Chơi với bạn bè là một cách quan trọng để trẻ học nguyên tắc xã hội như chia sẻ và chờ đến lượt. Con bạn có thể rụt rè, nhút nhát, nhưng bạn vẫn có thể giúp con phá tan được rào cản này.
- Mời vài đứa bạn đến nhà. Bạn có thể bắt đầu bằng cách rủ 1-2 đứa trẻ đến nhà chơi, nên chọn những bé mà con bạn đã biết. Những đứa trẻ này phải cùng tuổi hoặc lớn hơn một chút cũng được. Các em lớn hơn sẽ chủ động hơn.
- Giới hạn thời gian chơi. Chơi khoảng 1-2 tiếng là nhiều đối với những em bé trước tuổi đi học. Bạn không nên dồn ép con nhiều quá.
- Lên kế hoạch trước. Hướng cho các con chơi những trò mà con bạn quen thuộc và thành thạo. Điều này sẽ khiến con thoải mái hơn và tự tin về bản thân. Đảm bảo có thật nhiều đồ chơi để chúng không phải tranh giành nhau.
- Tham gia cùng con. Đừng để các con tự chơi và hy vọng điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Sự hướng dẫn của bạn sẽ giúp các bé thoải mái với nhau hơn. Hãy có mặt ngay khi chúng cãi cọ, đánh lạc hướng và cho chúng chơi trò khác. Tuy nhiên, đừng điều khiển hay đảm nhiệm thay phần chơi của con, mục đích chính là phá băng cho con mà không phải nắm quyền kiểm soát.
- Lên lịch chơi đều đặn. Để tăng cường sự thân thiết, hãy định sẵn các ngày chơi trong tuần. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, có thể chuyển địa điểm ra công viên, hoặc nhà của một em khác. Nếu con bạn đã hoàn toàn chủ động với các bạn, có thể để con lại một mình, đầu tiên trong khoảng thời gian ngắn, tiếp đó là lâu hơn.
- Hãy là một bạn chơi của con. Dành thời gian chơi với con thường xuyên, chỉ 2 người với nhau. Điều này sẽ giúp kích thích sự tương tác trong khi bạn cũng hiểu được cách chơi của con mình. Bạn sẽ hiểu được trò nào thì con thích, trò nào thì con gặp khó khăn. Khi đó bạn sẽ chọn được những trò chơi thích hợp cho con.
- Nuôi vật nuôi. Một số đứa trẻ không sẵn sàng chơi với bạn đồng lứa. Nếu nó chỉ dính lấy bạn và không dám chơi với một ai khác, hãy thử mang một người bạn động vật về nhà. Đó cũng là một cách để con bạn cởi mở hơn mà khiến nó thấy an toàn.
- Rủ cả bạn mình đến chơi. Trẻ con thường chú ý đến người lớn và bắt chước hành vi của họ, hãy làm tấm gương cho con bằng cách rủ bạn bè đến chơi. Bảo các bà mẹ đưa cả con đến để tạo thành 2 nhóm chơi.
- Đừng hy vọng nhiều. Trẻ em trước tuổi đi học thường vẫn chỉ chơi cạnh nhau, bắt chước nhau, chứ chưa hoàn toàn phối hợp cùng nhau. Nếu con bạn vẫn dè dặt chưa bước qua được ngưỡng này, đừng vội vàng. Sức ép của bố mẹ càng khiến nó thêm sợ hãi. Hãy nhớ rằng, bạn không thể áp đặt con kết bạn, nhưng bạn có thể tạo sân chơi để chúng kết bạn.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ khi có vấn đề. Trong hầu hết trường hợp, sự rụt rè ở trẻ trước tuổi đi học là bình thường. Nhưng một số dấu hiệu cho thấy có thể trẻ còn một vấn đề khác. Nếu nó hiếm khi nhìn thẳng vào mắt ai, quá thu mình, gào khóc ầm ĩ khi có trẻ khác ở quanh, hoặc sợ đi học, thì bạn nên cho trẻ đi gặp bác sĩ.
( Theo VnExpress )