- Hoạt động khám phá – thử nghiệm có thể thực hiện Ở góc khoa học,Ở SÂN CHƠI VÀ TRONG HOẠT ĐỘNG CHUNG.
Có thể thực hiện cả lớp, cũng có thể chia thành các nhóm nhỏ.
- Góc khoa học không nhất thiết để ở một nơi cố định, mà có thể di chuyển, bố trí ở những vị trí phù hợp sao cho giáo viên dễ tổ chức và dọn dẹp, trẻ hoạt động thoải mái.
- Quan trọng trong cách tổ chức hoạt động khám phá – thử nghiệm là tạo ra được tình huống bất ngờ gây sự tò mò của trẻ và trẻ bị cuốn hút vào hoạt động khám phá theo cách dẫn dắt của giáo viên.
Muốn vậy, giáo viên cần chú ý :
1/ Vật liệu, đồ dùng phải đa dạng, tạo được cơ hội cho trẻ lựa chọn, quyết định.
+ Giáo viên phải xác định rõ mục đích của thử nghiệm và sắp xếp dụng cụ ở góc khoa học sao cho nó có tác dụng gợi ý cho trẻ hoạt động.
+ Tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của trường, của lớp mà giáo viên có thể chọn các vật liệu khác để cho trẻ làm thử nghiệm chứ không nhất thiết phải giống như sách hướng dẫn hay làm y như xem ở trường bạn.
+ Nên dùng các vật có sẵn trong cuộc sống, có sẵn trong lớp, để tổ chức cho trẻ hoạt động khám phá, không cần mua những vật liệu đắt tiền.
2/ Vai trò của người hướng dẫn :
+ Giáo viên có cách giao tiếp tự nhiên (như tham gia chơi cùng trẻ) sẽ tạo được sự hào hứng, ngạc nhiên.
+ Giáo viên phải suy nghĩ, nghĩ sẵn các phương án mở rộng, các hoạt động tiếp theo.
+ Khi trẻ làm thực nghiệm cần chú ý dành thời gian cho trẻ tự do mày mò, thử nghiệm không nên vội, không nên giục trẻ và giáo viên cũng có thời gian để theo dõi trẻ ở các góc chơi khác.
+ Giáo viên quan sát và chỉ tham gia gợi ý khi trẻ gặp vấn đề không giải quyết được. Nhưng khi tham gia thì giáo viên nên tham gia bằng cách đặt câu hỏi để tập cho trẻ suy nghĩ và hành động chứ không nên làm thay cho trẻ.
+ Giáo viên cũng cần chú ý đặt câu hỏi để tập cho trẻ suy nghĩ và hành động theo cách khác mà không phải theo cách của cô.
+ Trẻ sẽ chơi không chán ở góc khoa học khi giáo viên nghĩ được nhiều trò chơi ứng dụng.
- Cần quan tâm dạy :
+ Trẻ quan sát thấy sự biến đổi của vật, hiện tượng (ví dụ nước bốc hơi, đóng băng, tan ra dưới tác động của nhiệt độ).
+ Trẻ tập lý giải tìm nguyên nhân của sự biến đổi (do nóng, lạnh, gió thổi mạnh …). Do đó có thể trẻ phải thử nghiệm nhiều lần để thấy nguyên nhân và có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến kết quả sai.
- Giáo viên không nên hướng dẫn trẻ quá kỹ mà cô chỉ nêu tình huống, nêu vấn đề, đặt câu hỏi cho trẻ chú ý vào vấn đề, chú ý quan sát xem cái gì đã xảy ra và dẫn dắt trẻ tiếp tục làm thử nghiệm – khám phá.
3/ Cách ghi kết quả của hoạt động khám phá – thử nghiệm.
- Không phải thực nghiệm nào cũng ghi kết quả ngay, cũng có những thực nghiệm phải qua vài ngày, một tuần mới có kết quả để ghi (thực nghiệm với cây xanh).
- Có nhiều cách ghi khác nhau :
+ Vừa làm – vừa ghi
+ Ghi 1/2 – hôm sau ghi tiếp
+ Làm xong mới ghi
+ Ghi bằng hình vẽ, bằng chữ, bằng cách dán đồ vật vào vị trí thích hợp.
+ Đánh dấu +, -
- Để trẻ ghi những gì nó nhận thấy, có thể kết quả đó sẽ khác với kết quả của các bạn, khác với kết quả của cô giáo chờ đợi, chúng ta vẫn chấp nhận – Sau đó có thể cho trẻ làm lại để tìm nguyên nhân tại sao ra kết quả khác đó.
- Giáo viên cần chú ý đừng quá quan tâm vào kết quả đúng – sai ở từng bảng ghi kết quả thử nghiệm của trẻ. Nên chú ý vào hứng thú, sự say mê tìm tòi của trẻ.
- Quan trọng trong hoạt động khám phá – thử nghiệm không phải là trẻ làm thí nghiệm gì, học được kiến thức khoa học nào mà là trẻ làm như thế nào để khám phá hiện tượng, nó có mang lại sự thích thú, ham hiểu biết cho trẻ hay không.
Sở GD&ĐT TPHCM