Tại Lào Cai, Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa tổ chức hội nghị phát triển giáo dục mầm non (GDMN) 15 tỉnh miền núi phía bắc, bàn giải pháp cho công tác này đến năm 2012.
Năm năm qua, GDMN miền núi phía bắc có bước phát triển rõ rệt tăng cả về quy mô, mạng lưới trường lớp và số trẻ được đến trường. Ðến thời điểm này các tỉnh không còn xã trắng về GDMN. Số trẻ đến lớp mẫu giáo đạt 82,1% trong độ tuổi; trong đó mẫu giáo năm tuổi đạt 95,43%. Trẻ em dân tộc thiểu số chiếm 46,3% so với số trẻ đến trường.
Thực tế phát triển GDMN của các tỉnh miền núi phía bắc cho thấy nhận thức của các cấp ủy chính quyền, nhân dân về vấn đề này được nâng cao hơn trước. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được chú trọng và tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, do đặc điểm, địa bàn, khí hậu, do thói quen và sự hiểu biết hạn chế, do đời sống kinh tế nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ trẻ đến trường, nhất là khu vực nhà trẻ còn thấp, còn có sự chênh lệch lớn giữa phát triển GDMN vùng đô thị với vùng sâu, vùng xa, giữa các dân tộc. Chất lượng chăm sóc trẻ chưa có tính bền vững. Trẻ được tổ chức ăn bán trú còn thấp so với số trẻ đến trường.
Ðể đạt mục tiêu năm 2010 huy động trẻ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo, đạt 85 - 90%, 95-100% số trẻ năm tuổi đến mẫu giáo lớn và vùng đặc biệt khó khăn đạt tỷ lệ chung của toàn quốc, ngành GDMN chủ trương triển khai nhiều giải pháp mạnh.
Ðó là tăng tỷ lệ ngân sách thường xuyên chi cho GDMN từ 10% ngân sách giáo dục hằng năm trở lên, bảo đảm 15 - 20% ngân sách GDMN chi cho hoạt động dạy và học.
Thực hiện kiên cố hóa 14 nghìn phòng học, bảo đảm đủ phòng học cho mẫu giáo năm tuổi. Vận động trẻ mẫu giáo, từ năm tuổi vùng đặc biệt khó khăn đến lớp. Ðào tạo bổ sung để 2.500 giáo viên mầm non đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu mở rộng trường lớp trước mắt cho mẫu giáo, mẫu giáo năm tuổi tại các xã đặc biệt khó khăn. Tích cực triển khai đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ trình Chính phủ đề án phổ cập mẫu giáo năm tuổi phối hợp các bộ, ban, ngành triển khai thực hiện, tạo bước đột phá trong phát triển GDMN.
( Theo Nhan Dân )