Giáo dục mầm non
   “Gian nan giữ chân giáo viên mầm non”:Mong được phụ huynh chia sẻ
 

Chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến xoay quanh đời sống, thu nhập cũng như những giải pháp để hỗ trợ giáo viên mầm non.


Giáo viên mầm non đang thiếu trầm trọng.


Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân TPHCM: Tách bạch học phí và các dịch vụ trong nhà trường
Cần phải tách bạch rõ ràng giữa học phí và các dịch vụ trong nhà trường. Trước mắt, khi chưa tăng được học phí thì phải có quy định về các dịch vụ trong nhà trường. Đặc biệt là các khoản thu như tiền ăn, dịch vụ vệ sinh, tiền công bán trú, 2 buổi/ngày, điện nước... những khoản thu này nhà trường chỉ thu hộ để phục vụ cho các cháu. Do đó, nhà trường cần phải thỏa thuận với hội phụ huynh để thống nhất mức thu hợp lý nhằm đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh lớp học cho các cháu. Mức tiền ăn lâu nay cũng chưa thay đổi theo kịp với giá cả thị trường, khó đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn cho các cháu. Ngay cả nhà vệ sinh cũng vậy, nhà nước chỉ bỏ tiền ra xây dựng, còn bảo trì và chăm sóc thì phụ huynh cũng cần phải có sự chia sẻ với nhà trường để trả thù lao xứng đáng cho người dọn vệ sinh thì mới giữ chân được người làm công việc này.


Tuy nhiên, nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp để đảm bảo giáo viên sống đủ bằng thu nhập từ nghề dạy học. Lãnh đạo địa phương cũng phải có sự quan tâm đúng mức. Nhà nước đầu tư xây dựng đủ trường mầm non công lập theo quy định, hỗ trợ vốn kích cầu cho trường tư thục, nhóm trẻ gia đình để nâng cao chất lượng dạy và học ở từng loại hình trường mầm non.


Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM: Các khoản thu đã quá lạc hậu

Với mức lương tối thiểu 830.000 đồng, giáo viên mới ra trường hệ trung cấp có ngạch lương 1.86 chỉ được 1.543.000 đồng nhưng năm đầu tiên chỉ được hưởng 85% lương, do đó sau khi trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công đoàn phí chỉ còn lại khoảng hơn 1 triệu. Còn cấp dưỡng, bảo mẫu ở các trường mầm non mức lương chỉ từ 830.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Cho nên tình hình giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng thường xuyên bỏ việc là không thể tránh khỏi. Mức học phí và các khoản thu khác đã quá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Mức học phí ở ngoại thành: nhà trẻ chỉ có 20.000 đồng, mẫu giáo: 30.000 đồng; nội thành: nhà trẻ: 40.000 đồng, mẫu giáo 50.000 đồng/tháng.


Tình trạng thu không đủ chi đã làm cho các trường rất khó khăn trong các hoạt động. Giải pháp lâu dài vẫn là phải tăng học phí vì lương chi trả cho giáo viên chủ yếu là từ học phí. Tuy nhiên, việc tăng học phí, tăng lương cần phải tăng cân xứng với giá cả hiện nay thì mới căn cơ. Chứ như thu nhập hiện nay, nhiều giáo viên phải làm thêm thời vụ, không còn thời gian để chăm sóc gia đình, nâng cao trình độ.


Ông Võ văn khối, Đại diện Hội phụ huynh học sinh Trường Mầm non Nam Sài Gòn: Phối hợp cùng nhà trường chăm lo cho các cháu
Không có tình thương của các cô thì không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn của các cháu từ những đứa trẻ khóc nhè, sợ sệt thành những bé ngoan gắn bó với trường lớp để phụ huynh yên tâm hoàn thành công việc được tốt hơn. Ai cũng muốn con mình được đi học ở một ngôi trường khang trang, tiện nghi, thiết bị dạy học đầy đủ. Trong lúc nhà nước chưa thể lo đủ thì nếu phụ huynh đóng góp, chia sẻ đúng và phù hợp thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục.


Vấn đề là số phụ huynh của trường thì đông mà mỗi nhà mỗi cảnh nên không thể áp đặt "cào bằng" cho dù mơ ước và sự hưởng thụ từ các công trình đóng góp là như nhau. Vì thế sự đóng góp ở đây mang tính chia sẻ rất lớn. Chia sẻ giữa gia đình với nhà trường và chia sẻ giữa người có điều kiện với người khó khăn. Vấn đề là phải có tiếng nói chung, tìm được sự đồng thuận, nhất trí của tất cả phụ huynh để cùng phối hợp với nhà trường chăm lo cho các cháu.


Chúng tôi tin rằng, với niềm tin vào nhà trường, với sự trân trọng công sức của cô giáo, đặc biệt là thấy rõ trách nhiệm của người làm cha làm mẹ đối với con mình, mỗi phụ huynh chỉ cần đóng góp thêm một chút về vật chất và tinh thần thì chắc chắn chất lượng cuộc sống của cô và trò sẽ được nâng cao, các cháu sẽ hạnh phúc ngay chính trong ngôi trường mầm non của mình.


Cô Lê Thị Lệ Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa mi 3, quận 5: Mong phụ huynh hãy tin tưởng các cô
Hiện nay, trường thiếu tới 7 bảo mẫu, cấp dưỡng thì còn thiếu 1 và lại thường xuyên thay đổi người vì họ bỏ việc. Thiếu người phụ việc nhưng nếu tuyển thêm thì thu nhập giáo viên của trường sẽ bị sụt giảm, nên cô giáo phải gồng gánh hết mọi hoạt động từ ăn ngủ, vệ sinh, tổ chức chơi ngoài trời cho các cháu. Các cô học ngành sư phạm, nói là nghề cao quý nhưng lúc nào cũng phải lao động chân tay, quần quật suốt ngày khiến chúng tôi rất xót xa.


Cũng có những giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng có kinh nghiệm làm việc 7 năm liền nhưng vẫn nghỉ việc sau khi được học nâng cao vì những nơi khác trả lương cao hơn. Làm thì cực nhưng không ít phụ huynh lúc nào cũng gắt gao với các cô, cháu ra về là phụ huynh kiểm tra, vạch áo, dò tìm khắp người xem có bị gì không khiến chúng tôi rất buồn. Mong phụ huynh hãy biết chia sẻ và nhìn từ hai phía để thông cảm cho các cô giáo, trân trọng và tin tưởng để họ yên tâm làm việc.


Theo SGGP

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Mầm non Quận 1 đang rất khổ!
Ngày gửi: 9/27/2012 8:58:31 PM

Là một giáo viên của 1 trường bình thường, ít đón đoàn...thế nhưng công việc của 1 gv cũng đủ "tối mặt", với mức lương hiện tại và lòng yêu nghề chúng tôi vẫn có thể trụ được, thế nhưng với các kiểm tra được bắt đầu NH: 2012-2013 chúng tôi chỉ muốn bỏ nghề thôi! kiểm tra thanh tra đột xuất, không báo trước vì để đỡ bị "áp lực" cho GV.. xin thưa còn áp lực nhiều hơn! vì biết lúc nào mình "được" dự. họ đã quên hết những năm tháng mình còn làm giáo viên.. chưa kể khi kiểm tra, thăm trường thì kè kè máy chụp hình, điện thoại để chụp hình làm "tang chứng".. chúng tôi cũng giống những "phạm nhân" chưa tuyên án! còn trường nào được "chọn" làm nơi họp thì "xui" cho học sinh lớp cạnh phòng họp vì phải giữ im lặng, trật tự.. rồi nào tiếp nước, bánh để các vị họp cho thư giãn.. làm sao mà k bỏ nghề, chứ những nội dung trên đây nêu, chúng tôi vẫn trụ được vẫn gắn bó với ngành, vẫn yêu thương học sinh! mong Sở hãy chỉ đạo để chúng tôi bớt những "áp lực" không đáng có này!


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Gian nan giữ chân giáo viên mầm non (5/10)
 Bộ Giáo dục vào cuộc “hạ nhiệt” bệnh tay chân miệng (3/10)
 Kiên Giang: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra GD Mầm non và GD Dân tộc (30/9)
 Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường mầm non (29/9)
 “Bấm bụng” gửi con (28/9)
 Giáo dục mầm non đang bị “bỏ rơi”? (27/9)
 Nghệ An đã có nhiều chủ trương ưu tiên cho ngành học mầm non phát triển (26/9)
 Nghề giữ trẻ - vừa rẻ vừa cực (23/9)
 Chăm lo đời sống giáo viên mầm non (22/9)
 Giáo dục mầm non chuyên biệt tại Khánh Hoà: Thả nổi và tự phát đến bao giờ? (21/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i