Giáo dục mầm non
   Giáo viên mầm non khổ hơn công nhân?
 

"Nếu như công nhân chỉ lao động chân tay 8 tiếng thì giáo viên mầm non chúng tôi phải làm việc cả chân tay lẫn trí óc gần 12 tiếng mỗi ngày, trong khi lương không cao bằng lương công nhân" - Cô giáo mầm non H.L (TP.HCM) chia sẻ.


Những vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây đã gây phẫn nộ trong dư luận. Những câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp cũng như đời sống của giáo viên mầm non đã được đặt ra.


Người trong cuộc nghĩ gì về những vụ bạo hành trẻ mầm non?
Nhìn một cách khách quan, giáo viên mầm non là những người chịu khó, nhẹ nhàng, chu đáo và có trái tim yêu thương trẻ thơ. Một số vụ bạo hành đáng tiếc ấy đã gây hoang mang, đánh mất niềm tin ở công chúng như "con sâu làm rầu nồi canh" vậy.


Hầu hết những vụ bạo hành trẻ mầm non trong thời gian qua đều xảy ra tại các trường mầm non tư thục hoặc tại các nhà trông trẻ tự phát. Những bảo mẫu bạo hành trẻ đều là những người không chuyên nghiệp, không được đào tạo về sư phạm mầm non.


Cô giáo mầm non N.O (Trường mầm non SM - TP.HCM) chia sẻ: "Là những người trong cuộc, tôi cho rằng những bảo mẫu hay giáo viên mầm non bạo hành trẻ thật sự dại dột. Họ quá hiểu nỗi cực của việc trông và dạy trẻ nhưng chính họ đã không sẵn sàng tâm lý đón nhận, tự dồn mình đi quá sức chịu đựng của bản thân!".


Thực tế, bạo hành trẻ đã và đang xảy ra ở khắp mọi nơi chứ không chỉ trong trường mầm non. Ngay chính trong gia đình, bố mẹ, người thân của trẻ cũng đánh đập con em mình khi chúng không nghe lời. Và không ít trường hợp bố mẹ đánh đập con mình thậm tệ được đưa lên mặt báo.


Trong giờ học


Khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Do đó, họ không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và để lại hậu quả như thế nào.


Điều đó để thấy rằng, việc nuôi dạy trẻ không chỉ cần lương tâm, đạo đức hay coi trẻ như con mình là đủ mà còn cần những kỹ năng sư phạm mầm non.


Khi được hỏi về kỹ năng chăm trẻ, cô giáo Thanh Hương (Trường mầm non HM -TP.HCM) cho biết: "Hầu hết trẻ đều biếng ăn, lười ngủ và hay la khóc, nếu ép trẻ ăn thì trẻ càng không chịu và nếu có cố ăn cũng nôn ra. Với lứa tuổi từ 3 đến 4 tuổi, chúng tôi dạy trẻ ăn dễ dàng hơn vì chúng biết ăn uống rất quan trọng, bố mẹ ở nhà cũng bắt mình ăn. Còn với trẻ từ 1 đến 2 tuổi, chúng tôi chia nhiều bữa nhỏ sao cho đủ khẩu phần của từng trẻ."


"Là một giáo viên mầm non, tôi khẳng định rằng không có trường mầm non nào là không sử dụng phương pháp dọa nạt với trẻ. Nhưng tuyệt đối chỉ sử dụng dọa nạt với trẻ đã có nhận thức sai - đúng, và hình thức chỉ là dùng tay vỗ nhẹ vào lòng bàn tay các bé".


"Trẻ rất thích được bảo vệ, được tán dương trước những đứa trẻ khác. Đó là cách chúng tôi thường sử dụng khi muốn trẻ nghe lời. Tôi nghĩ rằng, nếu bản thân bạn thấy trẻ con thật đáng yêu thì mới nên theo nghề chứ đừng hẳn vì kiếm sống"- cô giáo Thanh Hương thẳng thắn.


Nghề "nuôi dạy hổ"
Người xưa có câu "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", sự phạm mầm non lại càng kén người hơn. "Nếu như công nhân chỉ lao động chân tay 8 tiếng thì giáo viên mầm non chúng tôi phải làm việc cả chân tay lẫn trí óc gần 12 tiếng mỗi ngày, trong khi lương không cao bằng lương công nhân"- cô giáo Hà Linh (Giáo viên Trường mầm non TT - TP. HCM) bày tỏ.


Thật vậy, do đặc thù cấp học mầm non khác với các cấp học khác, giáo viên mầm non phải làm việc tới gần 12 giờ một ngày, chưa kể thời gian chuẩn bị đồ chơi, dụng cụ học tập, soạn giáo án, nhưng vẫn chỉ được tính như làm 8 tiếng, không được hưởng chế độ làm thêm giờ.


GVMN luôn phải có mặt lúc 6g30 để chuẩn bị bàn ghế, phòng đón trẻ, cuối buổi, các phụ huynh đến đón trẻ không đều nhau. Có phụ huynh đến trễ, giáo viên trả bé, dọn dẹp xong thì đã 19g. Về đến nhà thì mệt rã rời, không thể chăm sóc gia đình trọn vẹn. Đơn cử như việc con chúng tôi học trường khác, chúng tôi sẽ không thể tự đưa đón được" - cô Hà Linh cho hay. Vậy nên, việc đưa đón trẻ đúng giờ của phụ huynh cũng làm giảm vất vả cho các cô phần nào.


Thêm vào đó, đại đa số giáo viên mầm non là nữ nhưng việc hưởng chế độ thai sản còn nhiều thiệt thòi. Trong khi, giáo viên bậc học phổ thông có con dưới 12 tháng tuổi được hưởng quy định giảm trừ tiết dạy thì chưa có quy định nào về điều này đối với giáo viên mầm non. Điều này khiến nhiều cô giáo trẻ rơi vào cảnh "chăm con người, bỏ rơi con mình".


Thực chất, giáo viên mầm non không chỉ trông mà còn dạy trẻ. Các bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng đến trường cô giáo chỉ cần cho trẻ ăn, đi vệ sinh và đi ngủ là xong. Với mỗi buổi học, giáo viên mầm non phải soạn giáo án từ tối hôm trước để dạy cho trẻ những kỹ năng và kiến thức kích thích khả năng nhận thức của trẻ.


Cô T.D. (Hiệu phó Trường mầm non công lập M. - TP.HCM) đánh giá: "Lứa tuổi mầm non mẫu giáo các bé phải học rất nhiều thứ. Chỉ đơn cử như việc phân biệt màu xanh - đỏ cũng là cả một vấn đề".


Dù là dạy ở môi trường quốc tế, cô L.T. cũng thừa nhận: "Giáo viên mầm non như người sưu tầm phế liệu vậy, vì phải dạy trẻ trực quan. Bất cứ thông tin nào đưa ra cũng cần vật tương ứng". Chưa tính đến vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, bảo vệ thân thể cho trẻ, GVMN đã chịu một áp lực rất lớn từ phía phụ huynh cũng như nhà trường.


Trẻ con hiếu động nhưng chưa ý thức được việc bảo vệ bản thân, chúng thường chơi đùa và gây tai nạn cho nhau, có khi là tự ngã. Bố mẹ trông một đứa con còn khó kiểm soát nổi, huống hồ một giáo viên phải trông vài chục trẻ.


"Có hôm dẫn các bé ra sân tập thể dục, cháu A nô đùa vô tình thúc vào đầu cháu B. Trán cháu B bị sưng lên, chúng tôi thấy vậy cũng rất đau lòng. May mà phụ huynh thông cảm, không than phiền gì nhiều."- cô L.T kể.


Được coi là "bận như con mọn" nhưng những GVMN lại đang phải nhận mức lương "thấp kỷ lục", trung bình trên 1,2 triệu đồng/người/tháng, thêm khoản hỗ trợ của trường khoảng 200.000 - 300.000 đồng nữa, GVMN khó xoay sở để lo lắng cho bản thân và gia đình.


Đặc biệt là những GVMN ở nông thôn và miền núi, cô H.T (Giáo viên mầm non tại Nghệ An) cho biết: "Địa phương chỉ ký hợp đồng theo đúng thời gian 9 tháng của năm học, đồng nghĩa với việc trò nghỉ, cô treo niêu".


Đã thấp, bậc lương này lại bị "cào bằng", người có trình độ đại học, cao đẳng đều nhận lương trung cấp. Cô N.T (GVMN tại Hà Nội) cho biết: "Cái khác duy nhất so với trước khi thi biên chế là chúng tôi được nhận thêm 35% trợ cấp đứng lớp. Làm 10 nhưng hưởng chỉ 8, cuộc sống đã khó càng khó hơn".


Như vậy, hơn ai hết, giáo viên mầm non cần là những người thật sự yêu trẻ và yêu nghề. Ở nước ta, giáo dục mầm non chưa được coi trọng và cũng chính tâm lý đó mà giáo viên mầm non bị coi thường. Vai trò của giáo viên mầm non chưa được đánh giá đúng mức kể cả tiền lương cũng như cách nhìn nhận của xã hội.


Làm mới về lượng và chất đội hình GVMN
Thực tế hiện nay giáo viên mầm non đang thiếu trong khi các bảo mẫu trông trẻ tự phát mọc lên ở nhiều nơi. Đặc biệt là những thành phố lớn, khu dân trí và thu nhập thấp, khu công nhân sinh hoạt đông đúc.


Những vụ bạo hành trẻ em chân động dư luận vẫn liên tiếp diễn ra và chính những bậc phụ huynh cũng chưa biết phải làm gì. Trong khi đó, hoạt động giám sát quản lý chất lượng giáo dục mầm non của các cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo.


Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình được chăm sóc và học tập trong môi trường tốt nhất có thể. Song, với những điểm trông trẻ và bảo mẫu tự phát thì khó có thể kiểm soát được tình trạng bạo hành trẻ như hiện nay.


Nâng cao đội ngũ, chất lượng giáo viên mầm non, nâng cao cơ sở vật chất cấp học mầm non là việc làm bức thiết hạn chế bạo hành, trang bị một nền tảng tốt cho những mầm non tương lai của đất nước.


Theo Congluan.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Bài viết đúng tâm trạng ngành MN.
Ngày gửi: 4/9/2014 12:31:53 AM

Chào các bạn
Bài viết thật hay, GVMN không chỉ việc chăm trẻ, mà vào trường lên lớp lại đoán người dự giờ thăm lớp nữa. Các bạn có ai đọc mẫu tin bên dưới này chưa nè, hãy đọc và ngẫm nghĩ nhá.Các bạn muốn xem thêm thì ghé qua WEB các trường ở MN là thấy phản ánh một phần cũng đúng sự việc nhưng một phần hơi thêm mắm muối cho thêm phầm hấp dẫn chút xíu. Trân trọng chào các bạn.

Tâm sự với bạn
Chào bạn, Bạn có than cũng thế à.Người ta có trải thảm đỏ mà. Tôi cũng như bạn sáng sớm đến trường làm việc không căng thẳng bằng chờ đợi xổ số của HPCM xem hôm nay giáo viên nào được hân hạnh đón HPCM vào dự giờ thăm lớp.Các bạn thấy hồi hợp kg nè, nếu là bạn, tâm trạng bạn thế nào ???
Tôi được biết cán bộ quản lý cũng phải đứng lớp 1 tháng 2 lần, nếu đúng vậy thì lúc đó những HPCM có đủ dũng khí để thực hiện không vì đi chấm người khác thì dễ còn khi mình lên tiết để khẳng định bản lĩnh CM làm cán bộ quản lý thi....
Vài dòng tâm sự cùng các bạn. Kính chúc các bạn vui tâm trí thoải mái không bị căng thằng bởi đánh úp của HPCM.
Chuyện dài nhiều tập
Cám ơn bạn rất nhiều ,tôi cũng đồng cảm như bạn . Tôi cũng muốm học hỏi từ HPCM lắm ! Để xem cách dạy của cô mà rút kinh nghiệm vì sau mổi lần HPCM đự giờ góp ý cho tiết dạy của mình rất hay .Kính mong Phòng giáo dục tạo điều kiện cho chúng tôi được học hỏi, trải nghiệm thực tế,từ đó trao dồi chuyên môn mình tốt hơn.Cũng nhằm củng cố lại kinh nghiệm cho HPCM để tay nghề của cô không bị "bỏ quên" nếu lở sau nầy không "thích" làm HPCM nửa làm lại Giaó viên cũng không bở ngở như buổi ban đầu mới vào nghề....cười...ai lên lại xuống phải không bạn? nhưng chuyện đời khó đoán trước lắm! Đã đi lên 1 cách dễ dàng cũng có thể lắm.....Mong Phòng GD cũng như BGH của các trường có thể cho chúng tôi được toại nguyện được không? Một tháng lên có 2 tiết hà đâu mất nhiều thời gian 20-30 phút thôi. Nhưng với chúng tôi là rất quí vì tôi tin chúng tôi sẽ học hỏi rất nhiều từ HPCM. Cám ơn nhiều ! Có ai đồng cảm với mình không vậy ?
Chuyện dài nhiều tập.....
Các bạn ơi, bạn có mong " .Mong Phòng GD cũng như BGH của các trường có thể cho chúng tôi được toại nguyện được không? Một tháng lên có 2 tiết hà đâu mất nhiều thời gian 20-30 phút thôi. "
Tôi đồng ý với ý kiến bạn nhưng chắn chắn 1 điều rằng chẳng có HPCM nào dám lên tiết đâu đừng có mơ bạn nhé. Vì một lẽ rằng để lên 1 tiết rất là tổ hao nguyên khí, mà mấy cô HPCM này được ngồi thảm êm quá rồi sáng xách giỏ vào trường chỉ biết cầm sổ đi thích lớp nào vào dự lớp đó rồi đánh giá đâu biết người hân hạnh đón khổ não đến mức nào,còn rảnh thì lướt web xem có gì vui vui kg.... GV thì suốt ngày bận rộn với đàn con nhỏ nào cb tinh thần đón HP dự giờ, rồi cho cháu ăn, ngủ tối về nhà chưa được rãnh mà phải ngồi xem mai dạy gì , có bà nào vào thăm lớp kg.Rồi phải làm ĐD d8ể mai có cái mà dạy ...
Vài lời gởi đến các bạn, nếu nhũng dỏng này được đến tay Trưởng Phòng tôi mong Ông cho triển khai ngay công văn và áp dụng ngay : BGH phải lến tiết để gv chúng tôi có cái để góp ý bãn lĩnh CM của Xếp phó được uu ái quá nhiều.
Chào ban biên tập< Thân chào các bạn.
Chúc các bạn đừng ai phải bị " HỞ VAN TIM "




guest
Cám ơn
Ngày gửi: 4/10/2014 11:00:17 AM


Cám ơn quý báo đã nói lên những tâm tư nguyện vọng của người giáo viên mầm non. Mong sao cho mỗi ngày quý báo đều dành riêng một góc nhỏ để nói lên nổi cơ cực và khó khăn của người giáo viên để một ngày không xa nghề giáo viên mầm non thật sự được hưởng chế độ xứng với công sức của người giáo viên mầm non.



guest

Chỉ còn tình yêu thương ở lại
Ngày gửi: 4/13/2014 10:23:03 AM

Mình đọc bài viết này lại ngẫm đến bản thân. Là một GVMN có thành tích cao trong giảng dạy, nhưng để đạt được kết quả hư vậy làm mình quá mệt mỏi, không còn sức lực để sáng tạo nữa.Cả ngày đến trường làm việc quần quật cả chân tay lẫn trí óc.Đêm về lại giáo án và đồ dùng đồ chơi. Chỉ có chồng biết, con biết. Không có tý thời gian cho gia đình. Đến lớp thì áp lực chuyên môn, rồi phụ huynh nữa, nhiều khi mình bật khóc ngay ở lớp. Phụ huynh bây giờ chỉ 1- 2 con, "nâng như nâng trứng" vô tình bé ngã hoặc va vào nhau là chúng tôi sợ hết hồn, Người hiểu thì không sao,có người không hiểu còn xúc phạm cả giáo viên nữa.Nhưng rồi củng qua nhanh, chỉ còn lại những gương mặt xinh xắn, ánh mắt ngây thơ,suy nghỉ ngộ nghĩnh, dễ thương mà thôi.Vì thế lúc nào tôi củng nghỉ: Cố lên!


guest
Tâm sự
Ngày gửi: 4/14/2014 6:58:00 PM


Thật sự rất buồn.tuy rằng bản thân yêu nghề,yêu trẻ rất nhiều.nhưng ko phải chỉ yêu nghề yêu trẻ là đủ.đã gọi là cái nghề thì là nghề nghiệp để kiếm sống chứ,ai cũng cần khoản chi tiêu mà..vậy mà nghề GVMN lại chịu biết bao nhiêu thiệt thòi,lương bổng thì thấp nhất,làm việc thì cực nhất,đây là nơi giáo dục cho trẻ đầu tiên cho trẻ thì phải được quan tâm nhiêù chứ..cùng là nghề cống hiến cho đất nước nhưng nghề công an họ lương bổng gấp mấy lần GV,tại sao lại thế ạ?đây là 1 phần bức xúc của tôi,tôi chỉ viết ra kính mong được xem xét cho GVMN được những chế độ đúng công sức của họ



guest

Hay
Ngày gửi: 4/14/2014 8:24:47 PM

Cám ơn vì đã đồng cảm với chúng tôi GVMN


guest
HPCM
Ngày gửi: 4/15/2014 8:50:50 AM


Với bản thân tôi là một hiệu phó chuyên môn, tôi hiểu và cảm thông với tất cả các giáo viên mầm non ( vì trước đây bản thân tôi cũng có hơn 8 năm làm giáo viên mầm non và kinh qua nhiều cấp tuổi) Tôi biết nổi sở của các bạn khi bị dự giờ, tôi biết được nổi vất vả của các bạn khi chăm sóc trẻ, khi phải tiếp phụ huynh ( nếu cháu bị té...), biết bao áp lực đè lên người các bạn. Bản thân tôi điều hiểu hết vì tôi đã từng trải qua. Các bạn thấy hiệu phó chuyên môn chúng tôi không áp lực hả. Chúng tôi chịu trách nhiệm chuyên môn của cả trường trước phòng giáo dục, chịu áp lực trước cấp trên, phải thực hiện rất nhiều việc không tên khác, chưa kể một số giáo viên có tính ngang bướng, không chịu hợp tác. Các bạn nên nhớ chúng ta đều là giáo viên mầm non cả thơi, cũng vì yêu thương trẻ chúng ta mới học ngành sư phạm mầm non. Tôi nghĩ tất cả mọi người chúng ta hãy dẹp đi các tôi của mình để cùng nhau chăm sóc trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Bản thân tôi là hiệu phó chuyên môn nhưng chưa bao giờ tôi tạo áp lực cho các GV khác. Tôi cũng động viên khuyến khích các cô, dự giờ có báo trước, cũng la khi các GV làm sai, nhưng bản thân tôi nhận thấy không có làm sai khi mình đã làm hết bằng cái tâm của mình. CHúc các bạn giáo viên mầm non nhiều sức khỏe, luôn vui vẻ - hạnh phúc



guest

HPCM
Ngày gửi: 4/16/2014 10:46:59 PM

Tôi cũng trong ngành MN, đọc tâm sự của các bạn tôi rất đồng cảm. Phải hiểu một điều là GVMN ai cũng cực. Chúng ta cực chăm sóc trẻ, cực trong giảng dạy, làm đồ dùng dạy học, phải lên tiết dự giờ...nhưng đó là nhiệm vụ chung. Dù các bạn ở cương vị nào điều có áp lực cả.Hiệu trưởng áp lực trước PGD và PHHS, GV...HPCM áp lực chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của trường, chất lượng đội ngũ GV...Thế đấy các bạn ạ! Tại sao không thể bỏ qua những áp lực đó mà cùng nhau thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Lao động là vinh quang, có áp lực công việc thì chúng ta mới tiến bộ mới có thể teo kịp với thời đại. Tại sao lại phải trách hờn nhau, ai tạo áp lực cho ai điều đó có đáng quan tâm hay không. Nhưng theo tôi, đáng quan tâm hơn là chúng ta đã làm hết trách nhiệm của ban thân mình hay chưa? Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Điều đó khi chúng ta trách người thì hay dành chút ít thời gian để soi rọi lại bản thân mình. Và một điều tôi nhận thấy rằng các bạn nên nhìn vào những cái tốt khi người khác làm và hãy bỏ qua những cái xâu của họ. Bổng dưng ban sẽ thấy thanh thản, sống bao dung, độ lượng sẽ igup chúng ta vươn lên.


guest
Cần đưa bài báo này lên trang nhất và nếu ai có thể hãy đưa câu hỏi nay tới "Dân hỏi bộ trưởng trả lời'
Ngày gửi: 4/19/2014 10:33:33 PM


Đã có k ít người bỏ nghề. Còn tôi bỏ nghề thì làm gì đây? Quả thật nản, lúc nào cũng "Strees"



guest

GVMN
Ngày gửi: 5/5/2014 9:26:42 AM

Tôi từng là GVMN chạy lông bông, hì,làm nhà nước 19 năm, nghỉ, làm tư 4 năm có lúc mới làm được 2 tháng bức xúc quản lý nghỉ, thế là tiền lương cứ nhân 70,80% do thử việc, nếu làm ở đâu cũng bức xúc BGH như vậy thì bản thân mình đã mệt mỏi càng mệt mỏi hơn, thật ra có phải ngày nào mình cũng p gồng mình vậy đâu. Thật may mắn mình co BGH tuyệt vời, các cô ấy chưa bao giờ tạo áp lự cho GV-CNV cả dự giờ luôn có lịch từ đầu tuần, tụi mình lv được thoải mái lắm,các cô ấy chỉ dạy tụi mình những kỹ năng chung sau đó cả đám tự nghĩ mỗi đứa một cách chia sẻ vào các kỳ họp chuyên môn khối buổi trưa nào đó một tháng 2 lần khoang 20 phút thôi. Giờ mình làm trong BGH nè học cách các chị ý làm, mình lên tiết dạy như các cô để các cô ứng dụng nói lên suy nghĩ của mình mà làm không dập khuôn làm theo y chang đâu mà cô trò vui vẻ lắm, chẳng cầm sổ mắt nhìn như cú soi mói bắt lỗi trừ thi đua đâu, bước vào lớp cười tươi như hoa, mình cũng là GVMN các bạn ạ, nếu đứng trong đội ngũ quản lý nên luôn luôn lắng nghe, luôn luôn tháu hiếu đôi khi mắt nhắm mắt mở với những vi phạm nho nhỏ, đừng khắt khe quá, mà p giỏi thực nắm bắt nhanh nhạy mọi tình huống để các GV khác tự nhìn ra cái hay để học tập cái chưa hay sẽ hạn chế làm, làm GVMN khổ cực lắm lắm, có khi mình bị má chồng và chồng cằn nhằn có ai đilàm mà họp đến 9,10 giờ đâu nhưng thực ra lâu lâu mới vậy khi nào có đoàn kiểm tra cứ nghĩ đến mấy chị BGH mà thương lắm nên lại cố gắng k để sơ sẩy gì, sau rút kinh nghiêm, cứ túc tắc làm rồi cất đó để đợi kiểm tra,hì nghĩ mà vừa mắc cười, vừa khổ vừa tức thôi thì đủ cả, đã chót dại hihii chọn nghề này thì ở mọi vị trí đều cực khổ cả, hãy vì con trẻ mà nhẫn nại để hiểu nhau đểcùng làm việc cho vui đời về nhà còn vui với con cái, gia đình các bạn đồng nghiệp thấy tui nói có hợp lý không nè.làm tư lương còn thấp hơn làm nhà nước nhưng tui vẫn chọn vì thời gian lv có thong thả chút để đưa con đi học mỗi sáng được, còn chiều thì chịu vẫn phải nhờ bà nội đón đó thôi... hãy ngồi lại với nhau để hiểu nhau cùng lv cùng nhần đồng lương do công sức mồ hôi cả hy sinh của mình được vui vẻ và xứng đáng nhé các bạn.Chúc các bạn có BGH tốt,chúc BGH tốt với chị em đồng nghiệp cấp dưới. hazz cái này nói vậy mà khó ah.


guest
GVMN
Ngày gửi: 7/30/2014 12:01:44 AM


Cố lên thôi..? Chúng tôi thường nói với nhau rằng: Đối với trẻ con,mỗi ngày đến trường là một niềm vui...Còn đối với GVMN chúng tôi thì " mỗi ngày đến trường là một niềm đau" ..Hic..hic....


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi còn chậm (7/4)
 Cơ sở giáo dục mầm non tư thục: Cần cơ chế bình đẳng (4/4)
 TP HCM công bố điều kiện thí điểm trẻ làm quen ngoại ngữ (3/4)
 Giáo dục mầm non tại các xã miền núi: Gian nan đạt chuẩn "p.3" (2/4)
 Giáo dục mầm non tại các xã miền núi Gian nan đạt chuẩn (P.2 ) (1/4)
 Giáo dục mầm non tại các xã miền núi: Gian nan đạt chuẩn (31/3)
 Hà Nội xin thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non (29/3)
 5 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GD trường mầm non (27/3)
 Lào Cai công bố đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (26/3)
 Huyện Thạch Thất: Tràn lan cơ sở mầm non không phép. (25/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i