Thực ra, lâu nay Nhà nước vẫn quy định các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) phải nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3-4 tháng tuổi trở lên, nhưng quy định này chưa hề được thực hiện.
Trường công bất lực
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú - Hiệu phó chuyên môn trường mầm non (MN) Trường Thọ (Q.Thủ Đức) - kể: "Trước đây nhà trẻ và mẫu giáo tách riêng và được bao cấp hoàn toàn. Nhưng đến năm 1989 - 1990 thì nhập lại thành trường MN và áp dụng thu học phó theo cơ chế thị trường.
Để thu được nhiều học phí, các trường đương nhiên thích nhận trẻ nhóm mẫu giáo 3-6 tuổi hơn. Vì thế, nhóm mẫu giáo ngày càng phình ra, nhóm nhà trẻ teo lại, rồi... chết! Vì thế, e rằng quy định mới rồi cũng chẳng đi đến đâu".
Trao đổi với chúng tôi về quy định phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, những người quản lý các cơ sở GDMN công lập đều lắc đầu. Vì sao?
Bà Lê Thị Kim Vân - Hiệu trưởng trường MN Hoa Lư (Q.1) - lý giải: "Quy định về học phí cho nhóm từ 3-12 tháng và từ 13-36 tháng tuổi đều là 50.000. Nhưng nếu nhận trẻ ở độ tuổi 3-12 tháng, mỗi cô chỉ trông được 3 cháu, trong khi nhận trẻ từ 13-18 tháng tuổi, mỗi cô có thể trông từ 8-12 cháu. Chăm sóc được nhiều cháu, khoản thu từ học phí và tiền bán trú sẽ nhiều hơn, nên các trường và cả các cô giáo đều không muốn giữ trẻ dưới 1 tuổi. Thứ hai, giữ trẻ từ 3-12 tháng tuổi rất cực và căng thẳng hơn các nhóm khác. Thứ ba, các trường hiện không có giáo viên có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Thứ tư, cơ sở vật chất của các trường không thể đáp ứng cho đối tượng này".
Các trường mầm non đều thích nhận giữ trẻ nhóm mẫu giáo từ 3 - 6 tuổi hơn là nhóm nhà trẻ
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các trường MN công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của phụ huynh. Nếu nhận thêm trẻ dưới 1 tuổi, áp lực về phòng học và trang thiết bị phục vụ cho các cháu là không đơn giản.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố chỉ duy nhất trường MN Hoa Lư có mở một lớp cho các cháu dưới 1 tuổi. Lớp học có 6 cháu, tất cả đều là con của cán bộ giáo viên và nhân viên nhà trường. Vì ra đời ngoài ý muốn, nên lớp học này được đặt ké ở đầu hành lang. Nôi cho các cháu nằm và các vật dụng phục vụ các cháu đều do cha mẹ các cháu đem vào.
Trường tư bó tay
Các trường MN công lập thì chào thua, còn các cơ sở GDMN ngoài công lập thì sao? TS Lê Xuân Hồng - Hiệu trưởng MN tư thục Hoa Hồng Đỏ (Q.9), nguyên Hiệu trưởng trường CĐ Mẫu giáo Trung ương III tính toán: Với lứa tuổi từ 3 tháng đến 1 tuổi, nếu tính đúng tính đủ, các cơ sở phải thu trên 1,5 triệu đồng/tháng/cháu. Mức thu đó, đối với nhiều người lao động, tiền cho con đi nhà trẻ đã bằng hoặc nhiều hơn cả tiền lương của mẹ, nên không khả thi. Không thể gửi con vào những nhóm trẻ gia đình không phép (hiện chỉ có những nơi này mới nhận trẻ dưới 1 tuổi) và các cháu sẽ bị "nhốt" trong một môi trường nhếch nhác. Cái "vòng luẩn quẩn" được lặp lại.
Nhà nước cần hỗ trợ
Bà Kim Vân đã thẳng thắn đề cập đến sự bao cấp của Nhà nước cho GDMN: "Không có cách nào khác là Nhà nước phải bao cấp cho MN. Nếu không bao cấp được toàn bộ, thì trước mắt, phải bao cấp cho các cháu độ tuổi từ 3 tháng đến 1 tuổi và phải xem việc bao cấp này như là một phúc lợi xã hội.
TS Xuân Hồng cũng góp ý: Để các cơ sở giữ trẻ (cả công lập và tư thục) chấp nhận giữ trẻ dưới 1 tuổi, Nhà nước phải tính đến chuyện bù đắp, đồng thời phải tạo điều kiện tốt nhất cho các nhóm trẻ gia đình cùng góp sức.
Một vấn đề "nóng" cũng được các cơ sở GDMN đã đề cập là thời gian nghỉ hộ sản (4 tháng) của lao động nữ hiện nay là quá ít. TS Xuân Hồng đề nghị tăng thời gian nghỉ hộ sản lên 6 tháng, sau đó, nếu người mẹ có nhu cầu có thể cho nghỉ thêm 6 tháng không lương!
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT: Lâu nay, TP.HCM chưa nhận được trẻ dưới 12 tháng tuổi là do không đủ chỗ học và không đủ giáo viên. Để TP có đủ chỗ học và đủ giáo viên để nhận hết trẻ dưới 12 tháng tuổi, theo tôi, phải hơn 10 năm nữa. Việc nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi còn không khả thi vì kinh phí Nhà nước cấp cho các cháu nhà trẻ là không đủ (2,7 triệu đồng/năm/trẻ dưới 18 tháng, trong khi ở độ tuổi này mỗi cô chỉ có thể nuôi từ 2-5 cháu). Tôi nghĩ, nếu trường công có nhận trẻ 3 tháng tuổi thì ít nhất cũng phải thu thêm 1 triệu đồng/tháng/cháu mới đủ. Tóm lại, để các cháu 3 tháng - 1 tuổi được đến trường thì cần phải có thêm nhiều giáo viên, thêm nhiều tiền từ Nhà nước và phụ huynh.
Bà Đào Thị Hoài Thanh - Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN TP.HCM: Tôi nghĩ không một bà mẹ nào an tâm gửi con 3 tháng vào nhà trẻ. Cho nên, ngoài việc chuẩn bị, ngành mầm non phải tuyên truyền cho mọi bà mẹ an tâm. Hiện nay, những người có điều kiện kinh tế thường xin nghỉ phép hoặc nghỉ không lương để chăm sóc cho con mình dài thời gian hơn. Nhưng, công nhận nhập cư ở các khu công nghiệp tay làm hàm nhai, họ rất cần đi làm trước thời gian nghỉ hộ sản để vừa hưởng lương, vừa hưởng chế độ. Tuy nhiên, những công nhân này chưa chắc có tiền gửi con vào các nhà trẻ chính quy, nên họ phải gửi cho những người bảo mẫu gia đình, dù chất lượng chăm sóc không đảm bảo.
Ông Hồ Văn Tâm - cán bộ Công đoàn một công ty: Chỉ những công nhân nhập cư mới cần gửi con mọn để đi làm kiếm tiền, vì họ không có ông bà nội, ngoại trông hộ. Tuy nhiên, do chính sách an sinh xã hội bị địa giới hành chính hóa, ngân sách giáo dục, y tế cho trẻ em được tính trên đầu dân thường trú, vì vậy trường mầm non công lập, bán công ở TP chắc chắn sẽ không nhận các cháu không có hộ khẩu TP. Trong khi đó, các chàu này được hưởng chi phí an sinh xã hội ở tỉnh của họ, nhưng các cháu lại không được hưởng.
Vì vậy, chính sách an sinh xã hội nên tính trên đầu người dân thực tế sinh sống ở TP, cắt ngân sách ở tỉnh cấp cho các cháu theo mẹ ly hương để bù vào. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi được điều trị miễn phí, tại sao việc nuôi giữ trẻ 3 tháng - 6 tuổi không được ngân sách cấp với tỷ trọng cao, nhằm tạo ra những trường mầm non chính quy, có kiểm soát của Nhà nước
MBK
|
( Theo Tin Tức )