Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non khổ hơn công nhân?


"Nếu như công nhân chỉ lao động chân tay 8 tiếng thì giáo viên mầm non chúng tôi phải làm việc cả chân tay lẫn trí óc gần 12 tiếng mỗi ngày, trong khi lương không cao bằng lương công nhân" - Cô giáo mầm non H.L (TP.HCM) chia sẻ.


Những vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây đã gây phẫn nộ trong dư luận. Những câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp cũng như đời sống của giáo viên mầm non đã được đặt ra.


Người trong cuộc nghĩ gì về những vụ bạo hành trẻ mầm non?
Nhìn một cách khách quan, giáo viên mầm non là những người chịu khó, nhẹ nhàng, chu đáo và có trái tim yêu thương trẻ thơ. Một số vụ bạo hành đáng tiếc ấy đã gây hoang mang, đánh mất niềm tin ở công chúng như "con sâu làm rầu nồi canh" vậy.


Hầu hết những vụ bạo hành trẻ mầm non trong thời gian qua đều xảy ra tại các trường mầm non tư thục hoặc tại các nhà trông trẻ tự phát. Những bảo mẫu bạo hành trẻ đều là những người không chuyên nghiệp, không được đào tạo về sư phạm mầm non.


Cô giáo mầm non N.O (Trường mầm non SM - TP.HCM) chia sẻ: "Là những người trong cuộc, tôi cho rằng những bảo mẫu hay giáo viên mầm non bạo hành trẻ thật sự dại dột. Họ quá hiểu nỗi cực của việc trông và dạy trẻ nhưng chính họ đã không sẵn sàng tâm lý đón nhận, tự dồn mình đi quá sức chịu đựng của bản thân!".


Thực tế, bạo hành trẻ đã và đang xảy ra ở khắp mọi nơi chứ không chỉ trong trường mầm non. Ngay chính trong gia đình, bố mẹ, người thân của trẻ cũng đánh đập con em mình khi chúng không nghe lời. Và không ít trường hợp bố mẹ đánh đập con mình thậm tệ được đưa lên mặt báo.


Trong giờ học


Khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Do đó, họ không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và để lại hậu quả như thế nào.


Điều đó để thấy rằng, việc nuôi dạy trẻ không chỉ cần lương tâm, đạo đức hay coi trẻ như con mình là đủ mà còn cần những kỹ năng sư phạm mầm non.


Khi được hỏi về kỹ năng chăm trẻ, cô giáo Thanh Hương (Trường mầm non HM -TP.HCM) cho biết: "Hầu hết trẻ đều biếng ăn, lười ngủ và hay la khóc, nếu ép trẻ ăn thì trẻ càng không chịu và nếu có cố ăn cũng nôn ra. Với lứa tuổi từ 3 đến 4 tuổi, chúng tôi dạy trẻ ăn dễ dàng hơn vì chúng biết ăn uống rất quan trọng, bố mẹ ở nhà cũng bắt mình ăn. Còn với trẻ từ 1 đến 2 tuổi, chúng tôi chia nhiều bữa nhỏ sao cho đủ khẩu phần của từng trẻ."


"Là một giáo viên mầm non, tôi khẳng định rằng không có trường mầm non nào là không sử dụng phương pháp dọa nạt với trẻ. Nhưng tuyệt đối chỉ sử dụng dọa nạt với trẻ đã có nhận thức sai - đúng, và hình thức chỉ là dùng tay vỗ nhẹ vào lòng bàn tay các bé".


"Trẻ rất thích được bảo vệ, được tán dương trước những đứa trẻ khác. Đó là cách chúng tôi thường sử dụng khi muốn trẻ nghe lời. Tôi nghĩ rằng, nếu bản thân bạn thấy trẻ con thật đáng yêu thì mới nên theo nghề chứ đừng hẳn vì kiếm sống"- cô giáo Thanh Hương thẳng thắn.


Nghề "nuôi dạy hổ"
Người xưa có câu "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", sự phạm mầm non lại càng kén người hơn. "Nếu như công nhân chỉ lao động chân tay 8 tiếng thì giáo viên mầm non chúng tôi phải làm việc cả chân tay lẫn trí óc gần 12 tiếng mỗi ngày, trong khi lương không cao bằng lương công nhân"- cô giáo Hà Linh (Giáo viên Trường mầm non TT - TP. HCM) bày tỏ.


Thật vậy, do đặc thù cấp học mầm non khác với các cấp học khác, giáo viên mầm non phải làm việc tới gần 12 giờ một ngày, chưa kể thời gian chuẩn bị đồ chơi, dụng cụ học tập, soạn giáo án, nhưng vẫn chỉ được tính như làm 8 tiếng, không được hưởng chế độ làm thêm giờ.


GVMN luôn phải có mặt lúc 6g30 để chuẩn bị bàn ghế, phòng đón trẻ, cuối buổi, các phụ huynh đến đón trẻ không đều nhau. Có phụ huynh đến trễ, giáo viên trả bé, dọn dẹp xong thì đã 19g. Về đến nhà thì mệt rã rời, không thể chăm sóc gia đình trọn vẹn. Đơn cử như việc con chúng tôi học trường khác, chúng tôi sẽ không thể tự đưa đón được" - cô Hà Linh cho hay. Vậy nên, việc đưa đón trẻ đúng giờ của phụ huynh cũng làm giảm vất vả cho các cô phần nào.


Thêm vào đó, đại đa số giáo viên mầm non là nữ nhưng việc hưởng chế độ thai sản còn nhiều thiệt thòi. Trong khi, giáo viên bậc học phổ thông có con dưới 12 tháng tuổi được hưởng quy định giảm trừ tiết dạy thì chưa có quy định nào về điều này đối với giáo viên mầm non. Điều này khiến nhiều cô giáo trẻ rơi vào cảnh "chăm con người, bỏ rơi con mình".


Thực chất, giáo viên mầm non không chỉ trông mà còn dạy trẻ. Các bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng đến trường cô giáo chỉ cần cho trẻ ăn, đi vệ sinh và đi ngủ là xong. Với mỗi buổi học, giáo viên mầm non phải soạn giáo án từ tối hôm trước để dạy cho trẻ những kỹ năng và kiến thức kích thích khả năng nhận thức của trẻ.


Cô T.D. (Hiệu phó Trường mầm non công lập M. - TP.HCM) đánh giá: "Lứa tuổi mầm non mẫu giáo các bé phải học rất nhiều thứ. Chỉ đơn cử như việc phân biệt màu xanh - đỏ cũng là cả một vấn đề".


Dù là dạy ở môi trường quốc tế, cô L.T. cũng thừa nhận: "Giáo viên mầm non như người sưu tầm phế liệu vậy, vì phải dạy trẻ trực quan. Bất cứ thông tin nào đưa ra cũng cần vật tương ứng". Chưa tính đến vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, bảo vệ thân thể cho trẻ, GVMN đã chịu một áp lực rất lớn từ phía phụ huynh cũng như nhà trường.


Trẻ con hiếu động nhưng chưa ý thức được việc bảo vệ bản thân, chúng thường chơi đùa và gây tai nạn cho nhau, có khi là tự ngã. Bố mẹ trông một đứa con còn khó kiểm soát nổi, huống hồ một giáo viên phải trông vài chục trẻ.


"Có hôm dẫn các bé ra sân tập thể dục, cháu A nô đùa vô tình thúc vào đầu cháu B. Trán cháu B bị sưng lên, chúng tôi thấy vậy cũng rất đau lòng. May mà phụ huynh thông cảm, không than phiền gì nhiều."- cô L.T kể.


Được coi là "bận như con mọn" nhưng những GVMN lại đang phải nhận mức lương "thấp kỷ lục", trung bình trên 1,2 triệu đồng/người/tháng, thêm khoản hỗ trợ của trường khoảng 200.000 - 300.000 đồng nữa, GVMN khó xoay sở để lo lắng cho bản thân và gia đình.


Đặc biệt là những GVMN ở nông thôn và miền núi, cô H.T (Giáo viên mầm non tại Nghệ An) cho biết: "Địa phương chỉ ký hợp đồng theo đúng thời gian 9 tháng của năm học, đồng nghĩa với việc trò nghỉ, cô treo niêu".


Đã thấp, bậc lương này lại bị "cào bằng", người có trình độ đại học, cao đẳng đều nhận lương trung cấp. Cô N.T (GVMN tại Hà Nội) cho biết: "Cái khác duy nhất so với trước khi thi biên chế là chúng tôi được nhận thêm 35% trợ cấp đứng lớp. Làm 10 nhưng hưởng chỉ 8, cuộc sống đã khó càng khó hơn".


Như vậy, hơn ai hết, giáo viên mầm non cần là những người thật sự yêu trẻ và yêu nghề. Ở nước ta, giáo dục mầm non chưa được coi trọng và cũng chính tâm lý đó mà giáo viên mầm non bị coi thường. Vai trò của giáo viên mầm non chưa được đánh giá đúng mức kể cả tiền lương cũng như cách nhìn nhận của xã hội.


Làm mới về lượng và chất đội hình GVMN
Thực tế hiện nay giáo viên mầm non đang thiếu trong khi các bảo mẫu trông trẻ tự phát mọc lên ở nhiều nơi. Đặc biệt là những thành phố lớn, khu dân trí và thu nhập thấp, khu công nhân sinh hoạt đông đúc.


Những vụ bạo hành trẻ em chân động dư luận vẫn liên tiếp diễn ra và chính những bậc phụ huynh cũng chưa biết phải làm gì. Trong khi đó, hoạt động giám sát quản lý chất lượng giáo dục mầm non của các cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo.


Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình được chăm sóc và học tập trong môi trường tốt nhất có thể. Song, với những điểm trông trẻ và bảo mẫu tự phát thì khó có thể kiểm soát được tình trạng bạo hành trẻ như hiện nay.


Nâng cao đội ngũ, chất lượng giáo viên mầm non, nâng cao cơ sở vật chất cấp học mầm non là việc làm bức thiết hạn chế bạo hành, trang bị một nền tảng tốt cho những mầm non tương lai của đất nước.


Theo Congluan.vn