Trẻ mầm non luôn có nhu cầu với đồ chơi mới, trẻ thích được tự tay tạo ra đồ chơi cho mình. Để thỏa mãn được nhu cầu đó của trẻ đòi hỏi giáo viên mầm non phải luôn sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi phù hợp với nội dung bài dạy, phù hợp với tình huống giáo dục trong các hoạt động.
Trong thực tế, qua nhiều năm làm công tác giảng dạy được gần gũi, tiếp xúc với trẻ, được xem trẻ chơi... tôi nhận thấy được rằng trẻ nhỏ rất thích được chơi với những đồ chơi mới lạ đặc biệt là những đồ chơi tự tạo ra.
Trong khi đó, những đồ chơi hiện có trong lớp lại mang tính phổ biến, hạn chế về số lượng và ít được thay đổi. Vì vậy trẻ sẽ không phát huy được tính tích cực sáng tạo trong các hoạt động.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, thường có rất nhiều sản phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng, chẳng hạn như vỏ chai dầu gội, sữa tắm, lon bia, vỏ hộp sữa, bìa lịch cũ, đĩa CD bị trầy cũ, cuộn len cũ...
Hay đơn giản đó chỉ là những loại hạt của quả bị bỏ đi như hạt trứng gà, hạt nhãn, vỏ của con sò, con chai chai, vỏ trứng.... đó là nguồn vật liệu rất phong phú và đa dạng, có thể tận dụng làm những việc hữu ích.
Nếu chúng ta có ý thức thu gom, chọn lọc từ nguồn phế thải đó và có ý tưởng làm các đồ dùng, đồ chơi thì có thể biến những chiếc hộp, bìa to nhỏ thành ô tô, tàu hỏa, nhà cửa, bàn ghế...
Từ những lon bia chúng ta có thể tạo thành con cá, con chim, con voi... để học toán, học chữ, đưa vào các giờ dạy để tìm hiểu, khám phá thế giới động vật.., các góc chơi của trẻ ở trường mầm non....
Những loại hột hạt sẽ trở thành con kiến, con sâu, vỏ con chai, vỏ trứng trở thành con cua, con cá... Làm như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được tiền mua sắm vật liệu, tạo ra nhiều đồ chơi mang tính sáng tạo phong phú cho lớp học của mình.
Những đồ chơi này vừa dễ làm, dễ sử dụng trong các giờ học và các hoạt động. Qua đó hình thành ý thức tuyền truyền với mọi người xung quanh, từ trẻ đến phụ huynh học sinh về việc bảo vệ môi trường. Và như vậy, chúng ta đã giảm thiểu được lượng rác thải, giảm chi phí cho việc xử lý rác thải trong vệ sinh môi trường.
1/ Làm Con cua, con cá:
a/ Nguyên Liệu :
- Vỏ chai chai; nỉ, màu nước, nhũ, keo nến...
b/ Cách làm :
- Vỏ chai chai rửa sạch, gọt bỏ cho bớt nhọn. Vẽ hình con cua, con cá lên nỉ và cắt theo hình đã vẽ.
- Gắn phần nỉ đã cắt vào giữa hai phần vỏ chai chai, dùng keo con voi hoặc nến gắn phần miệng chai chai kín vào nhau.
- Dùng màu nước hoặc sơn phủ kín phần vỏ chai chai, sau đó dùng nhũ phủ lên phần vỏ chai chai.
c/ Cách sử dụng:
Với đồ chơi này có thể sử dụng cho trẻ tìm hiểu, khám phá trong lĩnh vực khám phá thế giới động vật, chơi bán hàng, dùng trong giờ học toán...
Chẳng hạn : Khi cho trẻ làm quen với số đếm, tôi có thể cho trẻ đếm số chân cua, đếm số cua, số cá trong ao...phù hợp với số lượng mà trẻ được học
2/ Làm Bầy hươu cao cổ
Nguyên liệu:
· Vỏ chai C2 hoặc vỏ hộp sữa chua uống susu, sơn, màu nước, nỉ màu vàng, màu nâu, ...
· Cách làm:
· Dùng màu nước( sơn) màu vàng hoặc màu cam sơn phủ kín vỏ lọ C2( vỏ hộp sữa chua su su).
· Lấy bút màu đỏ vẽ các chấm sao trên thân hươu thành hình hươu sao
· Dùng bút vẽ lên nỉ màu vàng phần đầu hươu cao cổ và cắt dán vào làm đầu Dùng nỉ cuộn tròn có độ dài khoảng 10cm làm chân hươu .
c) Cách sử dụng:
- Với loại rối này ta có thể sử dụng trong giờ làm quen văn học: Kể chuyện "Có một bầy hươu"; dùng cho trẻ làm quen với các con vật sống trong rừng ; cho trẻ miêu tả về đặc điểm của hươu sao...
3/ Làm con voi từ hộp sữa bột và vỏ lon ước ngọt (lon bia)
a/ Nguyên vật liệu
· Vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp sữa bột, nỉ, đĩa CD, băng dính 2 mặt, ..
b/ Cách làm
· Làm voi con từ vỏ lon nước ngọt (lon bia),:
· Lấy vỏ lon nước ngọt hoặc lon bia, gắn băng dính 2 mặt dọc theo thân vỏ.
· Lấy 1 vỏ lon nước bò húc gắn lên trên mặt và đính cho chặt 2 vỏ lon với nhau.
· Cắt 1 ít nỉ cuộn lại và gắn vào giữa lon bò húc để làm vòi .
· Vẽ và Cắt 2 miếng nỉ và dán vào 2 bên 2 tai
· Cắt 2 chấm tròn làm mắt và dán vào giữa tai và vòi để làm mắt voi
· Làm con voi từ vỏ hộp sữa bột và đĩa CD
· Lấy vỏ hôp sữa bột và dán băng dính 2 mặt vào miệng của vỏ hộp.
· Lấy đĩa CD dán bịt vào miệng hộp làm mặt voi.
· Cắt nỉ cuộn lại làm vòi và dán vào chính giữa đĩa CD.
· Vẽ và cắt 2 miếng nỉ tròn làm tai và dán vào 2 bên đĩa
· Cắt 2 chấm tròn và gắn vào điac CD làm mắt.
c/ Sử dụng
Với đồ chơi này có thể sử dụng cho trẻ tìm hiểu, khám phá thế giới động vật, cho trẻ học toán, sử dụng trong bài thơ Con Voi, 1 số câu chuyện...
Qua các kinh nghiệm này, tôi muốn phổ biến rộng rãi đến các bạn đồng nghiệp một số kinh nghiệm nhỏ bé của mình trong việc làm đồ dùng đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có để giúp trẻ có nhiều hơn nữa cơ hội được học, được chơi và cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Đồng thời cũng góp phần giảm bớt một chút kinh phí cho việc mua đồ dùng đồ chơi của trường.
Theo GD&TĐ