Với trọng trách nghề nghiệp của mình, giáo viên mầm non (GVMN) vừa là cô, lại vừa là mẹ, là bác sĩ, nghệ sĩ trong lớp học. Không chỉ áp lực đồng lương không đủ sống, cuộc sống của GVMN lúc nào cũng căng như dây đàn với vô vàn kiểu áp lực khác... Chị H.P. - một GVMN ở Q.10, TP.HCM - kể những ngày đầu làm GV, chị hơi sốc vì sĩ số HS quá đông - 55 em/lớp: "Trong trường sư phạm tôi được học cách nuôi dạy và quản 30 HS/lớp học theo qui chế của Bộ GD-ĐT. Không ngờ thực tế khác xa. Bạn cứ thử hình dung: lớp học thì chật chội, HS đông đúc, môi trường nóng bức, ngột ngạt trong khi bé thì la khóc, bé leo trèo, bé ị ra quần, bé bị ói... GV khó lòng giữ bình tĩnh và ngọt ngào với HS. Mặc dù ban giám hiệu trường tôi đã tuyên bố: đuổi việc ngay những GV đánh cháu.
|
Trong khung cảnh HS đông đúc như thế này, đương nhiên GV phải "tay chân lẹ làng, mắt nhìn nhanh nhạy" (Ảnh: H.HG)
|
Sống chung với stressTheo TS Lê Xuân Hồng, hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Bông Hồng Đỏ (Q.9): "GVMN phải vừa là cô giáo, vừa là người mẹ, vừa là bác sĩ và còn là nghệ sĩ trong lớp học. Đó là trọng trách nghề nghiệp không phải ai cũng có thể làm tốt được". Tại các trường MN trên địa bàn TP.HCM hiện nay, GV không chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy mà cả nhiệm vụ nuôi, tức làm các công việc của bảo mẫu và công nhân vệ sinh như: bưng bê thức ăn từ nhà bếp lên phòng ăn cho HS, thay yếm, đút cho trẻ ăn, thay tã, làm vệ sinh khi trẻ đi toilet, tắm cho trẻ, chà rửa toilet HS, quét và lau phòng học, hành lang lớp học...
"Ước gì phụ huynh có thể thấu hiểu hơn công việc của GVMN để cùng nhà
trường nuôi dạy trẻ tốt hơn! Hầu hết phụ huynh thích nghe những chuyện
tốt của con mình.
Nhiều trường hợp HS cá biệt, nghịch phá trong lớp hoặc hay đi học trễ,
không theo qui định chung của trường... khi GV góp ý là phụ huynh tỏ vẻ
khó chịu ngay lập tức. Thậm chí còn đổ lỗi tại cô giáo. Nhiều cô vì thế
không còn nhiệt tình muốn góp ý, phản ảnh gì nữa"
(Tâm sự của một GVMN ở Q.3, TP.HCM) |
Thông thường HS lớp chồi, lá (4-5 tuổi) còn có thể phụ giúp cô một số công việc như tự thay quần áo, chăm sóc bản thân. Còn GV lớp mầm và nhà trẻ phải làm tất. TS Lê Xuân Hồng cho biết: "Cảnh các cô ngán nhất là trẻ tè, ị trong quần, vừa ăn xong ói ra, ngậm cơm không nuốt, khóc dai không nín... Có trẻ đang giờ học bỗng dưng bỏ ra ngồi một góc riêng... Mỗi trẻ một cá tính, GV phải có phương pháp ứng xử khác nhau. Lớp nào cũng có vài ba HS đặc biệt, phải dùng những phương pháp đặc biệt, thậm chí phải dành giờ dạy riêng. Tối về nhà nếu không đi học nâng cao cũng phải dành thời gian chuẩn bị học cụ”. Đó là chưa kể một thứ áp lực khác mà khi nhắc đến GVMN thường "toát mồ hôi". Chị L.H. kể: "Mỗi lần thanh tra dự giờ, tham dự GV giỏi, lên chuyên đề... tôi thường ở lại trường đến khuya để chuẩn bị cho tiết học sáng mai. Rồi cả đêm đó không dám ngủ nữa. Mà một năm không thể đếm được có bao nhiêu chuyên đề: chuyên đề làm cho GV cả quận dự, làm cho GV trường dự, làm cho cả những đoàn GV ở các quận, huyện khác, tỉnh, thành khác đến để trao đổi kinh nghiệm. Thêm nữa là những cuộc thi phong trào diễn ra thường xuyên trong suốt năm học". Còn ai đi nuôi dạy trẻ?Ở cương vị nguyên hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, TS Lê Xuân Hồng nhận định: "Giáo sinh những khóa tuyển sinh trung cấp trước đây rất yêu nghề. Càng về sau, số SV thật sự yêu thích ngành mầm non giảm dần. Nguyên nhân do đồng lương GVMN chưa tương xứng với công việc và còn thấp hơn nhiều lĩnh vực khác. Nhiều SV xuất sắc sau khi tốt nghiệp lại không làm cô giáo mà chuyển sang các hãng sữa, làm nghệ thuật... Khâu tuyển sinh ngành sư phạm mầm non hiện nay có kiểm tra năng khiếu múa, hát, có lưu ý ngoại hình nhưng không có cách nào, thang điểm nào để chọn được người có tố chất phù hợp với ngành này". Ngoài ra, theo ThS Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng Phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường sư phạm mầm non khó tuyển được những người ưu tú. Vì những HS giỏi họ sẽ chọn trường y, trường dược, ngoại thương chứ không chọn sư phạm. Nhất là trung cấp sư phạm thì lại càng ít chọn.
GVMN ở TP.HCM đang phải chịu nhiều áp lực cao: sĩ số HS quá đông (đa số
các trường có sĩ số từ 45-55 HS/lớp), môi trường làm việc thiếu thốn,
HS lứa tuổi MN thì hiếu động, nghịch ngợm. Tình trạng này gây áp lực
không tốt đến thần kinh cô giáo. Chưa kể có nhiều cô cuộc sống gia đình
không hạnh phúc, thu nhập thấp, dẫn đến cuộc sống khó khăn, vợ chồng
cãi nhau, gia đình xào xáo... Những mệt mỏi, bực bội trong gia đình sẽ
ảnh hưởng nhiều đến thái độ, cách hành xử của GV đối với HS.
Đó là chưa kể xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn đối với GVMN. Ngày thứ
bảy, chủ nhật các cô phải đi học nâng chuẩn trong khi ngày thường thì
làm việc quần quật từ sáng đến tối. Không có thời gian nghỉ ngơi để tái
tạo sức lao động nên sự mệt mỏi cả về thể lực lẫn tinh thần của GVMN cứ
kéo dài. Tôi đề nghị các trường sư phạm cũng như các phòng GD quận,
huyện nên giảm bớt các lớp tại chức, đào tạo nâng chuẩn, không nên mở ồ
ạt như hiện nay. Có trường 36 GV mà có đến 16 cô đi học thì làm sao giữ
sức khỏe cho các cô?
ThS Nguyễn Thị Kim Thanh
(trưởng Phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM) |
( Theo Tin Tức )
Gia đình đừng phó mặc trẻ cho nhà trường
Tôi là người làm việc trong lĩnh vực mầm non. Sau những dư luận gần
đây, chúng ta mới phần nào nhìn nhận được "tình trạng giáo dục" thực tế
trong xã hội.
Cá nhân tôi cho rằng, lứa tuổi mầm non là giai đoạn phức tạp và cần
được xã hội quan tâm giáo dục nhất. Giai đoạn này các bé đang hình
thành nhân cách, biến "cách hành xử" của những người xung quanh thành
của mình. Do vậy, theo quan điểm của tôi, gia đình là nền tảng quan
trọng nhất sau đó là trường học...
Ở trường, các bé học được rất nhiều cách "hành xử" từ những người xung
quanh, bạn bè, cô giáo, ông bảo vệ, bác dọn vệ sinh, bà nấu bếp... nên
các mẹ nếu tiếp xúc với con hàng ngày sẽ nhận thấy trẻ con rất công
bằng ai yêu chúng, chúng đều biết rất rõ và không thể nào che giấu qua
ánh mắt... tôi khẳng định điều đấy.
Tôi vẫn trao đổi với nhân viên của mình rằng việc các bé học cách yêu
những người xung quanh, biết gọn gàng ngăn nắp là điều tôi cần nhất.
Tuy nhiên, ở gia đình thì sao? Có những bà mẹ rất bận rộn, không có
nhiều thời gian tiếp xúc, rèn cho bé nên lại giao phó hoàn toàn cho các
cô. Có bé 4 tuổi rồi mẹ vẫn cởi giày và xếp lên giá hộ trong khi các cô
"ra sức" nhắc con phải tự làm.
Cô cho đi bộ ra sân thể dục có nhắc các con không được đi khi đèn đỏ
nhưng thực tế không ít phụ huynh vì nhiều lý do vẫn cho mình "tiện" 1
chút... Chưa kể đến áp lực phải nhồi nhét cho các bé ăn thật nhiều để
đổi lại sự yên tâm cho chính mình, trong khi, mỗi giáo viên của tôi
phải phụ trách tới 6 cháu.
Phụ huynh đều là những người rất hiểu biết nhưng đôi khi họ yêu cầu quá
cao: " Giáo viên không cười tươi chào hỏi", "không gọi điện cho con khi
con nghỉ ốm"... Tôi thấy chạnh lòng vì cuộc họp cuối tuần nào tôi cũng
nói rất rõ quan điểm của mình: tôi muốn họ thân thiện nhưng phải thật
từ cái tâm. Đôi khi chỉ cần mỉm cười bằng ánh mắt, bằng cái gật đầu
nhưng thật tâm còn hơn làm những người rối hay như mấy cô bé Promotion
Girl ở siêu thị.
Có phụ huynh con nghỉ ốm hoặc đi chơi không hề có một lời xin phép cô
trong khi lại "muốn" giáo viên gọi điện đến từng bé để hỏi sao cháu
nghỉ... khiến đôi khi chúng tôi quá mệt mỏi với nghề và suy nghĩ rất
nhiều... Tôi đúc kết ra rằng hệ luỵ của vấn đề hiện nay và trước đây
thực tế đã xảy ra nhiều là vì:
* Hệ thống giáo dục được đào tạo quá hời hợt (đầu vào các CĐ Sư phạm
Mẫu giáo đều thấp hơn các ĐH khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật...).
* Tầm nhìn và định hướng của những người đứng đầu quản lý các trường mầm non (Công lập và Tư thục).
* Cách nhìn nhận xã hội và đãi ngộ đối với nghề này quá thấp
Các mẹ hãy tin rằng gia đình là nền tảng quan trọng nhất, bạn sẽ luôn
nhìn thấy tính cách của mình trong trẻ nhỏ. Do vậy, đừng phó mặc trẻ
cho riêng nhà trường và các cô... Hãy tin rằng còn có nhiều môi trường
tốt cho các bé...
Người gửi: Minh Pham
|
( Theo VnExpress )
|