Các bậc phụ huynh thường than phiền: các bé về nhà không chịu viết bài, không chịu làm làm toán. ...Với lứa tuổi mẫu giáo, bắt ép trẻ học theo khuôn khổ của người lớn là một điều không thể và không mang lại kết quả tích cực gì.
Làm sao để trẻ học tập một cách tự giác và mang lại kết quả cao?
Để thực hiện được điều này, không chỉ trong trường mầm non mà ngay cả tại gia đình, người lớn cũng cần tạo hứng thú cho trẻ khi tham gia hoạt động học tập và kích thích trẻ học tập tích cực.
Làm thế nào để tạo hứng thú cho trẻ?
Hứng thú: là nhu cầu mang tính cảm xúc cao của trẻ và có được trước khi có động cơ hoạt động. Khi trẻ hứng thú với một việc gì đó khi đó sẽ nảy sinh động cơ và tích cực tham gia vào hoạt động đó.
Khi trẻ có hứng thú, trẻ sẽ tham gia hoạt động tích cực và mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Một câu chuyện hấp dẫn, trẻ hứng thú nghe thì trẻ sẽ nhớ nội dung câu chuyện lâu. Khi trẻ hứng thú tham gia vào một trò chơi, trẻ sẽ chơi trò chơi đó tới cùng.
Trong việc học của trẻ cũng vậy, nếu người lớn tạo ra được hứng thú cho trẻ với việc học, trẻ sẽ có động cơ học tập và học tập một cách tích cực.
Mamnon.com chia sẻ với các bạn một số giải pháp tạo hứng thú cho trẻ tham gia học tập:
1. Tạo môi trường học tập nhiều màu sắc:
Lứa tuổi mẫu giáo, tư duy của trẻ còn nặng về trực quan hình ảnh, việc cung cấp cho trẻ các hình ảnh trực quan sinh động, nhiều màu sắc sẽ thu hút được sự chú ý đối với trẻ hơn là những hình ảnh tối màu, xấu.
Vì vậy, để cung cấp kiến thức cho trẻ, người lớn cần quan tâm đến các giáo cụ trực quan ở trường cũng như tạo ra các đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt để cùng học với bé ở gia đình.
Ở lứa tuổi này, trẻ cũng thích học với mô hình hóa, sơ đồ, việc tạo các trò chơi: tìm nhà theo sơ đồ, đi đến chỗ có thức ăn... không chỉ giúp trẻ tiếp thu tốt các kiến thức mà người lớn muốn cung cấp cho trẻ mà còn kích thích trẻ tham gia học tập tích cực hơn.
2. Tạo yếu tố bất ngờ trong học tập:
Yếu tố bất ngờ cũng là một trong những yếu tố kích thích trí tò mà và tạo hứng thú cho trẻ tham gia vào các hoạt động, đặc biệt là hoạt động học tập.
Yếu tố bất ngờ được tạo ra trong hoạt động học tập thường là những: chiếc hộp, chiếc túi hoặc màn che các đối tượng, sau đó trẻ khám phá từng đối tượng một và tìm ra đặc điểm, tính chất của đối tượng đó qua các giác quan.
Một yếu tố bất ngờ nữa: nhiệm vụ học tập được khám phá khi trẻ hoàn thành trò chơi.
Ví dụ: sau khi trẻ to màu bức tranh bên trái, rồi tô màu bức tranh bên phải những hình giống hệt bức tranh bên trái. Sau khi tô xong trẻ sẽ khám phá ra sự khác nhau về số lượng của hai bức tranh.
Những phần thưởng nho nhỏ, bất ngờ sau khi trẻ hoàn thành bài học cũng là một yếu tố kích thích trẻ hứng thú hơn trong các hoạt động học tập.
3. Yếu tố thời gian:
Yếu tố thời gian cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo hứng thú cho trẻ và kích thích trẻ ham học hỏi.
Mỗi lứa tuổi trẻ có giới hạn thời gian tập trung khác nhau, vượt qua giới hạn tập trung ấy trẻ sẽ giảm khả năng tập trung và khả năng ghi nhớ cũng bị giảm sút, theo đó hứng thú của trẻ cũng không còn nữa.
Chính vì vậy, khi cho trẻ học, cần chú ý tới thời gian cho từng độ tuổi để tránh sự mệt mỏi khi thời gian quá dài và làm mất hứng của trẻ khi thời gian quá ngắn.
Ở gia đình, thường cho trẻ học khoảng 1 giờ/ ngày, một thời gian quá dài cho trẻ mẫu giáo tập trung, chính vì vậy, trẻ thường uể oải và cảm thấy chán nản mỗi khi bị "bắt" vào bàn học.
Để việc học ở nhà của trẻ được hiệu quả, phụ huynh cần giảm thời gian và tạo thời gian nghỉ giữa giờ bằng các trò chơi hay câu chuyện kể nhằm giúp trẻ thư giãn và tiếp tục có hứng thú với việc học.
4. Khen thưởng đúng lúc, kịp thời
Khen thưởng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo hứng thú cho trẻ học tập. Tuy nhiên khen thưởng phải đúng lúc và kịp thời.
Người lớn tuyệt đối không nên lấy quà thưởng làm điều kiện cho trẻ học vì như vậy trong thời gian dài sẽ khiến trẻ cảm thấy: học là vì phần thưởng và ngược lại: có phần thưởng trẻ mới học.
QuỳnhGiao.mamnon.com