Đứng trước những mời gọi hấp dẫn của một bạn học hiếu động và được yêu mến nhất lớp, con bạn liệu có tự quyết định theo ý của riêng mình được không?
Trong quá trình phát triển nhân cách và trí tuệ, trẻ phải đối mặt với những quyết định đầy thách thức. Nhiều khi trẻ không thể có câu trả lời đúng hay sai một cách rõ ràng, ví dụ như khi đứng trước một sự lựa chọn nên đi bơi hay đi chơi trốn tìm? Một số quyết định lại liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như liệu có nên trốn học, thử hút thuốc hay nói dối bố mẹ?
Tự ra quyết định đã khó, nhưng khi những người xung quanh gây áp lực lên trẻ, việc đưa ra quyết định còn khó khăn hơn. Bạn bè ở cùng trang lứa, hay bạn học cùng lớp luôn có xu hướng tác động lên những gì trẻ đang làm, đó là áp lực ngang hàng. Vấn đề này không chỉ có trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn chúng ta cũng gặp phải.
Áp lực ngang hàng là gì?
Sự ngang hàng luôn gây ảnh hưởng đến một cá nhân. Đó là lẽ tự nhiên khi con người muốn lắng nghe và học hỏi từ người khác trong một môi trường tập thể. Sự ngang hàng có những tác động tích cực lên trẻ em khi chúng đua nhau học hỏi, rèn luyện để bằng bạn bè trong học tập và vui chơi. Đó là sự cạnh tranh ngang hàng mang tính tích cực giúp bé học hỏi vươn lên.
Nhưng bên cạnh đó, sự áp lực ngang hàng cũng dễ đưa trẻ đi đến tiêu cực, đó là khi trẻ đua đòi với bạn bè, cùng nhau trốn học hoặc trêu ghẹo, bắt nạt ai đó. Bất kể một đứa làm việc xấu hay tốt, nếu như được những đứa khác tán thưởng thì sẽ là nguyên nhân của một áp lực ngang hàng. Đó là sự a dua ngang hàng dễ khiến bé có những hành vi sai trái.
Tại sao trẻ đi theo áp lực ngang hàng?
"Chiều nay có phim hay lắm. Bọn mình bỏ học tiết toán này đi!? Ai đồng ý thì góp tiền nào!". Đó là lời của một đứa hiếu động và được yêu mến nhất lớp. Liệu con của bạn có làm được điều mà nó cho là đúng, tức là sẽ ở lại lớp học? Hay là sẽ nhập hội với những đứa kia?
Một số trẻ làm theo tiếng gọi của áp lực này vì muốn được người khác thích, muốn được hòa vào tập thể, hoặc sợ bạn bè tẩy chay mình. Một số trẻ phấn khích với những điều mới mẻ mà người khác làm. Ý nghĩ "mọi người đều làm thế" lấn át những lẽ phải khác mà trẻ có thể nghĩ đến.
Xử lý với áp lực ngang hàng như thế nào?
Cha mẹ hãy cho con hiểu rằng, dù rất khó để nói "không", nhưng chúng có thể làm được. Dạy con hãy chú ý đến cảm xúc của bản thân chúng, niềm tin vào lẽ phải sẽ giúp chúng hành động đúng đắn. Tập dần cho trẻ sự tự tin và bản lĩnh, quyết đoán với quyết định của mình.
Sẽ rất tốt nếu có ít nhất một ai đó ngang hàng, nên là người bạn thân chúng, sẵn sàng cùng nói "không" với áp lực. Người đó sẽ tạo thêm sức mạnh để chống lại những cám dỗ. Cha ông có câu "chọn bạn mà chơi" chính là để giải quyết bài toán áp lực ngang hàng này. Nếu bạn thân của con bạn ngoan, không bao giờ trốn học, không hút thuốc, không đánh nhau, thì con bạn cũng có nhiều cơ hội ngoan như thế.
Khi trẻ đang phải đấu tranh với những cám dỗ, nếu bạn thân của nó nói "Tớ sẽ ở bên cậu" sẽ có sức mạnh rất lớn để giúp trẻ vượt qua.
Ngay cả khi trẻ phải một mình đối mặt với áp lực, chúng vẫn có cách xử lý. Hãy dạy cho trẻ một cách đơn giản là hãy tránh khỏi sự ngang hàng đang gây áp lực cho chúng. Hãy nói "không" và bỏ đi chỗ khác. Tốt hơn nữa, trẻ có thể đi tìm các bạn khác để chơi cùng.
Nếu con bị áp lực ngang hàng mà khó chiến thắng được, hãy dạy chúng biết tìm đến người nào đó chúng tin tưởng để thổ lộ. Dạy cho con biết đừng cảm thấy xấu hổ khi gặp phải sai lầm bằng cách nói chuyện với cha mẹ, thầy cô hay bạn bè sẽ giúp trẻ đỡ thấy dằn vặt hơn và giúp trẻ chuẩn bị đối phó nếu gặp phải áp lực đó lần nữa.
Sức mạnh và sự tích cực của áp lực ngang hàng
Như trên đã nói, áp lực ngang hàng không phải lúc nào cũng xấu. Ví dụ, áp lực ngang hàng tích cực có thể khiến một đứa trẻ hay bắt nạt biết đối xử tử tế hơn với các bạn khác. Khi nhiều bạn bè gắn kết lại với nhau, sự ngang hàng sẽ khiến cho từng đứa trẻ biết hành động theo những gì chúng cho là đúng đắn.
Theo aFamily