Hệ thống giáo dục mầm non tư thục: Buông lỏng quản lý
Việc ra đời hàng loạt các trường, nhóm lớp mầm non tư thục đã có một vai trò rất quan trọng trong việc xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Tuy nhiên, rõ ràng công tác quản lý chưa bắt kịp với tốc độ ra đời của các trường tư thục.
Bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GDĐT Hà Nội): "Cha mẹ học sinh (HS) phải là những người quan tâm đầu tiên". Chúng ta không thể phủ nhận vai trò tích cực của các trường, nhóm lớp mầm non tư thục trong điều kiện các trường công lập đều quá tải như hiện nay.
Tuy nhiên, không thể phó mặc hoàn toàn công tác quản lý cho ngành giáo dục, bởi các trường phát triển ngày một nhiều, trong khi nhân sự của ngành giáo dục mầm non vẫn giữ nguyên.
Trước đây, Phòng Giáo dục mầm non chúng tôi có 7-8 người, quản lý hơn 100 trường trong toàn thành phố, thì bây giờ cũng vẫn chỉ ngần ấy người phải quản lý hơn 400 trường.
Các phòng giáo dục quận, huyện cũng ở trong tình trạng bị áp lực tương tự. Bởi vậy, theo phân cấp, quản lý hành chính và tư cách pháp nhân của các trường phải do chính quyền địa phương thực hiện. Không thể việc gì cũng đổ hết cho bên giáo dục.
Bên cạnh đó, chính các bậc cha mẹ HS phải là những người quan tâm và thẩm định chất lượng của các trường, nhóm trẻ tư thục đầu tiên trước khi quyết định gửi con mình vào đó.
Họ phải là những người kiểm tra xem trường đó, nhóm lớp đó có được cấp phép hay không, phòng học có đảm bảo an toàn, bếp ăn có sạch sẽ hay không.
Có nhiều trường tư thục mở cơ sở 2, cơ sở 3, thực chất đó không phải là trường mà chỉ là nhóm lớp, trong số đó không phải nhóm lớp nào hoạt động cũng đã được cấp phép.
Như vụ cô giáo doạ nhốt học sinh trong máy giặt xảy ra mới đây tại trường Smart Kids, thực chất Trường Mầm non tư thục Smart Kids được cấp phép nằm ở quận Hai Bà Trưng, còn vụ việc xảy ra tại nhóm lớp mới mở tại quận Đống Đa và nhóm lớp này chưa được cấp phép hoạt động. Bởi vậy, chúng tôi luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của PHHS đối với hệ thống trường, nhóm lớp mầm non tư thục.
Bà Đặng Thị Tuyết (giáo viên mầm non nghỉ hưu quận Đống Đa): "Có quá nhiều bất trắc cho trẻ mầm non tại các trường ngoài công lập". Trong thời gian gần đây, báo chí liên tiếp đưa tin về những bất trắc xảy ra cho trẻ tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, từ chuyện trẻ bị doạ, bị dán băng dính vào miệng, bị chết do sặc sữa... Điều này khiến chúng tôi thật sự thấy bất an.
Thời chúng tôi làm cô giáo mầm non, phải trông trẻ từ 4 tháng tuổi, điều kiện cơ sở vật chất không tốt như bây giờ, nhưng rõ ràng không xảy ra những hiện tượng như trên.
Có phải do hiện nay có quá nhiều trường tư thục mở một cách vội vàng, giáo viên không được tuyển chọn, đào tạo kỹ, không có cái "tâm" của người mẹ hiền nên mới xảy ra những trường hợp đáng tiếc đó?
Có phải do công tác quản lý của chúng ta chưa thật sự sâu sát và cẩn thận về vấn đề này? Như vậy thì thật là quá nguy hiểm cho tính mạng con trẻ.
Chị Huỳnh Bảo Hoa (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh): "Tâm lý chung của phụ huynh là chỉ quan tâm đến tên trường, học phí mà không để ý tính pháp lý".
Khi chúng tôi tìm trường để gửi con, ngoài việc quan tâm đến cơ sở vật chất, học phí, hầu như chẳng ai có ý định yêu cầu nhà trường phải đưa ra giấy chứng nhận xem trường đã được cấp phép hay chưa.
Bởi chúng tôi nghĩ đơn giản, một ngôi trường hoạt động công khai như thế, chính quyền địa phương không thể không biết, nếu họ không được phép thì làm sao lại vẫn hoạt động như vậy được?
Với những tên gọi và biển tên trường treo đàng hoàng ngoài cổng, làm sao chúng tôi phân biệt được đó là trường hay nhóm lớp?
Bởi thế, rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ hơn nữa, những nơi nào chưa được cấp phép thì bắt phải ngừng hoạt động, đồng thời cũng phải nêu tên gọi chính xác của cơ sở giáo dục đó là trường mầm non hay nhóm lớp mầm non để tránh sự nhập nhèm như hiện nay.
( Theo Lao Động )