Không dừng lại ở kết quả vận động hơn 65.000 chủ nhà trọ cam kết không tăng giá cho thuê phòng để chia sẻ khó khăn với người lao động, nhiều quận huyện trên địa bàn TP còn vận động các cơ sở giữ trẻ, nhóm trẻ gia đình không tăng giá để chung tay chia sẻ gánh nặng cùng công nhân lao động nghèo.
Chia khó cùng công nhân
Chúng tôi có mặt vào buổi ăn xế tại Trường Mầm non Hướng Dương, (phường 14 quận Gò Vấp). Trước mặt các bé là chén súp thịt bằm cà rốt. Những khoanh cà rốt được hầm thật mềm với thịt bằm, cạnh mỗi chén là một ly nước tắc pha đường...
Nhìn các bé ăn ngon lành, Hiệu trưởng Đoàn Thị Thu Thủy chia sẻ: "Bố mẹ các bé đa phần là công nhân lao động, thu nhập không cao. Với mong muốn chia sẻ với khó khăn của công nhân, chúng tôi quyết định không tăng giá giữ trẻ nhưng vẫn đảm bảo để các cháu được chăm sóc tốt nhất". Trường có tất cả 8 lớp với 360 bé, đa phần con của dân nhập cư, công nhân lao động từ các tỉnh. Học phí bình quân từ 450.000 đồng đến 500.000 đồng/bé/tháng. Không chỉ Trường Mầm non Hướng Dương, trong đợt vận động của UBND quận Gò Vấp, đã có 138 cơ sở giữ trẻ cam kết không tăng giá đến hết năm 2011.
Bữa ăn xế tại Trường Mầm non Hướng Dương (phường 14 quận Gò Vấp). Ảnh: HỒNG NHUNG
Trường Mầm non tư thục Sơn Ca (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) hiện có 9 lớp với 355 bé độ tuổi từ 18 đến 72 tháng. Với mức học phí trung bình 950.000 đồng/bé/tháng, trường cũng cam kết không tăng học phí và tiền ăn đến hết năm 2011. Nhóm trẻ Ty Vy (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) hiện đang giữ 115 bé, chủ yếu là con công nhân làm ở các khu công nghiệp, công ty may trong khu vực, cũng cam kết không tăng giá. Với chi phí 800.000 đồng/bé/tháng, trường cho biết đã gặp không ít trở ngại khi cam kết không tăng giá đến hết năm 2011.
Chủ lớp mầm non Hương Sen (số 2048 ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết: "Chúng tôi cam kết với lãnh đạo ngành sẽ không tăng học phí cho tất cả mọi đối tượng là trẻ mầm non theo học tại đơn vị, kể từ nay đến hết năm học 2010-2011. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện chăm lo dinh dưỡng cho các cháu và chăm lo cả đời sống cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Dù sẽ gặp không ít khó khăn từ quyết định này nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua".
Cố gắng giữ chất lượng
Các cơ sở giữ trẻ tại các quận huyện khi cam kết không tăng giá đều có cùng một quan điểm: Nếu thu vén khéo, dù không tăng giá giữ trẻ nhưng vẫn cố gắng đảm bảo được chất lượng chăm lo cho các bé. Cô Đoàn Thị Thu Thủy cho biết: "Được sự hỗ trợ của các đơn vị bỏ hàng cùng cách tính toán trong dinh dưỡng, thay thế những thực phẩm cao cấp bằng thực phẩm thấp hơn nhưng bảo đảm đầy đủ chất, trường đã tiết kiệm được khẩu phần ăn cho các bé trong giai đoạn khó khăn này".
Trường Mầm non tư thục Mỹ Sơn (phường 13, quận Gò Vấp) có cách xoay trở khác. Cả trường hiện đang có 8 lớp với 355 bé, đa số là con em công nhân, trường quyết định giảm khen thưởng cuối năm phần nào giúp trường vượt qua khó khăn. Nhóm trẻ Ty Vy (xã An Phú Tây, Bình Chánh) cố gắng lựa chọn thực đơn theo mùa, thay đổi thực phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng cho các bé. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ cho các bé có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Như trường hợp bé Phan Thị Kim Ngân, cha mất hơn nửa năm, mẹ nuôi 3 anh em còn khá nhỏ, lại không có việc làm ổn định. Trường đã miễn học phí ba tháng cho bé. đến nay, trường vẫn giảm 200.000 đồng/tháng giúp bé đến trường...
Theo SGGP