Lượng trẻ mầm non đang gia tăng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM do người nhập cư ngày càng đông, nhưng việc xây trường mầm non ở đây lại gặp nhiều vướng mắc.
Tại Hội nghị giải quyết vấn đề nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) của Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM ngày 4/10, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, trong 5 năm qua thành phố đã tăng hơn một triệu dân, trong đó chủ yếu là người nhập cư. Thành phố có tới 15 KCN, KCX với gần 300.000 lao động phần lớn ở tuổi sinh con với hàng nghìn trẻ có nhu cầu vào trường mầm non mỗi năm.
Hiện, UBND thành phố đã thực hiện cả ba giải pháp để xây trường mầm non cho con công nhân gồm thực hiện xây trường bằng nguồn vốn xã hội hóa, xây các trường mầm non liền kề KCN, KCX bằng ngân sách thành phố và xây trường trong các khu này.
Lượng trẻ mầm non tăng nhanh khiến cho nhiều tỉnh không khỏi đau đầu việc xây trường cho số trẻ này. Ảnh: Nguyễn Loan
Trên thực tế các KCN, KCX cũng đã bắt đầu lên kế hoạch xây trường mầm non. 15 dự án được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, 20 dự án khác cũng đang được thành phố chi ngân sách để thực hiện. Nhưng hiện chỉ có 6 dự án đi vào hoạt động, số lượng trẻ được học ở đây cũng không nhiều.
Khó khăn chung của TP HCM cũng như của nhiều tỉnh khác được ông Hứa Ngọc Thuận nêu ra đó là việc xây trường mầm non trong KCN, KCX còn vướng mắc ở Nghị Định 29 khi không được phép bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích khác ở đây.
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, 10 năm trở lại đây việc đầu tư trong KCN đang chững lại, khi quy hoạch các bên liên quan đã không quan tâm đến việc xây dựng nhà trẻ. Đầu tư cho giáo dục mầm non cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông, cần phải điều chỉnh một phần trong quỹ đất trong KCN để thực hiện vấn đề này.
Tương tự tại Bình Dương, theo bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, năm nay dân số của tỉnh tăng 90.000 người. Chính vì vậy hàng năm Bình Dương cũng tăng thêm 6.000-9.000 trẻ có nhu cầu vào mầm non.
Với tốc độ tăng dân số này, các trường mầm non ở Bình Dương không thể đáp ứng đủ nhu cầu gửi con. Khó khăn được bà Trang nêu ra, đó là việc tìm quỹ đất để xây dựng trường mầm non tại các khu đô thị, khu dân cư gặp phải trở ngại lớn khi phải đảm bảo diện tích 8m2/trẻ. Còn việc xây dựng trường mầm non trong KCN, KCX lại vướng phải Nghị Định 29.
Ngoài ra, lượng trẻ mầm non tăng nhanh trong khi số lượng giáo viên lại thiếu hụt, nhất là khi chế độ của giáo viên hiện còn rất thấp cũng gây ra không ít khó khăn. Hơn nữa, ở Bình Dương phần lớn doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều là công ty có yếu tố nước ngoài. Hiện chưa có Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non ngoài công lập có yếu tố nước ngoài nên việc xây trường cũng bị hạn chế.
Còn Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Cần Thơ Trần Hồng Thắm cho hay, địa phương này có 154 trường mầm non công lập và 127 trường ngoài công lập, song không thể đáp ứng hết nhu cầu gửi con của người dân. Hiện, khoảng 1.100 trẻ là con công nhân có nhu cầu vào trường mầm non nhưng chỉ có khoảng 800 cháu được đến trường. Số còn lại phải gửi ở những nhóm lớp chưa được cấp phép.
Theo bà Thắm, hiện việc xây trường mầm non ở các KCN của thành phố chưa được các nhà đầu tư chú trọng. Còn về chính sách, thường các nhà đầu tư không trực tiếp xây trường mà phải thông qua các dự án của công ty nên không được hỗ trợ đất và các khoản chi phí khác từ chính sách thành phố.
Có mặt tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, những khó khăn trên cần phải được tháo gỡ từ Chính Phủ. Bà cho biết sẽ kiến nghị lên các bộ ngành liên quan để xây dựng được cơ chế về quỹ đất, thuế hỗ trợ và các chính sách khác cho việc xây trường mầm non, nhất là trường cho con em công nhân.
Tuy nhiên, trước mắt Thứ trưởng Nghĩa cũng yêu cầu các Sở phải chủ động, linh hoạt trong việc quản lý hỗ trợ phát triển các trường mầm non cả trong và ngoài công lập.
Theo Vnexpress