Bước vào năm học mới, bậc học mầm non của thành phố phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên và hiện tượng "trắng" trường mầm non tại một số địa bàn ngay trong nội thành thủ đô.
"Trắng" trường ngay giữa thủ đô
Một nghịch lý đối với cấp học mầm non (MN) là việc trắng trường tưởng như chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa thì lại xuất hiện ở ngay tại các địa bàn đông đúc dân cư của nội thành Hà Nội. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GDĐT Hà Nội) - thì đến thời điểm này, toàn thành phố còn 6 phường chưa có trường MN, trong đó riêng quận Đống Đa có 4 phường. Hà Nội hiện có tới 25 KĐT và phường thành lập mới, nhưng chỉ có 13 khu xây trường MN với 4 trường công lập, 9 trường ngoài công lập, còn 12 KĐT chưa có trường MN và 21 KĐT chưa có trường MN công lập.
Nhu cầu học mầm non luôn tăng, nhưng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên mầm non ở Hà Nội luôn thiếu. Ảnh: L.Q.V
Bà Phạm Thị Dung - Phó Trưởng phòng GDĐT quận Đống Đa - cho biết, 4 phường "trắng" trường MN là Láng Thượng, Phương Mai, Trung Liệt và Ngã Tư Sở. Một số giải pháp đã được phòng đề xuất để khắc phục vấn đề này. Đó là quận Đống Đa sẽ sửa chữa, xây mới Trường MN Hoa Sữa thuộc địa bàn phường Kim Liên với 20 lớp học dành cho trẻ em phường Phương Mai, trong khi phường Phương Mai chờ quyết định phân đất xây trường. Phòng GDĐT Đống Đa cũng đã được cấp 1.500m2 tại phường Láng Thượng để xây dựng trường MN.
Tuy nhiên, theo bà Dung: "Với diện tích đất hẹp như vậy trường sẽ phải xây cao tầng, trong khi quy định xây trường MN không được phép. Hiện tại, giải pháp là xây 4 tầng để đưa toàn bộ phòng hiệu bộ lên tầng cao nhất và bố trí các lớp học của trẻ từ tầng 2 trở xuống. Đối với phường Trung Liệt và Ngã Tư Sở thì hiện chờ vào quỹ đất trên phố Thái Thịnh".
Theo Sở GDĐT Hà Nội, so với năm học trước thì năm học này, bậc học MN đã tăng 10 trường với hơn 1.000 nhóm, lớp học. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì thì số ghế học của khối lớp này vẫn còn thiếu trầm trọng. Sở đã yêu cầu các phòng GDĐT tích cực tham mưu với chính quyền các cấp mở rộng quy mô, mạng lưới trường MN, phấn đấu 90% trẻ mẫu giáo được đến trường. Nhưng có thể thấy, việc quỹ đất hạn hẹp cùng với quy định không được nâng tầng ở bậc học MN đang khiến các quận gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên "chê" chỗ dạy
Chuẩn bị cho năm học này, ngành GDĐT Hà Nội đã thông báo rộng rãi việc tuyển một số lượng khá lớn giáo viên (GV) MN. Tuy nhiên, trong các đợt xét tuyển vừa qua, ngành đã không tuyển đủ được chỉ tiêu. Quận Đống Đa chỉ tuyển được 131 trên tổng chỉ tiêu được giao là 158 GV MN. Quận Long Biên thiếu tới hơn 100 chỉ tiêu, chỉ tuyển được 144 GV trên tổng số 246 chỉ tiêu được xét duyệt... Theo bà Bùi Thị Chung - Phòng GDĐT huyện Đan Phượng - một trong những nguyên nhân không thu hút được GV MN vào biên chế là do cách xét tuyển hiện nay, khi GV dạy giỏi cấp TP chỉ được cộng 10 điểm, trong khi mỗi năm trong nghề GV đã được tính 4 điểm. Vì vậy, có những GV dạy giỏi cộng điểm đạt trên 200 điểm vẫn trượt vì thâm niên không cao.
Một bất cập khác trong việc xét duyệt, theo bà Hoàng Thị Kim Phượng - Phó phòng GDĐT quận Long Biên - là cách xét điểm hiện nay lại áp dụng một mức tính điểm cho bằng loại khá, giỏi của đại học giống như trung cấp, trong khi rõ ràng là chất lượng của 2 bậc đào tạo này là khác biệt. Vì vậy, biên chế MN kém sức hút với GV đào tạo bậc đại học. Còn theo bà Phạm Thị Dung, một nguyên nhân nữa khiến GV không muốn thi vào biên chế MN vì mức lương khởi điểm quá thấp: GV dù tốt nghiệp đại học, nhưng lại chỉ được hưởng mức lương khởi điểm bậc trung cấp theo ngạch lương GV MN. Chính điều này đã khiến GV MN "quay lưng" với biên chế các trường công lập.
Những nguyên nhân trên góp phần làm cho ngành khó tuyển được GV trẻ, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu chương trình mẫu giáo mới hiện hành.
Theo Lao Động