Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều giáo viên mầm non ở Sơn Dương, Tuyên Quang: Bị chồng “hành” vì... lương!?


Thu nhập không đủ ăn cơm với rau, giáo viên mầm non ở đây còn phải bỏ tiền ra đóng học phí cho học sinh. Mức trợ cấp thấp, áp lực gia đình... khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề. Chuyện bị chồng cấm không cho đi dạy, thậm chí bị chồng đánh vì cố tình lên lớp, không phải là cá biệt.

Đóng học phí bằng... ngô và sắn
Chị Triệu Thị Định, giáo viên Trường mầm non Tân Trào, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) có thâm niên 11 năm trong nghề nhưng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng không thời hạn. Chị bảo, bố mẹ nói cho con đi làm giáo viên mầm non nhưng cả nhà xác định coi như “đi làm từ thiện”, bởi lúc đó không được hưởng một khoản trợ cấp nào.


 11 năm trong nghề, chị Định (bên trái) vẫn là giáo viên hợp đồng.

Đến nay, mức thu nhập hàng tháng của chị ngoài số tiền 450.000đ trợ cấp của UBND huyện cộng với gần 200.000đ trích từ học phí của học sinh đóng hàng tháng cũng chỉ đủ trang trải cái ăn cho riêng mình. Chị đi dạy cả ngày, chồng làm nông nhưng có chưa đầy 1 sào ruộng khoán. Năm được mùa, số lúa thu về chỉ đủ ăn trong 3-4 tháng, đến ngày giáp hạt hay gặp lúc mất mùa thì cả nhà phải chạy bữa. Vậy nhưng đâu đã hết khổ.
 
Huyện vùng cao Sơn Dương (Tuyên Quang) có 829 giáo viên mầm non, trong đó diện hợp đồng không thời hạn là 637 người, gấp 6 lần giáo viên trong biên chế.
 
Được coi là nòng cốt trong giáo dục mầm non của huyện nhưng các giáo viên hợp đồng này mỗi tháng chỉ nhận được mức trợ cấp 450.000đ.
Có năm, cả trường đã hoàn thành việc đóng nộp học phí mà lớp chị không ít phụ huynh cứ lần lữa xin khất. Khi chị đến tận nhà thì biết những phụ huynh nọ đang phải chạy ăn từng bữa. Thấy cô giáo đến, họ lặng lẽ vét đấu ngô, cân sắn còn lại để đưa cô coi như... đóng học phí cho con. Cám cảnh, chị Định phải từ chối, về thuyết phục chồng lấy tiền nhà đi đóng tiền học cho học sinh.
 
Chung cảnh ngộ là chị Lan, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tân Trào. Thương học sinh vì sắp bị buộc nghỉ học nên chị đã phải đem cả tháng lương ra đóng hộ phụ huynh. Giờ học sinh đó đã học lớp 4 nhưng số tiền chị cho vay đóng học phí vẫn còn đó. Chị nhớ không phải để đòi lại số tiền mà coi đó như một kỉ niệm trong nghề giáo của mình.
 
Các giáo viên lâu năm trong nghề cũng cho biết, mức trợ cấp hiện tại vẫn không thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân các giáo viên. Từ chỗ làm không lương đến bây giờ được 450.000đ/tháng, các cô mầm non vẫn cố bám trụ chỉ để chờ được vào biên chế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, nhiều cô đã đứng lớp được 12 - 13 năm vẫn là giáo viên hợp đồng không thời hạn.
 
Chồng đánh vì không... bỏ nghề
 
Hầu hết các chị đã lập gia đình, có một đến hai con nhỏ, chồng đều ở nhà làm nông nên khó khăn chồng chất. Trước đây học sinh chỉ học buổi sáng hoặc chiều thì các chị còn được nghỉ một buổi để làm công việc nhà. Nay học sinh học cả ngày, các chị cũng phải sáng đi tối về. Việc nhà, việc đồng áng đều do chồng đảm nhiệm. Những chị được chồng cảm thông còn đỡ, không ít chị khi đi làm về là bị chồng mắng chửi. Những chị nào sống chung với gia đình nhà chồng mà không được thông cảm, còn khổ gấp bội. Mâu thuẫn gia đình xảy ra như cơm bữa.
 

Vừa chăm trẻ, các cô vừa canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền.

 
Thu nhập thấp, phải chịu áp lực về trách nhiệm đứng lớp cộng với áp lực từ gia đình, đã khiến không ít chị bỏ lớp hoặc chuyển sang làm công việc khác. Như trường hợp chị Ma Thị Lự, nguyên giáo viên Trường mầm non Minh Thanh, bị chồng đánh và cấm không cho lên lớp. Nhà chị cách trường ngót 20 km đường núi, đi lại vất vả, riêng tiền xăng xe đã ngốn gần hết tiền lương. Gặp mùa cưới hỏi là đi tong cả tháng lương. Không còn thời gian để làm công việc nhà, hàng tháng tiền lương chỉ đủ tiền xăng đã khiến ông chồng “ra quyết định”: Cấm đi dạy.
 
Chị Vũ Tuyết Nhung nguyên là Hiệu trưởng trường mầm non Minh Thanh (vừa chuyển về làm Hiệu trưởng trường mầm non Tân Trào) cho biết, nhiều lần đến trường, chị được phụ huynh và học sinh phản ánh, cô Lự đến lớp như người mất hồn, hay muộn giờ. Trực tiếp xuống lớp theo dõi và hỏi chuyện mới biết cô Lự bị chồng cấm không cho lên lớp, thậm chí nhiều lần cô còn bị đánh vì dám “trốn chồng” đi dạy. Ban giám hiệu nhà trường đã trực tiếp đến nhà giải thích, khuyên can nhưng không mang lại hiệu quả. Bỏ nghề thì tiếc, xa trẻ lại nhớ, nhưng không thể vì vậy mà đánh mất hạnh phúc gia đình, cuối cùng chị Lự đành phải xin nghỉ việc để ở nhà làm ruộng, chăm con.
 
Không chỉ các giáo viên đã lập gia đình không chịu nổi lương thấp buộc phải bỏ nghề, ngay cả những giáo viên trẻ mới vào nghề cũng chán nản. Trường hợp chị Trịnh Thị Thuỷ, quê ở Thanh Hoá, mới ra trường xin về làm giáo viên ở trường Minh Thanh, đã phải xin chấm dứt hợp đồng sau hai tháng, chỉ vì tiền lương không đủ thanh toán tiền thuê nhà, mua gạo.
 
Cũng theo chị Nhung, khi còn làm Hiệu trưởng trường mầm non Minh Thanh, trong vòng 3 tháng, chị đã phải giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động cho 7 giáo viên hợp đồng không thời hạn. Tình trạng trên dẫn đến sự thiếu hụt giáo viên, khiến cán bộ làm công tác quản lý phải lên đứng lớp. Hiện nay ở các trường mầm non vùng sâu, vùng xa như trường chị, để giữ chân giáo viên đang là bài toán chưa có lời giải.
 
Theo Giadinh.net