Sau 2 năm Luật Giáo dục 2005, thay thế cho Luật Giáo dục 1998, được thực thi, Bộ GD-ĐT vừa cho tiến hành rà soát lại việc áp dụng quy định của Luật vào đời sống. Một trong những quy định gây nhiều tranh cãi nhất trong Luật Giáo dục 2005 là quy định chuyển đổi loại hình các trường mầm non (MN)...
Theo ông Nguyễn Văn Vui - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, quy định này chưa được thực tiễn xã hội chấp nhận, do vậy cần phải được xem xét lại.
Chưa thi hành do không nhận thức đúng?
Báo cáo của Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT cho rằng, hạn chế lớn nhất trong việc thi hành Luật Giáo dục đối với giáo dục MN là việc chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục.
Theo đó, quy định này của Luật Giáo dục chưa được nhận thức đầy đủ cả trong quản lý, điều hành và thực hiện.
“Tâm lý phổ biến vẫn ngại chuyển đổi loại hình bán công sang dân lập và tư thục do chưa nhận thức đúng về bản chất các loại hình nhà trường theo quy định mới” - ông Chu Hồng Thanh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.
Theo quy định của Luật Giáo dục 1998, loại hình trường MN bao gồm dân lập, bán công, tư thục và công lập. Tuy nhiên theo Luật Giáo dục 2005 chỉ còn 3 loại hình là công lập, dân lập và tư thục.
Để thực hiện quy định của Luật Giáo dục 2005, thì các trường MN bán công phải chuyển sang trường dân lập, tư thục trừ những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong đó, theo phân tích của Vụ Pháp chế, loại hình dân lập được hiểu là do cộng đồng dân cư địa phương thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động, được chính quyền địa phương hỗ trợ
Giáo dục mầm non đang có nhiều khó khăn chờ tháo gỡ .(Ảnh minh họa)
Thế nhưng, thực tế, ngay cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những thành phố kinh tế trọng điểm cũng gặp không ít khó khăn trong việc chuyển đổi vì như ông Nguyễn Văn Ngai - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh thì đến nay giáo dục MN chưa có sự đầu tư thỏa đáng, tương xứng với các thành phần khác.
“Việc đầu tư ngân sách hay huy động vốn xây dựng trường lớp MN đang bị bỏ ngỏ do không có quy định cụ thể về chính sách đầu tư cũng như phương thức huy động” - ông Nguyễn Văn Ngai khẳng định. Trên bối cảnh đó, nếu chuyển sang dân lập tức là cắt hẳn đầu tư của Nhà nước thì chắc chắn khó khăn của giáo dục MN sẽ lại chồng khó khăn.
Chưa có trường MN nào chuyển đổi thành công
Phát biểu về khó khăn của địa phương trong việc thực hiện quy định này, ông Lê Phước Long - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nếu phải thực hiện chuyển đổi từ bán công sang dân lập, tư thục theo thời gian quy định của luật thì tình trạng học sinh bỏ học sẽ tăng lên, do không đủ tiền nộp học phí và các khoản thu nộp khác theo quy định của các trường thuộc loại hình này”.
Theo ông Nguyễn Văn Vui, thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục MN bán công ở các địa phương đang tồn tại dưới hình thức Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư, trong đó Nhà nước vẫn giữ vai trò chính như cấp đất xây dựng trường, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho Hiệu trưởng và cán bộ trong biên chế…
“Báo cáo của các Sở GD-ĐT đều cho thấy đây là mô hình phù hợp với nông thôn và những nơi điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển. Cũng theo báo cáo của hầu hết các Sở thì hiện vẫn chưa thấy một tổ chức, cộng đồng dân cư tại thôn, bản, ấp, xã, thị trấn, cá nhân nào có đủ khả năng đứng ra xin thành lập trường MN dân lập theo đúng quy định”.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Vui cũng nhấn mạnh: “Luật có quy định Nhà nước hỗ trợ, nhưng có thể hiểu Nhà nước góp phần được đến đâu thì đến, thậm chí không bắt buộc. Nếu triển khai loại hình trường như thế, ngành học MN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nguy cơ trẻ em không được đến trường vì gia đình không đủ khả năng đóng học phí có thể bùng phát”.
Đây là những lý do giải thích cho sự việc tại sao cho đến nay, khi mà Luật Giáo dục mới đã được thực thi 2 năm nhưng vẫn chưa có địa phương nào chuyển đổi hoặc chuyển đổi thành công loại hình trường MN bán công ở xã, thị trấn sang loại hình trường MN dân lập theo đúng quy định của Luật.
Công lập tự chủ - dung hòa được các khó khăn?
Trong khi việc chuyển đổi từ loại hình trường MN bán công sang dân lập đang “đứng im” vì chưa được đa số phụ huynh, giáo viên chấp nhận, cũng chưa tạo cơ hội tốt hơn cho người học theo mục tiêu xã hội hóa thì có kiến nghị cho rằng nên chuyển đổi sang loại hình trường công lập tự chủ.
Theo ông Nguyễn Văn Vui, ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, hải đảo thì có thể chuyển cơ sở giáo dục bán công sang công lập do Nhà nước đầu tư hoàn toàn về tài chính, cơ sở vật chất… những vùng còn lại, cơ sở giáo dục bán công chuyển thành công lập tự chủ.
Trường công lập tự chủ được hiểu là những trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương cũng đã triển khai mô hình trường công lập tự chủ khá thành công.
Đây được cho là loại hình trường công lập do Nhà nước và nhân dân cùng làm có hiệu quả bởi các trường được quyền tự chủ toàn phần hoặc từng phần về tổ chức hoạt động, tài chính, từ đó góp phần thực hiện xã hội hóa giáo dục ở mức độ phù hợp.
( Theo ANTĐ )