Giáo dục mầm non
   Phổ cập lớp lá, mầm - chồi… "để mai tính"
 

"Đảm bảo huy động 100% trẻ năm tuổi ra lớp; trong đó, có trên 90% học sinh học hai buổi ngày nhằm thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010-2015". Với mục tiêu trên, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở các quận, huyện ở TP. HCM chỉ ưu tiên cho trẻ năm tuổi và những học sinh lớp mầm, chồi nghiễm nhiên bị "ra rìa".


Ngưng nhận "mầm, chồi"

"Giữa tháng Sáu, tôi đến Trường mầm non (MN) Anh Đào - trường cùng tuyến - để hỏi điều kiện, thủ tục tuyển sinh nhưng nhân viên của trường cho biết hiện chưa có thông tin mới. Cô nhân viên hẹn tôi ngày 1/7 quay lại trường mua đơn, chờ xét duyệt. Trong khi đó, con của ông hàng xóm bằng tuổi con tôi (ba tuổi) không biết cách nào đã được nhận vào học ở trường", chị Cẩm Nguyên, ngụ ở P.17, Q.Gò Vấp cho biết. Trong thông báo của Trường Anh Đào, trường nhận 190 chỉ tiêu cho lớp năm tuổi; lớp ba tuổi chỉ nhận có 25 em, còn lớp bốn tuổi trường không tuyển thêm. Do vậy, chị Cẩm Nguyên và những PHHS của P.17 đồng lòng sẽ "đóng đô" trước cổng trường lúc bốn giờ sáng ngày 1/7 - ngày đầu tiên trường phát đơn để mua hồ sơ vì sợ sẽ không đến lượt mình.


Cũng như chị Cẩm Nguyên, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều PHHS có con ở tuổi các lớp "mầm, chồi" lo lắng không có chỗ học. Nỗi lo này càng được "củng cố" khi trong hầu hết kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở các quận, huyện không có kế hoạch phân tuyến cho HS lớp "mầm, chồi" như những năm trước. Đặc biệt, ở những trường điểm, trường chuẩn quốc gia, trẻ mới lớp "mầm, chồi" không có "cửa". Trường MN chuẩn quốc gia Bến Thành, Q.1 năm học 2011 - 2012 chỉ tuyển 40 em lớp nhà trẻ. HS lớp mầm (năm 2008), lớp chồi (2007): không tuyển. Lớp lá (2006): nhận tất cả trẻ có giấy báo nhập học của phường. Trường MN 20/10 (của Q.1) cũng chỉ tuyển 23 HS lớp mầm (SN 2007), không tuyển lớp chồi (SN 2008). Ở Q.Thủ Đức, với áp lực đông dân nhập cư, tuyển sinh MN chia làm ba giai đoạn: giai đoạn một thu nhận tất cả các cháu đúng năm tuổi vào lớp lá (sinh năm 2006) có tên trong sổ thường trú theo hộ gia đình hoặc sổ tạm trú. Sau khi hoàn thành giai đoạn một (4 - 15/7), các trường mới tiếp tục giai đoạn hai và ba tuyển HS "ở những độ tuổi theo quy định của ngành MN có tên trong sổ thường trú theo hộ gia đình hoặc sổ tạm trú theo hộ gia đình trong địa bàn phường".


Trẻ 5 tuổi được ưu tiên tuyển sinh khiến chỗ học cho trẻ ba, bốn tuổi "teo tóp"


Ở Q.Bình Thạnh, các trường công lẫn tư huy động 3.974/10.458 trẻ (38%) trong độ tuổi nhà trẻ đến trường, tuy nhiên, có đến 12.537/13.547 trẻ (92,5%) trong độ tuổi vào học mẫu giáo được ưu tiên. Ở Q.Gò Vấp, HS đang học lớp chồi năm học 2010-2011 ở trường nào sẽ được tiếp tục chuyển lên học lớp lá năm học 2011-2012 tại trường đó. Đối với các cháu sinh năm 2006 chưa ra lớp năm học 2011-2012, các phường sẽ hướng dẫn phụ huynh liên hệ cho trẻ học lớp lá theo phân tuyến của Phòng GD-ĐT.


Sao phải "dục tốc"?

Năm học 2010 - 2011, thành phố có 696 trường MN, trong đó có 407 trường công lập (58,6%), 289 trường ngoài công lập (41,4%). Ngoài ra thành phố còn có 960 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục. Theo ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, phổ cập GDMN cho trẻ năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1. Tuy nhiên, việc phân bố trường trên địa bàn 16 phường không đồng đều, có phường quá đông dân như phường 16, 14, 12, 11, 10, 9, 8, 5, 3; có phường địa bàn trải dài như phường 12, 14... Mặt khác, Q.Gò Vấp có 3/16 phường không có trường MN công lập (phường 6, 11, 12). Q.Gò Vấp hiện có hơn 6.000 trẻ năm tuổi, để thực hiện tốt phổ cập giáo dục, các trường vẫn tiếp tục bị quá tải nên chưa thể thực hiện được yêu cầu sĩ số 35 em/lớp.


"Để thực hiện mục tiêu phải đảm bảo 100% trẻ năm tuổi ra lớp trong điều kiện số trường lớp MN xây mới hầu như không tăng là một nhiệm vụ khó khăn. PHHS các lớp mầm, chồi cứ liên tục "chất vấn" chúng tôi tại sao không tuyển mới HS như mọi năm. Dù nhà trường giải thích cho PHHS hiểu rõ rằng PCGDMN là đề án thực hiện cả nước do Thủ tướng phê duyệt, nhưng PHHS cứ nghĩ trường bất công hay mờ ám", hiệu trưởng một trường MN bày tỏ.


Ở những trường chuẩn quốc gia lại cộng thêm nỗi khổ: nếu mở "bung" để nhận hết tất cả số trẻ năm tuổi trên địa bàn phường mà không giảm những lớp dưới sẽ có nguy cơ bị "mất chuẩn" vì quá số trẻ quy định theo điều lệ trường chuẩn quốc gia. Ban giám hiệu Trường MN Bến Thành, Q.1 giải thích nguyên do trường ngưng nhận HS lớp mầm, chồi: "Vì số HS nhà trẻ cũ của trường lên lớp mầm, HS lớp mầm lên chồi đã vừa đủ nên trường không tuyển mới HS cho hai khối lớp trên". Nhưng năm nay, số lớp lá sẽ là năm, tăng một so với năm trước để đảm bảo nhận trẻ năm tuổi trên địa bàn vào học tại trường. Đó là chưa kể sĩ số lớp trong một lớp cũng có thể "nở" hơn.


Nhiều hiệu trưởng đặt câu hỏi: Đề án PCGDMN trải dài từ năm 2010 đến năm 2015 nhưng sao ngành GD-ĐT lại "dục tốc", đặt mục tiêu đến năm 2011 sẽ có 12 quận, huyện hoàn thành PCMN cho trẻ năm tuổi, năm 2012 sẽ có thêm 12 quận, huyện hoàn thành? Phải chăng vì mục tiêu này nên đã "ép" trẻ ba, bốn tuổi "nhường chỗ" cho đàn anh, đàn chị? Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: "Dứt khoát ngành GD-ĐT không vì thành tích PCGDMN năm tuổi mà giảm chỗ học cho trẻ ba, bốn tuổi. Việc lớp ba, bốn tuổi ít nhận HS đã xuất hiện ở những năm trước chứ không phải đợi đến năm nay PCMN mới thiếu chỗ học". Về tỷ lệ 24 quận, huyện sẽ hoàn thành PCGDMN trong năm 2012, lãnh đạo ngành GD-ĐT cho rằng: Ngoại trừ các quận, huyện Tân Phú, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi còn khó khăn, các quận còn lại cơ bản đã hoàn thành tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi, chỉ còn làm thủ tục công nhận.


Ngành GD-ĐT chỉ nhìn nhận khó khăn có thật là sĩ số HS/lớp sẽ cao hơn quy định, do nhu cầu của xã hội thì lớn nhưng thực lực của ngành (các trường công) cũng chỉ đáp ứng được 55%. Nếu ưu tiên cho trẻ năm tuổi, sĩ số một lớp có thể 50 - 60 trẻ. Ông Đạt lạc quan, chương trình mới tổ chức cho trẻ học, chơi, ăn theo từng nhóm nên dù sĩ số HS đông, nhưng với ba giáo viên mỗi lớp vẫn đảm bảo chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, "nói vậy mà không phải vậy", bởi trên thực tế, một số hiệu trưởng phản bác: Chương trình học theo nhóm chỉ thuận lợi ở những trường có diện tích rộng, có phòng chức năng; còn những trường nhỏ hẹp thì "bó tay" với phân chia nhóm.


Theo PN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội: Canh cánh mối lo giảm tải (19/9)
 Nỗ lực xóa “điểm trắng” mầm non (16/9)
 Giảm tải cho giáo viên mầm non (15/9)
 Bảo mẫu bị “bỏ rơi” (14/9)
 “Loạn” mầm non chất lượng cao (13/9)
 Bữa ăn cho trẻ mầm non thời tăng giá (12/9)
 Đề xuất thực hiện tiếp chế độ phụ cấp với GV mầm non vùng khó (9/9)
 Bùng nổ các trường mầm non tư thục (8/9)
 Trường mầm non đau đầu với bữa ăn cho trẻ (7/9)
 Năm 2011-2012, trẻ 5 tuổi phải được đi học (6/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i