Về đời sống cũng như những áp lực mà các giáo viên mầm non (GVMN) đang "gồng mình" chịu đựng, ThS Nguyễn Thị Kim Dung (ảnh), Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ: "Trên thực tế, những ai càng công tác lâu năm thì càng gắn bó với nghề hơn. Dù ở trường nhiều áp lực, nhưng khi ở nhà các cô lại nhớ trẻ, nhớ không khí lớp học. Hình ảnh học sinh (HS) ra trường òa khóc khi phải xa cô cũng là một trong những động lực giúp các cô bước tiếp với nghề".
* Thưa bà, lãnh đạo ngành GD-ĐT có thấu hiểu những nỗi vất vả của GVMN?
- Lãnh đạo ngành hiểu rất rõ nên nhiều năm qua đã tích cực tham mưu với UBND TP và các ban, ngành để có thêm chế độ hỗ trợ GVMN. Ví dụ, năm 2011 UBND TP đã phê duyệt nâng mức trợ cấp hàng tháng từ 500.000 đ/người lên 700.000 đ/người đối với giáo viên ở 36 xã vùng khó khăn; Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu để UBND TP ban hành Quyết định số 2112/UBND-CNN ngày 9/5/2011 cho phép chi từ ngân sách TP trợ cấp 500.000 đ/tháng cho mỗi cán bộ công chức tại sáu xã điểm xây dựng nông thôn mới từ ngày 1/5/2011. TP còn quyết định trợ cấp khó khăn cho cán bộ, GV, công nhân viên của ngành GD-ĐT có hệ số lương từ 3.00 trở xuống với mức 200.000 đ/tháng trong thời gian từ tháng 4/2011 đến hết tháng 12/2011.
Nỗi vất vả của GV cũng được ngành quan tâm qua việc thực hiện nhiều chuyên đề nhằm giảm tải cường độ lao động như: chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập kế hoạch giáo dục, giúp GV xây dựng kế hoạch giáo dục trên máy vi tính; chuyên đề đổi mới tổ chức bữa ăn và đổi mới các trang thiết bị bán trú giúp các cô đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ. Theo quan điểm giáo dục hiện nay, GVMN không phải là cô nuôi dạy trẻ như trước nên mỗi lớp còn có một bảo mẫu để làm những việc phục vụ, vệ sinh... thay cho GV.
* Nhưng thực tế lương bảo mẫu rất thấp, khó thu hút được người nên nhiều GV đã buộc phải làm luôn những việc của bảo mẫu, khó chuyên tâm việc dạy học.
- Vấn đề này có thể giải quyết bằng việc định biên cho chức danh bảo mẫu trong trường MN để đảm bảo mức lương và chính sách cho đội ngũ bảo mẫu.
* Bà có được nghe GVMN phản ánh về việc họ đang gặp nhiều áp lực trong học nâng chuẩn?
- Không chỉ riêng ngành MN, những người làm trong các ngành nghề khác cũng gặp yêu cầu phải học thêm để nâng cao kiến thức, trình độ. Các cô MN đi học cũng còn vì lý do kinh tế: bậc lương trung cấp rất thấp, khi nâng chuẩn các cô được nâng lương, nâng thu nhập.
* Nhưng có GV than họ bị bắt ép đi học.
- Để đáp ứng yêu cầu hiện nay của ngành học, tôi nghĩ mỗi GV đều tự thấy cần phải học tập để nâng cao trình độ và khả năng chuyên môn của mình. Tuy nhiên, khi GV đi học, nhà trường phải tạo điều kiện về thời gian, bố trí người làm "choàng" việc. Ban giám hiệu phải có kế hoạch cử GV đi học luân phiên và không bố trí hai GV cùng lớp đều đi học. Ngành giáo dục chưa đặt yêu cầu 100% GV phải có trình độ trên chuẩn nên ban giám hiệu không nên "bắt ép" GV đi học.
* Thu nhập của GVMN thấp là chuyện không mới nhưng mãi vẫn chưa được cải thiện. Bà có nghĩ khi thu nhập thấp, lại làm việc trong môi trường nhiều áp lực sẽ dễ dẫn đến những sai sót đáng tiếc?
- Với thu nhập khoảng hai triệu đồng/tháng thì đúng là không thể đủ để chi tiêu. Dù các cấp lãnh đạo đã tích cực tham mưu để có thêm thu nhập cho GV nhưng vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Vì thế, có thể nói một cách chủ quan là GVMN phải yêu nghề và yêu trẻ lắm mới bám được với nghề. Những trường đã xảy ra vụ việc không hay đều xuất phát từ nguyên nhân GV quá stress. Do vậy, trong năm nay, ngành giáo dục MN tiếp tục phát động môi trường thân thiện giữa GV - GV, GV - phụ huynh để giúp các cô thấy nhẹ nhàng hơn khi đứng lớp.
* Cụ thể bà có đề xuất gì để giúp cải thiện thu nhập của GV?
- Hiện nay, số trường MN ngày càng tăng, số HS cũng tăng nhưng ngân sách thì có hạn, nếu tiếp tục đầu tư dàn trải thì khoản chi cho ngành học MN sẽ ngày càng nhỏ lại. Chúng tôi nghĩ cần có chính sách đầu tư công bằng hơn trong giáo dục: ngân sách sẽ cấp đủ 100% cho những trường thuộc khu vực khó khăn, còn với những trường nằm ở khu vực thuận lợi thì ngân sách chỉ cấp một phần. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai giúp các trường MN tư thục phát triển để phụ huynh yên tâm gửi con vào những trường này, góp phần làm giảm áp lực về sĩ số ở các trường công lập. Đối với nhóm trẻ gia đình, Nhà nước có thể hỗ trợ cho một trẻ từ 30% đến 40% kinh phí đã cấp cho mỗi trẻ ở trường công lập. Bên cạnh đó, Nhà nước cần điều chỉnh mức đóng học phí cho phù hợp với tình hình thực tế.
* Xin cám ơn bà.
Theo PN