Trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có những trao đổi về hiện trạng quá tải ở một số trường mầm non công lập ở các thành phố lớn cũng như sự bất cập giữa mức chênh lệch học phí của trường công và trường tư...
PV: Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay số trường mầm non công lập cả nước chiếm khoảng 75% tuy nhiên có một thực tế ở các thành phố lớn tình trạng trường công lập quá tải đang diễn ra khá phức tạp. Theo Thứ trưởng đâu là hướng giải quyết của bài toán khó này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay toàn quốc có 12.976 trường mầm non (MN), trong đó có 9.742 trường MN công lập, chiếm tỷ lệ hơn 75%, số lượng trẻ đến trường ngày càng tăng theo các năm. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học đạt 82,5%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi là 98,6% . Tuy nhiên, ở một vài thành phố lớn và đặc biệt là thủ đô Hà Nội tình trạng quá tải ở các trường MN công lập vẫn còn tồn tại, nếu chỉ riêng ngành giáo dục và đào tạo thì không thể nào khắc phục nổi.
Nguyên nhân của tình trạng trên là dân số cơ học tăng nhanh ở các thành phố lớn do số dân nhâp cư ngày càng đông nhưng công tác dự báo về dân số trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp còn hạn chế. Nhiều dự án khu đô thị, nhà cao tầng được cấp đất xây dựng, đã và đang đưa vào sử dụng nhưng chưa dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp MN.
Chẳng hạn, ở Hà Nội hiện có tới 25 khu đô thị và phường thành lập mới nhưng chỉ có 13 khu xây trường MN (trong đó có 4 trường công lập, 9 trường ngoài công lập), như vậy còn 12 khu đô thị chưa có trường MN và 21 khu đô thị chưa có trường MN công lập (theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội). Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa trường MN công và tư cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải cho các trường công lập.
Để giải quyết tình trạng quá tải ở các trường MN công lập đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, có cơ chế chính sách phát triển giáo dục MN một cách hợp lí, trước hết là phát triển mạng lưới quy mô trường, lớp mầm non phải gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng mới các trường MN công lập ở các khu dân cư mới, đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất cho các trường công lập đang xuống cấp, nâng cao đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên MN, điều chỉnh mức học phí của các trường MN công lập phù hợp với chất lượng đầu tư cơ sở vật chất và chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển và điều chỉnh mức thu học phí phù hợp hơn với thu nhập của đại đa cán bộ công chức, công nhân và người lao động khác nhằm giúp cho trường công và trường tư "xích lại" gần nhau hơn...
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phụ huynh phải thức trắng đêm để xin học mầm non cho con là mức chênh lệch học phí quá lớn giữa trường công và trường tư (Ảnh: Hoàng Lân)
Nhiều thành phố lớn chẳng hạn như Hà Nội, TPHCM... mặc dù đảm bảo trường lớp cho 100% trẻ đủ độ tuổi đến lớp. Nhưng sự chênh lệch mức đóng góp quá lớn giữa trường công và trường tư đã tạo ra cuộc chạy đua "khốc liệt" ở cấp học MN. Để giảm khoảng cách giữa trường MN công lập và trường MN tư thục trong thời gian tới, ngành giáo dục cần có những chính sách gì thưa bà?
Thực tế, trường, lớp MN hiện có ở các thành phố như Hà Nội, TPHCM... chưa đủ chỗ cho 100% trẻ trong độ tuổi MN đến học, vì vậy các địa phương đang tập trung duy trì tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ, ưu tiên cho trẻ em mẫu giáo, đặc biệt là trẻ 5 tuổi để chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp một tiểu học.
Như đã nêu ở trên, một trong những nguyên nhân tạo ra sự quá tải của các trường MN công lập là sự chênh lệch về mức đóng góp học phí giữa trường công lập và ngoài công lập. Để góp phần khắc phục thực trạng này, cần thực hiện chính sách ưu đãi để làm tốt xã hội hóa giáo dục theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính Phủ, theo đó, nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách khác theo quy định của Chính phủ về khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Từ đó, giảm chi phí đầu tư, thỏa thuận đề ra học phí hợp lý.
Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động của các trường MN tư thục về chất lượng chăm sóc, giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và hoạt động tài chính, đảm bảo các trường mầm non tư thục phải thực hiện công khai về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và thu chi tài chính. Trên cơ sở đó, người dân có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục MN phù hợp với điều kiện của gia đình và giám sát được hoạt động của nhà trường. Điều đó, đòi hỏi nhà trường phải cân đối qua chất lượng và mức học phí theo thỏa thuận một cách hợp lí.
Tuyên truyền rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, trên cơ sở đó giúp cho người dân coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở ngoài công lập như các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở công lập, tránh tư tưởng "bao cấp" trông chờ vào nhà nước. Mặt khác giúp các cơ sở GDMN ngoài công lập cũng có một phần trách nhiệm thu nhận và cung cấp dịch vụ cho các đối tượng chính sách xã hội như các cơ sở công lập.
Thực hiện Nghị định của Chính phủ về quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, các địa phương xây dựng Đề án thành lập các trường MN công lập chất lượng cao có mức học phí phù hợp với chất lượng dịch vụ, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh.
Trước đây chúng ta có mô hình trường MN bán công, nhưng sau khi Nghị định của Chính phủ ra đời thì đã xóa bỏ mô hình này. Trong khi đó nhiều trường tư thục cho rằng nên hình thành trường MN có sự đầu tư một phần của nhà nước (trường MN công lập tự chủ tài chính) và đưa ra mức sàn về học phí. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Theo quy định của Luật Giáo dục 2005, GDMN có các loại hình trường: công lập, dân lập, tư thục, từ 1/1/2006 không có loại hình trường bán công. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở GDMN, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở GDMN, phổ thông tư thục; cơ sở GDMN bán công sang cơ sở GDMN dân lập; cơ sở GDMN, phổ thông bán công sang cơ sở GDMN, phổ thông công lập.
Các địa phương đã thực hiện chuyển đổi loại hình nhà trường, đảm bảo có đủ các trường MN công lập, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi. Hiện nay, ngoài 18 tỉnh không có trường MN bán công, đã có 32 tỉnh/thành phố phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình trường MN bán công sang công lập.
Nhiều trường MN công lập đã hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43 của Chính phủ. Theo đó, các nhà trường được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, thực hiện chủ trương xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội cùng với hỗ trợ một phần ngân sách để chi cho các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.
Việc các trường MN công lập thực hiện tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ đã mang lại những thành công nhất định, điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ từng bước được chuẩn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chất lượng giáo viên được cải thiện, từ đó chất lượng giáo dục được nâng cao, tạo được uy tín trong nhân dân.
Tuy nhiên, mô hình trường MN công lập tự chủ tài chính còn gặp một số khó khăn như phần lớn, các trường công lập tự chủ tài chính hiện nay có nguồn gốc từ trường bán công, nên đa số cơ sở vật chất còn trong tình trạng yếu kém, chất lượng không hơn các trường công lập bình thường, trong khi đó các gia đình phải đóng học phí cao hơn, dẫn đến tình trạng sụt giảm trẻ em đến trường, thất thu học phí, thu nhập của giáo viên thấp, do vậy trường không thể thu hút được đội ngũ giáo viên giỏi, giáo viên thiếu yên tâm gắn bó với nhà trường. Tình trạng cháu ít, nợ học phí là những khó khăn đối với các trường MN tự chủ về tài chính ở các vùng nông thôn.
Để giải quyết khó khăn của các địa phương cần xây dựng lộ trình tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, xây dựng đội ngũ,...
Theo quy định của Nghị định số 49 của Chính phủ, Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, các trường MN, phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép đồng thời phải thực hiện Quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định.
Hiện nay, nhiều tỉnh và thành phố đã tổ chức hội thảo về mô hình trường mầm non chất lượng cao, trên cơ sở đó tìm ra hướng phát triển phù hợp với nhu cầu của xã hội và quy định của pháp luật. Đây là mô hình tốt nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng chăm sóc, gáo dục trẻ ngày càng cao của phụ huynh. Mức học phí sẽ tương xứng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.
Một vấn đề dễ nhìn thấy đó là sau khi Đề án Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi được phê duyệt nhiều địa phương đã quyết định ưu tiên đưa toàn bộ trẻ nhóm này vào trường công lập dẫn đến tình trạng các nhóm tuổi khác phải theo học trường tư vì hết chỉ tiêu tiếp nhận? Vậy theo Thứ trưởng cách thực hiện của địa phương đã hợp lý? Có phải chúng ta đang mất đi sự công bằng trong học tập của trẻ em giữa các nhóm tuổi?
Bộ đã chỉ đạo việc triển khai Đề án Phổ cập GDMN 5 tuổi không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì phổ cập mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới 5 tuổi. Nội dung Đề án đã nêu rất rõ: "Hàng năm, huy động hầu hết trẻ em năm tuổi đến lớp mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, duy trì và giữ vững số trẻ em dưới năm tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non dưới nhiều hình thức". Các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương xác định lộ trình phổ cập phù hợp nhằm duy trì sự ổn định và phát triển giáo dục mầm non một cách vững chắc.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp của cả nước là khá cao (trên 98%). Vấn đề là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến lớp để chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, bên cạnh đó tiếp tục duy trì và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở giáo dục MN dưới nhiều hình thức, đảm bảo số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập không thấp hơn mức hiện có, nhằm tạo sự ổn định trong phát triển giáo dục MN.
Nếu thực hiện Đề án phổ cập theo giải pháp là ưu tiên tối đa nhận trẻ 5 tuổi vào trường MN công lập, trường nào còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ 4 tuổi trở xuống là không đúng với tinh thần của Đề án và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Các địa phương cần xây dựng thêm trường, lớp, đáp ứng chăm sóc, giáo dục trẻ các độ tuổi.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân Trí