Giáo dục mầm non
   Thầy giáo mầm non
 
 
 Thầy Nguyễn Văn Ninh đang dạy văn hóa cho các em
Trong khi đa phần giới trẻ đang chạy theo những ngành nghề “thức thời” như: điện tử, viễn thông, kinh tế... thì có một chàng trai lại dấn thân vào cái nghiệp “làm dâu trăm họ”. Với lòng đam mê nghề và tình yêu dành cho trẻ nhỏ, anh luôn là tấm gương đáng để cho không ít chị em phải học tập...

Từng bị nghi là...“Pê đê”!

Anh là thầy nuôi dạy trẻ Nguyễn Văn Ninh (Trường Mầm non Bán công Hoa Sữa, huyện Sơn Động-Bắc Giang). “Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi đã vượt quãng đường gần 200km từ Hà Nội lên huyện miền núi Sơn Động để được “mục sở thị” công việc của Ninh. Đến trường giữa lúc Ninh đang đứng lớp dạy múa, hát cho các cháu, chúng tôi cùng vào dự lớp học của Ninh. Thật thú vị khi chứng kiến gần 20 cháu nhỏ tầm 4-5 tuổi với những đôi mắt tròn xoe đang say sưa theo từng điệu múa, lời hát của Ninh.

Nguyễn Văn Ninh sinh năm 1978, là con trai duy nhất trong một gia đình có 3 anh chị em. Quê anh ở huyện miền xuôi Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1999, Ninh thi đỗ vào Trường ĐHSPI Hà Nội, Khoa Sư phạm Mầm non. Khi biết tin này, bố mẹ, gia đình đều cảm thấy lo lắng và nghi ngại cho Ninh. Bạn bè thì đồng loạt phản ứng: “Mày có “vấn đề” hay không mà lại chọn học khoa này?”. Nhiều người hỏi thăm, Ninh chỉ tủm tỉm cười.

Năm 2003, Ninh ra trường và được phân công công tác tại Trường Mầm non Bán công Hoa Sữa huyện Sơn Động. Đây là một huyện khó khăn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang, bởi 17/22 xã của huyện thuộc diện chính sách 135 của Chính phủ. Từ khi về trường, Ninh luôn là tâm điểm của sự tò mò, dò xét. Ngay cả đồng nghiệp của anh cũng có cái nhìn “là lạ” đối với anh, không ít người còn xem anh như là một “vật thể lạ”. Cũng dễ hiểu bởi khi ấy, Ninh là nam giáo viên mầm non đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Bà Chu Thị Chi, Hiệu trưởng nhà trường, không ngần ngại cho chúng tôi hay: “Lúc Ninh mới về trường, chúng tôi thật sự bất ngờ. Không riêng gì tôi, mọi người đều tò mò, dò xét, “ngắm nghía”, bởi Ninh cao ráo, khoẻ mạnh, bảnh trai như thế sao lại chọn cái nghề “không giống đàn ông” chút nào thế này? Hay anh này bị... “pê đê”?”. Nói chuyện với chúng tôi, Ninh không giấu được nụ cười hóm hỉnh: “Các cô nghi em bị ái nam-ái nữ, nhưng có ai dám “thử” với em để chứng thực điều đó đâu!”. Rồi Ninh bộc bạch: “Em bị trêu chọc nhiều rồi nên khi mới về công tác, mặc dù bị đưa vào “tầm ngắm” nhưng cũng cảm thấy bình thương thôi anh ạ! Em luôn nghĩ, nghề chân chính nào trong xã hội cũng rất đáng quý và đáng được trân trọng. Em chọn nghề này bởi niềm đam mê và muốn tự khám phá bản thân. Tại sao chị em làm được, cánh đàn ông con trai lại không làm  được? Có khi lại làm tốt hơn ấy chứ...”.

Lối đi ngay dưới chân mình
 
Ninh nói không sai, bởi thực tế đã chứng minh rằng, đa số những nghề của phái yếu như: làm đẹp, thiết kế thời trang, may mặc, nấu ăn... khi con trai đã làm thì đều làm giỏi hơn phụ nữ. Năm đầu về trường, Ninh được phân công phụ trách lớp mẫu giáo 4 tuổi. Năm sau, anh được giao đứng lớp 5 tuổi (lớp điểm của trường) và thực hiện chương trình giảng dạy đổi mới. Ngoài ra, anh còn kiêm thêm công tác đoàn, các hoạt động văn nghệ của trường. Bà Chi “khoe” rằng: “Từ khi có thầy Ninh về, mọi hoạt động của nhà trường đều sôi nổi hẳn lên. Ninh trở thành một “hiện tượng” bởi lòng yêu nghề, yêu trẻ và năng lực thực sự của một giáo viên. Đến giờ, mọi “nghi ngờ” về Ninh đều bị xoá tan.” Cô Chi ấn tượng mãi với hình ảnh lần đầu chứng kiến thầy Ninh gọi các em nhỏ lên chia cơm, rồi thầy cũng tự chia cơm cho mình và cùng ăn với trẻ. Không cần nói ra, nhưng chúng tôi hiểu được bao nỗi vất vả của nghề nuôi dạy, chăm sóc trẻ em nhỏ. Nhưng, Ninh đã vượt qua tất cả, để hai năm sau khi ra trường, anh đã đạt danh hiệu gíáo viên giỏi cấp tỉnh và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bây giờ, cô nào có muốn cũng chẳng còn cơ hội để “thử” với thầy Ninh nữa, bởi cuối năm 2005, anh đã lập gia đình. Vợ anh là người cùng làng, dạy tiểu học ở dưới quê và đang ở cùng bố mẹ chồng. Anh chị đã có một bé trai 7 tháng tuổi kháu khỉnh. Ngặt một nỗi, đường xa cách trở (từ chỗ anh dạy về nhà phải mất gần 100 km) nên một tuần, có khi đôi ba tuần, anh mới về thăm bố mẹ, vợ con. Ninh nói đùa : “Con mình thì chẳng được bố quan tâm, mình toàn chăm sóc con... người ta không à!”. Chị Lanh, vợ anh, là người cùng nghề nên rất thông cảm với anh: “Em cũng hơi buồn khi vợ chồng không được thường xuyên gần nhau, nhưng dù sao, đó cũng là sự nghiệp của anh ấy. Có đam mê với nghề thì nghiệp mới thành công...”. Sự cảm thông của gia đình, của người vợ hiền luôn là liều thuốc tinh thần cho Ninh. Đặc biệt mỗi lần về quê, nhìn thấy nụ cười của vợ cùng con trai nhỏ thân yêu, anh như phần nào giải toả được “cái khổ” của nghiệp “làm dâu trăm họ”. Chia sẻ với chúng tôi, Ninh cho biết : “Mặc dù gặp đôi chút khó khăn và bất lợi, nhưng em sẽ cố gắng vượt qua để không “đứt gánh giữa đường”. Đã theo, đã yêu thì phải yêu đến cùng, em sẽ luôn gắn bó với nghề này, bởi nó là sự lựa chọn, là hướng đi và là “duyên nghiệp” của em...”.

Lối đi ngay dưới chân mình, chúng tôi tin vào những người trẻ như Ninh, bởi họ biết dũng cảm đương đầu với những thử thách để tìm cho mình một hướng đi riêng, góp phần vào sự nghiệp chung của xã hội và của chính mình./.
 
( Theo VOV )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD&ĐT đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. (23/11)
 MNBC Nam Sài Gòn Q7: Lễ kỉ niệm 25 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam và 10 năm thành lập trường 1997-2007 (22/11)
 MNBC Quận 11: Lễ dón nhận Huân Chương Lao Động Hạng III (21/11)
 Cô giáo trẻ và hành trình thực hiện ước mơ“ (21/11)
 Thông báo hoạt động chuyên mục mới của website mầm non (20/11)
 Hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Công viên văn hóa Đầm Sen (19/11)
 Một đời vì sự nghiệp mầm non (19/11)
 TPHCM: Lễ kỉ niệm 25 năm ngày nhà giáo Việt Nam và tổng kết thi đua khen thưởng năm học 2006-2007 (17/11)
 TPHCM: Thêm một trường Mầm Non đạt chuẩn quốc gia (16/11)
 Hoạt Động Chào Mừng Ngày 20-11 (16/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i