Giáo dục mầm non
   Áp lực mang tên: Mầm non - Bài 2: "Leo" chuẩn
 

Bên cạnh những áp lực từ công việc thường nhật, nhiều năm qua giới giáo viên mầm non (GVMN) còn phải gánh chịu một áp lực có tên "bằng cấp".


"Sốt" nâng chuẩn

Ngồi trong lớp học nâng chuẩn của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM (CĐSPTƯ TP.HCM), cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (GV Trường MN 2, Q.11) cứ nhấp nhổm lo cho đứa con nhỏ đang chơi dưới sân với mấy bạn "cùng hoàn cảnh". Chơi chán, cháu bé lại chạy vào lớp với mẹ. Một cô giáo "cùng hoàn cảnh" với chị Ánh Nguyệt nói: "Biết đưa con vào lớp là làm khó mọi người nhưng mùa hè, mẹ phải nghỉ làm để đi học, mà đâu có tiền gửi con!". Tại lớp học này ở Trường CĐSPTƯ TP.HCM, cảnh GVMN "đem con vào lớp" đã không còn xa lạ.


Cô Nguyễn Đức Huỳnh Loan - GV Trường MN Hoa Anh Đào (Q.Tân Phú), đang học CĐ tại chức tại Trường CĐSPTƯ TP.HCM - nói: "Trước đây, tôi tốt nghiệp trung cấp sư phạm MN. Thời đó, phần đông các cô chỉ có bằng sơ cấp. Giờ người ta cứ đòi CĐ, đại học (ĐH), nếu không học sợ mình sẽ bị giảm biên chế". Cô Loan cho biết, trong nhiều năm qua cô đã bị cắt thi đua vì không có bằng CĐ và không chịu học CĐ. Chúng tôi hỏi: "Sao không lo học CĐ sớm hơn?", "Hoàn cảnh không cho phép. Tôi ở nhà thuê, chồng thất nghiệp, con nhỏ, đi học thì phải đóng học phí, mỗi năm ba triệu đồng (năm nay lên 3,8 triệu), nên cứ nấn ná hoài". Không dừng ở bậc CĐ, cô Loan và nhiều cô giáo khác đều có ý định tiếp tục học liên thông lên ĐH sau khi tốt nghiệp CĐ. Lý do thì nhiều, nhưng chung quy là các cô sợ sau này Nhà nước lại... nâng chuẩn lên thành ĐH (!?).


Sau những giờ dạy trên lớp, nhiều giáo viên mầm non phải chật vật với việc nâng "chuẩn"


Theo quy định được thống nhất chung trong cả nước, chuẩn trình độ GVMN ở thời điểm hiện thời vẫn là trình độ trung cấp MN, nhưng từ nhiều năm qua, TP.HCM đã tự "khuyến khích" các cô phấn đấu học nữa, "leo" từ hệ CĐ lên đến ĐH (đối với những ai chỉ có trình độ trung cấp hay CĐ). GVMN còn tiếp nhận được một thông điệp là: đến 2010 phải hoàn tất chương trình CĐ mới được vào biên chế. Vì vậy, hàng trăm, hàng ngàn GVMN có trình độ trung cấp phải theo nhau học lên CĐ bằng tiền túi của mình. Nhiều GV sau khi học xong CĐ đã đăng ký học tiếp lên ĐH để "phòng xa"... Chưa hết, các cô còn bị bắt buộc phải có bằng A vi tính, bằng B ngoại ngữ, trung cấp chính trị, bồi dưỡng chuyên đề...


Chuyện học hành đã khiến các cô và các trường càng thêm quá tải. Đối với các cô, công việc hằng ngày vốn đã vất vả, giờ lại thêm gánh nặng học hành vào buổi tối, vào các ngày thứ bảy - chủ nhật, mùa hè cũng phải tập trung học, nên các cô gần như không còn thời gian cho gia đình. Không phải ở đâu chuyện "đem con vào lớp" cũng được cảm thông. Tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Bình Thạnh, cô Phạm Nguyễn Hoàng Yến - GV Trường MN 24B (Bình Thạnh) phải xin tạm dừng việc học trung cấp chính trị vì lớp không đồng ý cho cô "đem con vào lớp".


Không phải lớp học nào cũng tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật nên "khi có GV tham gia lớp tổ chức vào ngày làm việc thì các cô khác phải choàng gánh công việc, vì thế càng thêm áp lực" - cô Nguyễn Thủy Tiên, Hiệu phó Trường MN 24B cho biết. Cũng theo cô Thủy Tiên, do quá tải, nhiều cô đã phải bỏ việc.


"Phòng xa" lợi gì?

Ngoại trừ một số GVMN chủ động học nâng cao nhằm bổ sung nhiều phương pháp mới, hay để chăm sóc HS tốt hơn thì không ít GV chỉ đi học do "bị ép". Các cô giáo MN cho rằng: cấp trên chỉ biết đưa ra hết yêu cầu này tới yêu cầu khác mà không nghĩ đến tính khả thi đối với GV cũng như những giá trị thiết thực của bằng cấp, chứng chỉ. Cấp dưới hiểu được vấn đề nhưng không dám phản biện nên vẫn ép GV phải thực hiện. Vì sợ mất thi đua nên GV dù khổ cũng cố "đu" theo. Chưa kể với những cô có gia đình thì việc đi học là cả một hành trình vượt khó.


Cô Lê Thị Thanh Bình - Trưởng khoa MN, Trường CĐSPTƯ TP.HCM, nhận xét: học lên ĐH thì chỉ thêm một chút về lý luận. Nếu làm lãnh đạo thì phải học, còn làm GV thì nên tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng người. Cô Thủy Tiên khẳng định: nếu làm GV thì không cần học ĐH, vì ngoài phần lý luận chính trị thì chuyên môn không nâng lên được gì. Nếu cần nâng chuyên môn thì Sở nên có những chuyên đề tập huấn, sẽ hiệu quả hơn.


Cô Nguyễn Thị Minh Châu - nguyên Hiệu trưởng Trường MN P.3, Q.10, phân tích: "Thứ nhất, việc học lên CĐ hay ĐH của GV là không cấm cản, thậm chí còn khuyến khích, nhưng không được gây áp lực. Cũng cần nói rõ rằng, việc học hiện nay chỉ là để có tấm bằng chứ không nâng được trình độ chuyên môn. Thứ hai, chuẩn quốc gia về trình độ của GVMN là trung cấp, tại sao TP.HCM lại nâng chuẩn lên CĐ và thi nhau nâng trên chuẩn là ĐH, thậm chí người ta còn "khuyến khích" ban giám hiệu các trường MN có bằng thạc sĩ, tiến sĩ? Xin nói là ở ngành MN nếu không có cái tâm, không yêu nghề, mến trẻ thì dù bằng cấp đến đâu cũng không làm tròn được nhiệm vụ của mình. Thứ ba, đã đi học thì dù học vào thứ bảy - chủ nhật, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và ảnh hưởng gián tiếp đến công việc. Hiện nay, nhiều cô suốt tuần không có một ngày nào của riêng mình. Vì vậy, chỉ những ai có hướng phát triển vào ban giám hiệu thì hãy bắt đi học, còn những GV khác hãy để họ có thời gian tập trung cho công việc. Thứ tư, dù là các lớp chính trị hay ĐH, chỉ nên tổ chức vào một ngày thứ bảy hoặc chủ nhật trong tuần để GV còn có một ngày nghỉ ngơi, vui vầy với gia đình, tái tạo sức lao động".


Mất thời gian, tiền bạc, công sức đi học lên CĐ, ĐH thì phải thu được kết quả, nhưng theo cô Ngô Thị Thái Sơn - giảng viên Khoa MN - Trường CĐSPTƯ TP.HCM: "Học lên ĐH thì chỉ để có thêm một tấm bằng, đúng hơn là thay chữ "CĐ" bằng chữ "ĐH", nên tôi vẫn khuyên sinh viên của tôi, học để lên chức thì tùy, còn học để giỏi hơn trong nghề nghiệp thì không cần. Thực tế cho thấy, có học lên ĐH thì cũng chỉ thêm được một tí lý luận chính trị chứ không thêm gì về chuyên môn, trong khi tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc thì rất nhiều".


Theo PN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Đề phòng bệnh "Sính bằng cấp"
Ngày gửi: 8/30/2011 7:03:35 AM

Chúng tôi nhận được công văn từ cấp trên: "Ưu tiên giáo viên có bằng cao đẳng đứng lớp mẫu giáo lớn".
Thế là cô giáo sinh chân ướt chân ráo mới tốt nghiệp cao đẳng sư phạm "đánh bật" cô giáo giỏi nhiều năm kinh nghiệm nhưng tốt nghiệp trung cấp ra khỏi vị trí mà mọi năm học khác vẫn được coi là thích hợp.
Với những công văn văn như thế, bệnh thành tích chưa chữa được thì ngành mầm non lại mắc tiếp bệnh sính bằng cấp.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Áp lực mang tên: Mầm non - Bài 1: Sự hy sinh thầm lặng (26/8)
 8 nhiệm vụ cụ thể của Giáo dục Mầm non năm học 2011 - 2012 (25/8)
 GV mầm non làm việc trước năm 1995 được hỗ trợ kinh phí đóng BHXH (24/8)
 GV mầm non được bồi dưỡng thường xuyên 120 tiết/năm (23/8)
 Tổng kết bậc học mầm non: Trường cùng giáo viên kêu khổ (22/8)
 Năm học 2011 - 2012: Mầm non gặp khó (19/8)
 TPHCM: Trường mầm non “sốt” chống dịch tay chân miệng (18/8)
 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói về tình trạng quá tải ở trường mầm non (17/8)
 Cha mẹ học sinh đóng góp đầu năm học: Phải là tự nguyện (16/8)
 Thiếu tin tưởng trẻ, giáo viên tự “ôm” gánh nặng (15/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i