|
Áp lực cao nhưng đồng lương thấp. Trong ảnh: GV Trường mầm non Hoa Anh Đào, Q.Tân Phú chuẩn bị cho HS ăn trưa - Ảnh: H.HG. |
TP.HCM liên tục nhiều năm thiếu giáo viên mầm non (GVMN). Trong thị trường lao động, họ thuộc dạng khan hiếm. Khan hiếm nhưng đòi hỏi về kỹ năng, tay nghề khá cao. Tuy nhiên, thu nhập của họ lại rất thấp.Theo lời kể của một nhóm GVMN ở Q.Tân Phú, TP.HCM, một ngày làm việc của họ diễn ra như sau: 6g30 sáng: có mặt tại trường và làm vệ sinh phòng học để đón trẻ. 7g: hoạt động cùng cháu (tập thể dục hoặc trò chuyện).
7g15 - 8g: một cô tập thể dục cho những HS bị béo phì; một cô vừa quản cháu, vừa phải chuẩn bị bàn ăn, vừa cho cháu làm thao tác vệ sinh, vừa chia thức ăn, cho cháu ngồi vào bàn ăn. 8g10: điểm danh cháu. 8g15 - 9g30: một GV dẫn cháu ra sân quan sát và hướng dẫn cháu chơi; một cô dạy cháu trong lớp. 9g30 - 10g45: GV tổ chức hoạt động và hướng dẫn cho HS chơi ở các góc trong lớp, viết sổ quan sát cháu khi chơi, bao quát lớp không cho cháu làm ồn khi chơi. 10g45 - 11g: một GV đi bưng từng nồi thức ăn đưa lên xe đem về lớp; một cô vừa quản cháu cuốn chiếu (dọn từng góc một), vừa dọn bàn ăn, cho HS thực hiện thao tác rửa tay lau mặt.
11g - 12g: cho cháu ăn. 12g - 14g: sắp xếp chiếu gối, cho cháu ngủ. Sau đó hai cô thay phiên nhau đi ăn cơm, làm sổ sách hoặc họp đột xuất. 14g - 14g15: HS ngủ dậy, cô thay quần áo và chải tóc cho cháu. 14g15 - 15g: GV cho HS hoạt động chiều và tập chống béo phì. 15g - 15g30: HS học năng khiếu (cô kê bàn cho cháu học, hai lớp học chung), HS nào không học năng khiếu thì ăn xế. 15g30 - 16g: HS học năng khiếu ăn xế, những cháu còn lại thì GV quản cho cháu chơi. 16g - 16g15: GV dọn dẹp vệ sinh lớp, toilet của HS. Sau đó trả cháu ra về.
Nặng nề và áp lực
Quốc doanh chạy sang... quốc tế!
"Ngay cả Trường mầm non TP.HCM (trường trọng điểm cấp thành phố - PV)
cũng đang gặp phải sự cố: một số GV giỏi của trường đã chuyển sang
trường quốc tế có thu nhập cao hơn 2,3 lần. Thử hỏi lương thử việc ở
trường tôi chỉ 1 triệu đồng/tháng/GV trong khi trường quốc tế 3 triệu
đồng/tháng/GV, làm sao trường tuyển được GV giỏi?".
(Bà QUÁCH THỊ THÚY QUỲNH - hiệu trưởng Trường mầm non TP.HCM) |
Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày đi thực tế cho thấy lịch làm việc trên được xem như cái "khung qui trình" làm việc của các GVMN trên địa bàn TP.HCM. Riêng giờ ra về của GV thì phụ thuộc phụ huynh: theo qui định 17g là hạn chót GV trả cháu, nhưng trên thực tế có phụ huynh bận bịu, kẹt xe đến 18g mới tới. Đương nhiên GV phải ở lại... chờ. Thậm chí một số trường còn yêu cầu GV phải tắm cho HS trước khi cho các bé ngủ trưa, thứ bảy phải đến trường làm đồ dùng dạy học, chủ nhật phải đi học nâng chuẩn...
"Công việc của chúng tôi không những không được giảm tải mà càng tăng nhiều hơn so với những năm trước kia. Khối lượng công việc ngày càng tăng mà tiền hưởng thu nhập ngoài ngân sách của GV ngày càng giảm đi. Như năm học 2005-2006, 2006 2007 chúng tôi được hưởng 13.000 đồng/HS, năm học 2007-2008 chỉ còn 11.000 đồng/HS.
Thật sự chúng tôi rất bức xúc vì nó không xứng đáng với sức lao động mình bỏ ra cả ngày để chăm lo cho các cháu. Nhiều khi trưa chúng tôi không được ngủ mà làm sổ sách và các phong trào của trường đề ra. Còn rất nhiều việc khác nữa, chúng tôi làm việc không có thời gian nghỉ ngơi, có bữa còn phải họp suốt đến 19g mới được về" - nhóm GV ở Q.Tân Phú tỏ ra bức xúc.
Thu nhập thua người giúp việcTh.S Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng Phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, tính toán: "Hiện nay GVMN trình độ cao đẳng mới ra trường có mức lương 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Tết chỉ được vài trăm ngàn đồng tiền thưởng. GV trình độ trung cấp mới ra trường thu nhập còn thấp hơn. Trong khi đó một người giúp việc (chỉ học qua lớp đào tạo hai tháng) có mức lương 1,5 triệu đồng/tháng cộng với chi phí ăn, ở tại gia đình chủ nhà, có lương tháng 13 trong dịp tết, được may quần áo mới trong dịp lễ, thuốc men khi ốm đau... Tính ra, thu nhập của GV mầm non còn thua cả người giúp việc".
Theo phân tích của các hiệu trưởng trường MN, cách đây khoảng mười năm thì không đến nỗi bởi TP.HCM có cách tính khá linh hoạt: ngoài phần lương nhà nước theo hệ số, GVMN còn được hưởng khoản tiền gọi là "lương ngoài ngân sách" được trích ra từ nguồn học phí. Thêm vào đó, nguồn học phí phải chi cho các khoản hoạt động phí như: điện, nước, văn phòng phẩm...Khoản này tăng giá thì đương nhiên "lương ngoài ngân sách" phải giảm đi.
"Mỗi lần nói đến chuyện lương, thưởng ban giám hiệu trường khổ tâm hết sức!" - một hiệu trưởng trường MN ở Q.Phú Nhuận buồn rầu.
( Theo Tuổi Trẻ )