Trẻ thần đồng là những đứa trẻ có năng khiếu vượt trội so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Các em có những biểu hiện về năng lực học tập, nghe nhìn, khả năng quan sát, chú ý nhanh nhạy sớm hơn so với tuổi như: biết đọc, biết viết, nhớ quốc kỳ của các nước trên thế giới, biết làm các phép tính v.v…
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung các kênh truyền thông liên tục đưa tin về những cô bé, cậu bé thần đồng như vậy. Nhưng bẵng đi một vài năm, những em bé ấy lớn lên, phát triển như thế nào thì không thấy ai nói đến. Thực tế cho thấy, tài năng của các em được bộc lộ sớm nhưng không được nhìn nhận đúng cách. Các em được đưa lên tivi, được người lớn và bạn bè tán dương rồi cứ chăm chăm vào phát triển cái kỹ năng mình đang có mà quên đi nhiều thứ xung quanh mình. Các bậc phụ huynh cần định hướng cho cháu phát triển toàn diện. Một số nguyên tắc sau đây sẽ giúp cha mẹ có những cách nhìn nhận tốt hơn trong việc giáo dục trẻ tài năng:
- Về cơ bản đừng quên rằng cháu vẫn là một đứa trẻ. Nói đến một đứa trẻ là nói đến sự ngây thơ, trong sáng. Và những khả năng cháu đang có không phải là những đứa trẻ khác không có mà chúng sẽ có khi lớn hơn. Điều đó giúp cho đứa trẻ hiểu được rằng mình đặc biệt nhưng không phải là hoàn hảo.
- Dạy trẻ có năng khiếu phát triển sớm cũng phải bình thường như bao bé khác. Đừng nên nhắc nhở hay gợi ý cho cháu quá nhiều về chuyện "thần đồng", để cháu có những suy nghĩ lệch lạc, phát triển không bình thường. Cần phải giúp trẻ biết hoà đồng với bạn bè. Cháu phải học được lễ thường, học cách biết yêu thương quan tâm đến người khác kể cả những con vật nuôi trong nhà v.v… Phải biết vui chơi, đùa giỡn với chúng bạn.
- Chuyện học phải như một trò chơi để tạo sự hứng thú và không nhàm chán cho cháu. Nhiều đứa trẻ bị áp lực vô hình từ những lời khen ngợi trầm trồ khiến cháu chỉ biết tập trung vào một việc duy nhất là khả năng đặc biệt mà cháu đang có. Một số trẻ vì thế mà rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc tự kỷ. Cần khuyến khích cháu học, đọc, tìm hiểu sự vật xung quanh. Bé có kỹ năng về toán hay đọc thì cho bé học nhiều hơn môn này, nhưng không ép trẻ mà cho trẻ vừa học vừa chơi một cách thoải mái. năng khiếu dành cho thần đồng của những chuyên gia tâm lý đều không nặng nề mà mang tính giải trí vui nhộn.
- Tuy nhiên, làm bình ổn tâm lý trẻ và dạy trẻ hòa đồng, phát triển nhân cách toàn diện không có nghĩa là quên đi những năng lực vượt trội của cháu. Bạn cần phải theo dõi, quan sát, đánh giá để khẳng định có đúng trẻ có những năng khiếu đặc biệt so với trẻ cùng tuổi hay không bằng cách tìm đến những chuyên gia có kinh nghiệm về tâm lý trẻ em, sử dụng những bộ trắc nghiệm đã chuẩn hóa để xác định những năng lực vượt trội của cháu so với những đứa trẻ khác. Và xác định xem cháu thực sự có năng lực gì sau đó chúng ta cần phải có một hệ thống các phương pháp và nội dung giáo dục phù hợp để có thể phát huy các tiềm năng của trẻ.
- Thường trẻ thần đồng sau này trở thành bình thường là có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là cháu có biểu hiện sớm của sự phát triển. Thứ hai là cháu rơi vào môi trường giáo dục chưa phù hợp, nên những yếu tố bẩm sinh có thể bị thui chột. Khi thấy có những biểu hiện thần đồng ở trẻ, nên nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia.
Điều cần lưu ý là không quá kỳ vọng về những năng lực vượt trội của trẻ để rồi lại thất vọng hoặc thúc ép trẻ không hợp lý. Hãy tìm một trường mầm non có môi trường giáo dục tốt để giúp cháu sớm bộc lộ, định hình và phát triển những khả năng tiềm ẩn của cháu.
( Theo Chametainang.net )