Dạy dỗ trẻ là việc làm hàng ngày, hãy coi đó như những hoạt động bình thường của bạn. Đó là thời gian vui vẻ đối với cả bạn và bé, vì thế hãy hưởng thụ thời gian đó bất cứ khi nào bạn có thể.
Dù có bạn bên cạnh hay không, trẻ sẽ bắt đầu học hỏi từ ngay khi trẻ được sinh ra và bắt đầu tiếp nhận môi trường xung quanh đầy mới mẻ. Mọi hình ảnh và âm thanh sẽ là một phần trong quá trình học hỏi của trẻ; trẻ sẽ quan sát mọi thứ bạn làm và nghe mọi từ bạn nói. Và khi nhiều tháng trôi đi, trẻ sẽ bắt đầu bắt chước.
Việc dạy cho trẻ một cách có ý thức có thể muộn hơn một chút, điều này là tuỳ thuộc vào bạn. Bạn có thể bắt đầu đọc truyện trước giờ ngủ cho trẻ khi trẻ được 6 tháng tuổi. Có thể trẻ sẽ không hiểu hoàn toàn, nhưng việc này sẽ giúp trẻ làm quen với sách và quen với sự vỗ về trước giờ đi ngủ, với giọng nói của mẹ và những bức tranh trong cuốn sách. Sẽ không có vấn đề gì khi bạn chỉ đọc một truyện như nhau cho trẻ nhiều tối khác nhau. Thói quen sinh hoạt này có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Hãy nhớ dù ở độ tuổi nào, trẻ cũng nhận biết xung quanh nhiều hơn là bạn nghĩ. Cho dù trẻ chưa thể nói, nhưng trẻ có thể học từ và hiểu được ý nghĩa của chúng. Hãy nói chuyện với trẻ như đối với những người trưởng thành, đây là một điều khá quan trọng, và đừng bao giờ giới hạn việc nói chuyện với trẻ. Một đứa trẻ thông minh sẽ có thể học hỏi mọi thứ bạn nói khi chúng được 6 tháng tuổi, và có thể nhớ những gì chúng học được lâu hơn bạn nghĩ. Một ngày nào đó, trẻ sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên, và trẻ sẽ theo cách mà bạn đã nói với trẻ cho dù ban đầu bạn nghĩ rằng trẻ không hiểu. Khi trẻ còn quá nhỏ, tốt nhất bạn nên giải thích những gì bạn làm. Nếu bạn cho trẻ ăn khoai tây, hãy nói đó là khoai tây; nếu bạn chuẩn bị sữa cho trẻ, hãy nói với trẻ rằng bạn đang chuẩn bị sữa. Bất kỳ lúc nào bạn làm việc trước mặt trẻ, đó là cơ hội để bạn dạy trẻ về những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Bằng cách này, bạn sẽ tăng cường nhận thức và hiểu biết của trẻ, để trẻ tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ, và cũng giúp bạn xây dựng mối quan hệ với trẻ.
Bằng việc nói chuyện với trẻ, bạn cũng đang cho trẻ thấy bạn tôn trọng trẻ như một cá thể, và điều này sẽ giúp trẻ thêm tự tin và cảm giác có sự gắn kết. Nếu bạn nghĩ là trẻ chưa biết nói, trẻ sẽ không nói. Không cần thiết phải ép trẻ học tất cả mọi thứ. Để có hiệu quả và hữu ích, bạn hãy dạy trẻ một cách tự nhiên và thư giãn. Tất cả việc học hành ở độ tuổi nhỏ này đều không được có một chút áp lực nào, chỉ là vui vẻ đối với trẻ. Nếu trẻ muốn tự tìm hiểu, hãy để trẻ tự làm. Nếu trẻ muốn được giúp đỡ, hãy giúp đỡ trẻ. Dạy dỗ trẻ có thể là một kinh nghiệm bổ ích tuyệt vời. Bạn sẽ có thể cảm thấy rằng bằng cách nào đó, trẻ sẽ chỉ cho bạn biết trẻ muốn học những gì. Nếu bạn kích thích trí não trẻ, và trẻ thực sự tinh ý, trẻ sẽ có thể chỉ ra từng thứ một ở độ tuổi rất nhỏ.
Việc bạn tham gia cùng trẻ là điều khá quan trọng. Nếu trẻ chỉ vào mặt trăng và tỏ ra hứng thú, hãy giải thích cho trẻ đó là cái gì và hãy làm tương tự khi trẻ tỏ ra thích thú với những thứ khác. Trẻ em học nhiều thứ trong một thời gian ngắn. Bằng cách nói chuyện với trẻ theo cách bình thường, trẻ sẽ hiểu một cách đơn giản những gì bạn muốn truyền đạt.
Theo aFamily