Con gái ba tuổi đã có thể cầm remote tự mở máy lạnh mỗi tối. Lên lớp chồi, con biết nắm chuột click cái này cái nọ trên laptop của mẹ. Mẹ vốn không hảo công nghệ, nên đến giờ vẫn chưa biết chỉnh DVD xem đĩa như thế nào, muôn sự nhờ con. Mẹ đôi lúc kể những việc đó xen chút tự hào, nhớ lại thời mình học cấp III vẫn chưa hình dung ra cái máy tính lợi hại như thế nào.
Thế nhưng... Con gái nay vừa xong lớp 1, họa hoằn mới có thời gian trò chuyện cùng ba mẹ. Những thủ thỉ âu yếm ngày còn bé giờ chỉ còn là kỷ niệm xa lơ lắc. Bởi con ghiền xem tivi quá, coi tivi là tất cả niềm vui của mình. Bao nhiêu lần mẹ hối ba cắt cáp đi, chẳng thấy ích gì, chỉ hại mắt và làm cho con mụ mẫm đầu óc. Nhưng ba vẫn xiêu lòng khi con ỉ ôi, giận hờn. Để xin được xem tivi, con tỏ ra cực kỳ ngoan ngoãn. Việc gì đó được giao làm, con vội vàng hoàn thành để có thể "hưởng thụ" ngay lập tức. Mà có là gì đâu, chủ yếu là uống sữa, đi tắm, ăn cơm rồi mới xem tivi, toàn những điều phục vụ chính bản thân con. Thế nhưng, để con hợp tác, mẹ phải nhượng bộ cái sở thích độc hại của con. Cứ như là con ăn, con tắm, con mặc... cho ba mẹ hay ai khác vậy.
Buông cái tivi ra, con lân la chơi game trên máy điện thoại di động của ba mẹ, hoặc bất kỳ máy của ai mà con có thể cầm được. Đi siêu thị, đến khu vui chơi trẻ em, con cũng sà vào dãy máy tính đang ì ầm những trò game xanh đỏ. Mà bọn trẻ bây giờ xúm xít quanh khu vực đó đông hơn hẳn những nơi có trò chơi vận động khác. Trí tuệ và hiện đại ư? Hay bậc làm cha mẹ như mình suy nghĩ quá lạc hậu?
Mắt con đã bắt đầu hấp háy mỗi khi đọc gì đó. Mẹ hình dung ra cảnh một con bé lên bảy gắn đời mình với đôi kính cận và sợi dây quàng trên cổ để bảo hộ mà không kìm nổi tiếng thở dài. Biết giải thích sao đây để con hiểu hết những bất tiện và thiệt thòi khi phải sắm thêm món phụ kiện không mong đợi đó nhỉ?
Cái tivi cho một đứa trẻ mới lên bảy, nghe có vẻ như chuyện đùa. Con trở nên ù lì, mỗi khi mẹ tắt tivi là con dằn dỗi, vùng vằng, cúi đầu đi từng bước như... bà cụ. Rủ con đi đâu thật khó khăn, vì con không mấy hứng thú, chỉ muốn được ở nhà tranh thủ xem tivi mà thôi. Hồi trước, mỗi khi cần rảnh tay rảnh chân làm chút việc nhà, mẹ lại mở tivi cho con xem, cứ nghĩ con còn bé, đâu có hại gì đáng kể, nào ngờ cái màn hình phẳng đó như một món thuốc phiện đối với bao nhiêu đứa trẻ thời bây giờ.
Con mình càng không là cá biệt. Chị đồng nghiệp than phiền con gái lên mười chỉ thích sắm sửa, món gì cũng muốn mua, nhà như cái nhà kho với vô số thứ mà con khuân về. Rồi thì tâm lý thích xài hàng hiệu, tất nhiên là "hiệu" theo quan điểm của con. Từ cuốn truyện, đôi giày, cái áo thun... tất tần tật phải giống như phong trào cùng chúng bạn. Không thì lạc lõng và buồn chết. Những cái game online và chát chít trên mạng trở thành nỗi đe dọa ám ảnh, đủ để chị nơm nớp canh chừng con mỗi ngày. Chẳng biết vài năm nữa, tới tuổi ương bướng thì có còn uốn dạy con nổi nữa hay không. Hoảng thật.
Ngày xưa mình cũng ham chơi: nhảy dây, búng thun, đá dế, tắm sông, câu cá... Những niềm vui đơn giản và lành mạnh đó, thi thoảng vẫn bị ăn đòn vì trốn cha trốn mẹ tham gia. Tuổi thơ không thể không có trò chơi và những niềm đam mê nho nhỏ mà người lớn ít khi nào hiểu được. Biết thế, sao mình vẫn không chia sẻ được những món "ăn chơi" mà tụi nhỏ bây giờ say như điếu đổ thế này?
Những thứ, những người mà bọn trẻ thần tượng, ao ước bây giờ khác xưa nhiều lắm. Làm gì có chuyện chị em giành nhau củ khoai, miếng bánh như ngày xưa, giờ dỗ con ăn cũng "trần thân" lắm. Cuộc sống no đủ nhưng sao vẫn chẳng yên tâm, cứ thấy lo lo, phấp phỏng thế nào... Thời thế đã thay đổi rồi. Và nếu bậc làm cha làm mẹ chúng mình cứ giữ mãi những suy nghĩ ngày xưa, rằng hồi đó thế này thế nọ, lơ mơ là "lạc" mất con mình như chơi, chẳng đùa được.
Theo PN