Mỗi lần thành phố có Hội sách lòng tôi vui như mở cờ vì lại được một dịp tha hồ tìm sách hay, mua sách giảm giá, thú vị nhất là được tận hưởng cảm giác đi mỏi chân trong một không gian mênh mông sách và sách. Với tôi, điều ấy như một sự đền bù xứng đáng, nhắc tôi nhớ lại những năm tháng học trò nhiều thiếu thốn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhớ nhất là năm 1993, tôi đang học lớp 3. Học kỳ 1 đã trôi qua hơn 2 tháng mà tôi vẫn chưa có được cuốn sách Tiếng Việt, dù giá chỉ 3,500đ. Ngày nào đến trường tôi cũng bị cô giáo nhắc nhở trước lớp vì chuyện đó, thật xấu hổ. Tụi bạn trong lớp cũng ích kỷ, mấy tháng liền nhất định không cho tôi nhìn ké sách của chúng. Mỗi ngày đến lớp với tôi căng thẳng như phiên tòa, mà tôi là kẻ sắp bị đưa ra trước "vành móng ngựa"...
Thời đó sao mà nghèo! Làng tôi nghèo. Nhà tôi càng nghèo. Bố đi công tác xa. Trăm việc đều đến tay mẹ, sáng đồng ngô, chiều đồng lúa. Chị cả lấy chồng cũng nghèo. Chị ba nay bận kiếm rau lợn, mai bận cắt cỏ trâu. Chị tư lớn hơn tôi hai tuổi coi như chẳng nhờ cậy được gì. Chuyện mua sách, tôi chỉ còn biết trông cậy vào chị hai - người chợ búa tháo vát nhất nhà. Chị hai đi bán hàng xén ở thị xã Thanh Hóa (khi đó chưa lên thành phố như bây giờ), sáng đi tối về. Mới tập tành buôn bán nên lời lãi chẳng đáng là bao nhưng chị hứa sẽ mua sách cho tôi.
Hôm đó, chiều chưa xuống mà tôi đã hớn hở chầu chực ở đầu ngõ, đợi chị về. Đó có lẽ là buổi chiều dài nhất trong đời tôi, cũng là một buổi chiều đầy ắp hy vọng. Tôi đã khoe không biết mệt với bạn bè, hàng xóm, người quen lẫn người không quen, rằng tôi sắp có cuốn sách Tiếng Việt lớp 3, rằng tối nay tôi nhất định sẽ học bài cho đến khi con gà trống của mẹ thức dậy, cất tiếng gáy o o...
Cuối cùng mặt trời cũng đi ngủ, làng xóm cũng sáng đèn và chị hai cũng trở về như bao ngày trước đó. Tôi rối rít bên bịch hàng, hồi hộp chờ đợi bàn tay chị đang khua khoắng bên trong. Rồi chị chìa ra trước mặt tôi... một cặp dây cột tóc có 2 quả bóng tròn màu xanh. Tôi trố mắt nhìn chị, nửa thích thú nửa thất vọng. Ừ, thì đã đành cặp dây cột tóc đó rất đẹp, và nếu như tôi có hai cái "sừng" hai bên thì tụi bạn gái chắc chắn sẽ điên lên vì ganh tỵ. Nhưng còn cuốn sách, ngày mai tôi đi học? Nghĩ đến đó, tôi khóc òa như đứa bé bị mất kẹo. Còn chị hai, mặt ngệch ra như người có tội. Tối ấy trăng sáng vằng vặc, chị hai mang ghế ra sân vừa cột sừng cho tôi vừa tỉ tê rằng chị đã tìm khắp mà không thấy cuốn sách Tiếng Việt lớp 3. Có lẽ người ta đã bán hết. Khốn nỗi thời ấy không phong phú tài liệu và cũng không có công nghệ copy như bây giờ, hoặc cũng có thể do người nhà quê như chị tôi không biết đến những thứ xa xỉ ấy, nên chị em tôi đành chịu. Dù sao, tôi nghĩ, chị còn đi chợ là tôi còn hy vọng. Thật không may, hai ngày sau chị hai bị ốm nặng. Chị ốm suốt nửa tháng liền; ốm dậy chị không đi chợ nữa mà ở nhà dệt lụa (tơ tằm) với mẹ. Hy vọng của tôi tắt ngúm.
Tôi lại tiếp tục cảnh ngày hai bận khóc lóc tỉ tê trước lúc đến trường và nức nở sau giờ tan học. Xót ruột, mẹ tôi bảo: "Để từ từ mẹ gia công xong đợt lụa này cho người ta, rồi mẹ đi chợ Vạn mua sách cho con". Tôi lại hy vọng. Lần đi chợ này mẹ dắt theo tiền công thu được từ đợt dệt lụa thuê. Tôi biết thể nào mẹ cũng sẽ mua nào cá, nào thịt cho cả nhà có một bữa cơm bóng môi, còn tôi sẽ có cuốn sách mơ ước.
Buổi sáng hôm mẹ đi chợ Vạn, tôi dậy sớm tiễn mẹ ra tận bờ đê, rồi ngoan ngoãn trở về quét nhà, đun nước và... tâm sự với mấy con cún. Lũ bạn học tẩy chay tôi thì tôi chơi với chúng. Chỉ có chúng mới là những người bạn chân thành, chẳng bao giờ chê tôi nghèo không có sách. Mẹ về lúc mặt trời đã đứng bóng. Tôi hăm hở lục tung từng gói đồ cho đến trơ cái thúng không. Cuốn sách của tôi, mẹ bảo... không tìm thấy. Biết đến bao giờ mẹ mới lại đi chợ như hôm nay để tôi còn hy vọng? Đợi đến lúc mẹ đi phiên chợ sau có lẽ học kỳ của tôi cũng hết. Tôi đứng bật dậy, ném gói kẹo xuống đất, vào buồng ôm cặp khóc tức tưởi, chạy thẳng lên trường, bỏ ngoài tai tiếng gọi nghẹn đắng của mẹ. Vì phản ứng đó mà nhiều năm sau, mỗi lần nghĩ đến mẹ, tôi không sao thoát được cảm giác có lỗi.
Ba ngày sau bố về, mang theo món quà tuyệt vời nhất cho tôi - đứa con gái út hay dỗi hờn của bố: bộ quần áo hoa cà tím và một cuốn sách Tiếng Việt lớp 3 mới toạch toành toanh. Có lẽ mẹ đã đánh điện cho bố. Nhưng, đầu óc của đứa bé 9 tuổi như tôi lúc ấy chẳng đủ rộng để nghĩ đến điều đó. Tôi chỉ biết có bộ quần áo mới với những bông hoa cà nhỏ li ti tuyệt đẹp và cuốn sách Tiếng Việt có bìa hình con gà trống lông xanh (kể cũng lạ, nhưng đúng là nó mầu xanh nước biển), mào đỏ, cái đuôi dài vắt cả sang trang bìa phía sau. Cầm cuốn sách trên tay, tôi cứ ngỡ mình mơ. Cho bõ công những ngày tháng ấm ức, tôi lập tức kéo ghế ngồi ngay cửa sổ hướng sang nhà thằng bạn hàng xóm, đọc vang từng bài thơ, từng đoạn văn trong sách, như muốn nói với nó, với toàn thể bà con làng xóm, với cả mấy bạn cún dưới bếp rằng "Tôi đã cuốn sách Tiếng Việt lớp 3".
Giờ thì tôi sống ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, túi tiền cũng rủng rỉnh, mua sách đã là việc không mấy khó khăn, nhưng cảm giác được ngợp giữa "biển" sách trong hội sách vẫn là điều tuyệt vời. Tôi tôi gọi đấy là... "hội chợ phù hoa".
Theo PN