TP.HCM hiện có trên 200 trường, gần 300 lớp mầm non (MN) dân lập, tư thục và khoảng 500 nhóm trẻ gia đình. Hệ thống MN ngoài công lập đã đáp ứng gần 50% chỗ học cho trẻ, đặc biệt là lứa tuổi nhà trẻ. Tuy nhiên sau một số tai nạn chết cháu xảy ra tại các lớp, nhóm trẻ... làm cho các bậc phụ huynh có cái nhìn thiếu thiện cảm với các trường ngoài công lập.
Xin đừng “vơ đũa cả nắm”
Bà Trần Như Kiều Liên, chủ Trường MN Tư thục Thanh Thảo - Q. Thủ Đức bức xúc: “Ở đâu cũng có kẻ xấu người tốt, dư luận không nên chỉ vì thấy một số nhóm, lớp để xảy ra tai nạn chết cháu mà nghĩ rằng tất cả các trường ngoài công lập đều xấu. Tôi nghĩ, chúng ta không nên vơ đũa cả nắm…”.
Còn bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường MN dân lập Ngô Thời Nhiệm, Q.9 thì cho rằng: “Phần lớn những người đầu tư xây dựng trường, lớp MN đều là những người có tâm huyết với giáo dục. Họ mở trường vì yêu thương trẻ em, vì muốn các cháu có được chỗ học an toàn chứ không phải vì lợi nhuận. Bởi “kinh doanh” giáo dục rất lâu có lãi. Chúng tôi đã phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng Trường MN dân lập Ngô Thời Nhiệm nhưng sau gần một năm mở trường mới chỉ thu nhận được 76 cháu. Với mức học phí chưa tới 2 triệu đồng/tháng, trong đó bao gồm tiền ăn của cháu, tiền lương của cô thì đến bao giờ chúng tôi mới thu hồi được vốn…”.
Năm học 2003-2004, Trường MN tư thục Mỹ Phước, Q.7 bắt đầu thu nhận trẻ. “Lúc đó chúng tôi chỉ nhận được 4 cháu, mỗi cháu một quốc tịch. Vì Mỹ Phước “sinh sau đẻ muộn” nên muốn có học sinh thì bắt buộc phải nhận trẻ nhóm nhà trẻ, 4 cháu theo học ở đây đều mới 4-5 tháng tuổi. Do đó việc chăm sóc trẻ rất cực và tốn kém nhưng chúng tôi lại không dám thu học phí cao. Mấy tháng đầu thu thường không đủ chi, tháng nào nhà trường cũng phải bù lỗ. Nếu không phải mình có “cái nghiệp” với nghề chăm sóc trẻ thì chúng tôi đã đóng cửa trường rồi. Bỏ ra 4 tỷ đồng để xây trường, đó là chưa kể tiền đất, tiền mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, vậy mà mấy tháng trời chỉ thu được 4 triệu đồng/tháng. Số tiền đó bao gồm cả tiền ăn của cháu, tiền lương của cô, tiền nhân viên phục vụ. Theo tôi, không phải ai đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục mầm non cũng vì mục đích kinh doanh cả…”, bà Lê Thị Miên - chủ trường cho biết.
Theo tìm hiểu, khá đông chủ các trường, lớp mầm non là những người từng gắn bó với ngành giáo dục. Một số là giảng viên các trường sư phạm mầm non, một số là hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, cán bộ quản lý bậc học mầm non…
Chất lượng không thua trường đạt chuẩn quốc gia
Bà Trịnh Thị Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục quận Bình Thạnh cho biết: “Bình Thạnh có một số trường làm khá tốt, nếu so sánh với các trường công lập thì không thua kém gì. Cơ sở vật chất ở đây sạch sẽ và khang trang, bếp ăn đặt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo viên và bảo mẫu đều đạt yêu cầu…”.
Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó chủ tịch UBND Q.7 khẳng định: “Q.7 là một quận mới, theo đó để đảm bảo chỗ học cho trẻ chúng tôi chỉ thông qua những dự án xây dựng chung cư nếu có kèm thêm trường mầm non. Ngoài ra, quận cũng luôn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân mở trường”. Vì vậy, Q.7 là quận có tỷ lệ trường MN ngoài công lập nhiều nhất thành phố và nhiều trường ở đây có chất lượng rất tốt… Trường MN tư thục Maika có trên 400 cháu/12 lớp và là một trong hai trường MN của thành phố thực hiện thí điểm mô hình “Ngôi nhà xanh”. “Ngôi nhà xanh” được coi như một công viên mini để trẻ trong và ngoài trường tới chơi. Còn Trường MN tư thục Mỹ Phước, Q.7 có 10 lớp với gần 300 cháu. Nếu so với các trường công thì sĩ số ở đây chỉ bằng một nửa, mỗi lớp chỉ có từ 20-30 cháu/2 giáo viên. Đặc biệt, trường mở hai lớp dạy theo phương pháp Montesori, ở đó trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học chung với nhau và các bé sẽ học hỏi lẫn nhau.
Bên cạnh các trường 100% Việt Nam, hệ thống ngoài công lập còn có sự đóng góp của các trường quốc tế. Trường MN Việt Úc là một điển hình. Trường bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2005-2006, thời gian đầu chỉ có 140 cháu nay tăng lên gần 400 cháu. Tại đây, học sinh vừa được học chương trình của Bộ GD-ĐT, vừa được học chương trình quốc tế. Sĩ số học sinh/ lớp là 18 cháu với hai giáo viên và một bảo mẫu.
( Báo Giáo Dục )