Đời sống giáo viên mầm non nông thôn quá chật vật, vấn đề nghe có vẻ như chỉ xảy ra với các tỉnh, nhưng lại đang là thực tế tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Lương của các cô hiện chỉ khoảng 450 - 500.000 đồng/tháng và không tương xứng với công sức mà họ đang bỏ ra.
Lương thấp vì nông dân nghèo
Ông Nguyễn Trung Thành, trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn nhận định: "Nếu cô giáo mầm non chỉ có một mẹ, một con, với thu nhập đó nằm ở diện hộ nghèo, chưa nói đến phải nuôi bố, mẹ". Cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên một trường mầm non nông thôn tại Sóc Sơn đã có thâm niên gần 30 năm trong ngành thì cũng chỉ 450.000 đồng/tháng, dù đã là giáo viên đạt chuẩn. Hay cô giáo Ðỗ Thị Bình, giáo viên day giỏi liên tục nhiều năm cũng chỉ nhận được mức lương ấy. Đây đang là một thực trạng chung. Các giáo viên này, nếu có tốt nghiệp ĐH, hoặc CĐ khi dạy tại đây cũng chỉ hưởng lương ngoài biên chế như mọi giáo viên khác. Nói như cô Tý, người đã có 25 năm trong nghề, “lương của cô được khoảng 500.000 đồng tất cả các khoản, chồng cô cũng chỉ có 700.000 đồng/tháng. Để có đủ thu nhập nuôi một đứa con ăn học, gia đình phải tranh thủ thứ bảy, chủ nhật không phải lên lớp để cấy lúa, trồng ngô". Cùng với đó, nhiều cô giáo về hưu rồi mà không có cả lương hưu vì số năm đóng bảo hiểm quá ít (phải 20 năm đóng bảo hiểm trở lên) mới được hưởng lương.
“Nông dân còn nghèo, nên thu nhập của giáo viên không thể khác” là nhận định của nhiều giáo viên. Huyện Sóc Sơn có 26 xã, trong đó có 8 xã miền núi, 10 xã đất bạc màu và 8 xã vùng chiêm trũng. Hiện tại, huyệncó 656 giáo viên mầm non ngoài biên chế. Học phí của các trường mầm non nông thôn ở đây phổ biến ở mức 50.000 đến 60.000 đồng/tháng/trẻ. Huyện Đông Anh cũng trong tình trạng tương tự. Đông Anh có 23 xã và 1 thị trấn, toàn huyện có 26 trường mầm non, trong đó có 2 trường tư thục, 1 trường công lập, 23 trường bán công nông thôn. Học phí của các trường bán công nông thôn phổ biến ở mức 50 đến 60.000 đồng/tháng/trẻ. Nhưng mức học phí ấy vẫn bị nhiều gia đình cho là quá cao. Có những gia đình cho con đi học nhưng cả năm vẫn không đóng tiền. Cuối năm, giáo viên phải đến tận nhà thu. Còn hiện tượng thất thu học phí năm nào cũng diễn ra, nhà trường đành chịu, vì dân không chịu nộp tiền, do vậy thu nhập của giáo viên cũng bị ảnh hưởng.
Do nghèo, nên nhiều khi nhà trường cũng không thể thực hiện được mục tiêu của ngành. Theo cô Đinh Thị Tuyến, hiệu trưởng trường mầm non thôn Vụ Bản, xã Minh Trí (Sóc Sơn), trẻ học 2 buổi/ngày, nhưng nhà trường không thể tổ chức ăn trưa. Bởi nhà trường vận động phụ huynh cho con học bán trú ở trường, mỗi cháu phải đóng thêm 4.000 đồng/bữa trưa/ngày. Có vị phụ huynh nói rằng một bữa cả nhà họ ăn cũng chỉ hết từng ấy tiền, giờ nếu nộp 4.000 cho con ăn trưa thì cả nhà chỉ có nhịn.
Bấp bênh theo nghề
Khác với ngành học phổ thông, lương bổng, thu nhập của cô giáo mầm non gắn với đặc thù loại hình trường mầm non. Câu hỏi lâu nay nhiều người vẫn băn khoăn: Vậy trường mầm non nông thôn thì được xếp vào loại hình gì?. “Không gọi là gì cả, chỉ là mầm non nông thôn thôi. Huyện Sóc Sơn hiện có 29 trường mầm non, trong số đó chỉ có 2 trường công lập, 2 trường của Quân đội, một trường của doanh nghiệp, còn lại 24 trường vẫn đang hoạt động dưới cái tên "trường mầm non nông thôn”, ông Nguyễn Trung Thành khẳng định. Theo Luật Giáo dục năm 2005 thì loại bỏ loại hình bán công, chỉ còn công lập, dân lập và tư thục. Như vậy, trên văn bản chẳng hề có loại hình trường nào là mầm non nông thôn. Bởi vậy, giáo viên trường không được phân biên chế, cũng không có quyết định thành lập, cơ sở vật chất chỉ do xã hỗ trợ, những trường mầm non nông thôn như Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn... đại diện cho biết bao trường mầm non nông thôn khác hiện chưa đủ điều kiện để xếp vào bất cứ loại hình nào chứ chưa nói đến chuyển đổi sang dân lập, tư thục. Đi liền với nó là chính sách với giáo viên mầm non nông thôn. Do các trường mầm non nông thôn thực chất vẫn là loại hình trường ngoài công lập, nên nhiều nơi có tâm lý phó mặc cho các xã, hợp tác xã lo, và các trường mầm non bị "buông". Nếu cứ phó mặc cho các địa phương tự lo thì ngành học này rất khó có chất lượng!.
Theo bà Lan Hương, trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Hà Nội), đến nay, Hà Nội chưa chuyển đổi được loại hình giáo dục mầm non từ bán công sang dân lập (vùng nông thôn) vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Hà Nội có 120 trường mầm non nông thôn trong diện này. Theo tinh thần Luật giáo dục 2005, loại hình trường này do cộng đồng dân cư đứng lên thành lập,nhưng khái niệm cộng đồng dân cư là không rõ ràng, do ai (thôn, bản, ấp) thành lập? Và chính cái vòng luẩn quẩn ấy làm cho đời sống của giáo viên mầm non nông thôn cứ mãi bấp bênh.
( Theo KTĐT )