyết giảng) sẽ đưa bé quay trở lại bên cạnh người bố. Và khi Cody quyết định muốn trèo xuống một hàng ghế (và qua 3 người khác) để nhìn rõ hơn, thì Tim chỉ cần hỏi con rằng điều thoả thuận của chúng ta là gì để cho Cody nhanh chóng quay trở lại ghế của mình.
Bởi vì Cody mới 4 tuổi, nên người bố biết rằng ngày hôm đó sẽ không hoàn hảo. Anh cũng biết Cody sẽ không làm theo tất cả những chỉ dẫn trong cả 9 lượt chơi. Anh cũng biết rằng thậm chí họ có thể phải đi ra xe ngồi một lúc cho đến khi Cody sẵn sàng chơi lại. Nhưng bằng việc lập ra những dự tính rõ ràng và làm theo, với những giới hạn đơn giản như vậy, thì trận xem bóng chày đầu tiên của Cody sẽ là một dịp để người bố và con có kỷ niệm để nhớ lại trong những năm tiếp theo.
Đưa ra những lựa chọn giới hạn và làm theo
Những bậc cha mẹ đôi khi tin rằng cho con những điều con muốn và không đưa ra những quy định làm gánh nặng cho con sẽ thể hiện cho con thấy chúng được yêu thương. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng sự dễ dãi không phải là cách giúp trẻ phát triển sáng kiến - hay bất kỳ một kỹ năng sống hay kỹ năng xã hội có giá trị nào khác. Một sự thay thế cho tính dễ dãi của cha mẹ đang được nêu ra là những lựa chọn có giới hạn cùng kết hợp với tình yêu thương, sự nêu gương và kiên trì của cha mẹ. Những lựa chọn có giới hạn trở nên hiệu quả khi chúng được liên kết lại, thể hiện lòng tôn trọng mọi người và hiểu được lẽ phải.
Gia đình của bé Elena đi chơi sở thú cùng với một gia đình hàng xóm. Elena đòi mua kẹo bông, những que kem ốc quế, và mọi thứ mà những đứa trẻ khác đang có.
Bố của Elena thoả thuận với bé rằng bé có thể có hoặc là một que kem ốc quế hoặc là hộp bắp rang bơ. Elena đã chọn bắp rang bơ. Bố của bé đã mua bắp rang bơ và sau đó cũng nói rõ rằng nếu bé còn tiếp tục đòi mua những thứ khác thì họ sẽ phải quay trở ra xe, và sẽ phải ngồi chờ cho đến khi gia đình hàng xóm đi xem xong những con vật trong sở thú.
Đang trên đường đi và ăn bắp rang bơ, Elena nhìn thấy một đứa trẻ đang có một que kem ốc quế và lại bắt đầu đòi ăn kem. Elena đã nhất quyết đòi: Cô bé cương quyết với đòi hỏi của mình bằng cách quăng đi số bắp rang bơ còn lại, làm cho nó bị đổ hết ra đường. Bố của bé đã bình tĩnh hỏi bé rằng liệu bé có muốn cầm tay bố trên đường ra xe không hay là bị bế đi. (Anh quyết định lờ đi số bắp răng bơ bị đổ ra, vì những con chim bồ câu đang ăn nốt số bắp đó.) Khi cô bé không chịu đi, anh đã bế bé lên và đi ra xe. Anh không la mắng, không trừng mắt, và cũng không nhắc nhở rằng tại sao họ phải rời đi. Anh cư xử với bé đầy tôn trọng, và khi cô bé bắt đầu khóc và muốn đi xem những con khỉ, anh hứa với bé rằng lần sau họ sẽ đi sở thú, Elena sẽ có những lựa chọn tốt hơn - và có thể được xem những con khỉ.
Cho trẻ một cơ hội để làm lại hợp lý và có tính động viên. Sẽ là không hợp lý khi nói: "Bố sẽ không bao giờ dẫn con tới đó nữa - hay là không đi bất kỳ đâu nữa vì con không ngoan!" Hầu hết cha mẹ đều không thể làm theo những câu đe doạ như vậy - điều này sẽ chỉ dạy cho trẻ biết rằng trẻ không cần phải quan tâm đến những quy định với bố mẹ và cả chính bố mẹ của chúng.
Vâng, sẽ là không hay khi để lỡ cuộc đi chơi của gia đình vì bạn đang thực hiện hành vi cư xử đúng và kiên trì để dạy con. Nhưng bạn cũng có một lựa chọn. Điều gì là quan trọng hơn, cuộc đi chơi của gia đình hay lòng tự trọng, khả năng sáng tạo, và sự tự tin mà con sẽ học được thông qua việc dạy con những kỹ năng xã hội đúng đắn. Khi bạn thực hiện việc dạy con với tình yêu thương, hành vi cư xử đúng đắn, và sự kiên trì, bạn sẽ phải làm lỡ mất nhiều cuộc đi chơi trước khi con của bạn học được rằng bạn nói với con điều mà bạn nghĩ, và bạn sẽ làm theo nó. Tất nhiên việc làm theo lời mình đã nói đòi hỏi người lớn phải suy nghĩ kỹ trước khi nói. Nếu như bạn không thể làm được, thì đừng bao giờ nói ra.