Giáo dục mầm non
   Bùng nổ các trường mầm non tư thục
 

Chưa bao giờ tại Hà Nội, trường mầm non tư thục (MNTT) lại nhiều như hiện nay, có cảm giác cứ bước chân ra cổng là gặp trường. Thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, chỉ trên con đường dài khoảng 200m mà đã có đến 5 trường MNTT từ chất lượng bình thường đến chất lượng cao. Đó là chưa kể đến các khu vực khác trong khu đô thị mới, trường công không có nhưng trường MNTT chen nhau mọc lên như nấm sau mưa.


Đầu tư một trường MNTT đơn giản hơn nhiều so với các cấp học khác. Để quản lý chất lượng của các trường mầm non tư thục, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định muốn được thành lập trường, chủ trường phải có khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của nhà trường, nhà trẻ tư thục. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp quận, huyện?


Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến ngày 15-12-2010, số trẻ 3-4 tuổi ra lớp đạt 188.378 trẻ, chiếm 83,1% so với tổng số trẻ trong độ tuổi. So với cùng kỳ năm học 2009-2010, số trẻ 3-4 tuổi được huy động ra lớp tăng hơn 28.000 trẻ. Những nỗ lực ấy đã tạo điều kiện để gần 335.000 trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tại 837 trường mầm non trên địa bàn thành phố. Năm 2009 ở Hà Nội đã có 130 trường mầm non dân lập và tư thục đủ điều kiện được cấp phép.


Cho đến thời điểm này, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo rất quyết liệt với UBND các quận, huyện việc tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển và kiểm tra, thẩm định các trường có điều kiện thì cấp phép. 100% trường dân lập, tư thục ở Hà Nội đã được cấp phép. Cái khó nhất hiện nay là các nhóm, lớp mầm non tư thục. Do nhu cầu gửi trẻ của người dân hình thành nên những nhóm, lớp mầm non tư thục. Số nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép hiện nay chủ yếu do hợp đồng thuê nhà còn có những khó khăn. Chưa bao giờ hệ thống các trường tư thục, dân lập, nhất là trong khối mầm non, mẫu giáo lại phát triển nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển rầm rộ đó là những vấn đề cần phải bàn như chất lượng, học phí, cơ sở vật chất...


Nếu như tại trường công lập mỗi lớp trung bình có 50-55 cháu, 4 cô với lứa tuổi nhà trẻ, 3 cô với mẫu giáo bé và nhỡ, 2 cô với mẫu giáo lớn thì tại các trường MNTT, mỗi lớp thường chỉ có khoảng từ 15-20 cháu, số lượng cô cũng tương tự như trường công. Dạo qua một số trường MNTT, hầu hết đều trông trẻ là chủ yếu, không có nhiều chương trình giảng dạy. Khi có đoàn thanh tra, các giáo viên mới tranh thủ soạn giáo án, trình bày các chương trình giảng dạy nhằm mang tính đối phó. Một số trường mới thành lập, lượng trẻ ít còn có tình trạng dồn ghép học sinh. Một nhóm trẻ tư thục trong phường Minh Khai còn có tình trạng thiếu giáo viên, học sinh lớp bé phải học cùng với học sinh lớp lớn. Chị Minh Chi, phụ huynh có con gửi trong nhóm trẻ này chia sẻ: Khi con tôi đang học lớp 3 tuổi tại đây, một cô giáo nghỉ việc, con tôi liền được "điều chuyển" lên lớp trên, học chữ với các anh chị lớp lớn vì lớp này sĩ số chỉ có vài cháu, cô giáo có thể đảm bảo việc trông trẻ. Các cô giáo cũng nói là học lùi mới sợ chứ học tiến thì không có vấn đề gì (!).


Với những trường MNTT, học phí cũng là một vấn đề đáng phải bàn. Hầu hết các trường MNTT, nhất là các trường chất lượng cao, chi phí để mở trường khá lớn, không phải chủ cơ sở nào cũng có sẵn địa điểm, cơ bản đều phải đi thuê. Một tòa nhà để làm trường gồm 5 tầng nhà có mặt bằng khoảng 70m2, giá thuê rơi vào khoảng từ 20-40 triệu/tháng. Ngoài ra còn tiền mua sắm trang thiết bị, tiền trả lương cho giáo viên, tiền cho các hoạt động ngoại khóa mà lại không có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước nên các trường MNTT đều có mức học phí cao. Trung bình, một trẻ học mẫu giáo tại trường công lập, chi phí trung bình một tháng khoảng 500.000 đồng thì số tiền này ở MNTT phải rơi vào từ 1,7 triệu đến 3 triệu tùy vào "thương hiệu" nhà trường.


Trong khi các trường công lập chỉ bắt đầu nhận trẻ từ 24 tháng, cá biệt một số trường nhận trẻ từ 18 tháng trở lên, thì các trường tư thục sẵn sàng nhận trẻ từ 8 tháng, thậm chí 5 tháng tuổi. Đây là những lý do chủ yếu khiến rất nhiều phụ huynh tìm đến các trường MNTT. Hầu hết các trường tư thục đã nhanh chóng nắm bắt tâm lý của các gia đình có thu nhập cao nên ngoài chương trình học theo quy định, trẻ còn có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa khá phong phú. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu của đối tượng lao động có thu nhập thấp, các nhóm trẻ gia đình cũng như nấm sau mưa, không ai có thể kiểm soát được chất lượng.


Sẽ giải thể trường kém chất lượng
Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ sẽ giải thể trường nếu không đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ và cũng sẽ quy định chặt chẽ chỉ được phép mở trường nếu đảm bảo khả năng tài chính và cơ sở vật chất.


Như vậy, nhà trường, nhà trẻ tư thục bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi để xảy ra một trong các trường hợp như không đảm bảo an toàn về tính mạng cho trẻ em và giáo viên, nhân viên, cán bộ; Vi phạm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành; Không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền... Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; không đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ... sẽ bị giải thể.

TS Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT


Trường phải có trách nhiệm đào tạo giáo viên

Hiện nay, chúng ta đang tạo điều kiện cho trường mầm non tư thục phát triển. Cho người ta mở trường nhưng không kiểm soát được giáo viên, cứ mở trường ồ ạt thì làm gì đủ giáo viên. Những vụ việc liên tục xảy ra tại các trường MNTT mà do sự tắc trách của đội ngũ giáo viên theo tôi, như thế cực kì nguy hiểm. Những người được đào tạo để trông trẻ mà không hiểu biết gì thì trẻ biết bấu víu vào đâu? Ở đây chúng ta xem xét quy chế mở trường, đào tạo giáo viên mầm non.


Theo tôi, tất cả các trường học phải có trách nhiệm đào tạo lại giáo viên của mình. Lỗi giáo viên, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm không kém so với "đương sự". Chúng ta phải đưa ra cái chuẩn, không hiệu trưởng cứ lấy bừa người, không huấn luyện, chỉ bảo. Phải thường xuyên làm công tác bồi dưỡng về tâm lý học, nắm vững tâm lý của trẻ. Các trường tư thục cần có bảng lương hẳn hoi chứ không phải nhà trường trả bao nhiêu giáo viên chịu bấy nhiêu là phi lý. Lương cao thì giáo viên đâu có dạy lơ mơ được. Để xảy ra việc như cho trẻ uống thuốc ngủ, hay trói trẻ vào ghế dứt khoát giáo viên đó phải bỏ nghề.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội


Chỉ phát triển trường, không phát triển nhóm lớp
Những trường MNTT đã được cấp phép đều hoạt động rất tốt, được tạo điều kiện về chuyên môn như các trường công lập khác. Nhưng phải nói thêm là không phải trường tư thục nào cũng có điều kiện thuê được mặt bằng đủ tiêu chuẩn. Họ chỉ có thể thuê lại nhà của người dân, chắc chắn diện tích phòng học sẽ không đảm bảo. Nhưng đó là điều bất khả kháng, chúng tôi vẫn phải chấp nhận, với điều kiện các phòng học đó đủ an toàn cho trẻ, diện tích nhỏ thì số trẻ/lớp phải ít đi.


Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc quản lý số trẻ/lớp là rất khó. Còn về các khoản thu đối với các trường ngoài công lập, mức thu hàng tháng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo không quản lý mức thu này. Vài năm trở lại đây, để việc kiểm tra này được minh bạch và rõ ràng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quy định các trường tư thục, dân lập phải tách riêng các khoản thu: Học phí, tiền ăn hàng ngày, tiền học phẩm... chứ không được thu gộp. Việc phát triển các trường mầm non tư thục, dân lập là hoàn toàn cần thiết, tạo điều kiện cho trẻ được ra lớp, giảm tải cho các trường công lập. Tuy nhiên, chỉ nên phát triển các trường mà không nên phát triển nhóm lớp.


Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội

Theo ANTĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trường mầm non đau đầu với bữa ăn cho trẻ (7/9)
 Năm 2011-2012, trẻ 5 tuổi phải được đi học (6/9)
 Dự thảo: Nhà giáo được truy lĩnh tiền phụ cấp thâm niên từ 1/5/2011 (5/9)
 Năm học 2011 - 2012: Mầm non Hà Nội chưa hết khó (1/9)
 Quanh chuyện “hạ chuẩn” giáo viên mầm non (31/8)
 Áp lực mang tên: Mầm non - Bài 3: Phải yêu trẻ mới trụ được với nghề (30/8)
 Áp lực mang tên: Mầm non - Bài 2: "Leo" chuẩn (29/8)
 Áp lực mang tên: Mầm non - Bài 1: Sự hy sinh thầm lặng (26/8)
 8 nhiệm vụ cụ thể của Giáo dục Mầm non năm học 2011 - 2012 (25/8)
 GV mầm non làm việc trước năm 1995 được hỗ trợ kinh phí đóng BHXH (24/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i