Giáo dục mầm non
   Giáo dục mầm non chuyên biệt tại Khánh Hoà: Thả nổi và tự phát đến bao giờ?
 

100% cơ sở giáo dục mầm non chuyên biệt đang hoạt động trên địa bàn Khánh Hoà vẫn phụ thuộc hoàn toàn ở khả năng tự xoay xở của một số cá nhân.


Đó là những người vì yêu thương cảnh đời bất hạnh mà đứng ra thuê cơ sở, quyết tâm mở lớp để góp phần tháo gỡ khó khăn, bế tắc cho phụ huynh. Nhưng, lo gần không bằng lo xa, bởi vì đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2007-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng mức ngân sách đầu tư xấp xỉ 280 tỉ đồng, song không đề cập đến phương án quản lý giáo dục trẻ khuyết tật.


Thực trạng đau lòng

Chị Lê Thị Oanh - 35 tuổi, trú tại 117 Hương Lộ, Ngọc Hiệp, TP.Nha Trang - kể: "Năm 2002, tôi sinh con trai đầu lòng, đặt tên cháu là Tiến Đạt. Nhưng, con trai tôi bị tự kỷ, chúng tôi cho cháu nhập viện điều trị từ lúc 18 tháng tuổi. Vốn dĩ là cô giáo dạy mầm non, hơn ai hết tôi hiểu con mình cần được can thiệp sớm bởi những phương pháp giáo dục chuyên biệt, bấy giờ tìm khắp thành phố không nơi nào dạy trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và cũng không có trường mầm non nào nhận trẻ khuyết tật. Mãi đến năm 2008, khi con tôi 6 tuổi, ở Nha Trang mới có một vài cơ sở dạy mầm non chuyên biệt do tư nhân thành lập.


Tôi gửi cháu vào lớp tiếp nhận ban đầu ở cơ sở Tuệ Phước, song thời điểm ấy Tiến Đạt bị rối loạn giấc ngủ, thường cáu gắt và rất hay khóc nên đành phải nghỉ học. 1 năm sau, tôi lại gửi cháu ở nhóm mầm non chuyên biệt "Tay trong tay", cũng của tư nhân mới mở. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tổng cộng học phí và tiền ăn của cháu lên đến 2,8 triệu đồng/tháng (cao hơn tiền lương của tôi), nhưng các cô giáo ở đây đều đã tốt nghiệp khoa giáo dục chuyên biệt của ĐHSP TPHCM, rất nhiệt tình, tận tụy...; diễn biến bệnh cảnh của con tôi thay đổi rõ rệt, khả năng nhận thức tiến triển tốt".


Giờ học chuyên biệt tại cơ sở "Tay trong tay" Nha Trang. Ảnh: Bảo Chân


Từ trước đến nay, ở Khánh Hòa chỉ có duy nhất một cơ sở giáo dục chuyên biệt là Trung tâm Phục hồi chức năng và giáo dục trẻ khuyết tật (trực thuộc Sở Y tế), nhưng tại đây không nhận học sinh độ tuổi mầm non, mà sĩ số lúc nào cũng vượt chỉ tiêu! Tất thảy cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn tỉnh đều tự phát hình thành do nhu cầu bức bách của phụ huynh, học sinh; mọi hoạt động nuôi, dạy do tư nhân "tự biên, tự diễn"; bởi vì ngành GDĐT tỉnh chỉ có 1 biên chế phụ trách công tác giáo dục chuyên biệt.


Cô giáo Đỗ Thị Hiền - trưởng nhóm giáo dục mầm non chuyên biệt "Tay trong tay" - cho hay: "Chúng tôi gồm 3 người đã tốt nghiệp ĐHSP TPHCM (khoa Giáo dục chuyên biệt), về Nha Trang không có trường để dạy, vì đã xác định chọn nghề này và mong muốn được chia sẻ, chúng tôi rủ nhau mở lớp. Khánh Hòa chưa có mô hình trường mầm non chuyên biệt, thiếu quy định quản lý rõ ràng, đơn xin phép của chúng tôi cứ bị "đẩy qua, đẩy lại". Không biết phải chờ đến bao giờ, mà phụ huynh thì thúc giục, nên chúng tôi đành "lách luật" bằng cách xin UBND phường cho phép mở nhóm trẻ tư thục. Rất may là "Tay trong tay" luôn nhận được sự hỗ trợ của một số tình nguyện viên có kinh nghiệm về giáo dục mầm non chuyên biệt, nên đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ban đầu".


Tự phát đến bao giờ?

Theo thống kê của Sở GDĐT, toàn tỉnh hiện chỉ có 5-6 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - phụ trách giáo dục chuyên biệt của Sở GDĐT - phân tích: Tại Khánh Hòa chỉ có gần 300 em trong tổng số hơn 2.100 trẻ khuyết tật ở độ đi học được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Sở phân cấp quản lý giáo dục mầm non chuyên biệt cho các phòng GDĐT, nhưng cấp huyện không đủ nhân lực và không có kinh nghiệm. Hơn nữa, cấp trung ương cũng chưa ban hành các văn bản hướng dẫn nội dung hoạt động, quy chế quản lý giáo dục chuyên biệt, vì vậy tất cả các địa phương đều lúng túng, bị động.


Về lý thuyết, mục tiêu phát triển GDMN tỉnh Khánh Hòa đến năm 2015 được hình thành trên cơ sở khảo sát thực trạng tình hình tại thời điểm lập đề án. Không rõ lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa căn cứ vào đâu để phê duyệt mục tiêu trong vòng 5 năm tới "đảm bảo 70% trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập cộng đồng"?


Theo Lao động

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phổ cập lớp lá, mầm - chồi… "để mai tính" (20/9)
 Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội: Canh cánh mối lo giảm tải (19/9)
 Nỗ lực xóa “điểm trắng” mầm non (16/9)
 Giảm tải cho giáo viên mầm non (15/9)
 Bảo mẫu bị “bỏ rơi” (14/9)
 “Loạn” mầm non chất lượng cao (13/9)
 Bữa ăn cho trẻ mầm non thời tăng giá (12/9)
 Đề xuất thực hiện tiếp chế độ phụ cấp với GV mầm non vùng khó (9/9)
 Bùng nổ các trường mầm non tư thục (8/9)
 Trường mầm non đau đầu với bữa ăn cho trẻ (7/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i