Bạn muốn chia tay với sự mệt mỏi khi phải chạy theo các đòi hỏi của con? Đây chính là giải pháp giành cho bạn.
Bên cạnh những lúc đáng yêu như thiên thần nhỏ, con trẻ nhiều khi cũng khiến bố mẹ đau đầu. Đặc biệt là lúc trẻ khóc quấy, ăn vạ để có được thứ mình muốn.
Hành động tiêu cực như đánh, mắng con chẳng những không giúp giải quyết vấn đề mà còn có thể làm cho tình hình xấu đi. Bố mẹ hoàn toàn có thể chọn cách khác để đối phó với những vòi vĩnh của con trong êm đẹp.
Đôi lúc thói ăn vạ của bé làm cha mẹ khốn khổ. Vậy cách nào là giải pháp tối ưu?
Giải pháp 1: Chấp nhận
Chấp nhận không có nghĩa là bạn "chào thua" trước yêu sách của bé.
Khi đòi bế, đòi theo mẹ ra ngoài, đòi đồ chơi... một số trẻ thường nằm lăn ra đất, khóc lóc. Một số bé còn tự làm đau mình bằng cách đập đầu xuống đất.
Nếu thấy con có phản ứng gay gắt, có thể làm tổn thương mình như vậy, mẹ cần giả vờ chấp thuận ý muốn của bé. Cách này giúp bạn tạm thời xoa dịu trẻ.
Sau đó, bạn có thể dỗ bé bằng nhiều cách khác như đổi món đồ chơi mới để lấy lại món đồ bé đang cầm. Nếu bé đòi đi theo, bạn chở bé đi một vòng ngắn rồi giao bé cho người khác trông nom. Như vậy đòi hỏi của bé được thỏa mãn còn bạn vẫn có thể tiếp tục công việc của mình.
Giải pháp 2: Vạch ra giới hạn
Ngay khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ cần dạy trẻ biết đâu là giới hạn cho phép.
Khi con đưa ra đòi hỏi, bạn cần thể hiện thái độ dứt khoát. Điều nào không thể đáp ứng được, bố mẹ cần lắc đầu và kiên quyết nói: không.
Sau khi từ chối đáp ứng yêu cầu của bé, bạn đừng bao giờ mềm lòng hay thay đổi quyết định. Bố mẹ cũng cần thống nhất với mọi thành viên trong gia đình về cách xử trí trước nhu cầu của bé.
Sau vài lần như vậy, bé sẽ tự biết được giới hạn của mình.
Giải pháp 3: Gợi ý thứ thay thế
Nếu không có khả năng đáp ứng nhu cầu của con, bố mẹ có thể gợi ý bằng một thứ khác.
Chẳng hạn, khi bé đòi mua chiếc may bay điều khiển đắt tiền, vượt quá khả năng của bố mẹ, bạn có thể gợi ý cho con một món đồ chơi khác bằng lời lẽ thật ngọt ngào: "Chiếc ô-tô giống của bạn Tiđô kìa. Mẹ mua cho con nhé. Như vậy, con có thể cùng chơi đua xe với bạn Tiđô..."
Giải pháp 4: Chọn một trong hai
Bố mẹ có thể "không chế" thói vòi vĩnh của con bằng cách bắt bé quyết định xem yêu sách nào cần thiết hơn.
Khi nghe mẹ bảo: "Mẹ sẽ mua cho con món đó, nhưng con sẽ không được đi Đầm Sen vào cuối tuần này", bé sẽ tự cân nhắc và điều chỉnh yêu cầu của mình.
Giải pháp 5: Giải thích
Nhiều bé sẽ thôi không đòi hỏi nữa khi nhận ra đúng, sai.
Trẻ càng lớn, khả năng phân tích, nhận biết đúng sai, sai càng cao. Bạn nên tận dụng điều này để đạt được sự thỏa thuận với con.
Đứng trước những yêu sách của bé, bạn cần kiên nhẫn giải thích để con hiểu rõ tại sao yêu cầu đó không thể chấp nhận được. Chính thái độ của bạn sẽ giúp bé thấy mình đã lớn. Từ đó, bé sẽ vui vẻ rút lại yêu sách của mình.
Theo Tin Tức