TRÒ CHƠI VÀ GIAO TIẾP CỦA TRẺ MẪU GIÁO
TS. LÊ XUÂN HỒNG
Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3
Từ lâu, các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu giao tiếp của trẻ và vai trò của giao tiếp trong sự phát triển tâm lý. Họ đã chứng minh một cách thực tế ý nghĩa của trò chơi có chủ đề đối với sự hình thành thói quen và các hình thức mới của giao tiếp. E.E.Krasova đã chú ý đến sự cần thiết của trò chơi có luật đối với sự hoàn thiện các quá trình tâm lý và sư phát triển lĩnh vực tình cảm ý chí của học sinh phổ thông tương lai.
Trò chơi sắm vai theo chủ đề là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi mẫu giáo, mà giao tiếp trở thành một phần và là điều kiện của trò chơi. Ở lứa tuổi này, thế giới bên trong của đứa trẻ được hình thành ổn định (nhưng chưa trọn vẹn ) , tạo nền tảng ban đầu và tạo khả năng tiếp tục phát triển và hoàn thiện nhân cách của đứa trẻ.
Trò chơi sắm vai và các dạng khác khác nhau của hoạt động có sản phẩm (cắt, xé dán, nặn,vẽ...) vả các hình thức đầu tiên của hoạt động lao động và học tập tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ. Nhờ trò chơi , nhân cách của trẻ được hoàn thiện thông qua sự phát triển các phẩm chất nhân cách sau:
1. Phát triển lĩnh vực nhu cầu động cơ
Trong quá trình trẻ chơi, xuất hiện sự sắp xếp thứ bậc phụ thuộc của các động cơ, nơi mà các động cơ xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với đứa trẻ hơn là động cơ cá nhân( xuất hiện sự phụ thuộc của các động cơ).
Trẻ mẫu giáo không thể tham gia một cách thực tế vào hoạt động sản xuất của người lớn, và vì vậy, nảy sinh nhu cầu tái tạo lại thế giới của người lớn trong hình thức vui chơi. Đứa trẻ muốn tự lái ô tô, tự nấu ăn, tự bán hàng...và tự thực hiện điều đó trong chính hoạt động vui chơi.
Trong trò chơi, tình huống tưởng tượng được hình thành. Đồ chơi được sử dụng chính là mẫu sao chép những đồ vật thật và những đồ vật tượng trưng, mà nhờ các dấu hiệu chức năng, cho phép thay thế các đồ vật thật. Cái chính là trẻ tái tạo lại các mối quan hệ của người lớn. Tất cả những điều đó hướng đứa trẻ vào cuộc sống xã hội, tạo điều kiện để trẻ trở thành người tham gia vào cuộc sống sau này.
2. Phòng ngừa tính vị kỷ trung tâm về nhận thức và tình cảm
Khi nhận đóng vai nào đó, trẻ thường chú đến đặc điểm hành vi, quan điểm của vai ấy. Đứa trẻ cố gắng thống nhất hành động của mình (vai mình đóng) với hành động của vai chơi khác (do bạn cùng chơi đóng). Điều đó giúp trẻ định hướng trong các mối quan hệ lẫn nhau giữa mọi người, tạo điều kiện phát triển tính tự ý thức, tự đánh giá của trẻ mẫu giáo.
Trong những điều kiện giao tiếp chơi và giao tiếp thực với bạn cùng tuổi, trẻ dần dần nhận thấy cần phải áp dụng các chuẩn mực hành vi đã lĩnh hội vào thực tiễn, ứng dụng những chuẩn mực đạo đức và quy tắc hành vi vào những tình huống cụ thể khác nhau. Trong hoạt động chơi của trẻ không ngừng nảy sinh những tình huống đòi hỏi có sự thống nhất hành động, đòi hỏi sự biểu hiện mối quan hệ thiện chí với bạn cùng chơi., đòi hỏi biết từ bỏ những ham muốn riêng của mình vì mục đích chung. trong những tình huống như thế không phải lúc nào trẻ cũng có những phương thức hành vi cần thiết. Giữa trẻ thường xuất hiện những xung đột khi mà mỗi đứa trẻ bảo vệ quyền lợi của mình mà không tính đến quyền lợi của bạn cùng chơi. Các xung đột có thể kéo dài và sâu sắc do những tấm gương giao tiếp trong gia đình mà đứa trẻ lĩnh hội được. Dư luận xã hội, sự đánh giá lẫn nhau của trẻ trong nhóm bạn bè dần dần được hình thành và ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách của đứa trẻ. Đặc biệt là sự đánh giá của nhóm bạn cùng tuổi ở lứa tuổi mẫu giáo lớn. Đứa trẻ thường cố gắng tự kềm chế hành vi của mình khi có sự phản đối của bạn cùng tuổi, hướng tới xứng đáng với mối quan hệ tốt của họ.
Mỗi đứa trẻ có vị trí nhất định trong nhóm, được biểu hiện trong mối quan hệ của bạn cùng tuổi với nó, Mức độ được yêu mến mà đứa trẻ có được phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sự hiểu biết của trẻ, sự phát triển trí tuệ, đặc điểm hành vi, kỹ năng xác lập các mối quan hệ với mọi người xung quanh và cả vào vẻ ngoài của trẻ...
Bạn cùng tuổi liên kết với nhau trong trò chơi, phần lớn có tính tới các mối quan hệ và cảm tính riêng, nhưng đôi khi có những vai trò trong trò chơi mà không có ai muốn thực hiện, đứa trẻ rơi vài tình trạng không được lòng bạn
3. Phát triển tính chủ định trong hành vi
Khi chơi, trẻ hướng tới các chuẩn mực của vai đóng. Khi tái hiện lại các tình huống điển hình của các mối quan hệ qua lại của mọi người trong xã hội. đứa trẻ buộc ý muốn riêng của mình phục tùng mục đích chung, hành động của mình theo các chuẩn mực xã hội. Điều đó giúp trẻ lĩnh hội được các chuẩn mực đạo đức và quy tắc hành vi. Cùng với người lớn các bạn cùng tuổi cũng trở thành những người điều chỉnh trò chơi sắm vai theo chủ đề và trò chơi có luật. Trẻ tự phân vai, theo dõi việc thực hiện quy tắc chơi, bổ sung chủ đề chơi bằng nội dung tương ứng. .. Ở độ tuổi này các mối quan hệ lẫn nhau với bạn cùng tuổi trong một số trường hợp trở nên quan trọng đối với trẻ hơn là mối quan hệ qua lại với người lớn. Trẻ mẫu giáo có khuynh hướng tin tưởng vững chắc vào các phẩm chất tốt của mình trong tập thể bạn cùng tuổi.
Những hành động và các mối quan hệ lẫn nhau mà trẻ đóng vai tương ứng cho phép trẻ làm quen với những động cơ hành vi nhất định, với những cử chỉ, những xúc cảm của người lớn, nhưng trẻ chưa lĩnh hội vững chắc những điều đó. Trò chơi không chỉ giáo dục trẻ về mặt nội dung mà cả về cách thể hiện. Trong quá trình quam hệ lẫn nhau qua thoả thuận về lý do chơi, về nội dung chơi, phản ánh vai chơi, đồ chơi... trẻ học cách cân nhắc đến nhu cầu của bạn, đồng cảm với bạn, nhường nhịn bạn, đóng góp cho việc chung.
4. Phát triển các hành động tư duy
Trong trò chơi đóng vai, ý đồ của biểu tượng được hình thành, năng lực và khả năng sáng tạo của trẻ phát triển.
Sự hình thành trò chơi sắm vai của trẻ mẫu giáo cho phép tái hiện lại phạm vi thực tiễn rộng lớn hơn dưới hình thức hành động trực quan tích cực. Trong trò chơi đứa trẻ và các bạn cùng chơi bằng các hành động và thao tác với các đồ chơi tái tạo lại một cách tích cực lao động và sinh hoạt của người lớn xung quanh, tái tạo những biến cố và mối quan hệ của họ trong cuộc sống...
Theo quan điểm của D.B. Enkanhin thì trò chơi mang tính xã hội cả về nội dung, nguồn gốc và sự phát sinh, có nghĩa là nó nảy sinh từ điều kiện sống của đứa trẻ trong xã hội.
Điều kiện xã hội của trò chơi sắm vai theo chủ đề được thực hiện theo hai mặt: tính xã hội của các động cơ, tính xã hội của cấu trúc.
Tính xã hội của cấu trúc và phương thức thực hiện hoạt động vui chơi được L.X. Vygoski nhấn mạnh qua vai trò của ký hiệu ngôn ngữ trong trò chơi, ý nghĩa quan trọng của chúng đối với các chức năng tâm lý đặc trưng loài người đó là tư duy ngôn ngữ, là sự điều chỉnh có ý thức hành động...
Trẻ mẫu giáo khi xâm nhập vào tập thể bạn cùng tuổi do tích luỹ được những quy tắc, những chuẩn mực hành vi, những giá trị đạo đức nhất định nhờ sự ảnh hưởng của cha mẹ và người lớn. Đứa trẻ mẫu giáo bắt chước những người thân như bắt chước kiểu cách của họ, rút ra từ người lớn sự đánh giá mọi người, đánh giá những sự kiện và đồ vật. Tất cả những điều đó được đưa vào hoạt động vui chơi, vào trong giao tiếp với bạn cùng tuổi, hình thành các phẩm chất cá nhân của trẻ.
Dực vào nội dung, chủ đề chơi được trẻ ưa thích, đặc điểm ngôn ngữ của nó có thể xác định dạng giao tiếp của đứa trẻ, xác định hứng thú của nó và các mối quan hệ trong gia đình.
Cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia hoạt động vui chơi có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển nhân cách của đứa trẻ. Nếu cha mẹ có khuynh hướng cho trẻ tham gia vào hạot động học tập ngay thì dễ nảy sinh xung đột bên trong nhân cách của trẻ. Ở trẻ xuất hiện cảm giác có lỗi thể hiện trong những phản ứng sợ hãi, uể oải, thụ động... có thể tạo cảm giác tư ti.
Các mối quan hệ với bạn cùng tuổi vì trò chơi, vì mối quan hệ vai chơi đã thể hiện sự ảnh hưởng cơ bản đến sự hình thành nhân cách của trẻ, tạo điều kiện phát triển các phẩm chất nhân cách như sự giúp đỡ lẫn hau, tính nhường nhịn, tính vị tha...Các mối quan hệ vì trò chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của trẻ, đối với viêc lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức đơn giản của trẻ. Chính trong trò chơi hình thành và biểu lộ một cách thực tế những chuẩn mực và quy tắc hành vi trẻ đã được lĩnh hội. Tất cả những điều đó tạo nên cơ sở phát triển đạo đức của trẻ, hình thành lỹ năng giao tiếp trong tập thể bạn cùng tuổi.
Tạp chí Giáo dục số 132 kỳ 2-2/2006