Con tôi 14 tháng tuổi, là một bé trai nhưng bé rất nhát. Thấy gì hay thấy ai lại là bé rất sợ, chỉ đi tìm chỗ trốn. Với lại bé cũng rất lì và khó dạy. Mặc dù trong nhà ai cũng la rầy, có khi đánh bé mỗi khi bé hỗn, nhưng bé vẫn không nghe lời.
Vợ chồng tôi rất lo sau này bé sẽ hư. Xin giúp tôi có cách làm cho bé ngoan hơn và không còn nhút nhát... (phuong_thao1522@)
Trả lời tư vấn của TS tâm lý Đinh Phương Duy:
Bạn thân mến
Khi qua cột mốc 12 tháng tuổi, các cháu bé đã có thể “mở rộng tầm hoạt động” của mình với nhu cầu khám phá thế giới chung quanh, cái gì cũng thích sờ vào, điều gì cũng khóai “thử nghiệm”, do đó nếu con của bạn có biểu hiện sợ sệt những điều lạ hoặc người lạ và đi tìm chỗ trốn, thì điều đó cần xem xét tính chất mối quan hệ của cháu với mọi người và môi trường chung quanh.
Sợ và lì là hai phản ứng khác nhau, thậm chí có lúc trái ngược nhau, do vậy diễn biến và biểu hiện của cháu có thể trở thành những đặc điểm tính cách không nhất quán, làm cháu dễ trở nên mặc cảm và có khuynh hướng phòng vệ thường xuyên sau này khi lớn lên.
Thông thường, các cháu bé rất thích được người lớn nựng nịu, cưng chìu và đùa vui cùng mình, việc sợ và đi tìm chỗ trốn là dấu hiệu của sự thiếu an tòan của cháu, nếu điều này xảy ra thường xuyên có thể làm cháu thiếu tự tin và bi quan yếm thế khi lớn lên.
Trong nhà ai cũng la rầy sẽ làm cháu cảm thấy bị dồn ép, việc la rầy chỉ có thể làm cháu mệt mỏi và trở nên thiếu thân thiện với người chung quanh vì khi chỉ mới 14 tháng tuổi, cháu chưa ý thức được điều gì đúng, điều gì sai.
Ở tuổi của cháu, các hành vi thường là bắt chước từ người lớn và ít có giá trị về mục tiêu cũng như ý nghĩa của nó. Việc cháu “hỗn” có thể là những phản ứng của cháu khi bị hù dọa hoặc bị la rầy và thành thói quen như những phản xạ có điều kiện, tức là càng la mắng thì cháu lại càng… "hỗn”. Cháu không nghe lời không có nghĩa là cháu… vô kỷ luật mà chỉ là cháu thích như thế, như một đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi nhà trẻ.
Các cháu tuổi nhà trẻ như con của bạn cần được vui chơi trong một môi trường thoáng đãng, lành mạnh và thân thiện, các tác động từ môi trường chung quanh có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của cháu.
Việc giao lưu trực tiếp với cháu sẽ giúp cháu bộc lộ được cảm xúc nhẹ nhàng, tập cho cháu các thói quen bày tỏ sự thích thú, sự vui mừng, làm quen với nhiều tác động khác nhau; gần gũi, vỗ về cháu là những cách thức có thể gíup cháu trở nên tự tin hơn để mạnh mẽ hơn, ngoan hơn và nghe lời cha mẹ.
Mọi sự la rầy, quát nạt và trừng phạt cháu trong thời gian này sẽ gây hiệu ứng ngược đối với sự hình thành tính tình, nhân cách của cháu. Gia đình và người lớn chung quanh hãy cố gắng bày tỏ sự yêu thuơng với cháu nhiều hơn nữa, dành thời gian cùng chơi với cháu nhiều hơn nữa để giúp cháu trở lại hồn nhiên như sự hồn nhiên vốn có ở tuổi của cháu.
Thân ái!
TS ĐINH PHƯƠNG DUY
( Theo Tuổi Trẻ )