Giáo dục mầm non
   Nhiều giáo viên mầm non ở Sơn Dương, Tuyên Quang: Bị chồng “hành” vì... lương!?
 

Thu nhập không đủ ăn cơm với rau, giáo viên mầm non ở đây còn phải bỏ tiền ra đóng học phí cho học sinh. Mức trợ cấp thấp, áp lực gia đình... khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề. Chuyện bị chồng cấm không cho đi dạy, thậm chí bị chồng đánh vì cố tình lên lớp, không phải là cá biệt.

Đóng học phí bằng... ngô và sắn
Chị Triệu Thị Định, giáo viên Trường mầm non Tân Trào, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) có thâm niên 11 năm trong nghề nhưng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng không thời hạn. Chị bảo, bố mẹ nói cho con đi làm giáo viên mầm non nhưng cả nhà xác định coi như “đi làm từ thiện”, bởi lúc đó không được hưởng một khoản trợ cấp nào.


 11 năm trong nghề, chị Định (bên trái) vẫn là giáo viên hợp đồng.

Đến nay, mức thu nhập hàng tháng của chị ngoài số tiền 450.000đ trợ cấp của UBND huyện cộng với gần 200.000đ trích từ học phí của học sinh đóng hàng tháng cũng chỉ đủ trang trải cái ăn cho riêng mình. Chị đi dạy cả ngày, chồng làm nông nhưng có chưa đầy 1 sào ruộng khoán. Năm được mùa, số lúa thu về chỉ đủ ăn trong 3-4 tháng, đến ngày giáp hạt hay gặp lúc mất mùa thì cả nhà phải chạy bữa. Vậy nhưng đâu đã hết khổ.
 
Huyện vùng cao Sơn Dương (Tuyên Quang) có 829 giáo viên mầm non, trong đó diện hợp đồng không thời hạn là 637 người, gấp 6 lần giáo viên trong biên chế.
 
Được coi là nòng cốt trong giáo dục mầm non của huyện nhưng các giáo viên hợp đồng này mỗi tháng chỉ nhận được mức trợ cấp 450.000đ.
Có năm, cả trường đã hoàn thành việc đóng nộp học phí mà lớp chị không ít phụ huynh cứ lần lữa xin khất. Khi chị đến tận nhà thì biết những phụ huynh nọ đang phải chạy ăn từng bữa. Thấy cô giáo đến, họ lặng lẽ vét đấu ngô, cân sắn còn lại để đưa cô coi như... đóng học phí cho con. Cám cảnh, chị Định phải từ chối, về thuyết phục chồng lấy tiền nhà đi đóng tiền học cho học sinh.
 
Chung cảnh ngộ là chị Lan, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tân Trào. Thương học sinh vì sắp bị buộc nghỉ học nên chị đã phải đem cả tháng lương ra đóng hộ phụ huynh. Giờ học sinh đó đã học lớp 4 nhưng số tiền chị cho vay đóng học phí vẫn còn đó. Chị nhớ không phải để đòi lại số tiền mà coi đó như một kỉ niệm trong nghề giáo của mình.
 
Các giáo viên lâu năm trong nghề cũng cho biết, mức trợ cấp hiện tại vẫn không thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân các giáo viên. Từ chỗ làm không lương đến bây giờ được 450.000đ/tháng, các cô mầm non vẫn cố bám trụ chỉ để chờ được vào biên chế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, nhiều cô đã đứng lớp được 12 - 13 năm vẫn là giáo viên hợp đồng không thời hạn.
 
Chồng đánh vì không... bỏ nghề
 
Hầu hết các chị đã lập gia đình, có một đến hai con nhỏ, chồng đều ở nhà làm nông nên khó khăn chồng chất. Trước đây học sinh chỉ học buổi sáng hoặc chiều thì các chị còn được nghỉ một buổi để làm công việc nhà. Nay học sinh học cả ngày, các chị cũng phải sáng đi tối về. Việc nhà, việc đồng áng đều do chồng đảm nhiệm. Những chị được chồng cảm thông còn đỡ, không ít chị khi đi làm về là bị chồng mắng chửi. Những chị nào sống chung với gia đình nhà chồng mà không được thông cảm, còn khổ gấp bội. Mâu thuẫn gia đình xảy ra như cơm bữa.
 

Vừa chăm trẻ, các cô vừa canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền.

 
Thu nhập thấp, phải chịu áp lực về trách nhiệm đứng lớp cộng với áp lực từ gia đình, đã khiến không ít chị bỏ lớp hoặc chuyển sang làm công việc khác. Như trường hợp chị Ma Thị Lự, nguyên giáo viên Trường mầm non Minh Thanh, bị chồng đánh và cấm không cho lên lớp. Nhà chị cách trường ngót 20 km đường núi, đi lại vất vả, riêng tiền xăng xe đã ngốn gần hết tiền lương. Gặp mùa cưới hỏi là đi tong cả tháng lương. Không còn thời gian để làm công việc nhà, hàng tháng tiền lương chỉ đủ tiền xăng đã khiến ông chồng “ra quyết định”: Cấm đi dạy.
 
Chị Vũ Tuyết Nhung nguyên là Hiệu trưởng trường mầm non Minh Thanh (vừa chuyển về làm Hiệu trưởng trường mầm non Tân Trào) cho biết, nhiều lần đến trường, chị được phụ huynh và học sinh phản ánh, cô Lự đến lớp như người mất hồn, hay muộn giờ. Trực tiếp xuống lớp theo dõi và hỏi chuyện mới biết cô Lự bị chồng cấm không cho lên lớp, thậm chí nhiều lần cô còn bị đánh vì dám “trốn chồng” đi dạy. Ban giám hiệu nhà trường đã trực tiếp đến nhà giải thích, khuyên can nhưng không mang lại hiệu quả. Bỏ nghề thì tiếc, xa trẻ lại nhớ, nhưng không thể vì vậy mà đánh mất hạnh phúc gia đình, cuối cùng chị Lự đành phải xin nghỉ việc để ở nhà làm ruộng, chăm con.
 
Không chỉ các giáo viên đã lập gia đình không chịu nổi lương thấp buộc phải bỏ nghề, ngay cả những giáo viên trẻ mới vào nghề cũng chán nản. Trường hợp chị Trịnh Thị Thuỷ, quê ở Thanh Hoá, mới ra trường xin về làm giáo viên ở trường Minh Thanh, đã phải xin chấm dứt hợp đồng sau hai tháng, chỉ vì tiền lương không đủ thanh toán tiền thuê nhà, mua gạo.
 
Cũng theo chị Nhung, khi còn làm Hiệu trưởng trường mầm non Minh Thanh, trong vòng 3 tháng, chị đã phải giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động cho 7 giáo viên hợp đồng không thời hạn. Tình trạng trên dẫn đến sự thiếu hụt giáo viên, khiến cán bộ làm công tác quản lý phải lên đứng lớp. Hiện nay ở các trường mầm non vùng sâu, vùng xa như trường chị, để giữ chân giáo viên đang là bài toán chưa có lời giải.
 
Theo Giadinh.net

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


mn yên hùng

Đồng cảm.
Ngày gửi: 10/28/2008 10:35:44 AM

Cũng là một giáo viên Mầm Non tôi mong sẽ có nhiều các cấp lãnh đạo đọc được bài viết này và sẽ có giải pháp cho tình trạng này.


guest
Tìm sự chia sẻ.
Ngày gửi: 10/28/2008 1:01:42 PM


Hiện tại tôi cũng là một giáo viên mầm non nên hơn ai hết tôi hiểu đươc áp lực này từ nghề. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, không biết có bao nhiêu buồn tủi đến với mình nữa. Khen thì ít,bị coi thường vì nghề nhiều các bạn ạ. Đến trường từ bắt đầu 6h30 đến 5h có khi 6h mới về đến nhà, hôm nào chồng vui thì không sao còn buồn thì coi chừng đó, nào là: làm mà giờ này mới về, ai bắt làm việc tới bây giờ...Rồi còn con cái, công việc lặt vặt trong nhà.
Đâu phải lên lớp chỉ có dạy không các bạn thử hình dung một thời gian biểu của giáo viên mầm non bắt đầu từ 6h30 phút là bắt đầu đón trẻ, điểm danh, ăn sáng...liên tục đến 16h30 trả trẻ. Trong thờ gian đó còn dự giờ, thao giảng, kiểm tra...Hàng trăm việc đổ lên đầu...




mn_smc

Cần chia sẻ với GVMN
Ngày gửi: 10/30/2008 8:55:29 AM

Tôi cũng là GVMN công tác ở vùng núi khó khăn nhất của tỉnh LC. Đọc bài tôi thấy buồn vô cùng, tại sao GVMN lại khổ như vậy? Mong rằng các cấp lãnh đạo hãy quan tâm đến đời sống của các cô giáo MN, với thu nhập ít ỏi như vậy thì các cô sẽ sống ra sao?


guest
Chia sẻ
Ngày gửi: 10/30/2008 12:37:01 PM


Tôi tên là Ngô Đức Diệp Uyên, 24 tuổi, tôi ra trường được 2 năm, hiện đang học lên đại học, tôi thật sự rất hối hận khi theo học ngành mầm non, mới đầu thi vào mầm non, tôi không biết là có quá nhiều nỗi khổ như thế này, lương thì thấp, lại bị áp lực, và nghề không được xã hội coi trọng. Thi vào mầm non cũng là niềm đam mê và yêu trẻ từ bé, ngay lúc nhỏ tôi đã được tiếp xúc với các trẻ em, và tôi rất yêu trẻ em, lên quyết tâm của tôi là cô giáo của những em nhỏ, đáng yêu đó, nhưng giờ tôi đã thấy vô cùng hối hận, cũng may gia đình tôi không quá nghèo, lên hiện tại tôi không phải đi làm vẫn có gia đình tôi nuôi. Không phải ai cũng may mắn như tôi, tôi thật sự rất thương cho các bạn dồng nghiệp mầm non của mình.



guest

Cần thay đổi mức tiền cho giáo viên Mầm Non.
Ngày gửi: 11/2/2008 7:26:00 PM

Tôi cũng là giáo viên Mầm Non công tác trong miền Nam, cùng trong nghề nên tôi biết hoàn cảnh khó khăn của chị em, thật sự lương tôi lãnh được cũng không đủ trang trải cho cuộc sống. Bên cạnh đó giáo viên Mầm Non còn phải làm đồ dùng trang trí lớp, toàn lấy tiền túi của mình ra, lương đã ít mà còn phải nhiều thứ nữa. Tôi cần chính quyền xem xét lại mức lương của giáo viên Mầm Non hiện nay khi vật giá cứ tăng lên mà tiền lương thì tăng không được bao nhiêu.


guest
Chia sẻ
Ngày gửi: 11/3/2008 5:26:05 PM


Mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn đến tiền trợ cấp hành tháng cho giáo viên mầm non.



guest

Mong các cấp lãnh đạo giúp chúng tôi có mức lương tối thểiu để ổn định cuộc sống.
Ngày gửi: 11/3/2008 8:50:32 PM

Là một giáo viên mầm Non đang sống và làm việc ngay tại địa bàn thuộc nội thành Hà Nội mà tôi còn cảm thấy cuộc sống còn quá ư là vất vả. Với đồng lương 1.350.000 cùng với lương trường 500.000 một tháng mà phải dạy tới 68 cháu, lớp nhỏ có 2 cô chưa kể tiền ăn, tiền xăng xe và các khỏan đóng góp khác. Lương của tôi chỉ nuôi đủ bản thân tôi. Nhiều khi đi dạy tôi cảm thấy mệt mỏi và lòng nhiệt huyết với nghề bị giảm sút rất nhiều. Tôi mong các cấp lãnh đạo xem xét và có biện pháp tăng lương cho những giáo viên cũng được coi như giáo viên giống như giáo viên các cấp khác để chúng tôi yên tâm với nghề, đi làm mà không phải lo lắng. Tôi xin chân thành cám ơn!


guest
Chia sẻ.
Ngày gửi: 11/3/2008 11:11:18 PM


Có an cư thì mới lạc nghiệp. Có sống được bằng nghề thì mới có thể nhiệt huyết được với nghề. Tôi là một người có con học MN. Tôi thật sự lo lắng khi thấy các cô giáo MN chưa nuôi sống bản thân được bằng lương vậy còn con cái nữa thì sao. Giải pháp trước mắt chỗ chúng tôi đóng thêm 40.000 đồng/ tháng (gọi là tiền hỗ trợ trông trưa) tuy biết rằng chẳng có quy định nào đóng như vậy nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau đóng. Đề nghị các cấp liên quan sớm giải quyết thực trạng này. Tôi cũng đề nghị mọi người có tiếng nói chung để đem lại công bằng cho người lao động.



guest

Chai sẻ.
Ngày gửi: 11/4/2008 4:13:52 PM

Tôi đã theo học ngành Mầm Non và ra trường 1 năm, sau khi đi thục tậo 1 tháng ở trường về là tôi cảm thấy hối hận vì theo học nghề này và tôi quyết định bỏ nghề. Cũng may nhà tôi có điều kiện cho tôi mở shop kinh doanh chứ tôi mà đi dạy thì chịu không nổi vì lương quá thấp và đau đầu nữa. tôi thông cảm cho ai là giáo viên Mầm Non vì đã lỡ theo nghề rồi.


guest
Chia sẻ.
Ngày gửi: 11/4/2008 8:24:40 PM


Thật buồn vì nghề. Tôi cũng là một giáo viên mầm Non, tôi thật sự chia sẻ và mong các cấp sớm có giải pháp.



guest

Kiến nghị
Ngày gửi: 11/5/2008 8:50:04 AM

Tôi là một độc giả, khi được đọc bài viết trên tôi rất cảm động với các cô giáo mầm non. Là những người ươm mầm non cho đất nước, công lao rất lớn mà sự bồi dưỡng của xã hội rất ít. Tôi xin kiến nghị với các cấp lãnh đạo, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến giáo viên mầm non nói riêng, cũng như những người làm công tác giáo dục nói chung để làm sao cho các thầy cô giáo yên tâm công tác đưa nền giáo dục nước nhà phát triển sánh vai với các nước trên toàn thế giới.
T.B - ATK



guest
Lương - biết hỏi ai !
Ngày gửi: 11/9/2008 8:28:02 PM


Các bạn có biết lương của GVMN mới vào biên chế năm nay đến tháng 01-2009 mới có hay không, vậy từ tháng 9 đến lúc đó họ sống bằng gì, tất cả đều phải chờ giấy quyết định, thật không thể hiểu nổi! Rất mong các cấp lãnh đạo hãy có câu trả lời thật sớm cho mọi người được nhờ...



guest

oh, my god ! Mầm non!
Ngày gửi: 11/11/2008 6:57:53 PM

Tôi hiện là GVMN, tôi đã tự hào vì đã chịu đựng được những áp lực kinh khủng từ nghề này, và tôi rất tự hào vì ngành nghề này đã biến đổi tôi từ 1 người bình thường thành 1 siêu nhân.


guest
Thương thay các cô giáo Mầm Non
Ngày gửi: 6/16/2009 2:27:06 PM


Đọc các dòng tâm sự trên tôi thấy rất thông cảm với các cô giáo Mầm Non, tôi đề nghị các cấp lạnh đạo xem xét và tăng lương hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non kẻo đến năm 2010 sẽ không còn giáo viên mầm non nào chịu nổi.



guest

Thương các cô giáo mầm non
Ngày gửi: 5/16/2015 10:13:07 PM

Đọc bài viết này thấy buồn cho các cô.và lại nghĩ tới những thằng có tí chức quyền tham ô tham nhũng đục khoét của dân.chỉ mong sao cuộc sống luôn có sự công bằng và tình người


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chỗ học cho trẻ mầm non Hà Nội: "Liệu cơm gắp mắm" (25/10)
 “Mái Nhà Xanh” trong trường mầm non (25/10)
 Giáo viên mầm non vật lộn với áp lực (23/10)
 Quá tải tại các Trường mầm non ở Hà Nội: Thiếu quỹ đất xây trường (23/10)
 Trường tư thục “hút” hết cô giáo trường công lập (22/10)
 Hà Nội: Nhiều trường mầm non quá tải gấp 2 - 3 lần (21/10)
 Ngày 20/10 viết về “Người Mẹ thứ hai”. (21/10)
 Họp giao ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT (20/10)
 Tâm sự cô giáo Mầm Non. (19/10)
 Hành vi và thái độ của Giáo viên mầm non (17/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i