GIÁO DỤC MẦM NON THỰC HIỆN LUẬT GIÁO DỤC SỬA ĐỔI
VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 05/2005/NQ-CP
Vụ Giáo dục mầm non
Luật giáo dục sửa đổi (hoặc luật giáo dục 2005) được kì họp thứ 7 Quốc hội khoá XI thông qua. Đối với giáo dục mầm non, Luật Giáo dục sửa đổi cũng như nghị quyết 05/2005/của chính phủ đề cập nhiều vấn đề mới yêu cầu chúng ta phải chú ý tìm mọi giải pháp để thực hiện có hiệu quà nhất và dặc biệt là luôn giữ ổn định, đảm bảo sự phát triển của toàn ngành, không để ảnh hưởng đến giảng dạy và học tập của các cháu.
Về bố cục: Luật giáo dục 2005 gồm 9 chương, 120 điều, còn Nghị quyết 05 điều chỉnh cho cả giáo dục, y tế,văn hoá và thể thao.
Về nội dung: Trên cơ sở Luật 1998, bổ sung thêm vào 5 nhóm vấn đề:
1- Hoàn thiện một bước hệ thống giáo dục
2- Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục
3- Nâng cao tính công bằng xã hội trong giáo dục
4- Tăng cường tính quản lí nhà nước về giáo dục
5- Khuyến khích đầu tư phát triển trường ngoài công lập.
Cụ thể hơn:
Chương I. Những qui định chung, gồm 20 điều qui định về phạm vi điều chỉnh, mục tiêu giáo dục, tính chất nguyện lí giáo dục; yêu cầu về nội dung phương pháp; ngôn ngữ dùng trong nhà trường; xã hội hoá sự nghiệp giáo dục; đầu tư cho giáo dục; quản lí nhà nước về giáo dục; vai trò trách nhiệm của nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục; tính công bằng trong giáo dục và cấm lơi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.
Chương II. hệ thống giáo dục quốc dân, 27 điều, qui định riêng từng bậc học bao gồm: mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục.
Chương III. Nhà trường và cơ sở giáo dục khác, gồm 22 điều, qui định về tổ chức, hoạt đông của nhà trường; các chính sách đối với trường dân lập, tư thục, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác.
Chương IV: Nhà giáo gồm 13 điều, qui định nhiệm vụ, quyền hạn của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, chính sách chính sách đối với nhà giáo.
Chương V. Người học, gồm 10 điều qui định nhiệm vụ và quyền của người học.
Chương VI. Nhà trường, gia đình và xã hội, gồm 6 điều qui định trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cha mẹ học sinh, ban đại diện học sinh, trách nhiệm của xã hội.
Chương VII. Quản lí nhà nước về giáo dục, gồm 15 điều qui định nội dung quản lí nhà nước về giáo dục, đầu tư cho giáo dục.
Chương VIII. Khen thưởng và xử lí vi phạm, gồm 5 điều qui định phong tặng các danh hiệu nhà giáo, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân xử lí vi phạm
Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, qui định hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG THỰC HIỆN LUẬT GD SỬA ĐỔI VÀ NGHỊ QUYẾT 05/ 2005/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI GIÁO DỤC MẦM NON
Báo cáo này tập trung lần lượt vào những diều khoản của Luật giáo dục sửa đổi liên quan đến giáo dục mầm non, những điều khoản của luật có nội dung của nghị quyết 05/2005/ sẽ được tập trung giải quyết đồng thời với các vấn đề của 2 văn bản. Phần giải pháp được đề cập ngay sau đó bằng những gợi ý từ địa phương.
A/ Các vấn đề thuộc phần những qui định chung (luật GD)
Vấn đề 1: Trong điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác:
Luật qui định tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác đồng thời nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết để giữ gìn văn hoá dân tộc và tiếp thu kiến thức khi học trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Với điếu này, nghị định chính phủ về tiếng nói, chữ viết dân tộc đang được soạn thảo; một vấn đề đang đặt ra là: đề cập đến giáo dục mầm non với mức độ nào trong nghị định này? Đó là vấn đề rất trăn trở đối với Hội đồng soạn thảo Nghị định, chưa nói tới rằng trong tòan ngành chưc có chương trình dạy tiếng dân tộc hay chương trình học được biện soạn bằng tiếng dân tộc.
Có 2 loại ý kiến đang tồn tại: loại ý kiến thứ nhất cho rằng mặc dù luật dã qui định như trên việc học tiếng nói, chữ viết cho người dân tộc thiểu số nhưng có câu “giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”; trẻ mầm non chưa phải là học sinh, giáo dục mầm non chủ yếu là chăm sóc nên không là đối tượng cần đề cập của nghị định, do đó không phải là nhiệm vụ của giáo dục mầm non! Trong khi điều 21 qui định: giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng chăm sóc , giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng: phân tích chỉ riêng về góc độ phát triển ngôn ngữ cho trẻ, nếu như với tiếng việt, vấn đề giúp trẻ để phát triển ngôn ngữ là một trong những nội dung của chương trình giáo dục mầm non, điều đó đã được thừa nhận vậy tại sao không đặt ra với việc dạy gián tiếp tiếng dân tộc cho trẻ.
Trong thực tế các văn bản khác của nhà nước từ lâu đã đề cập trực tiếp vấn đề này. Nghị định 206-CP ngày 27/11/1961 qui định việc dung chữ Tày - Nùng và chữ Mèo ở các khu tự trị và ở các địa phương có đồng bào Tày, Nùng, Thái, Mèo (H mông), và thông tư 14-TT ngày 12/4/1962 hướng dẫn thi hành đã viết: “Theo nhu cầu và khả năng thực tế hiện nay của ta chữ viết dân tộc cần dùng trong việc giảng dạy ở các cấp học mở đầu như mẫu giáo vỡ lòng … ; chữ quốc ngữ cần dùng trong việc giảng dạy ở cấp học trên…”
Thông tư 01/GD-ĐT ngày 3-2-1977 hướng dẫn việc dạy tiếng nói vã chữ viết dân tộc thiểu số của bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện quyết định 53/CP ngày 22-2-1980 của chủ tịch hội đồng chính phủ (nay là Thủ Tướng chính phủ ) về “chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số”. Thông tư đã viết: “ Trong bậc học mầm non: ở các lớp mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, việc dạy học dược tiến hành chủ yếu bằng tiếng dân tộc. Đối với các lớp mẫu giáo lớn tuổi, thông qua các chương trình dạy học, bằng các hình thức ngôn ngữ giao tiếp, giới thiệu dân ca dân gian bằng tiếng dân tộc cho các em, bên cạnh đó, cần chú trọng dạy tập nói tiếng Việt để giúp các em chuyển sang học lớp 1 được thuận lợi…” “Vụ giáo dục mần non phối hợp với viện khoa học giáo dục xây dựng chương trình và biên soạn tài lịêu dạy học bằng tiếng dân tộc, tiến hành chỉ đạo thực hiện chương trình trong các trường lớp mẫu giáo vùng dân tộc”.
Vậy, có 2 phương án đang đặt ra với hội thảo, giúp giải quyết vấn đề này. Theo điều tra nhanh tới 64 tỉnh, thành phố từ 15/9-15/10 có 47 sở trả lời, trong đó 17% do lãnh đạo sở trực tiếp trả lời, 53% do trưởng phòng mầm non, 23% phó phòng GDMN và 7% của chuyên viên mầm non sau khi được sự uỷ nhiệm của lãnh đạo sở; đó là những ý kiến chính thức của giáo dục mầm non địa phương, có 64% thống nhất nên dạy tiếng nói chữ viết cho cả trẻ dân tộc ít người và dùng song ngữ chăm sóc giáo dục mầm non, trong đó 36% cho rằng nên dạy tiếng nói chữ viết , 28% cho rằng nên dạy song ngữ. Họ xác đinh giáo dục mầm non là cầu nối giữa gia đình và xã hội học tập bằng việc sử dụng song ngữ trong chương trình; 29% đề nghị không dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc cho trẻ em,7% không có ý kiến. Phụ lục bảng 1
Vấn đề 2: Quyền trẻ em và chính sách đối với trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non.
Luật qui định mọi cộng dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập; để thực hiện điều này, cùng với điều 84-quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, môt số quan điểm trong đầu tư cần phải đặt ra: liệu nhà nước có thể đầu tư cho trẻ em khu vực công lập và hỗ trợ tất cả các trẻ có loại hình ngoài công lập ở mức độ khác nhau được không? Vấn đề này sẽ liên quan nhiều tới nghị quyết 05/2005/của chính phủ sẽ đề cập cả trong những phần về sau.
Về cơ hội học tập, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ không phân biệt nguồn gốc xuất thân (dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nghèo khó), không phân biệt nam nữ (100%), không phân biệt khuyết tật (98%);chỉ một số ít không trả lời.
Việc đầu tư cho trẻ em, cả luật giáo dục và nghị quyết 05 đều thể hiện quan điểm công bằng cho trẻ em trên cơ sở hoàn thịên chính sách đổi mới cơ cấu và nguồn gốc vốn đầu tư, tập trung ngân sách vào những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trên cơ sở đó, chỉ tập trung đầu tư cho trẻ em ngaòi công lập (chỉ công lập ở những vùng này); tuy nhiên vẫn còn những cách thể hiện đúng quan điểm đầu tư như vậy bằng cách hỗ trợ cho trẻ em ngoài công lập ở những mức độ khác nhau, với trẻ em miền núi và vùng nông thôn nhiều khó khăn nhiều địa phương đề nghị miễm học phí cho trẻ đến lớp, đa số địa phương đề nghị đầu tư cho mọi trẻ em như nhau (70%), có 17% nhất trí chỉ hỗ trợ trẻ em công lập; 10% cho là nên chỉ đầu tư cho trẻ em dân tộc; có 15% thể hiện quan điểm rằng nên đầu tư cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những chính sách đối với trẻ em sẽ được đề cập ở sau.
Có 2 loại ý kiến về vấn đề này:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Công bằng là thực hiện đầu tư đồng đều
trên mỗi đứa trẻ được sinh ra, vì mọi trẻ em đều có quyền lợi ngang nhau, không thể có trẻ em công lập lại có giá trị hơn trẻ em vùng khác. Thành thử nếu đầu tư cho giáo dục dù theo dân số trong độ tuổi hay là tính trên số trẻ em ra lớp đều phải như nhau. Về quan điểm này, Thủ Tướng chính phủ có quyết định 139/2003/QĐ-TTg ngày 11/7/2003 qui định mức phân bổ trong tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 0- 18 tuổi), không phân biệt học tại cơ sở công lập hay ngoài công lập.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng công bằng là do không thể đủ ngân sách cho giáo dục mầm non nên chỉ tập trung vào khu vực công lập và thông thường kiểu phân bổ này thường tính trên đầu học sinh công lập tới lớp, và lấy đó làm cơ sở đề xây dựng dự toán chi nhân sách trong năm học. Và như vậy, không tính đến các loạI hình ngoài công lập trong ngân sách nữa, mà tuỳ thuộc vào từng địa phương, họ có thể chỉ dự toán một phần để thực hịên các chính sách cho giáo viên mầm non mà thôi. Hiện nay để thực hiện quyết định 161/2002/TTg và theo tinh thần của nghị quyết 05/2005/CP, ngân sách sẽ tập trung vào những khu vực trọng điểm, là công lập ở miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn và các trọng điểm khác. Tuy nhiên những hộ trợ theo một tỉ lệ nhất định cho trẻ ngoài công lập là cần thiết và là công bằng theo nghĩa một bộ phận trẻ em thuộc khu vực nông thôn và nhất là thành phố, thị xã không thể thu đủ những đóng góp cần huy động thêm từ nhân dân, loại trừ những trường ngoài công lập sẽ hoạt động theo cơ chế lợi nhuận.
Điều 20: Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi. Nghị quyết 05 đề cập mỗi cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoăc theo cơ chế lợi nhuận. Nhà nước khuyến khích các cơ sở phi lợi nhuận. Trong điều kiện các trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế lợi nhuận mà nghị quyết 05 cho phép sẽ được giải quyết như thế nào; giữa vụ lợi và lợi nhuận đều có điểm chung, đều có phần vì lợi ích của người đầu tư. Trong thời gian không xa, cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế lợi nhuận là điều không thể tránh khỏi.
Điều 83, quy định về người học, 84 - quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non và điều 84 (hoàn toàn mới chỉ quy định cho giáo dục mầm non). Ngoài khoản 1 có 3 điểm:
a) Trẻ em quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo mục tiêu kế hoạch giáo dục mầm non của bộ giáo dục và đào tạo;
b) Được chăm sóc sự khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh không trả tiền tại cơ sở công lập;
c) Được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng, còn có khoản 2. Chính phủ qui định các chính sách đối với trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đang được gấp rút soạn thảo để để thực hiện để thay thế cho các điều khoản của Nghị định 43.
Chính sách đối với trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non lần đầu tiên được đưa vào Luật: Chính sách đối với trẻ em ngoài những điều đã đề cập tạI khoản 1. Sẽ phải được nghiên cứu một cách đầy đủ nhất, trước mắt bao gồm hệ thống các quy định về:
(1)- Tất cả trẻ em được hưởng chương trình chăm sóc giáo dục trẻ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kể cả môi trường giáo dục
(2)- Nhà nước hỗ trợ cho cả trẻ em ngoài công lập.
(3)- Trẻ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.
(4)-Chính sách hỗ trợ gia đình nghèo có trẻ em trong độ tuổi.
(5)- Chính sách thực hiện phối hợp liên ngành để thực hiện việc chăm sóc giáo dục trẻ và phổ biến kiến thức đến các gia đình.
(6)- Chính sách cho trẻ khuyêt tật
(7)- Chính sách miễn học phí cho trẻ vùng khó khăn và cách thực hiện chính sách đối với các khu vực khác nhau.
(8)- Hỗ trợ sách vở, tài liệu cho trẻ em nông thôn
Số liệu điều tra cho thấy có 95,74% ý kiến địa phương nhất trí với vấn đề (1) ; 74,46% nhất trí với vấn đề (2); 93,67% nhất trí với vấn đề (3); 89,36% nhất trí với vấn đề (4); và có 95,74 % nhất trí với vấn đề (5); ( Phụ lục B.11 ) .
Chính sách đối với trẻ em là vấn đề lớn chưa thể lượng hóa hết; một số vấn đề trên đây chưa đủ để đảm bảo chính sách cho trẻ em; hy vọng từ những đóng góp của địa phương và đại biểu, sẽ có chính sách cho trẻ em tương đối đầy đủ.
B/ Các chương khác:
Chương II:- Hệ thống giáo dục quốc dân.
Quy định riêng từng bậc học bao gồm: mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục. Điều 21, 22, 23, 24, 25: quy định hoàn toàn về giáo dục mầm non; trong đó điều 21 quy định rõ: Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi: Có 2 vấn đề phải khẳng định ở đây:
1- Nuôi dưỡng, chăm sóc trước hết là thuộc phạm vi của giáo dục mầm non, không thể hiểu giáo dục mầm non chỉ duy nhất là hoạt động giáo dục và cũng không nên cho rằng mọi hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc chỉ là thuộc giáo dục mầm non mà không có các lực lượng khác tham gia; (tâm lí học phát triển: chăm sóc được hiểu là dạy học và giáo dục và dạy học cũng có thể được coi là chăm sóc trên quan điểm học tập suốt đời và sự phát triển)
2- Chú ý rằng, khi nói từ 3 tháng đến 6 tuổi, ta phải hiểu thống nhất là đến dưới 6 tuổi (72 tháng như từ trước đến nay )
Vấn đề 3: Xây dựng chương trình chăm sóc giáo dục mầm non mới: Điều 24- Cụ thể hóa điều 6 chương trình giáo dục trong giáo dục mầm non. Đây là điều hoàn toàn mới so với luật 1998. Thực hiện điều này Bộ giáo dục và Đào tạo đang tích cực xây dựng chương trình chăm sóc – giáo dục mới, thí điểm trong 2 năm 2005 – 2006, thực hiện đại trà cho hầu hết các khu vực thuận lợi vào năm 2007.
Việc thực hiện chương trình mới đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Thực hiện chương trình mới cần có những diều kiện nhất định như: trường, lớp phải đủ diện tích tối thiểu, cần trang bị thiết bị, đồ chơi và học liệu theo mẫu; đội ngũ giáo viên bao gồm giáo viên của các trường sư phạm mầm non và giáo viên thực hiện chương trình trực tiếp taị các cơ sở giáo dục mầm non phải được tập huấn cách thực hiện chương trình mới. Có 2 vấn đề cần được quan tâm:
Điều kiện thực hiện chương trình còn bất cập: giáo dục mầm non hiện tại ở địa phương còn có nhiều khó khăn do nhiều năm không được đầu tư đúng mức. Có tới 51% ý kiến của địa phương nêu có khó khăn về trình độ của giáo viên mầm nonvà giáo viên sư phạm mầm non trình độ bất cập để thực hiện chương trình mới, 85% các trường, lớp chưa đủ điều kiện và tới 90% thiếu các thiết bị cần thiết phục vụ cho đổi mới.
Về lộ trình thực hiện chương trình, đa số ý kiến của địa phương yêu cầu phải tiến hành công tác bồi dưỡng giáo viên và bồi dưỡng cả giáo viên của các trường sư phạm mầm non ( 60% ). Trong số 7.962 xã thuộc 47 tỉnh đã nói ở trên, theo tổng hợp chưa đày đủ ở địa phương đã chỉ có 20% thuộc thành phố, thị xã, thị trấn ( 1.567 phường, xã ); 31,8%ấcc xã thuộc nông thôn ( 2.531 ), 14,3% xã thuộc núi thấp – vùng sâu ( 1136 ), 6% thuộc núi cao, hải đảo, 2% thuộc bãi ngang ven biển ( 164 xã ), 21% thuộc các xã đặt biệt khó khăn ( 1.633 xã ) và gần 2% ( 135 xã ) thuộc diện khó khăn theo tiêu chuẩn của tỉnh. ( Phụ lục B.3, 5, 6 )
Như vậy lộ trình để thực hiện chương trình từ nơi thuận lợi như thành phố, thị xã đến vùng núi, vùng sâu dự kiến đén 2010 sẽ hoàn thành (đề án phát triển giáo dục mầm non ); Nhiều địa phương tham vọng thực hiện ở vùng thành phố, thị xã khoảng 40% ngay trong năm 2006 ( chưa nghiệm thu chương trình và thiết bị xong ), tới năm 2008 có thẻ có hơn 50% các xã nông thôn thực hiện. Theo ý kiến của các địa phương, lộ trình trên do địa phương quy định, trước mắt dự kiến đến năm 2010 diễn ra theo các vùng như họ đã lựa chọn ( Phụ lục B4 ).
Mặt khác vừa triển khai thực hiện chương trình mới, vừa tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ và được theo dõi bằng một hệ thống công cụ đánh giá chất lượng theo chuẩn quốc gia đang được xây dựng. Những dự thảo đầu tiên của hệ thống công cụ này được báo cáo vào thời gian thích hợp của hội thảo. ( theo lịch )
3. Chương III: Nhà trường và cơ sở giáo dục khác
Một trong những vấn đề mới nhất hiện nay tập trung chủ yếu tại chương III, điều 48 – Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phần 1 về loại hình, giáo dục chỉ gồm : trường công lập, trường dân lập, trường tư thục và Phần 2 Nhà nước tạo điều kiện để trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp chăm sóc – giáo dục trẻ giải quyết 2 vấn đề cơ bản này là nhiệm vụ lớn của công tác quản lý.
Vấn đề thứ 4: Về loại hình giáo dục chỉ gồm: trường công lập, trường dân lập, trường tư thục; vai trò nòng cốt của trường công lập:
Tổng kết 2 năm thực hiện Quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2005, nhận định một trong những thành công lớn của giáo dục mầm non về xã hội hóa giáo dục là tỷ lệ ngoài công lập rất cao, chiếm 57,51% số trường mầm non. Trong số 5.980 trường ngoài công lập, trường bán công chiếm tỷ lệ 82,05%, còn lại là dân lập 9,97% và tư thục 7,98% ( Báo cáo 2 năm thực hiện nghị quyết 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ). Mô hình bán công sở dĩ được các địa phương lựa chọn nhiều vì phát huy được sức mạnh xã hội hóa , Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tùy theo điều kiện của nhân dân đóng góp ít nhất là 50% xây dựng trường , lớp, chi trả lương cho giáo viên và hoạt động của trường. Với luật ngân sách Nhà nước, giáo dục mầm non do ngân sách xã, phường đảm nhiệm, tùy khả năng cụ thể để chi. Những nơi thu không đủ, hàng năm xã dự toán ngân sách để hỗ trợ cho giáo dục mầm non…
Trong hầu hết đề án quy hoạch phát triển giáo dục mầm non và những đề án gần đây như Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ngãi, đều phát triển trường bán công.
Vậy khi trường bán công chuyển sang dân lập, tư thục nếu thu học phí không đủ cho hoạt động, ngân sách có hỗ trợ cho các trường này nữa không ? Các cháu có được đến trường, lớp này nữa không ?
Giải quyết những vấn đề này, các điều kiện thực hiện và lộ trình thực hiện là điều chúng ta phải nghiên cứu, cân nhắc để thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm một cách linh hoạt hơn.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, Luật vẫn tiếp tục khẳng định tính ưu việt của chế độ chúng ta đối với giáo dục mầm non. Điều 4 – Quy định giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục mầm non tuy thuộc ngành giáo dục nhưng khi thực hiện lại yêu cầu nhiều bộ, ngành, tổ chức cùng tham gia trên cơ sở thống nhất mục tiêu chăm sóc – giáo dục của ngành giáo dục và chức năng riêng có của từng ngành.
Luật giáo dục sửa đổi yêu cầu sự tham gia của Nhà nước vào giáo dục mầm non. Ngay trong điều 48, khẳng định Nhà nước tạo mọi điều kiện để trường công lập giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống giáo dục quốc dân
Điều 48 quy định rằng trường dân lập do cộng đồng dân cư cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng và đảm bảo kinh phí hoạt động. Cộng đồng bao gồm cả chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở; cộng đồng ở phạm vi lớn hơn như huyện tỉnh đều có sự tham gia của chính quyền cấp huyện và tỉnh. Như vậy chính quyền vẫn có trách nhiệm phát triển giáo dục mầm non trong phạm vi cộng đồng của mình. Luật giáo dục đã mở ra khả năng giải quyết bằng khái niệm mới về trường dân lập đã được sửa đổi. Những chính sách cụ thể sẽ có thể được đưa ra trong nghị định Chính phủ về thực hiện luật giáo dục.
Cụ thể:
Đối với khu vực miền núi tiếp tục thực hiện nghị quyết 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ phát triển giáo dục mầm non công lập trên cơ sở phát triển thực tế của giáo dục. Dự kiến từ nay đến năm 2010, riêng các lớp mẫu giáo 5 tuổi sẽ phat triển đến tận thôn bản. Tiếp theo là phát triển các lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi theo chương trình 1 của đề án phát triển giáo dục mầm non. Hiệu trưởng, giáo viên ở những vùng này được Nhà nước trả lương cũng như các chế độ hợp lý khác.
Việc xây dựng và phát triển giáo dục mầm non công lập trên địa bàn này hoàn toàn phù hợp với điều 10 - Đảm bảo công bằng trong giáo dục ( Luật giáo dục ) đã được đề cập ở trên và Nghị quyết 05/2005/CP tập trung nguồn lực Nhà nước hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Việc thực hiện công lập ở địa bàn này, theo đề nghị của địa phương tập trung theo hướng:
(1) - Giữ nguyên các trường công lập hiện có
(2) - Tiếp tục chuyển các trường bán công sang các trường công lập
(3) - Xây dựng các trường công lập mới.
(4) - Tại vùng I, chuyển các trường công lập thành trường tư thục.(Phụ lục B7).
Đối với nông thôn, khi trường dân lập do cộng đồng thành lập và tổ chức hoạt động, thì bao gồm cả chính quyền cấp xã và điều này cũng phù hợp với phân cấp giáo dục hện nay: lãnh đạo chính quyền cấp nào chịu trách nhiệm trước Nhân dân cấp đó về phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn. Như vậy việc chuyển từ bán công sang dân lập ở nông thôn không đơn giản chỉ thay biển trường, nhưng sẽ không có biến động lớn về công tác chăm sóc giáo dục trẻ nếu chúng ta hiểu thống nhất về trách nhiệm, tìm cách tháo gỡ vì quyền lợi của trẻ em cũng như việc làm của giáo viên.
Việc chuyển đổi loại hình ở nông thôn: theo các địa phương, đa số địa phương đề nghị:
(1)- Xin được lùi thời gian thực hiện chính thức lại ít nhất 01 năm do việc thực hiện Quyết định 161/2002/ phần lớn các trường bán công hình thành đang hoạt động có hiệu quả.
(2)- Tiếp tục làm công tác chuẩn bị để kỹ hơn về mặt chính sách, về tổ chức và cơ sở vật chất đảm bảo sự chín muồi trong khi chuyển đổi.
Các hướng chuyển đổi và lộ trình chuyển đổi được dự kiến có từ năm 2006 – 2010, một số tỉnh chủ yếu phía Nam như: An Giang, dự kiến chuyển khoảng 15 – 17% sang dân lập vào năm 2006, 13% trong năm 2008 và khoảng còn xấp xỉ 10% vào năm 2010; một số tỉnh khác lại mong muốn xây dựng một số trường trọng điểm thực hiện cơ chế tự trang trải cho giáo dục mầm non nông thôn với 53% dự kiến thực hiện năm 2006, 23% dự kiến thực hiện vào năm 2007 và 11% dự kiến thực hiện vào năm 2008
Như vậy nghị định hướng dẫn luật, nhất thiết phải thể hiện vai trò của Nhà Nước trong các trường dân lập cũng như với các loại hình ngoài công lập khác.
Luật dành riêng mục 4 từ điều 65 – 68 nói về chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, tư thục. Điều 68 quy định : Trường dân lập, tư thục được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học. Với vấn đề này thực hện không dễ nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp vói các Bộ để xay dựng các chính sách cụ thể sao cho các cháu nghèo, cháu thuộc diện chính sách cũng được học tập ở các cơ sở này.
Đối với khu vực thành phố, thị xã và những nơi có điều kiện thuận lợi, các trường công lập và bán công sẽ chuyển sang hình thức trường tự chủ 100% tài chính cho chi thường xuyên. Cũng có thể nghiên cứu để chuyển thử nghiệm một số ít trường sang hoạt động theo hình thức cổ phần ( chờ có hướng dẫn cụ thể ) ; khi đó tất cả quyền lợi của giáo viên, nhân viên như lương và phụ cấp theo lương có thể trả cao hơn các trường công lập; các quyền lợi khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khen thưởng, tôn vinh danh hiệu nhà giáo… đều được thực hiện đầy đủ như giáo viên phục vụ trong các trường công lập.
Khi thực hiện sự chuyển đổi này, luật sửa đổi cũng không cấm sự chuyển đổi bán công thành công lập. Đây là một khả năng mà người quản lý phải suy nghĩ, tham mưu trong những trường hợp xét thấy cần thiết.
Lộ trình thực hiện sẽ được nghiên cứu chuyển đổi để đảm bảo đến năm 2010 trong số trẻ ra lớp có 80% số cháu độ tuổi nhà trẻ; 70% cháu mẫu giáo được chăm sóc – giáo dục tại các trường ngoài công lập. Dự kiến đến năm 2010 có khoảng 50% trường mầm non nông thôn là trường dân lập; 30% ở thành phố và nơi thuận lợi là trường tự chủ 100% tài chính cho chi hoạt động thường xuyên. Năm 2015 sẽ chuyển về cơ bản còn 20% công lập, 50% dân lập và 30% tư thục.
Liên quan đến các lợi hình, có vấn đề Nhà nước tạo điều kiện để trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để thực hiện việc này, cần tạo điều kiện để phát triển một bước giáo dục mầm non miền núi bằng một chương trình: xây dựng, củng cố trường, lớp mầm non để có đủ lớp và điều kiện học tập tốt , trước hết cho lớp mẫu giáo 5 tuổi đến tận thôn bản ( từ 2006 – 2010 )- đề án phát triển giáo dục mầm non. Và phát triển lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổI khi trong giai đoạn 2 của đề án (2010 – 2015 )
Bên cạnh trường dân lập, tư thục, cần có trường công lập trọng điểm ở thành phố: trường này hoạt động theo cơ chế tự chủ, theo quy định nói trên, Nhà nước sẽ xây dựng chình sách cấp bù kinh phí cho các trường để thực hiện chính sách hoặc hỗ trợ trực tiếp vào gia đình nghèo, gia đình chính sách họ có tiền trang trải cho trẻ em nghèo ở thành phố, vùng thuận lợi và vùng nông thôn cũng được đến trường, lớp mầm non công lập hoặc dân lập, tư thục.
Về tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác (điều 69 ) : Đây là những cơ sở nhỏ hơn đơn vị trường, tồn tại nhiều thành phố lớn và các tỉnh miền núi khác. Thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20/10/2005 về việc “ Ban hành Quy định điều kiện tối thiểu cho các lớp mầm non, lớp mẫu giáo và nhóm trẻ độc lập có nhiều khó khăn ở những nơi không đủ điều kiện thành lập trường mầm non ” để tổ chức hoạt động và đảm bảo quyền lợI của trẻ em theo quy định.
Ngoài các vấn đề trên cần chú ý:
- Công tác quản lý chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ trong các trường tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non phải rất được chú ý nghiên cứu, cảI tiến để hạn chế xu hướng chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ điều kiện an toàn, chăm sóc vệ sinh và chất lượng giáo dục trẻ.
- Nghiên cứu sửa đổi một số điều Quyết định 161/2002/QĐ-TTg; thông tư 05/2003/TTLT của 3 Bộ, Quyết định 45/2002/QĐ-BGD&ĐT và bổ sung một số chế độ chính sách khác trong đầu tư, định mức lao động, tiền lương, chế độ ngày làm việc, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chế độ chính sách cho phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi. Đó cũng là những vấn đề lớn đòi hỏi chúng ta phải giải quyết trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi.