Phổ cập mầm non trẻ dưới 5 tuổi, chế độ đãi ngộ giáo viên hay thay đổi các cơ chế tài chính cho giáo dục mầm non (GDMN)... là những vấn đề nổi bật tại buổi tham vấn của Bộ GDĐT với các chuyên gia về thực hiện pháp luật, chính sách đối với GDMN. Các mục tiêu đề ra - theo nhiều chuyên gia - sẽ khó đạt được nếu Bộ GDĐT không vào cuộc ráo riết hơn nhằm thay đổi "bộ mặt" GDMN vốn có quá nhiều bất cập hiện nay.
Nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu 2015 phổ cập GDMN 5 tuổi khó đạt. Ảnh: D.H
Phổ cập GDMN 5 tuổi: Khó đạt mục tiêu
Một trong những vấn đề nổi bật được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi tham vấn chính là mục tiêu về hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2015. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh - thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Trần Thị Tâm Đan cho biết, mục tiêu này là quá xa vời trong khi các vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có gì biến chuyển trong việc nâng cao tỉ lệ phổ cập. "Trong thực tế, việc đa dạng hóa các loại hình trường lớp mới có tác dụng, chứ tập trung thành một trường to theo các cấp là rất khó do địa hình phân tán. Vì thế không nên xem nhẹ lớp học đa dạng hóa. Cần hết sức lưu ý điều này. Dứt khoát không chạy theo thành tích để lấy số lượng" - bà Tâm Đan nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đức Thắm - PGĐ Sở GDĐT Quảng Trị - cũng đồng tình khi cho rằng, phổ cập GDMN 5 tuổi là chủ trương có tính thuyết phục, nhưng lại vướng ở khâu đầu tư nguồn lực của từng địa phương. Theo ông Thắm, nguồn lực đầu tư cho chương trình này tuy có nhưng vẫn chỉ là lồng ghép, mức độ đầu tư chưa được nhiều... Ông Thắm đề nghị, Chính phủ và Bộ GDĐT quan tâm đến việc đầu tư biên chế nhiều hơn nữa cho GDMN, vì phổ cập xong rồi thì còn phải duy trì thành quả.
Xã hội hóa GDMN?
Theo nhiều đại biểu, mấu chốt của GDMN là đầu tư cho giáo viên và đầu tư cho cơ sở vật chất. Muốn thay đổi hai điều này cần có một cơ chế tài chính rõ ràng hơn cho các trường MN công lập. Bà Tâm Đan cho rằng, nhất thiết phải xem lại bài toán tài chính, với chi phí đảm bảo chất lượng tối thiểu để xem Nhà nước phải đầu tư bao nhiêu phần trăm, cha mẹ đầu tư bao nhiêu phần trăm thì con cháu mới được chăm sóc tốt.
"MN công lập kéo dài tình trạng không rõ ràng về tài chính, gây khó khăn cho chất lượng GDMN. Tôi khuyến khích tổ chức tư nhân, DN có tiềm lực để đầu tư cho mạch lạc. Chính sách cũng phải mạnh hơn. Nếu thu học phí quá thấp thì trẻ em và nhân dân không được chăm sóc tốt. MN công lập theo tôi cần tính toán và tạo sự cạnh tranh lành mạnh" - bà Tâm Đan nói.
Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, xã hội hóa là giải pháp rất quan trọng để phát triển GDMN. Để nâng cao tỉ lệ trẻ em được đến nhà trẻ, Bộ GDĐT cần coi việc phát triển mô hình nhóm trẻ gia đình là giải pháp hữu hiệu, đồng thời cũng là cách giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Chính vì thế, Bộ GDĐT cần sớm có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm việc tại nhóm trẻ này.
Xã hội hóa giáo dục bằng việc tăng thu học phí trường MN công lập và kêu gọi nguồn lực đầu tư cho các trường ngoài công lập, theo nhiều đại biểu cũng chính là giải pháp cải thiện đời sống cho giáo viên MN. Ở khía cạnh công đoàn, Phó chủ tịch công đoàn ngành GDĐT Phạm Văn Thanh cho biết, hiện nay thu nhập giáo viên MN dạng hợp đồng rất thấp với hệ số 1,86, chưa có phụ cấp vì 5 năm mới có phụ cấp thâm niên. Giáo viên MN tương đối vất vả, đi sớm, về trễ. Đặc biệt, tình trạng thiếu nhà công vụ cho giáo viên cũng gây khó khăn cho đời sống của họ với đồng lương quá ít ỏi.
Ông Thanh đề nghị: "Chế độ tiền lương cần có đổi mới cơ chế tài chính để huy động nguồn lực xã hội tốt hơn. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ GVMN. Bình Dương sau khi giáo viên không có nhà ở đã hỗ trợ 0,7% lương cơ bản để lo về vấn đề nhà ở, có một phần tiền để thuê nhà trong khi chưa có nhà công vụ. Nhà nước tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên MN. Bên cạnh sử dụng vốn nhà nước, đề nghị các đơn vị, các trường tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng nhà công vụ giáo viên, trong đó ưu tiên cho giáo viên MN trước".
Theo Baomoi.com