|
"Cô ơi, hoa nó quay" - tiết học về nam châm của HS Trường mầm non Q.11 |
Trong khi nhiều trường mầm non đang bị tai tiếng với chuyện dán băng keo lên miệng trẻ, đánh học sinh (HS)... thì vẫn có nhiều trường mầm non cải tiến cách dạy và học tạo được sự hứng thú và kích thích sáng tạo cho HS.
Mầm non - bậc học vốn dĩ ít được quan tâm như phổ thông - cũng đang tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục.
Nhật ký học trò!
"Không chỉ có trường dân lập, năm học 2005-2006, TP.HCM bắt đầu thực
hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới ở bốn trường: Mầm non
Q.11, Mầm non Q.Tân Bình, Mầm non thực hành 19-5 và Trường mầm non
TP.HCM.
Nhận thấy chương trình này có nhiều ưu điểm, HS tỏ ra thích thú hơn
chương trình cũ nên năm học 2006-2007, sở đã mở rộng thí điểm thêm 120
trường nữa" - bà Lê Thị Liên Hoan, phó trưởng Phòng giáo dục mầm non,
Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết. |
"12-3-2007. Cháu khóc nhiều và hét to đòi ra sân chơi với cô Liêm. Cháu chưa quen cô mới, chưa vào nề nếp học tập được. Ngủ ngoan, ăn ngoan.
13-3-2007. Cháu vẫn tiếp tục khóc và khóc dữ khi đòi ngủ
(9-10g). Cháu chưa vào nề nếp học tập được. Hiền, dễ thương và thích giỡn với cô Liêm. Ăn ngoan, ngủ trễ một giờ.
14-3-2007. Cháu cứ khóc đòi cô Liêm bồng ra ngoài chơi và đòi về. Ăn giỏi. Giờ ngủ cháu ngủ trễ và nằm giỡn, cười nói huyên thuyên. Chiều chơi ngoan nhưng biết sắp đến giờ về cháu khóc đòi ra ngoài.
15-3-2007. Cháu vẫn còn khóc nhưng hôm nay nhanh nín, đùa giỡn và rất hiếu động. Ăn ngoan nhưng còn thích vừa chơi vừa đút ăn. Chịu cô Nga ẵm và đút ăn rồi. Cháu thông minh lắm: muốn mở cửa mà tay với không tới, cháu lấy gối đứng lên trên và mở cửa ra. Cháu nói rất nhiều..." .
Trên đây là một đoạn trích trong nhật ký bé Liên Châu, 2 tuổi - HS Trường mầm non tư thục Thần Đồng, Q.3, TP.HCM. Trong tất cả hoạt động của HS, giáo viên (GV) đều quan sát tỉ mỉ những nhu cầu và khả năng của từng trẻ, ghi chép lại hằng ngày để tìm hiểu và giúp trẻ phát huy năng khiếu, sở thích. Theo ban giám hiệu Trường Thần Đồng, GV sẽ không cầm tay chỉ việc khi HS lưỡng lự hay gặp khó khăn trong lúc sử dụng công cụ học tập, các cô chủ yếu để trẻ tự tìm ra sai lầm trước khi khéo léo giúp đỡ trẻ.
Trong bối cảnh hầu hết trường công lập phải chịu cảnh quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, sĩ số HS/lớp bị đẩy lên cao (40-55 HS/lớp), nhiều trường tư ra đời với sĩ số lý tưởng (10-18 HS/2 GV) với môi trường học tập thoải mái, nhẹ nhàng, tiện nghi. Nói như hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Q.1, TP.HCM: "Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu phụ huynh cũng nâng cao. Họ có điều kiện kinh tế, họ muốn con em mình phải được chăm sóc tốt, giáo dục theo phương pháp hiện đại, khoa học. Trường chúng tôi hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu đó”.
Quan trọng vẫn là giáo viên... Tiết học về nam châm của HS lớp lá 1 Trường mầm non Q.11 được khởi động bằng một bài hát rộn ràng. Không có những lời giới thiệu bài học theo trình tự, cô giáo mời mọc: "Cô đang có rất nhiều đồ chơi để trong rổ phía bên kia". HS ùa tới, chọn cho mình những món thích nhất: kéo, muỗng, pin, giấy bìa cứng, vải, nam châm lớn, nhỏ... Một HS phát hiện: "Ủa, hai cái này nó dính với nhau nè”. Cả lớp thi nhau làm thí nghiệm: "Tại sao cái kéo lại dính với cục sắt (nam châm - PV) này ta?", "Vì cục sắt nó hút cái kéo đó”, "Cô ơi, cục sắt nó hút được cái bìa cứng luôn nè cô”... "Ừ, kỳ vậy ta? Con thử tìm hiểu xem?". Vài phút sau có tiếng reo lên: "Cô ơi, phía sau tấm bìa có cục sắt".
"Gió thổi! Gió thổi! Gió thổi đồ chơi vào trong rổ" - ngay lập tức, cả lớp mang đồ chơi trả lại chỗ cũ theo lời cô giáo. "Bây giờ chúng ta tiếp tục đi tìm điều bí ẩn nha" - GV lấy ra nhiều tấm bìa giấy dày, mỏng khác nhau: "Đây, mỗi bạn chọn một cái theo ý thích. Bây giờ các bạn sẽ để bông hoa (cuống hoa có gắn kim loại) lên trên tấm bìa, nam châm để phía dưới tấm bìa rồi di chuyển nam châm... Các bạn thấy sao?". "A, cái hoa nó nhúc nhích", "Hoa nó nhảy múa cô ơi", "Hoa nó quay...". "Như vậy, có bìa giấy ở giữa nhưng nam châm vẫn hút được kim loại phải không các bạn?". Cả lớp đồng thanh: "Phải rồi cô”.
Cứ như thế, GV dẫn dắt HS đi từ trò chơi này sang trò chơi khác, và mỗi trò chơi HS tự khám phá một đặc tính của nam châm. Kết thúc buổi học, GV hỏi: "Các bạn có vui không?". "Dạ, vui". "Vẫn còn rất nhiều trò chơi khác có liên quan đến nam châm, tiết học sau chúng ta sẽ cùng nhau chơi tiếp nha".
Theo bà Trương Thị Việt Liên, phó hiệu trưởng Trường mầm non Q.11, chương trình mới cho phép GV chủ động hoàn toàn trong việc sắp xếp kế hoạch cũng như nội dung giảng dạy. GV phải tạo điều kiện cho trẻ được tham gia làm đồ dùng học tập, đồ chơi (trước kia chỉ có GV làm), được thử nghiệm, khám phá. Làm sao để trẻ cảm thấy hứng thú và phát huy sự sáng tạo chứ không đòi hỏi trẻ phải biết ngay, làm được ngay. Tuy mới thí điểm hơn một năm nhưng phụ huynh rất ủng hộ nhà trường trong việc áp dụng chương trình mới vì HS tỏ ra mạnh dạn, tự tin hơn, chủ động hơn.
( Theo Tuổi Trẻ )